Nguồn:Trang thông tinh điện tử Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Khi nghe tôi báo tin sắp tới, ra Ba Đồn, tôi sẽ tặng ông bức ảnh quý Bác Hồ chúc rượu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau Chiến dịch Điện Biên Phủ như đã hứa, ở đầu giây bên kia, giọng ông nghẹ ngào và run run...”
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy
Tuy chỉ là qua điện thoại, nhưng tôi biết phút giây đó ông rất xúc động và hạnh phúc, vì không chỉ 6 năm qua, mà trong thời gian tiếp theo, cái “thư viện mi ni” về Bác kính yêu của ông sẽ có thêm nhiều người tìm đến tham quan, học tập và chia sẻ, còn công việc sưu tập các tư liệu về Bác sẽ càng có thêm ý nghĩa và giá trị. Ông - người tôi nói đến là Nguyễn Quang Huy, cựu chiến binh tổ dân phố 3, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Tận mắt tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu một kho tư liệu quý giá, phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà ông Nguyễn Quang Huy, nhiều người không khỏi khâm phục, kính trọng trước tình cảm thiêng liêng mà ông đã dành cho Bác cũng như đức tính cần cù, chịu khó của ông khi đã dành rất nhiều công sức, tiền của để đi khắp nơi sưu tầm, tập hợp các loại tranh ảnh, tư liệu về Bác. Những hình ảnh trưng bày ở “Góc Bác Hồ” tại nhà ông đã là nguồn tư liệu quý giúp ích cho nhiều tập thể, cá nhân ở huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trước đây, việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua.
Về gia thế, nhiều người Ba Đồn biết ông chính là anh trai của hai nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Vinh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1966, ông Nguyễn Quang Huy đã nhập ngũ vào một đơn vị bộ đội tham gia phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Năm 1968, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hòa bình lập lại, ông nghỉ hưu. Ông từng vinh dự được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn tặng thưởng Kỷ niệm chương chiến sỹ Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Bà Phạm Thị Minh Khuyên, một cán bộ hưu trí, vợ ông cũng là một đảng viên có trên 40 năm tuổi Đảng. Người con gái út của ông Huy là chị Nguyễn Thị Việt Hằng cũng là một đảng viên trẻ.
Những cuốn sách chép tay về Bác Hồ của ông Huy
Kể về quá trình đi sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu, tranh ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi lập ra “thư viện mi ni” về Bác tại nhà, ông Nguyễn Quang Huy cho biết: “Cả vợ con tôi đều là đảng viên, nên công việc sưu tập các tư liệu bài viết, tranh ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Năm 2007, Đảng bộ thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch cũ triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thấy nguồn tư liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, học tập về tấm gương đạo đức của Bác cho cán bộ, đảng viên ở đây còn ít, tôi liền có ý định sưu tập các tư liệu tranh ảnh, các bài viết về Bác trên nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau…”.
Tuy đã về hưu, nguồn sách báo tại gia đình không nhiều, nhưng vì có ý định sưu tập các tư liệu về Bác Hồ, nên hàng ngày, ông Huy thường đạp xe đi nhiều nơi để tìm mượn các loại báo chí. Hàng tháng, mỗi lần nhận được lương hưu, ông đạp xe một vòng quanh huyện Quảng Trạch để tìm mua các loại sách báo cũ có các bài viết, tranh ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu may mắn xin hoặc mua được những tờ báo cũ đem về, thì ông có thể cắt nguyên cả bài báo viết về Bác Hồ rồi lưu giữ cẩn thận làm tư liệu. Nếu không xin hoặc mua được, thì ông mượn lại mang về nhà, rồi thuê thợ chụp lại những bức ảnh về Bác, tranh thủ ngày đêm, ông và bà chép tay cẩn thận cả bài viết vào cuốn sổ của mình để kịp mang trả báo theo đúng hẹn.
Tuy 6 năm là một khoảng thời gian chưa dài, nhưng với tình cảm tri ân đặc biệt với Bác Hồ, bằng suy nghĩ hết sức nghiêm túc, đến nay cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy đã sưu tầm được hơn 600 bức ảnh về Bác, hơn 400 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bức ảnh về quê hương Ba Đồn để đóng thành tập rất đẹp và kỳ công. Cùng với đó là gần 400 bài viết về Bác trên các loại sách, báo, tư liệu khác nhau và chép tay toàn bộ được 5 cuốn sổ từ tập I đến tập V./.