Đồng đội C442 - N44 TNXP Trường Sơn - Ngày ấy và bây giờ

Ngày đăng: 04:39 12/01/2017 Lượt xem: 574

                   ĐỒNG ĐỘI C442 – N44  TNXP TRƯỜNG SƠN

                                     Ngày ấy và bây giờ

   Phiên hiệu Đại đội 442 Đội 44 TNXP Thái Bình chuyển giao từ Đại đội 359 Đội 35 được thành lập ngày 15 tháng 9 năm 1968. Quân số chủ yếu là của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau ngày Bác Hồ đi xa, đầu tháng 10/1969, đơn vị chúng tôi nén đau thương thành hành động cách mạng tạm biệt đường 22A Hà Tĩnh chuyển quân vào mặt trận Trường Sơn, nơi Tổ quốc cần theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên đường hành quân và những ngày đầu ở Trường Sơn, đơn vị mang Hòm thư: 200.018.JB03. Chúng tôi đùa nhau là đơn vị này “đi B không ra”. Năm ấy chúng tôi ăn Tết ở Trường Sơn thuộc lưu vực sông Sê Băng Hiêng (Lào).

   Sau Tết Nguyên đán năm 1970, Đội TNXP Trường Sơn N44 được thành lập . Đơn vị TNXP của tôi mang phiên hiệu Đại đội 442 thuộc Đội N44 từ đấy. Ngoài việc đảm bảo giao thông bám cầu, bám đường, san lấp hố bom, chúng tôi còn phải bốc xếp hàng hóa, vũ khí, lương thực, thực phẩm cho xe đi, xe đến ở kho quân nhu Binh Trạm 16 Đoàn 559.

   Nhớ cái Đại đội 442 TNXP sao mà trẻ trung, vô tư, trong sáng như tuổi mười tám, hai mươi của mỗi thành viên trong đơn vị vậy. Mọi người đều hăng hái nhiệt tình, lòng đầy niềm tin phơi phới: Tự giác trong lao động, học tập, chấp hành kỉ luật của đơn vị, trung thành với 10 lời thề của TNXP; Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, mang sức trẻ của mình đi xẻ dọc Trường Sơn cùng cả dân tộc trùng trùng ra trận; Với khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”.

  Tháng 8 năm 1972, đơn vị được lệnh chuyển ra Bắc (theo quyết định ngày 14 tháng 7 của Trưởng ban Công trường 10 Lê Ngọc Hoàn –sau này là Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải). Đó là ngày đơn vị TNXP 442 chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sơn chuyển ra Hậu Lộc – Thanh Hóa điều dưỡng. Rồi gần 200 cán bộ chiến sĩ lần lượt chia tay nhau đi nhận nhiệm vụ mới. Người đi làm việc tại các nông trường, xí nghiệp, người đi học sau này công tác trong các cơ quan Nhà nước. Còn phần đông không đủ sức khỏe sau khi an dưỡng được chuyển về địa phương xây dựng quê hương.

   Để chuẩn bị cho ngày họp mặt kỉ niệm truyền thống Đại đội 442 – Đội 44 lần thứ 45 (15/09/1968 – 15/09/2013), tôi dành dụm số tiền thương tật ít ỏi của mình quyết định đi một chuyến xuyên Việt tìm thăm lại đồng đội trong đơn vị. Bắt đầu là chuyến đi thăm nghĩa trang Đồng Lộc, nghĩa trang TNXP Trường Sơn ở Vạn Ninh, nơi ấy có đồng đội tôi đang yên nghỉ. Trong số đó có người đã được công nhận liệt sĩ, có người chưa. Tôi bỗng thấy ngậm ngùi.

   Tôi đã đi thăm đồng đội ở các tỉnh Tây Bắc, đồng đội đang sống ở tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ. Tôi đạp xe “khắp thôn cùng xóm vắng” của 35 xã, thị trấn trong huyện Hưng Hà, gần 20 xã thuộc huyên Tiên Hưng (cũ), tỉnh Thái Bình thăm lại đồng đội và tìm hiểu xem ai còn ai mất, ai đang sinh sống nơi đâu. Từ đó tôi lên kế hoạch thăm hỏi gia đình và cuộc sống của từng đồng đội. Thật xúc động, bồi hồi khó tả trước những cuộc gặp gỡ sau hơn 40 năm. Những cái bắt tay thật chặt, những giọt nước mắt mừng vui buồn tủi lẫn lộn; những cái ôm thắm thiết mà chỉ những ai đã từng sống ở Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh mới cảm nhận được. Rồi quá khứ lại hiện về như mới xảy ra hôm nào: những cánh rừng bị bom napan đốt trơ trụi; những cung đường Trường Sơn bị bom B52 băm nát. Rồi bom bi, bom tấn, đạn Rockét, đạn 20ly, 40 ly, những hố bom sâu hoắm làm đứt cả đoạn đường; Rồi những lần cả đơn vị bùi ngùi lo lắng tiễn đồng đội đi phá bom nổ chậm; những giây phút hồi hộp, nín thở đợi chờ đồng đội đi vào nơi giữa sự sống và cái chết có thể xảy ra bất kì không ai lường trước được; rồi lo lắng cũng vỡ òa khi đồng đội chạy đến ôm hôn đồng đội đã phá xong bom an toàn…

   Người đầu tiên tôi gặp là đồng đội Đặng Thị Tín. Chị là TNXP nhiệm kì I ở cùng quê hương tôi. Đơn vị cũ của chị (C895-N89) có 12 cán bộ chiến sĩ hy sinh cùng một trận bom khi đang làm nhiệm vụ cứu đoàn tầu quân sụ tại Ga Gôi – Nam Định ngày 20 tháng 6 năm 1966. Chị là Chính trị viên Đại đội TNXP C442 nhiệm kì II của chúng tôi từ khi thành lập và huấn luyện tại quê hương, trên đường hành quân và những tháng năm đầu trong tuyến lửa Quảng Bình. Chị vừa làm chị, làm anh, làm cha, làm mẹ chăm sóc chỉ bảo, uốn nắn chúng tôi biết học tập, trao dồi đạo đức cách mạng, giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn, động viên nhau khi nhớ nhà; Lo cho đơn vị nơi ăn chốn ở trên đường hành quân, chăm sóc đồng đội như chị em trong một gia đình. Dọc đường hành quân, nơi chúng tôi đi qua, bao cảnh tượng, hoang tàn như nhà thờ, trường học, thành phố bị đổ nát do máy bay Mỹ đánh phá, bao cụ già, em nhỏ bị bom Mĩ sát hại. Có chị động viên nêu cao ý chí căm thù giặc Mỹ xâm lược, cả đơn vị không nản lòng biến đau thương thành hành động cách mạng vẫn tiếp bước về nơi tiền tuyến gọi. Ngày tôi đến thăm, gia đình chị đang sống ở một ngõ nhỏ tại phường Vân Cơ, thành phố ngã ba sông thuộc tỉnh Phú Thọ. Gặp tôi, chị hỏi chuyện đồng đội trong đơn vị. Chị kể: ngày các em đi vào sâu trong chiến trường, chị ở lại cùng một số đồng đội sáp nhập vào đơn vị làm nhiệm vụ qui tập liệt sĩ về nơi quy định. Rồi chị đi học quản lí kinh tế và về công tác tại Cục Dự trữ quốc gia. Sau này, chị được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia sáu tỉnh Tây Bắc cho đến ngày nghỉ hưu. Chị không được may mắn làm vợ, làm mẹ do mắc bệnh K nên không xây dựng gia đình. Mãi gần đây, chị mới nhận con nuôi. Hiện nay cháu đã ra trường, lập gia đình và công tác tại cơ quan cũ của chị.

   Cũng là đồng đội Đại đội 442, anh là TNXP nhiệm kì I, quê ở Thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Anh làm Đại đội trưởng từ ngày đơn vị mang phiên hiệu Đại đội 442. Anh là Mai Văn Khải – nguyên chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Hà Nam, nguyên là Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Hội cựu TNXPVN. Anh là người hưởng chế độ CĐHH,  do bị bệnh K gan anh đã từ trần tháng 6 năm 2016.

   Người được đề bạt thay anh Khải chuyển ra Bắc đi học Đại học là anh Đinh

Hoàng Cự, quê xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Anh là Đại đội trưởng cuối cùng của đơn vị tôi. Đây là thời điểm đơn vị tôi gặp nhiều khó khăn, cam go nhất. Anh Cự bị thương trong trận B52 đánh trúng đơn vị ngày 19 tháng 5 năm 1972. Sau khi xuất viện anh trở lại đơn vị và đầu tháng 8/ 1972 anh được giao nhiệm vụ dẫn toàn bộ đơn vị ra Bắc điều dưỡng. Rồi anh đi học quản lí đường bộ và về làm Phó Trạm trưởng trạm thu phí Đò Quan tỉnh Nam Định cho đến ngày nghỉ hưu.

   Trong lần lên Tây Bắc, tôi ghé thăm các đồng đội đang sinh sống ở tỉnh Điện Biên, tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái và tôi gặp lại vợ chồng Quynh – Oanh cũng là đồng đội. Ông Quynh là người có công lớn với đơn vị 442 vì đã nhanh trí cứu sống một Trung đội bị ngạt xăng trong khi làm nhiệm vụ. Khi phát hiện ra ba Tiểu đội đang làm nhiệm vụ bị gặp nạn, nằm hôn mê bất tỉnh, anh đã cắt rừng về báo cho đơn vị ra ứng cứu kịp thời, cứu được 27 đồng đội trong đó có tôi. Một đồng chí hi sinh đó là Liệt sĩ Ngô Sĩ Mootjh, quê xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Vợ chồng Quynh – Oanh sau khi xuất ngũ về địa phương lại xung phong đi xây dưng kinh tế mới tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Gia đình Quynh – Oanh có 5 đảng viên và là gia đình TNXP làm kinh tế giỏi của huyện. Hiện nay Nguyễn Duy Quynh là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Văn Chấn và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội cựu TNXP tỉnh Yên Bái.

   Tôi lại vượt Trường Sơn đi thăm các đồng đội đang sinh sống ở 6 tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Miền Trung. Ở đây, các đồng đội đều là các gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế còn khó khăn. Nhiều nơi chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với TNXP tham gia kháng chiến chưa được thực hiện. Như đồng đội Nguyễn Thị Hợi ở Bình Thuận, Nguyễn Thị Dẻo ở IA Le, huyện Chư Pứh (tỉnh Gia Lai), Nguyễn Thị Thắng ở IA Rsươm, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) chưa được hưởng chế độ, kể cả bảo hiểm y tế. Hiện nay những đồng đội này tuổi đã cao, ốm đau luôn, gia đình lai gặp khó khăn về kinh tế nhưng không biết làm thế nào để bản thân được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Đồng đội Nguyễn Thị Thắng  được tôi động viên về Thái Bình lấy xác nhận của đơn vị truyền thống, của tỉnh Hội TNXP, của Binh đoàn 12. Đến nay đồng đội Nguyễn Thị Thắng đã được hưởng BHYT và được Tập đoàn VIETTEL xây tặng căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng. 

   Đặc biệt hơn nữa, tại huyện biên giới Sa Thày, tỉnh Kon Tum, gia đình đồng đội Trần Thị Thảo là một tấm gương TNXP vượt khó làm giàu. Năm 1985, chị Thảo cùng chồng là bộ đội vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hiện nay gia đình Thảo đang sở hữu hàng chục ha cao su đã đến kì khai thác mủ. Mỗi ngày Thảo phải thuê 5 lao động cạo mủ cao su và đã sắm được máy móc để chăm sóc cây và vận chuyển mủ cao su. Tôi nghĩ cứ đà này, gia đình Thảo sẽ trở thành tỷ phú trên đất Tây Nguyên. Hiện nay Thảo tham gia Ban Chấp hành Hội cựu TNXP huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

   Đi dọc Tây Nguyên, tôi lên thăm đồng đội ở Đà Lạt, thăm đồng đội ở Đồng

 Nai, qua Sài Gòn rồi vào miền Tây Nam bộ. Ở đây có người đồng đội thật đặc biệt, đó là doanh nghiệp, nhà văn, nhà thơ Trần Đỗ Liêm. Anh có 4 bằng cử nhân Đại học, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang. Hội viên Hội Nhà văn, Hội Nhà thơ Lạc Hồng, tỉnh Tiền Giang, Ban Chấp hành Cục Đường sông Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam. Đơn vị kinh tế của anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kì đổi mới”. Anh đang quản lý 1.300 lao động, hơn 200 tầu vận tải, một cơ sở sửa chữa, đóng mới tầu thuyền, một cơ sở kinh doanh phân bón, một cơ sở kinh doanh xăng dầu...  Anh là người nhận nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ: Cúp Doanh nhân tâm tài, Cúp Sao vàng đất Việt, Cúp Doanh nhân đất Việt, Cúp Phù Đổng và nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị anh thường xuyên làm công tác tình nghĩa. Riêng anh đã tặng một căn nhà cho một đồng đội trong đơn vị năm 2007 trị giá 21 triệu đồng. Đó là căn nhà tình nghĩa của đồng đội Nguyễn Thị Thoa ở thôn Chấp Trung, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tặng 17 chăn ấm cho 17 đồng đội sống cô dơn không nơi nương tựa.

   Đơn vị TNXP442 khu vực Hưng Hà có 4 liệt sĩ hy sinh thì có 2 đồng đội đã được công nhận là liệt sĩ, còn 2 đồng đội hi sinh chưa được công nhận. Rất mong các cấp Hội, các cơ quan chức năng đề nghị Nhà nước xem xét tới những trường hợp như trên. Dẫu sao, họ vẫn là đội viên TNXP đã cống hiến tuổi xuân cho cuộc chiến chống Mỹ cứu nước do lực lượng TNXP lúc bấy giờ quản lí.

   Hiện nay, phần lớn đồng đội TNXP C442 đang sinh hoạt ở các cơ sở Hội cựu TNXP, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trong số đó có gần 20 đồng đội nữ sống cô đơn không nơi nương tựa. Mặc dù được nhà nước trợ cấp mỗi tháng 360. 000 đồng, nhưng giờ tuổi cao, sức yếu, bản thân lại mang nhiều bệnh tật do di chứng từ Trường Sơn đeo đẳng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của nhà nước và các cấp Hội.

   Dù cuộc sống còn gặp không ít khó khăn, các đồng đội TNXP Đại đội 442 đang sinh sống ở quê hương vẫn nêu cao tinh thần TNXP Trường Sơn, chiến sĩ Trường Sơn, nêu cao tinh thần nghĩa tĩnh đồng đội, hàng chục năm qua đã lập được quỹ nghĩa tình đồng đội, tự động viên nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, ốm đau hoạn nạn để cuộc sống có ý nghĩa hơn, sống khỏe, sống vui, góp phần xây dựng Hội, xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu.

 

  Hà Đỗ Tú

 cựu TNXP Trường Sơn, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã, Trưởng ban Hội TS xã Kim Trung, Hưng Hà, Thái Bình. ĐT: 0169.452.8950. Email: hadotu49@gmail.com. 

tin tức liên quan