Một kỷ niệm thật cảm động của Thiếu tướng Hoàng Kiền với Võ Đại tướng
ĐẠI TƯỚNG VỚI HANG CỐC BÓ
Tôi viết bài này xin gửi tới các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, những người kính trọng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc để biết thêm những sự kiện...
Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập QĐNDVN, 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến, trong không khí đón mừng của cả nước, rộn lên trong lòng tôi những kỷ niệm trào dâng. Một kỷ niệm thật sâu sắc về Võ Đại Tướng với hang Cốc Bó, luôn in đậm trong tâm trí tôi. Hôm nay xin kể lại mấy điều mong cung cấp cho các đồng chí và các bạn những thông tin thiết thực về một sự kiện, một con người, một di tích lịch sử.
Vào một buổi sáng tháng 7/2005, tôi đang trong phòng làm việc thì Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ nguyên Giáp gọi điện nói: Anh Văn giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh lên kiểm tra lại hang Cốc Bó về báo cáo. Tôi cứ băn khoăn mãi, đã hai lần hai đồng chí lên kiểm tra về báo cáo với cấp trên là hang Cốc Bó không việc gì. Tôi quyết định trực tiếp giao cho đại tá Nguyễn Thanh Sơn giám đốc Trung Tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng của Binh chủng Công binh đưa một tổ khảo sát mang theo máy quay camera lên quay phim kết hợp đo đạc khảo sát toàn bộ khu vực Cốc Bó và trọng tâm là hang Cốc Bó. Khi khảo sát về chúng tôi cũng không phát hiện ra điều gì lạ trong hang, đều bảo nhau rằng hang vẫn như cũ.
Tôi điện cho anh Huyên để báo cáo với Đại tướng là chúng tôi đã khảo sát xong. Đại tướng dành ra cả một buổi sáng để nghe chúng tôi báo cáo và xem trên màn hình toàn cảnh khu vực và chi tiết trong hang Cốc Bó. Cùng ngồi dự có Phu nhân đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên thư ký của đại tướng, anh Võ Hồng Nam con trai Đại tướng. Đại tướng chăm chú theo dõi màn hình, rồi bảo khối đá to ở giữa hang kia là bị đánh sập từ nóc xuống, Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi gõ tay xuống mặt bàn mấy lần nói: Tại sao họ lại đánh sập cái hang này? Tại sao họ lại đánh sập cái hang này?. Hang Cốc Bó bị quân lính của họ dùng bộc phá đánh sập nóc hang trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Sau gần ba chục năm người thăm quan nhiều sờ vào làm nhẵn mòn mặt mảng đá, nếu không có camera quay lại để Đại tướng xem chỉ ra thì cũng không ai biết là hang bị sập.
Đại tướng giảng giải cho chúng tôi: ngày 28/1 năm 1941 Bác Hồ sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Bác qua Trung Quốc trở về. Tôi đón Bác và đây là địa điểm dừng chân đầu tiên. Hai bác cháu nằm trong hang này tâm sự 7 đêm. Bác nằm trên chiếc phản gỗ, còn Tôi nằm trên cái chiếu dưới đất bên cạnh. Chính tảng đá họ đánh sập đè lên chỗ Bác và Tôi nằm.
Bác nói: Chú Văn ạ, người làm cách mạng trước hết phải biết dĩ công vi thượng ( có nghĩa là phải đặt lợi ích cách mạng lên trên hết). Cách mạng Việt Nam là phải tiến hành vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Suốt đời tôi không bao giờ quên lời căn dặn này. Cũng tại nơi đây từ ngày 10-19/5/1941 hội nghị TW 8 do Bác chủ trì đã bàn về chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó Bác quay trở lại Trung Quốc bị Tưởng Giới Thạch bắt giam 3 năm. Năm 1944 Bác được thả tự do về nước lại cũng nằm trong cái hang này. Hai Bác cháu tâm sự, Bác giao cho Tôi thành lập lực lương vũ trang nhân dân lấy tên là " Đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân" (chứ không phải là đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân như các phương tiện truyền thông vẫn nói).
Đại tướng nói: ĐÂY LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ HÀNG ĐẦU CỦA NƯỚC TA.
Không có cái hang này thì không có Cách mạng tháng 8, không có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Cần phải khôi phục lại nguyên trạng hang này, Tôi đã có ý kiến nhiều lần mà chưa ai làm. Bộ đội Công binh rất giỏi, là Binh chủng kỹ thuật, các đồng chí đã làm rất nhiều công trình quan trọng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Giao cho đồng chí Tư lệnh Công binh thực hiện, cố gắng làm cho nhanh khôi phục lại hang như hiện trạng ban đầu. Về kinh phí tôi sẽ viết thư gửi thủ tướng Phan Văn Khải giải quyết. Tôi thưa với Đại tướng: Binh chủng Công binh luôn luôn nhớ, quán triệt sâu sắc lời chỉ đạo của Đại tướng khi về thăm Binh chủng trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Đại tướng đã nói: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã đưa cả mặt trận xuống lòng đất để đánh Pháp và thắng Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chúng ta phải đưa cả dân tộc xuống lòng đất để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Bộ đội Công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Đại tướng, được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và vinh dự này, Bộ đội Công binh xin chấp hành nghiêm chỉ thị của Đại tướng.
Phu nhân Đại tướng nói: Các chú làm được, nhưng kinh phí không phải dễ đâu. Bây giờ kinh tế thị trường rồi, thủ tục phức tạp lắm không như Ba nghĩ đâu.
Đại tướng không nói gì, giao ngay cho con trai là anh Võ Hồng Nam thảo thư tay rồi Ông ký đề nghị Thủ tướng bố trí kinh phí. Anh Nam đã cầm thư đi gặp các Bộ có liên quan, Văn phòng Chính phủ rồi trực tiếp gặp Thủ tướng Phan Văn Khải xin kinh phí và đã được giải quyết.
Đại tướng nói thêm, đường Hồ Chí Minh đã được xác định từ Hà Nội vào đến Cà Mau đang chuẩn bị triển khai xây dựng, làm như thế là chưa đủ, mà phải từ Pắc Bó. Tôi sẽ viết thư cho Bộ Chính trị và Thủ tướng về việc này ( sau này mới điều chỉnh lại đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Pắc Bó như Đại tướng đã nêu).
Tôi triển khai ngay, công tác khảo sát thiết kế do TTTVKSTKCTQP/ Binh chủng Công binh thực hiện. Điều khó nhất là không có ảnh trần hang ban đầu để thiết kế, anh em phải nghiên cứu, tìm hiểu thu thập qua đồng bào trong khu vực. May mắn chúng tôi đã gặp được ông cụ Hoàng Văn Lục người trực tiếp nấu cơm tại hang và bà cụ Nông Thị Khìn kết hợp nấu cơm từ bản mang lên cho Bác Hồ trong thời gian Bác ở đây. Hai cụ vẫn còn nhớ rất kỹ hình dáng của vòm hang khi xưa giúp chúng tôi ghi chép lại. Kết hợp dùng phương pháp 3 D, chia nhỏ khối đá sập ra rồi thiết kế ghép ngược lên nóc hang..., hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, Đại tá kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn chủ nhiệm đồ án và Đại uý thạc sỹ Nguyễn Thanh Quang trực tiếp thiết kế. Về biện pháp thi công có Đại tá Tiến sỹ Lê Đình Tân, Trưởng phòng Công trình quốc phòng và Đại tá kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty xây dựng Lũng Lô , một số cán bộ, kỹ sư của Binh chủng Công binh cùng tham gia . Tôi trực tiếp chỉ đạo, đi lên hang nhiều lần, làm việc với Lãnh đạo các cấp của địa phương và Sở Văn hoá TT và DL tỉnh Cao Bằng để cùng trao đổi thống nhất các vấn đề có liên quan. Nhưng do nguồn vốn của nhà nước nên thủ tục đầu tư cũng kéo dài, mãi tháng 11/2006 mới khởi công được.
Bộ Tư lệnh Công binh do Tôi chủ trì, phối hợp với Sở văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng do anh Đàm Quang Gióng PGĐ sở phụ trách làm lễ khởi công. Đông đảo đại biểu các cơ quan của tỉnh, huyện, xã, bản và đồng bào trong khu vực đến dự. Bộ đôi Công binh đã tích cực triển khai ngay để sớm hoàn thành công trình theo sự chỉ đạo, mong đợi của Đại tướng và cũng là lòng mong đợi, tự hào của các cán bộ chiến sỹ Công binh chúng tôi.
Công ty xây dựng Lũng Lô/ Binh chủng Công binh đảm nhiệm thi công. Phải dùng máy khoan đá ép hơi chẻ nhỏ mảng đá sập đưa ra ngoài. Dựng khung thép ghép chống lên rồi bơm vữa bê tông bù lại tảng đá đã sập. Điều chỉnh bổ sung để trần hang trở lại theo hình dáng nguyên trạng ban đầu, đưa ông Lục và bà Khìn đến xem tham gia ý kiến , tu sửa hoàn chỉnh phần thô.
Còn lại phần việc phun nhũ đỉnh hang, do tầm quan trọng và ý nghĩa của công trình nên BTLCB và Sở VHTT- DL tỉnh Cao Bằng thống nhất chọn một công ty mỹ thuật hàng đầu của nước ta thực hiện. BTL Công binh cử đại tá Phan Đức Tuấn - Phó Tư lệnh đi làm việc với một công ty mỹ thuật của trung ương, cuộc đàm phán kéo dài, họ đòi giá quá cao so với dự toán. Cuối cùng đồng chí Tuấn nói: Đây là công trình di tích hàng đầu của Quốc gia, Đền thờ của cả nước, tiền có thế thôi các anh có làm không... Mãi năm 2009 Công trình mới được hoàn thành. Trung tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc Hội lên thăm kiểm tra phê bình BTL Công binh làm chậm. BDDC CB nhận khuyết điểm là lập dự toán phần mỹ thuật thấp quá so với yêu cầu của những nhà mỹ thuật.
Sau khi hoàn thành, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đã lên báo cáo ( lúc Đại tướng gọi lên tôi đi vắng) và chiếu hình ảnh trong hang sau khôi phục cho Đại tướng xem, Ông rất hài lòng khen bộ đội Công binh làm rất giỏi. Hang giống như ban đầu. Bôi đội Công binh Việt Nam thật tự hào đã góp phần tôn tạo DI TÍCH LỊCH SỬ HÀNG ĐẦU của nước VIỆT NAM.
Thế rồi vào tối ngày 21/12/2012 đang xem tivi tôi nhớ đến Bác Hồ, hang Pắc bó, Đai tướng Võ Nguyên Giáp, tôi điện cho anh Võ Hồng Nam là sáng 22 tôi và Đại tá Nguyễn Thanh Sơn vào thăm Đại tướng, anh Nam hẹn 10 giờ sáng. Đêm hôm đó tôi thức suôt đêm viết bài thơ :
VÕ ĐẠI TƯỚNG - TỔNG TƯ LỆNH
Tiếng chuông điện thoại réo vang
Tai nghe lòng dạ ngỡ ngàng nao nao
Võ Đại tướng lệnh truyền giao
Nhiệm vụ quan trọng tầm cao, bồi hồi
Hang Cốc Bó sập lâu rồi
Mau lên khảo sát để khôi phục liền
Điều ngay lực lượng ưu tiên
Thu thập số liệu quay thêm băng hình
Thư ký sắp xếp chương trình
Triệu tập Tư lệnh Công binh đến liền
Báo cáo đề xuất trình lên
Thêm phim quay chiếu hang, miền núi non
Đại tướng nghe, hỏi kỹ hơn
Sao họ lại phá sập trơn nơi này
Trầm ngâm suy nghĩ dứt day
Chuyển sang giảng giải đủ đầy từng câu
Đây là di tích hàng đầu
Bác Hồ về nước hang sâu những ngày
Vạch con đường đánh Nhật Tây
Vũ trang khởi nghĩa giành ngay chính quyền
Tôi nằm bên Bác bảy đêm
Thấm từng câu nói, vang lên lời Người
" Đi làm Cách mạng Chú ơi
Dĩ công vi thượng, đừng ngơi điều này"
Ngồi nghe thấu tỏ đủ đầy
Hai nhà cách mạng nồng say lửa lòng
Ngắm nhìn Đại tướng ung dung
Trán cao, mắt sáng tận cùng nhìn xa
Danh thơm, chí lớn, tài ba
" Bách chiến, bách thắng", ngợi ca không ngừng
Song toàn văn võ hoà chung
Điện Biên Phủ đó lẫy lừng năm châu
Tướng quân tại ngoại hàng đầu
Đưa ra quyết định rộng sâu đêm chầy
Tiếng vang lừng khắp đó đây
Mấy nghìn năm được phương tây chọn rồi
Xếp trong lịch sử loài người
Một chục tướng giỏi," Võ " ngôi tốp đầu
Quân sự chẳng rõ từ đâu
Không trường, không lớp, chọn bầu chẳng sai
Đánh giặc mưu lược đại tài
Pháp thua, Mỹ chạy, đường dài chỉ huy
" Thần tốc, thần tốc..! " quân đi
" Táo bạo, táo bạo,,! không gì cản ngăn
" Xốc tới giải phóng Miền Nam"
" Quyết chiến, toàn thắng " hân hoan thoả lòng
Quân hàm Đại tướng Bác phong
Ba mươi bảy tuối sáng hồng nước Nam
Chức Tổng Tư lệnh vững vàng
Đánh cho phía địch tướng hàng, quân tan
Vì dân vì nước sáng tâm
" Dĩ công vi thượng" nâmg tầm thanh cao
Mọi nhiệm vụ Bác, Đảng giao
Hoàn thành xuất sắc ai nào trách chê
Gần xa mến mộ mọi bề
Năm châu bốn biển tìm về tới thăm
Tuổi cao nay đã bậc trăm
Tấm gương như ánh trăng rằm sáng trong
Trí, dũng, nhân, chính, liêm, trung
Thăm tô chữ nhẫn, bao dung trọn đời
Ngồi bên Đại tướng bồi hồi
Đáy lòng rạo rực sáng ngời ước mơ
Tự hào náo nức từng giờ
Quán triệt nhiệm vụ tay giơ hứa rằng
Cùng Sở Văn hoá Cao Bằng
Khôi phục tôn tạo lại hang ban đầu
Bản làng, xóm núi vùng sâu
Quân dân như hội bấy lâu mong chờ
Đồng lòng, chung sức phất cờ
Công trình di tích từng giờ hoàn nhanh
Bảo tàng Số Một ghi đanh
Thoả lòng Đại Tướng, tâm thành cháu con
Anh linh Người sáng nước non
Suối Lê - Núi Mác mãi còn trong xanh
Hà Nội đêm 21/12/2012
Sửa bổ sung thêm vào 12 giờ ngày 22/12/2012
( những con số ngẫu nhiên nhìn lại thật là tuyệt)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bao giờ cũng nói Bác trước, Đảng sau điều đó cũng đúng, vì Bác lập ra Đảng. Bác là Lãnh tụ vĩ đại mãi mãi, Đảng còn phụ thuộc vào quá trình xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cùng với sự tu dưỡng rèn luyện của Đảng viên theo lời dạy của Bác, nếu không khắc phục được sự thoái hoá biến chất thì Đảng cũng không còn giữ dược vai trò lãnh đạo cách mạng...
Viết xong bài thơ là hết đêm, sáng sớm Tôi mang đi đánh máy, in chữ mầu đỏ, trang trọng in ra.
Chúng tôi vào Bệnh viện 108 nơi Đại tướng đang điều trị. Do quá nhiều đoàn vào thăm, Đại tướng mệt nên BQP chỉ đạo dừng cho khách vào thăm. Anh Nam điện về cho Mẹ nói sự việc như vậy, Bà bảo đưa các anh ấy về nhà chơi. Được Phu nhân Đại tướng tiếp cùng vợ chồng anh Võ Hồng Nam, tôi đã đọc bài thơ cho gia đình nghe. Hai lần Bà vỗ tay khi nghe câu: Không trường không lớp chọn bầu chẳng sai và năm châu bốn biển tìm về tới thăm.
Đọc xong Bà bảo tôi: Chú viết rất hay, rất đúng nhưng còn thiếu hai điểm, tôi chưa nghĩ ra. Bà nói : Đại tướng là Tổng Tư lệnh đầu tiên và duy nhất của Quân đội ta. Đại tướng là Bí thư Quân uỷ TW (Tổng Quân uỷ) đầu tiên và duy nhất do bộ Trưởng bộ QP đảm nhiệm. Tôi nhận thiếu sót và xin phép sửa ngay tại chỗ để mang ra ngoài in lại.
Bà kể thêm một số chuyện về Đại Tướng. Ttôi hỏi khi được phân công làm Phó Thủ tướng phụ trách Dân số kế hoạch hoá gia đình Đại tướng có ý kiến gì không? Bà kể, xem tivi đã biết, khi Đại tướng về đến nhà cả nhà đều nói sao Ba lại nhận việc ấy. Đại tướng bảo: Làm việc gì cũng được, Đảng phân công làm tốt là được rồi. Ông không nói gì hơn. Chúng tôi ngồi nghe thật là là kính trọng.
Anh Nam dẫn tôi và Đại tá Thanh Sơn đi vào thăm phòng tiếp khách của Đại tướng, thấy trên bàn có một bức tượng điêu khắc bằng gỗ mít gồm một chiếc xe tăng của Pháp bị bắn cháy gục, một chiếc máy bay B52 của Mỹ bị rơi gẫy nằm đè lên xác xe tăng, một chiến sỹ QĐNDVN đứng lên trên cùng phất cao Quân kỳ Quyết thắng, chắc là tác giả muốn nói Đại tướng đã đứng phất Quân kỳ Quyết thắng trên vũ khí hiện đại của hai đế quốc to bị bại trận. Anh Nam nói, đây là một cựu chiến binh người Ý Yên - Nam Định lên tặng Đại tướng, nhưng bảo vệ không cho vào, bác ấy nhất định không về. Thấy có to tiếng ngoài cổng, Đại tướng biết và bảo cho bác ấy vào. Sau đó Ông dặn, người ta từ xa khắp nơi đến, từ miền núi xuống, từ miền Nam ra, có quý mình người ta mới đến sao lại không cho họ vào. Từ nay trở đi ai đến là cho vào hết, dẫu có mệt Tôi vẫn cố gắng tiếp.
Phu nhân Đại tướng nói với anh Nam, chú ấy chữa xong Con đem bài thơ vào Viện đọc cho Ba nghe. Tôi sửa và in lại ngay. Chiều 1 giờ anh Nam vào đọc cho Đại tướng nghe, sau đó anh ấy điện cho tôi bảo: Nghe xong Đại tướng cười giơ tay vẫy vẫy (hoan nghênh).
Đó là những kỷ niệm thật sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của tôi.
Nghe tin Đại tướng mất, nỗi đau buồn thương tiếc của tôi cũng như bao đồng chí đồng bào trong cả nước thật là sâu đậm. Tôi viếng Đại tướng 2 lần tại nhà riêng và tại Nhà tang lễ của Bộ Quốc Phòng. Tôi viết ngay bài thơ:
ĐẠI TƯỚNG CỦA DÂN
Bi ai Đại tướng đi rồi
Thủ đô chật phố, dòng người tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt như mưa
Cây xanh rủ lá, nắng thưa, gió tàn
Tiễn Người về chốn bình an
Vĩ nhân "tam nhất" vẹn toàn đỉnh cao
Vinh quang đất nước tự hào
Tiếc thương gương sáng, công lao diệu kỳ
Núi sông bừng tỉnh, uy nghi
Quân dân đoàn kết không gì chuyển lay
" Dĩ công vi thượng " đẹp thay
Tượng đài Đại tướng tạc đầy lòng dân
Trời Nam mãi mãi sáng ngần
Bác Hồ, Bác Giáp của dân đời đời.
Tôi đã vào Quảng Bình viếng mộ Đại tướng với tình cảm thương tiếc và xúc động tôi làm bài thơ:
VIẾNG MỘ ĐẠI TƯỚNG
Đêm mưa tìm đến Vũng Chùa
Nhớ thương Đại tướng như vừa đi xa
Mộ quàn sườn núi đài hoa
Hương thơm lan toả, giao hoà địa long
Người nằm nhìn hướng Biển Đông
Giang sơn một dải sáng hồng nước non
Ngày đêm chiến sỹ Đồn Ròn
Canh cho giấc ngủ vẹn tròn ngàn thu
Sóng reo, cây hát, gió ru
Mũi rồng - Đảo Yến thiện du muôn đời.
Tôi viết 5 bài thơ về Đại tướng đăt trang trọng ở vị trí thứ hai sau Bác Hồ trong tập thơ THẮM MÃI TÌNH ĐỜI dầy 600 trang, trong đó có nhiều bài về các bậc vĩ nhân, các lãnh tụ mà tôi kính trọng. Hôm lễ 49 ngày của Đại tướng, Tôi và Đại tá Nguyễn Thanh Sơn được anh Võ Hồng Nam điện mời đến dự thắp hương cho Đại tướng tại nhà riêng. Tôi đã tặng gia đình 5 bài thơ này thể hiện tình cảm kính trọng, khâm phục, học tập đối với tấm gương " Dĩ công vi thượng" của ĐẠI TƯỚNG - TỔNG TƯ LỆNH - BÍ THƯ QUÂN UỶ TRUNG ƯƠNG.
VĨ NHÂN "TAM NHẤT" .
Hà Nội 12 giờ ngày 22/12/2016
Thiếu tướng Hoàng Kiền- nguyên Tư lệnh Công binh
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
Tướng Hoàng Kiền trong cuộc gặp Võ Đại tướng (2 ảnh trên)
Tướng Hoàng Kiền trong Lễ khởi công và tôn tạo di tích Cốc Bó(2 ảnh trên)
Bìa cuốn thơ Thắm mãi tình đời của tướng Hoàng Kiền