Chớp giật Kỳ Sanh - Hồi ức của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 09:35 21/09/2016 Lượt xem: 632

                                                                      Chớp giật Kỳ Sanh.

                                                     Trung tá: Nguyễn Kim Chúc, Phó Trưởng BLL Sư đoàn 471 TS

                                        (Nguyên phân đội trưởng chỉ huy đoàn pháo binh 78 - Mặt trận Chu Lai)

 

Chu Lai - Giờ là một khu kinh tế sầm uất; có cảng nước sâu Kỳ Hà; có sân bay quốc tế. Nhiều người còn nhớ năm 1965 hàng trăm nghìn lính Mỹ đổ bộ vào Việt Nam trong đó có Chu Lai. Chu Lai biến thành căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ, để hàng ngày hàng trăm chiếc máy bay chất đầy bom đạn đánh phá miền Bắc nước ta; đánh phá tuyến đường Trường Sơn và gieo bao đau thương tang tóc cho dân ta. Năm 1969 - 1970 tôi là Phân đội trưởng chỉ huy đoàn pháo binh 78 chuyên đánh phá Chu Lai. Xin kể với các đồng chí một trong những trận đánh mà tôi được tham dự.

*     *

*

Cuối tháng 1 năm 1970, mọi công tác chuẩn bị cho những trận đánh lớn vào căn cứ Mỹ ở Chu Lai của đoàn pháo binh 78 đã được hoàn tất. Dưới sự chỉ huy của Đoàn trưởng Khổng Doãn Hạng - một sỹ quan chỉ huy pháo binh dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm chỉ huy đánh phá căn cứ, tinh thông nghiệp vụ. Phân đội chỉ huy chúng tôi đã thực hiện tốt mọi yêu cầu của anh. Đáng kể nhất là việc nắm tình hình địch trong căn cứ, đo đạc xác định toạ độ mục tiêu cần bắn phá. Căn cứ Chu Lai rộng lớn đầy binh lính Mỹ và phương tiện chiến tranh hiện đại. Từ cảng Kỳ Hà ở phía Bắc nơi neo đậu nhiều tàu chiến, đến điểm cao 51 - nơi đặt sở chỉ huy của sư đoàn Amênicơn với nhiều dàn Ra - đa hiện đại. Xuôi về Nam là sân bay trinh sát cánh quạt rồi sân bay phản lực và vận tải cỡ lớn với đường băng dài gần 4.000m chạy dài theo hướng Tây bắc – Đông nam. Sát biển là khu ở của giặc lái, khu trực thăng Trung Am; kho chứa bom đạn, kho xăng 8 bồn, 16 bồn… luôn bị ống kính của chúng tôi kiểm soát.

Dưới sự chỉ huy của anh Hạng, phân đội chỉ huy của chúng tôi còn tìm đặt và xác định toạ độ các trận địa để thiết bị đạn bắn phá Chu Lai. Mỹ nguỵ dồn dân về sống ở vùng chúng kiểm soát nên cả một vùng rộng lớn ở cánh Bắc (Kỳ Sanh - Quảng Nam) và cánh Nam (Bình Chánh - Quảng Ngãi) không còn dân cư trú rất tốt cho chúng ta đặt trận địa bắn. Bọn Mỹ hy vọng vào những đại đội bộ binh trú quân cơ động ở những vùng này mà ta quen gọi là “Mỹ lết”. Nhưng bọn “Mỹ lết” này nhiều lần bị bẫy mìn của du kích ta nên bọn chúng không dám lùng sục thành ra vô dụng. Khoảng hai giờ chiều bọn “Mỹ lết” được trực thăng tiếp tế đồ ăn. Ăn xong chúng di chuyển vị trí. Tới vị trí mới chúng lại bắn ầm ĩ, căng bạt ngủ yên tại chỗ qua đêm. Vì vậy đêm xuống là ta làm chủ. Tất cả các vị trí có thể đặt được trận địa bắn đều được chúng tôi đo đạc xác định toạ độ, trinh sát khí tượng: đo áp xuất không khí, nhiệt độ không khí, hướng gió và tốc độ gió …

Tư lệnh pháo binh khu 5 Ngọc Anh cùng với các sỹ quan dày dạn kinh nghiệm: Thiếu tá Cầm, thượng uý Sâm … rất hài lòng với sự chuẩn bị kỹ càng của chúng tôi. Tư lệnh pháo binh quân khu ra lệnh tổ chức một trận đánh để kiểm tra các phần tử bắn; thử phản ứng của địch và tìm cách đánh bọn Mỹ tràn vào trận địa ta.

Trận đánh mang nhiều mục đích này được chúng tôi gấp rút chuẩn bị. Trước hết phải luyện tập thành thục thao tác thiết bị bắn ứng dụng bằng nạng gỗ cây rừng. Loại đạn được lựa chọn là hoả tiễn 122 ly (ĐKB). Ở Liên Xô chúng được đặt trên xe với nhiều nòng. Về Việt Nam các kỹ sư quân giới cải tiến thành một nòng có lẫy hãm và gờ xoắn ¼ để giữ đạn đi đúng hướng. Đưa vào chiến trường miền Nam cũng không thể bắn có nòng. Vì bắn có nòng tốc độ rất chậm, khi phóng lên động cơ hoạt động phụt ra cột lửa tới 250m là lộ vị trí trận địa. Tức thì chỉ vài phút sau pháo địch đã rải khắp trận địa. Vì vậy phải thiết bị bắn ứng dụng. Ở tư thế bắn quả đạn dài 2m nặng hơn 50kg được giá lên nạng gỗ lấy đúng hướng bắn; góc bắn hoàn toàn bằng thủ công thật không dễ dàng gì. Rồi đấu nối điện tính toán kỹ để khi ấn nút hàng chục, hàng trăm quả đạn được phóng lên cùng một lúc. Các pháo thủ đoàn pháo binh 78 rất thành thạo phương pháp bắn ứng dụng này và chưa có sai sót nào trong các trận đánh trước đây.

Đêm 25 tháng 2 năm 1970, các pháo thủ chiếm lĩnh trận địa ở gò Yên Ngựa thôn 8 Kỳ Sanh. Thiết bị ba cụm bắn mỗi cụm 6 hoả tiễn 122ly nhằm 3 mục tiêu: sân bay cánh quạt; sân bay phản lực và kho xăng 8 bồn. Bọn “Mỹ lết” dưới cánh đồng không hay biết gì hành động của chúng tôi. Trung đội công binh của quân khu về tăng cường bố trí những bẫy mìn định hướng (ĐH10) nhằm khi trực thăng đổ quân mò tới những trái mìn này sẽ “đón tiếp” chúng.

Anh Hạng ở đài quan sát chính cùng với các đồng chí Phòng Pháo binh quân khu bố trí trên điểm cao 707 thuộc dãy Hòn Rơm. Tôi phụ trách đài phụ ở cánh phải trên cao điểm 692 thuộc dãy núi Răng Cưa. Các đài quan sát và trận địa bắn liên lạc với nhau bằng đài 2w, khi nổ súng mới đàm thoại. 8 giờ 15  ngày 26 tháng 2 trời quang, nắng trải đều căn cứ Chu Lai, quan sát tốt. Lệnh bắn! Phía Kỳ Sanh chớp giật. Qua ống kính cả 18 quả đạn đều trúng mục tiêu. Pháo binh địch phản ứng tức thì. Mới đầu là cối 81, cối 106,7 sau đó đạn các cỡ từ các trận địa pháo của địch bắn dồn dập vào trận địa ta. Trực thăng vũ trang, chở quân quần đảo khu vực Kỳ Sanh … khoảng một giờ sau đó bầu trời Kỳ Sanh chỉ còn hai chiếc OV10 quần thảo và những loạt pháo bắn vào bìa rừng nơi chúng nghi ngờ có quân ta.

Trận đánh diễn ra mau lẹ, tất cả các quả đạn đều được phóng hết rơi trúng mục tiêu. Điều đó chứng tỏ việc xác định toạ độ, tính toán phần tử bắn và cuối cùng là thao tác bắn ứng dụng, đấu nối thiết bị điện là chuẩn xác. Cũng như mọi trận trước đó chừng 5 phút sau đã có những chùm pháo địch bắn vào trận địa ta, 15 phút sau Mỹ đã đổ quân xuống khu vực trận địa. Lần này chúng phản ứng nhanh hơn, có thể do ta hơn 8 giờ mới bắn cũng là lúc bọn Mỹ sẵn sàng chiến đấu cao. Pháo địch trùm lên trận địa ta, máy bay trực thăng đã quần thảo trên đầu. Các đồng chí công binh kích nổ những trái ĐH10  hơi sớm nên chưa diệt được máy bay trực thăng. Bọn Mỹ biết ở trận địa ta có lực lượng chốt giữ nên chúng không dám đổ quân xuống trận địa ta như trước …

Trận đánh mang nhiều mục đích này diễn ra đúng như mong đợi. Đồng thời còn giúp cho những nhà hoạch định những trận đánh lớn tổ chức lực lượng vận tải cung cấp đủ đạn cho các trận địa bắn trong điều kiện địch phong toả dầy đặc không thể tập kết đạn trước cho các hướng. Hơn hai tháng sau đó hàng ngàn chiến sỹ vận chuyển đạn từ cách xa hàng trăm cây số, nhanh chóng, bí mật cung cấp đủ đạn cho các trận địa bắn, không bị thất lạc, không bị nhầm lẫn lô liều, an toàn tuyệt đối về người. Để rồi 6 giờ sáng ngày 4 tháng 5 năm 1970 gần 700 quả đạn hoả tiễn 122ly nổ rền trong căn cứ Chu Lai. Rồi 6 giờ sáng hôm sau 5.5.1970 hơn 100 trái hoả tiễn 122ly nữa lại trút lửa vào bọn xâm lược Mỹ ở Chu Lai. Đòn đánh bồi này làm cho Chu Lai tê liệt hoàn toàn. Đoàn pháo binh 78 được thưởng Huân chương Quân công hạng 2.

Hơn 46 năm đã trôi qua, chúng tôi không thể quên trận đánh mang nhiều mục đích này. Một trận đánh dài nhất của chúng tôi khi ấy. Các trận khác, điểm hoả xong chúng tôi rút khỏi trận địa ngay. Trận này còn thêm một tổ công binh nữa. Điểm hoả xong các chiến sỹ quả cảm của ta còn chốt lại trong khi không có công sự kiên cố, không có sự yểm trợ, chờ Mỹ tới đánh. Bọn Mỹ phản ứng rất nhanh ta rút ra không kịp nên bị hy sinh hai đồng chí, một đồng chí trinh sát bị thương. Chiến sỹ ta thật quả cảm, thật anh hùng./.

tin tức liên quan