Tình bạn Trường Sơn - Một thời để nhớ của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 11:42 17/02/2017 Lượt xem: 464

 

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - HOÀNG KIỀN

 

TÌNH BẠN TRƯỜNG SƠN

 

 

 

Đã bốn mốt năm rời Trường Sơn
Cùng về ôn tập tại Quy Nhơn
Vào trường đại học từ khi ấy
Nay hình bạn giửi đậm lòng son

 

 

Trần Tuấn (bên trái) và Thiếu tướng Hoàng Kiền

 

         Bỗng dưng tôi nhận được tấm hình bạn gửi qua Facebook, thật bồi hồi xúc động bao kỷ niệm trào dâng. Chúng tôi cùng Sư đoàn 472 giai đoạn tây Trường Sơn, Sư đoàn đảm nhiệm khu vực bắc-nam đường số 9, một trong những địa bàn ác liệt nhất trên chiến trường Trường Sơn. Tôi là trợ lý phòng Công bịnh, anh là cán bộ phân đội khảo sát, gắn bó với nhau trên những cung đường đầy khó khăn nguy hiểm. Năm 1974 anh hành quân theo đội hình Sư đoàn sang phía đông, tôi trong tốp 9 người ở lại thành lập Ban đại diện Miền Tây. Nhìn đội hình sư đoàn hành quân sang đất Việt mà lòng trĩu nặng nỗi nhớ đồng đội, quê hương.

         Tháng 4/1976 tôi được về Trường văn hoá của BTL Trường Sơn ôn thi đại học tại Quy Nhơn, chúng tôi gặp nhau ở đây, thật là mừng rỡ. Hàng ngày cùng nhau miệt mài học ôn trên lớp, chiều chiều ra bãi cát chạy dài, nhảy xa, tắm biển suốt một tháng liền, thật say mê vui rộn trong lòng. Bỗng dưng tôi được thông báo là ngừng ôn tập để chuẩn bị nhận giấy tờ trở về đơn vị cũ, do không có bằng tốt nghiệp cấp 3 . Tin như sét đánh, vỡ mộng, ước mơ vào đại học bỗng dưng như vàng đang tan chảy thành mây khói trước bức xạ mặt trời. Tiếc bao nhiêu công sức bỏ ra. Đi chiến trường mỗi người chiến sỹ phải đeo ba lô quân tư trang, vũ khí lương thực thực phẩm nặng gần 35 ki lô gam, tôi đem theo một bộ sách toán lý hoá cấp 3 nữa. Suốt gần sáu năm ở Trường Sơn trong điều kiện bom đạn ác liệt, vô cùng khó khăn gian khổ thiếu thốn tôi tự học hết chương trình lớp 10, vì học trung cấp sư phạm mới được môt phần chương trình học kỳ một của lớp 10.

         Đang trong kỳ cao điểm ôn tập, hàng ngày bạn lên lớp, một mình tôi lủi thủi ra bãi cát ngồi, nhìn ra biển xanh bao la vô tận mà lòng buồn sâu thẳm tận đáy đại dương. Suốt một tháng trời như thế, tôi gặp cán bộ xin về đơn vị sớm, nhưng họ bảo cứ chờ đang hỏi lại bên trên. Chiều chiều chúng tôi vẫn đi thể thao với nhau thân thiết, tôi động viên bạn cố ôn thi đỗ để có tương lai tươi sáng, tôi sẽ ra quân về làm anh giáo làng như xưa. Chúng tôi rủ nhau ra phố chụp một po ảnh làm kỷ niệm những ngày ở Trường Sơn và những ngày ôn thi tại thị xã Quy Nhơn.

         Thế rồi tôi lại nhận được thông báo là bằng trung cấp sư phạm được thi đại học. Một tháng đi toi, đã không được học hết cấp ba lại không được ôn như các bạn, tôi bảo số mình sao hẩm hiu thế, nhưng vẫn còn may, còn cơ hội trở thành sinh viên đại học. Tôi lao vào ôn thi không kể ngày đêm, tóc dựng ngược lên, mặt hốc hác ra, cũng may trời cho chút sáng dạ nên cũng theo kịp các bạn. Chuẩn bị thi đại hoc, trường lấy đề thi đại học để cho thi thử, kết quả tôi đứng đầu trong số hơn 300 người với hai điểm 10, một điểm 9. Năm ấy hai chúng tôi đều đỗ vào đại học, tôi đạt điểm cao được vào học tại Trường đại học kỹ thuật Quân sự.

         Mãi năm 2005 tôi là Tư lệnh Cômg binh, đi chỉ đạo thi cômg đường hầm máy bay ở sân bay TX tình cờ đi qua nhà và gặp anh, anh là phó giám đốc nhà máy đường Thanh Hoá. Chúng tôi kết nối lại liên lạc và đến gia đình thăm nhau. Con anh tốt nghiệp đại học xây dựng khoa cấp thoát nước, anh đề nghị, tôi nhận cháu vào đơn vị Khảo sát thiết kế công trình của binh chủng Công bịnh, ...

         Khi tôi chuyển sang làm đường tuần tra biên giới, không có điều kiện gặp nhau, rồi cũng mất số điện thoại của nhau nên không liên lạc được. Nay trên Facebook anh gửi tặng tôi tấm ảnh cũ thật là xúc động vui mừng. Tôi viết mấy dòng gửi tới anh Trần Tuấn và các bạn của tôi để cùng nhớ lại và tự hào về một thời Trường Sơn rực lửa.

         Tôi còn nhớ mới đây thôi trong một bài viết của Nhà báo, Nhà văn Phạm Thành Long - Trưởng Ban Tuyên truyền thi đua - Tổng Biên tập Trang Thông tin và bản tin Trường Sơn đăng trên Trang Thông tin Trường Sơn có nói "... Những hội viên Trường Sơn hôm nay sao họ yêu thương nhau đến thế ..." - Câu nói ấy đã được coi như " Khẩu hiệu hành động" của Hội viên Trường Sơn khắp miền đất nước ... Hoàn toàn đúng và rất đúng bởi cái "yêu mến nhau" hôm nay nó có được cũng bởi cái nghĩa, cái tình của họ đã có và được hun đúc thành Truyền thống từ những năm tháng họ cùng nhau xây nên con đường huyền thoại - Con đường mang tên Bác kính yêu... Và tấm ảnh mà anh Trần Tuấn giữ mãi rồi hôm nay anh tìm tôi để gửi chẳng ngoài mục đích gì hơn đó là " Cái nghĩa, cái tình" của người lính Trường Sơn năm xưa vậy .

         Xin trân trọng cám ơn anh Trần Tuấn, hẹn một ngày gặp lại. Xin cám ơn mạng Facebook đã tạo điều kiện cho chúng tôi gặp lại nhau.

 

Hoàng Kiền

 

tin tức liên quan