NHỮNG ĐỨA TRẺ VÙNG VEN
TRUNG TÁ: NGUYỄN KIM CHÚC
Nguyên phân đội trưởng chỉ huy đoàn pháo binh 78 Chu Lai
Tháng 12 năm 1969 chúng tôi những chiến sỹ trinh sát pháo binh - Mặt trận Chu Lai được nhân dân Bình Chánh - Bình Sơn - Quảng Ngãi chở che và được những đứa trẻ đưa ra khỏi vòng vây của quân Mỹ trong một chuyến công tác nguy hiểm. Nhớ lại những ngày tháng ấy chúng tôi cùng nắm chặt tay nhau hát bài hát quen thuộc: “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi …”.
***
Tôi, Huynh, Phú nguỵ trang kín đáo trườn lên đỉnh đồi vào khu rừng non thở phào nhẹ nhõm. Những đói, khát, mệt mỏi bủa vây bọn tôi tưởng chừng như không còn sức đi tiếp. Tiếng trực thăng “Phành, phạch …” lướt qua rồi đỗ xuống cánh đồng trước mặt tiếp tế đồ ăn chiều cho bọn “Mỹ lết” làm bọn tôi tỉnh hẳn.
Chúng tôi vừa hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nguy hiểm là tiềm nhập vào hàm Đá Bạc ngay phía trên trường bắn của địch - vùng cực kỳ nguy hiểm đặt máy đo đạc các mục tiêu trong căn cứ Mỹ ở Chu Lai. Giờ là lúc bọn tôi phải hoàn tất nhiệm vụ là vượt vòng vây của địch đem tài liệu đo đạc về. Thật không dễ dàng gì. Với phương châm: “Đi cảnh giác một, về cảnh giác mười”. Ba chúng tôi lặng lẽ bám xuống chân đồi đề phòng bọn “Mỹ lết’’ trước khi di chuyển bắn lên đồi.
Để bảo vệ từ xa căn cứ Chu Lai Mỹ đã chốt giữ các cao điểm bố phòng nghiêm ngặt, công sự vững chắc với những hàng rào thép gai đủ cỡ nhằm ngăn chặn đặc công ta tấn công. Các đơn vị đồn trú ở đây liên hệ với bên ngoài bằng cầu hàng không. Ở những nơi địa thế bằng phẳng, những cánh đồng hoang hoặc làng mạc hoang vắng … chúng điều động những đơn vị bộ binh Mỹ đóng quân dã ngoại chốt giữ, thay đổi vị trí liên tục … lết qua, lết lại trên một địa bàn. Chính vì thế mà ta gọi nó là “Mỹ lết”. Mới đầu bọn “Mỹ lết” cũng gây cho ta không ít khó khăn do bọn này lùng sục, phục kích những ngả đường quân ta đột nhập. Song sau mấy lần vướng mìn du kích, bị ta mật phục tiêu diệt những toán lùng sục … bị thương vong lớn, bọn “Mỹ lết” không dám lùng sục, ở đâu, ở đó. Ta nắm rõ quy luật hoạt động của bọn này, nên dễ dàng đối phó.
Vừa xuống tới chân đồi đã nghe tiếng AR15 nổ dồn dập, đạn chiu chíu trên đầu. Cũng là lúc bọn “Mỹ lết” rời vị trí, tìm vị trí mới qua đêm. Khói đen bốc lên từ chỗ bọn “Mỹ lết” - chúng đốt cồn khô và những thứ bỏ lại. Bọn chúng hàng một rời vị trí lên phía tây bắc. Cùng hướng đi với bọn tôi. Phải như lúc khác thể nào bọn tôi cũng bám vào vị trí vừa rút của Mỹ để bổ xung lương thực, thực phẩm cho mình. Bọn “Mỹ lết” rút khỏi vị trí không bao giờ gài bẫy. Tuy vậy bọn tôi vẫn bảo nhau thận trọng. Bọn chúng bỏ lại nhiều thứ: đồ hộp, đèn pin, có khi cả đài FM, quần áo, đồ ăn thừa … Bọn tôi chỉ cần bắt vài con kiến cho vào đồ ăn thừa của bọn chúng. Bọn kiến không chạy, hà hít thức ăn là không có độc. Cho vào túi ni lon về nấu lại ăn cũng tạm được …
Ba chúng tôi bám theo bọn “Mỹ lết”. Khi chúng dừng lại ở cánh đồng Bình Chánh làm công sự dã chiến, chúng tôi vòng qua bọn chúng vào chân đồi trọc tìm đường về với dân ở hợp pháp. Vừa ra khỏi vạt cỏ tranh, đạn cối 60 của Mỹ đã nổ ngay phía sau. Cả ba đều dừng lại nghe ngóng, tuy không nói ra nhưng đều thoáng nghĩ: Lộ chăng? Những loạt cối 60 vẫn nổ. Nhưng tầm, hướng vẫn không thay đổi lại có cả tiếng đại liên bắn lên nữa. Yên trí là bọn “Mỹ lết” bắn thử. Chúng tôi lần ra được con đường làng khi xưa thì trời đã nhá nhem tối. Nhận thấy không thể đi tiếp được nữa bọn tôi tìm được một “hàm ếch” ngay bên vệ đường, cả ba tháo trang bị tìm chỗ qua đêm. Tháng trước cũng ở vùng này do tìm nhau trong đêm tối mà du kích bắn nhầm làm Phú - quê Thanh Hoá hy sinh.
Sáng hôm sau chúng tôi tiếp cận được căn nhà dân ở rìa làng ngay sát đường liên thôn. Nghe ngóng động tĩnh không thấy gì khả nghi, Phú vọt qua đường vào nhà rồi vẫy chúng tôi vào. Nhà này là cơ sở của ta, Phú đã nhiều lần qua lại đây. Khi xưa dân Bình Chánh ở từ sát đường 1 tới chân núi. Giờ địch o ép dồn dân về sát đường 1 để lại những cánh đồng và làng cũ cho bọn “Mỹ lết”. Biết bọn chúng tôi từ hôm qua chưa ăn uống gì, chị chủ nhà đong gạo vào nồi đưa Phú nấu ăn rồi chị vội vã đi đâu đó. Tôi và Huynh mỗi người một hướng cảnh giới. Mươi phút sau Phú gọi chúng tôi ăn cơm. Mở vung nồi cơm, khói bay nghi ngút, mùi cơm khê nồng nặc. Xung quanh nồi cơm cháy vàng đen. Bưng bát cơm lên định cố nuốt, tức thì tiếng “toọc, toọc, toọc …oành!” nổ liên tiếp, hết bên phải sang bên trái ngôi nhà. Chị chủ nhà hớt hải chạy về với sắp nhỏ chừng 10 đứa, chị bảo chúng tôi: “Theo lũ trẻ rời ngay, Mỹ càn”.
Xách súng theo lũ trẻ rời làng. Bên phải, bên trái chúng tôi pháo vẫn nổ. Bọn chúng bắn chặn theo toạ độ tính sẵn. Tin rằng phía trước chúng tôi có Mỹ. Lúc này bọn trẻ đã tách tốp, phần lớn đã đánh bò đi trước, một số đứa còn kéo những cành cây theo bụi mù. Bọn trẻ còn lại đi lẫn vào bọn tôi, đứa nào cũng căng thẳng nhìn bọn đi trước, tay kéo theo những cành cây.
Vừa theo lũ trẻ tôi vừa xem xét: lũ trẻ này tin cậy được không? Nhìn Huynh và Phú tôi thấy họ cũng có phần căng thẳng. Phú đã khoác chéo chân máy, tay lần sở những trái lựu đạn M26 của Mỹ. Huynh đưa súng về tư thế bắn hành tiến. Lũ trẻ vừa đi vừa chọc ghẹo nhau, những chiếc chân trần của bọn chúng xúc đất cát ven đường hất vào nhau nhưng vẫn chăm chú nhìn phía trước. Trong chúng tôi Phú am hiểu vùng này hơn cả. Đã ra khỏi làng chừng hơn trăm mét, con đường chúng tôi theo lũ trẻ hướng tới núi, bên phải chúng tôi là khu vực hôm qua chúng tôi lội qua, bên trái là những đồi thấp cây non lúp xúp. Tôi nghĩ nên tạt vào dãy đồi thấp tìm đường lên núi. Tôi hỏi Phú:
- Tách khỏi lũ trẻ vào núi được chưa?
- Chưa nên anh ạ! Ta nhanh chóng rời xa làng càng xa, càng tốt. Phía trước chắc chắn có Mỹ càn vào làng. Bọn trẻ sẽ giúp ta biết vị trí Mỹ chốt. Phú trả lời chắc chắn.
Tôi tin vào Phú, anh đã từng được cơ sở cho ở hầm bí mật cùng du kích. Phía trước lũ trẻ vẫn ầm ĩ đùa nghịch, thực ra bọn nó là trẻ chăn trâu, chăn bò mà. Phía sau bọn tôi, pháo vẫn bắn nhưng có vẻ thưa thớt. Trên trời chiếc OV10 vẫn bay lượn dòm ngó. Những hàng cây ven đường che chở cho bọn tôi khỏi lộ tung tích. Thận trọng, cảnh giác cả bọn trên không và bọn Mỹ phía trước chúng tôi bám sát lũ trẻ. Bất ngờ Phú kéo bọn tôi dạt vào vệ đường bên trái. Những đứa trẻ đi ngay phía sau chúng tôi kéo theo những cành cây cũng đi vội lên phía trước. Phú ngó lại mặt đường vừa đi và nói:
- Tốt rồi! Không còn dấu vết. Ta đi sâu vào trong đồi vòng qua bọn Mỹ phục lên núi.
Phía trước bọn trẻ ầm ĩ: “Hê lô! Hê lô! …” Thì ra bọn trẻ phía trước gặp Mỹ chốt chặn đường đã báo động cho bọn tôi ở phía sau. Những đứa trẻ đi cùng bọn tôi kéo theo những cành cây là để xoá dấu dép lốp của bọn tôi để lại trên đường …
Những đứa trẻ đã giúp bọn tôi tránh đụng độ với bọn Mỹ càn quét. Pháo địch ở Châu Ố, Trà Bồng đã bắn cầm canh lên núi, phía đường chúng tôi lần về căn cứ. Bọn trẻ cũng đã theo tụi Mỹ tiến dần về làng. Trên đường về cứ tôi luôn nghĩ tới bọn trẻ vùng ven. Chúng ào tới dẫn chúng tôi đi và mất hút theo tầm mắt của bọn tôi về phía bọn Mỹ. Không một lời giao tiếp, không một lời tạm biệt. Thậm chí ngay cả Phú quen thuộc vùng này cũng không hề biết tên một đứa nào. Ai chỉ bảo cho bọn trẻ làm việc này. Hiểm nguy đến với bọn trẻ không ai lường hết được. Chúng tôi luôn có niềm tin vào các đồng chí ở vùng địch chiếm. Bà con cô bác luôn nuôi dưỡng chở che cho chúng tôi. Và tôi tin rằng bọn trẻ vùng ven này cũng tin và thực hiện đúng chỉ dẫn của người lớn - những người cách mạng, quyết tâm đánh đổ Mỹ nguỵ giải phóng quê hương - Sống, chiến đấu cùng với những con người và niềm tin như thế, thì “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi …”.
Hà Nội Tháng 8-2016