SƯ ĐOÀN TÔI LẬT CÁNH VỀ NAM
NGUYỄN HOÀNG CCB - F471 TS
Đội hình của một trong 4 trung đoàn thuộc Sư đoàn 471 ở căn cứ Sê Sụ,
chuẩn bị xuất kích đi Đông Nam bộ, tháng 2/1975.
Ảnh tư liệu: Phạm Thành Long
13 giờ 15 phút ngày 20 - 11 - 1974, chiếc GAT69 đít vuông biển số FBX1759 rời Sở chỉ huy sư đoàn ở Tân Lâm - Đấu Mầu (Quảng Trị) ngược đường 9 trở lại chiến trường xưa. Trên xe gồm 6 thành viên: Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hậu, trợ lý kế hoạch Phồn, công vụ Mẫn, lái xe và tôi - trợ lý tham mưu tác chiến. Đoàn có nhiệm vụ lập Sở chỉ huy Tiền phương sư đoàn ở Sê Sụ (Nam Lào) giáp với vùng ngã ba Đông Dương.
Xe mát ga lao nhanh trên đường 9. Phía trước, trời bừng sáng nhưng phía sau - phía biển - mây đen vẫn ùn ùn kéo tới và lại là những cơn mưa dai dẳng, mưa chéo mặt người, lạnh buốt. Hơn một tháng trú chân ở Tân Lâm - Đầu Mầu bên bờ sông Trinh Hin chúng tôi thấu hiểu vùng đất bão gió khắc nghiệt này. Nhưng giờ phải xa nó, xa ánh điện, xa sinh hoạt theo nề nếp chính quy mà phải mất bao năm mới có được trong lòng cũng đầy nỗi nhớ nhung.
Sư đoàn chúng tôi mang phiên hiệu 471 - ô tô vận tải là một trong 9 sư đoàn binh chủng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn khi ấy và chỉ có sư đoàn 471 lại phải làm một cuộc hành quân về lại phương Nam nhận vị trí xuất phát tiến công hoàn toàn mới. Chiếc GAT69 biển số FBX1759 chở chúng tôi đi lập Sở chỉ huy Tiền phương, cũng là lúc các trung đoàn xe 17, 32, 33, 536 trực thuộc sư đoàn đã hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng. Hàng hóa đã chất lên xe sẵn sàng di chuyển về phía Nam hơn 500km về Sê Sụ lập hậu căn cứ xuất phát chở hàng cho Tây Nguyên, cho Bộ Tư lệnh Miền đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường.
Xe ngược đường 9 vào đất Lào, bỏ lại sau lưng miền đất vẫn còn mưa bão. Đã qua hai mùa mưa không còn bom rơi, đạn nổ, cây cối đã xanh trở lại. Mặt đường được di tu bảo dưỡng xe chạy khá thoải mái. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Chúng tôi giữ vững liên lạc với Sở chỉ huy cơ bản và được biết: Các trung đoàn xe đã sẵn sàng lên đường, đồng thời chỉ thị cho đoàn chúng tôi nhanh chóng nắm quyền chỉ huy Tiền phương ở Sê Sụ. Các thành viên trong xe đều hiểu rõ nhiệm vụ cấp bách của mình và theo đuổi những tính toán riêng. Tham Mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng tỏ rõ sự nôn nóng muốn nhanh tới vị trí; trợ lý kế hoạch Phồn cuốn sổ trong tay luôn ghi chép những cung trạm, tình hình đường sá; Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Hậu có phần yên tâm hơn cả; còn cậu lái xe trẻ vẫn thế. Thấy các em công binh 472 trải đá nền đường, cậu thò đầu ra trêu trọc:
- Đường lầy lắm! “chống lầy” đi.
- Không chống được. Các cô đồng thanh đáp trả rồi ném đá nhỏ theo xe làm náo loạn cả cung đường. Thật vui!
Về lại chiến trường xưa kỷ niệm cũ ùa về. Những năm trước chính mảnh đất này, chúng tôi đã phải trả bằng máu của người lính với mỗi tấn hàng tới mặt trận. Cứ nhìn vào biên chế sẽ rõ. Trên tất cả các khu vực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn cứ một tiểu đoàn xe vận tải phải có đến hai tiểu đoàn công binh đảm bảo cầu đường khu vực; một tới hai tiểu đoàn cao xạ; một tiểu đoàn bộ binh có trang bị súng máy cao xạ 12ly7 và các đơn vị kho hàng, giao liên, xăng dầu, quân y … Giờ chúng tôi lên Sư đoàn ô tô vận tải 471 đảm trách tuyến trong từ Sê Sụ đi các hướng chiến trường, phía ngoài là Sư đoàn ô tô vận tải 571 lập chân hàng cho chúng tôi ở Sê Sụ.
Vào tới Sê Sụ chiều tối hôm trước, ngay sáng hôm sau chúng tôi đã phải tổ chức ngay mạng thông tin liên lạc, thị sát vùng Sê Sụ. Chưa thị sát hết toàn bộ khu vực trú quân coo Sư đoàn thì xe của các bộ phận đi trước của cơ quan và các trung đoàn đã vào tới Sê Sụ. Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng đành phải phân khu vực trú quân cho các đơn vị trên bản đồ rồi lên chiếc GAT63 đoàn tiền trạm lại lên đường. Phó phòng Kỹ thuật Hậu ở lại Sê Sụ triển khai công tác đảm bảo kỹ thuật. Trên xe chỉ còn lại Tham mưu trưởng Quảng cùng cánh sỹ quan tham mưu chúng tôi.
Chỉ mất hai ngày đoàn chúng tôi đã thị sát xong tuyến Sê Sụ - Đông Nam bộ dài hơn 450km. Ra tới Sê Sụ thì các trung đoàn, các đơn vị trực thuộc đã chiếm lĩnh xong vị trí, các xe đầy ắp hàng đã lên đường đi Đông Nam bộ chạy đua với thời gian, tất cả cho chiến trường. Cơ quan tham mưu đã xác lập các cung đoạn Sê Sụ - Đông Nam bộ: Từ Sê Sụ vượt qua đèo AmPun qua ngã ba Đông Dương theo tuyến tây Trường Sơn về Nam Bộ. Với 450km này xác định đội hình tiểu đoàn tập trung sẽ thực hiện 4 ngày đêm/chuyến.
Đầu tháng 12 năm 1974, Sê Sụ trở thành Sở chỉ huy Cơ bản của Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn. Thực hiện quyết định của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, cơ quan tham mưu cùng các trung đoàn 17, 32, 33, 536 tổ chức thực hiện để khắc phục các trở ngại: về kỹ thuật, đảm bảo hệ số sử dụng xe, về phương thức tiếp xăng dầu, về bốc xếp hàng hóa, về tổ chức ăn nghỉ cho người lái và thợ kỹ thuật trên đường, về tổ chức chỉ huy đội hình xe … Từ đó rút ngắn được thời gian từ 4 ngày dêm xuống còn 3 ngày đêm/chuyến.
Cục diện chiến trường diễn biến mau lẹ. Xe của 471 chúng tôi chở toàn bộ hai Sư đoàn 968, 316 vượt ngã ba Đông Dương vào Tây Nguyên. Chở Sư đoàn 10 từ bắc Tây Nguyên về Đức Lập … mà địch vẫn không hay biết gì. Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, lực lượng xe của 471 chúng tôi lại chở các chiến sỹ Sư đoàn 320, 968, 316 truy kích địch trên đường 7 và giải phóng duyên hải miền Trung. Địch cũng không để chúng tôi yên. Chiều 31.12.1974 một tốp A37 đánh vào đội hình xe của 471 ở ngầm Sê Sụ và cũng là trận mở đầu cho chiến dịch địch ngăn cản ta trên đường chiến lược. Trận tổn thất lớn nhất của Sư đoàn chúng tôi là ngày 14.3.1975. Một tốp A37 đánh vào đội hình xe của d62 và d68 thuộc e32 làm cháy 5 xe, hỏng 20 xe, 5 cán bộ chiến sỹ hy sinh. Vượt qua mọi thử thách, cán bộ chiến sỹ trong Sư đoàn càng quyết tâm cao.
Sư đoàn 471 luôn nhận khó khăn về mình nhường thuận lợi cho lực lượng đi thẳng. Khi các đoàn xe đi vào ngày càng nhiều gây nên tắc cục bộ trên đèo AmPun. Sư đoàn 471 xin được lập chốt điều tiết giao thông trên đèo, đổi xe tốt của 471 cho các xe hỏng của các đoàn đi thẳng. Mệnh lệnh: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa!”của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp vang dậy đất trời cũng là lúc 16 tiểu đoàn xe với gần 3.000 xe đại xa của Sư đoàn 471 rầm rập chở đạn pháo lớn ngoài kế hoạch cho trận chiến quyết định. Xe của 471 chở cán bộ chiến sỹ Quân đoàn 3; Quân đoàn 1; các đơn vị tham chiến … tiến công giải phóng Sài Gòn và các vùng phụ cận thu non sông về một mối. Ngày 15.5.1975, các xe của 471 lại được chở các đội diễu binh ở thành phố mang tên Bác. Với những chiến công đó ngày 3.6.1976, Sư đoàn ô tô vận tải 471 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa, phiên hiệu Sư đoàn 471 Trường Sơn anh hùng không còn trong biên chế. Nhưng hàng nghìn CCB Sư đoàn 471 Trường Sơn các thời kỳ hàng năm vẫn gặp mặt nhau. Và cứ đến ngày 20 tháng 11, các sỹ quan tham mưu Sư đoàn 471 năm xưa lại gặp nhau tại nhà Đại tá Nguyễn Thuận Quảng, nguyên tham mưu trưởng, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn để nhớ ngày Sư đoàn lật cánh về Nam sát cánh cùng các đoàn quân chủ lực làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975. Những CCB 471 năm xưa lại cùng nhau họp bàn xây dựng Hội 471 Trường Sơn theo tư tưởng chỉ đạo: “Tập hợp - Đoàn kết - Tổ chức vững chắc - Hoạt động hiệu quả” để gìn giữ và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn và làm tốt nghĩa tình đồng đội.