"Cái duyên nghiệp lính" - Nguyễn Duy Phiên BLL Sư đoàn 470 Bắc Ninh

Ngày đăng: 09:05 13/09/2016 Lượt xem: 469

 

CÁI DUYÊN NGHIỆP LÍNH

 

Nguyễn Duy Phiên

BLL Sư đoàn 470 Bắc Ninh

ĐT: 0967.718.959

 

 

 

 

    Tuổi hai mươi đi làm công nhân xây lắp điện được 4 năm thì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bắt đầu, tôi vào bộ đội ở Quân khu Đông Bắc, Quân khu Tả Ngạn, ba năm là cảm tình đối tượng kết nạp Đảng rồi được đi chiến trường.

  Lính thông tin lại là Tiểu đoàn thông tin cơ động nên Trường Sơn không mấy nơi không đến. VTĐ sóng ngắn, cực ngắn, HTĐ âm tần, cao tần, dây bọc, dây trần, ác quy, máy nổ, quân số, khí tài… tất tần tật “ Tham mưu trưởng Đại đội” C3, d326 được cán bộ, chiến sĩ ngưỡng mộ. Rồi cái gì phải đến đã đến: Vinh dự được kết nạp vào Đảng tại chiến trường Trung Lào ( tỉnh Xa-va-na-khẹt).

  Tháng 4 /1970 Mỹ giật dây bọn Lon-non, Xi-rich-ma-tắc đảo chính Chính phủ Xi-ha-núc ( quốc trưởng Cam-pu-chia). Duyên lắm mới được quyết định điều động vào BTL 470 do phó Chính ủy Đoàn 559 Bùi Đức Tạm ký. Mấy ông bạn tôi,nói: “…vào 470 là bốn bảy không, bồn bảy xa, bốn bảy lâu đấy ông Phiên ơi!” 5 năm son sắt với Tây Nguyên, vùng 3 biên giới ( Việt - Lào - Cam-pu-chia). Họ bảo đây là cái rốn Đông Dương (thời tiết khắc nghiệt: nắng ít, mưa nhiều, sốt rét ác tính,..) và là cái túi bom: chỉ 1 đêm( mùa khô 1973) từ ngã ba Phi Hà dến Tà Ngâu (BT37-SCH 470) cung đường này phải hứng chịu 1856 bom phá, 112 bom từ trường, 609 bom nổ chậm, 74 loạt mìn vướng, hàng vạn viên đạn Rốc két và pháo 20 ly, 40 ly. Thủy chung cho tới ngày kết thúc cuộc chiến tranh thì cái duyên nghiệp lính không còn: Trợ lý tham mưu Thông tin Sư đoàn tuổi 35, quân hàm Thiếu úy mãn tính (không phát triển nữa); Nghĩ…rồi làm ngay “ Tây Nguyên ở lại nhá, Quan họ tôi ra về.”

   Cứ tưởng cái duyên nghiệp lính đã hết, nhưng run rủi thế nào mà đồng đội cũ cử làm trưởng ban Ban liên lạc Sư đoàn, cái chức danh này chẳng danh lợi gì, chẳng ai dám nhận, có mà dở hơi, “có ngồi nhầm ghế không đấy?” vì mấy ông trung lưu không nhận trưởng ban, họ bảo: “ Anh trước đây làm việc ở thành phố lại quen biết các sếp…”, mấy anh em doanh nghiệp hiểu biết nhiều về thương trường, nhạy cảm hơn và khi đã tàng tàng đôi chén Nàng Vân thì thẳng thắn: đại gia họ tiền nhiều, vợ trẻ, con khôn, có như mấy anh em mình cái dân 3zờ ( vợ zà,con zốt, nhà zột), mà xem anh cũng chẳng khác dân Cô Zắc trong truyện “ Sông đông êm đềm”. Còn tôi, lại nghĩ: nhận làm việc này cũng như làm một việc Tử Tế sao lại là dở hơi(?), xin kể một mẩu chuyện “ dở hơi”: Năm 1976 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường Tổ chức Trung ương nói chuyện với học viên: “…dân tộc ta, và thế giới này đã có những người “ dở hơi” họ không sợ chết, dở hơi tới mức dám chết và đã chết để mà Tổ quốc ta, nhân dân ta phải quý trọng, phải phụng thờ…(nói tới đây Thủ tướng dừng lại hồi lâu đi lại trong giảng đường, chúng tôi  nghe và trợn mắt há mồm vì lạ lùng quá, rồi Thủ tướng nói tiếp) những người đó chính là Cù Chính Lan, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Lê Văn Tám, Thích Quảng Đức, Hăng-ri-max-tanh, Mo-ri-sơn,..” lúc này cả giảng đường vỡ òa ra trong tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô những “ người dở hơi” Anh hùng.

   Cái duyên nghiệp lính lại đến với tôi, ấy là năm 2014 nhân kỉ niệm 55 năm ngày mở đương Trường Sơn (19/5/1959) và năm 2015 kỉ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 470 (15/4/1970) các cấp hội phát động viết Ký ức Trường Sơn, Ký ức Sư đoàn. Hay quá, tôi nghĩ thế: viết ký ức là cơ hội để tạ ơn đồng đội và là địa chỉ đỏ nơi gặp nhau, nhất là các đồng chí hy sinh và đã mất để người thân của họ biết được ông, cha, chồng, con,.. của họ đã dâng hiến cuộc đời trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để Tổ quốc Việt Nam được rạng rỡ, vẻ vang; nhưng cũng vô cùng khốc nghiệt, để mỗi người phải tôn trọng, nâng niu cái giá của cuộc sống ngày nay.

  Một số bài ký được báo Bắc Ninh, website Hội Trường Sơn đăng tải và in sách Ký ức Trường Sơn, Ký ức Sư đoàn. Đọc giả không chỉ những người đã sống ở Trường Sơn mà cả những người thân của liệt sĩ, người đã mất, người đang sống mà tôi chưa hề biết đã alo cho tôi, chia sẻ tình cảm về giá trị bài viết đã nói về đơn vị, về người thân của họ được kính nể và rất quý yêu,… Xin kể một số người sau: Đồng chí Long ở Hà Giang, đồng chí Tín ở Hà Nam, đồng chí Do ở Quảng Bình, phu nhân Tư lệnh Hoàng Anh Vũ là bà Dương Thị Bích, con gái chính ủy Đặng Tính là chị Đặng Mai Phương ở Thành phố Hồ Chí Minh, con gái Phó Tư lệnh Đức Phương là chị Nguyễn Thị Hồng Thanh ở Thái Nguyên, con trai Tham mưu trưởng Nguyễn Quang Cảnh là anh Nguyễn Cảnh Phúc ở Đà Nẵng và đồng chí Nguyễn Thanh Mai cùng một số hội viên hội hữu nghị Việt –Lào tỉnh Đồng Nai đã ra thăm Bắc Ninh,  giao lưu với BLL Sư đoàn 470, cháu Phạm Tiến Dũng ở Hà Tĩnh (là cháu của liệt sĩ) đang học Đại học Y Hà Nội đã tới thăm khi tôi đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh.

   Cái duyên nghiệp lính đã cho tôi nhiều vinh dự, có cả niềm tự hào và hạnh phúc nhất đời tôi. Có mà mơ cũng không thấy.

 

Tháng 8 năm 2016

NDP

tin tức liên quan