NHỚ TẾT TRƯỜNG SƠN 1973
Chiến tranh đã lùi xa, hơn 40 năm nhưng mỗi khi tết đến xuân về thì trong lòng mỗi người chiến sĩ Trường Sơn như tôi lại dậy lên một niềm tự hào. Với người Việt Nam mùa xuân là mùa báo hiệu nhiều sự tốt lành. Chúng tôi những người lính đã từng công tác chiến đấu trên Trường Sơn luôn bồi hồi xúc động nhớ về cái tết đã đi vào lịch sử của dân tộc. Đó là tết Quý Sửu năm 1973. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, trong suốt gần 20 năm cả dân tộc đã đem mọi nguồn vật lực, trí lực, cả xương máu để chiến đấu với đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch để giành độc lập cho dân tộc. Ngày 27 tháng 3 năm 1973, khi hiệp định Pari được ký kết, nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên Thế giới đều nghĩ Việt Nam đã có hòa bình, chiến trường sẽ im tiếng súng, cục diện chính trị chuyển sang bước mới. Hiệp định Pa ri ghi rõ điều 2, điều 3 của hiệp định và nghị định thư là: Vấn đề đầu tiên phải thi hành là ngừng bắn, cụ thể là phải chấm dứt hoàn toàn chiến sự, các lực lượng giữ nguyên vị trí…, Điều 5 và điều 6 của Hiệp định quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Hiệp định được ký kết sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi Miềm Nam. Mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và nước ngoài khác cũng như việc hủy tất cả các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác. Điều then chốt của hiệp định Pari là Mỹ và các nước chư hầu rút quân, quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở lại miền Nam Việt Nam. Điều khoản này đã làm cho chính quyền Nguyên Văn Thiệu cực kỳ phản đối.
Trước sức ép của Mỹ buộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải đặt bút ký vào hiệp định Pari, nhưng chúng đã rắp tâm phá hoại hiệp định ngay khi vừa ký.
Cuối năm 1972, tôi đang công tác trên Trường Sơn, vào một ngày cuối tháng 12 năm 1972, tôi nhận lệnh vận chuyển vũ khí từ kho K4 thuộc tỉnh ATôPư hạ Lào lên Tây Nguyên chi viện cho chiến trường B3. Tôi lái chiếc xe Jin 130, chở đầy hàng. Mới vào mùa khô đường còn lầy. Tôi lái xe qua điểm 5 vào gần F9 xe bị lầy. Trời tối, cả Tiểu đội Công binh ra khắc phục nhưng xe vẫn không lên được. Đêm đó nhiều tốp máy bay B52 bay qua trên đầu. Tôi nghĩ sao đêm nay máy bay B52 lại bay nhiều thế. Nơi xe tôi đang bị sa lầy là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Vậy mà cả đêm không có một trận bom nào. Sáng ngày hôm sau qua Radio chúng tôi mới biết, Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, ta bắn hạ 3 chiếc, bắt giặc lái. Anh em nhìn nhau trong niềm tự hào của quân dân miền Bắc. Đây cũng là điểm khởi đầu thất bại của không lực Hoa Kỳ sau 12 ngày đêm dùng B52 đánh phá Hà Nội.
Đang công tác trên Tây Nguyên, tôi được lệnh giao xe trở về đơn vị đóng trên đất Lào, nhận nhiệm vụ hành quân bộ vượt rừng núi về Sư đoàn bộ Sư đoàn 470. Ttập trung lên Sư đoàn bộ tôi mới biết hiệp đinh Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam sắp được ký kết. Sư đoàn lựa chọn số ít lái xe ưu tú đưa vào công tác tại Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên ở Sài Gòn, thực hiện việc giám sát các bên tham chiến ở miền Nam Việt Nam thi hành hiệp định Pa ri.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Quý Sửu năm 1973. Để Bộ đội cũng có tết, lãnh đạo Sư đoàn lệnh cho bộ phận chính trị, hậu cần tổ chức ăn tết trước cho một số chiến sĩ được bổ sung vào B2 công tác. Giống như Nguyễn Huệ, Quang Trung khao quân ăn tết Kỷ dậu năm 1789 tại Tam Điệp trước khi ra đánh thành Thăng Long đại phá quân Thanh. Giữa đại ngàn Trường Sơn chúng tôi ăn tết trước, cũng có bánh chưng, thịt mỡ, buổi tối tổ chức sinh hoạt hái hoa dân chủ, và chương trình Văn nghệ rất sôi nổi.
Hôm sau chúng tôi được lệnh hành quân bằng cơ giới vào B2. Xe chạy vào đất Campuchia qua tỉnh Stung Cheng sang Công Bông Tràm về Lộc Ninh tỉnh Sông Bé. Lộc Ninh lúc này là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chúng tôi những cán bộ con em miền Bắc tham gia phái đoàn quân sự bốn bên với tư cách thành viên Ban Liên hiệp quân sự bốn bên thuộc đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Để kịp đưa Trung tướng Trần Văn Trà, Trưởng phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và tổ công tác có mặt ở Sài Gòn vào ngày 28 tháng 01 năm 1973, chúng tôi nhận những chiếc xe con Bắc Kinh còn mới được đưa từ miền Bắc vào chở đoàn về Tây Ninh chờ Mỹ đưa trực thăng ra đón tại sân bay Thiện Ngôn. Điểm tập kết cách sân bay gần chục cây số. Đến giờ hẹn chẳng thấy trực thăng đâu. Địch cho máy bay đến lượn vài vòng, ném mấy loạt bom xuống sân bay. Ta không bắn trả nhưng những tên lái máy bay đi đánh trộm này cũng chỉ ném bom xuống quanh sân bay làm cho những xác xe tăng, xe tải bị ta tiêu diệt năm 1972 bay tung tóe.
Tôi được lệnh ở lại chốt Ủy ban Quốc tế tại Sa Mát huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh làm nhiệm vụ trao trả tù binh cho đến cuối năm 197. Trong một đợt trao trả tại sân bay Thiện Ngôn, ta đã trả cho chính quyền Sài Gòn Đại tá Nguyễn Văn Vĩnh Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa, bị ta bắt làm tù binh trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh tháng 4 năm 1972.
Hoàn thành nhiệm vụ trở về đời thường, những cán bộ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức những cuộc hành quân thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương thơm cho đồng đội những người vì Tổ quốc đã hy sinh nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn và các Nghĩa trang trong cả nước.
Chúng tôi những cựu chiến binh Trường Sơn luôn tự hào đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
THÂN BÁ CHI
(Phó chủ tịch hội Trường Sơn Bắc Giang)
ĐT: 0915101948