" Nhìn về phương Bắc" - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:31 20/02/2017 Lượt xem: 576

 

NHÌN VỀ PHƯƠNG BẮC

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền

 

 

         Hôm nay 17 tháng 2 - ngày mà cách đây 38 năm đã xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc. Nhiều bài viết các bạn đã gửi cho tôi, có mấy bạn trẻ hỏi tôi ngày 17 tháng hai là ngày gì mà nhiều người đề cập trên Facebook thế, chúng cháu không biết gì cả, Lịch sử không dạy… vv. Tôi nói sách Giáo khoa lịch sử có viết 11 dòng mãi sau này có thế các cháu không được học. Cuộc chiến tranh xảy ra đã 38 năm những người dưới 50 tuổi chắc cũng không biết hoặc lơ mơ, dới 40 tuổi thì có lẽ không biết gì. Có cô giáo cấp hai tên Hạ Băng nhắn tin nói với tôi là chẳng ai nói, chẳng biết gì cả và đề nghị tôi nên viết bài. Sự thật như thế đó, cuộc chiến tranh giữa hai nước Xã hội Chủ nghĩa anh em do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo, đã một thời gắn bó anh em sâu đậm thành bài ca trong sáng tuyệt vời: “ Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sớm như rạng đông...” Thế mà họ đưa quân xâm lược chúng ta và bây giờ họ thè lưỡi bò chín khúc đang lăm le liếm hết Biển Đông . 

 

         Từ đó thôi thúc tôi viết đôi điều về vấn đề này. Tôi tham gia cuộc chiến tranh biên giới này với cương vị thực tập làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 89/ Quân đoàn 29 trong 3 tháng bảo đảm chiến đấu trên mặt trận Hà Giang. Mười năm ở BTL Công binh trực tiếp khảo sát chỉ đạo rà phá bom mìn toàn tuyến biên giới Việt Trung. Sau khi kết thúc chiến tranh có bảy năm làm Giám đốc BQLDA Xây dựng đường Tuần tra Biên giới dọc Biên giới Việt Trung. Nhiều vấn đề đã chứng kiến để viết ra những dòng này, hy vọng giúp những người quan tâm xem để hiểu thêm vấn đề.

 

         Cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động dưới sự chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình với chủ đề " Dạy cho Việt Nam một bài học ". Với lý do chúng ta giúp nhân dân Căm Pu Chia đánh đổ chế độ diệt chủng của Khơ Me đỏ do PolPot cầm đầu được Trung Quốc nuôi dưỡng, truyền bá, chỉ đạo. Họ thực hiện mưu đồ bá quyền đại Hán. Năm 1972 trước khi Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội, Mao Trạch Đông đã mời Ních Xơn sang thăm Trung Quốc, hai bên bắt tay nhau tại Vạn Lý Trường Thành, sau đó Mỹ tự do ném bom B52 xuống Thủ đô Hà Nội của chúng ta, Trung Quốc tự do đánh chiếm hết phần còn lại phía tây quần đảo Hoàng Sa do Quân đội Việt Nam Cộng hoà đóng giữ - (Quân đội Việt Nam Cộng hoà là một chư hầu ở tuyến đầu chống Cộng Sản), nhưng Mỹ làm ngơ… Lần này trước khi mở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình sang Mỹ, cúi mình bắt tay Tổng thống Mỹ Dimicato, được Mỹ bật đèn xanh về mở cuộc tiến công xâm lược Việt Nam. Họ huy động 60 vạn quân mở cuộc tiến công quy mô lớn trên toàn tuyến ngày 17 tháng 2 năm 1979, chúng đã bị quân và dân ta hặn đánh cho tơi tả. đến ngày 18 tháng 3 họ rút hết quân.

 

 

 

Cuộc chiến phủ kín dải Biên cương . Và đạn pháo chẳng từ ngay cả nơi

hàng ngày đang cứu con người khỏi tay "Thần chết"

 

         Tôi đi dọc Biên giới chứng kiến họ tàn phá các thị xã, cơ sở hạ tầng của ta suốt từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Họ dùng pháo bắn phá (Trung Quốc có quan điểm là pháo binh quyết định chiến trường), pháo họ bắn tàn phá thật khủng khiếp, bao nhiêu đạn pháo cũ họ đưa ra dập xuống miền Biên giới nước ta, tiếp theo là dùng xe tăng húc đổ, khi rút về họ dùng bộc phá đánh sập cho bằng hết. Hang Cốc Bó ở Pắc bó - Cao Bằng cũng bị lính của họ dùng bộc phá đánh sập nóc, mà đây là di tích Lịch sử hàng đầu, ngọn nguồn của Cách mạng Việt Nam. Cả một dải đất suốt chiều dài Biên giới tan hoang. Sau đó họ chiếm một số điểm cao của ta dọc Biên giới, hai bên chiến đấu giành giật các điểm cao diễn ra vô cùng ác liệt, ác liệt nhất là khu vực Thanh Thuỷ - Vị Xuyên - Hà giang, trong mười năm ngày liền pháo Trung Quốc không lúc nào ngừng, các núi đá trắng xoá như vôi. Chúng ta lần lượt đưa các Sư đoàn lên thay phiên chiến đấu. Tôi đã chỉ huy đơn vị Công binh bắc cầu qua sông cho Sư đoàn 316 lên thay phiên chiến đấu ở Vị Xuyên - Hà Giang. Ở Lạng Sơn là đỉnh cao 800 khu vực Pò Mã cũng diễn ra các trận chiến giành giật vô cùng ác liệt. Tổng số Trung Quốc chiếm 34 điểm cao của ta có chỗ khá sâu vào đất ta tới 5 ki lô mét, sau này khi phân giới cắm mốc gọi là Điểm C ( tranh chấp ). Thực tế cuộc chiến kéo dài đến năm 1988 mới kết thúc, như vậy là ròng rã 10 năm, họ cố tình kéo dài để làm cho Việt Nam suy sụp phải quỳ xuống làm chư hầu cho Trung Quốc như thời phong kiến. Họ đã gây tổn thất rất lớn về cơ sở hạ tầng và sinh mạng của nhân dân Việt Nam.

 

 

Bức ảnh làm ta nhớ lại " Cô du kích nhỏ dương cao súng..." 

 

 

VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG

 

         Họ không ngừng tuyên truyền là chúng ta gây sự. Lực lượng Công binh đi rà phá mìn dọc Biên giới, sau khi hai bên đã chấm dứt chiến tranh. Một số anh em tối lẻn sang bên họ xem phim về kể lại với tôi rằng, họ dựng nên những bộ phim bỉ ổi, vu khống ta thật xấu xa dã man thậm tệ. Hiện nay họ tuyên truyền trong nhận thức của nhân dân Trung Quốc là Việt Nam “vong ơn bội nghĩa”, “ăn cháo đá bát”… Cuộc chiến tranh Biên giới là do Việt Nam gây ra. Rất nhiều Tướng lĩnh của họ phát ngôn rất hống hách, đặc biệt là Trung tướng Lưu Á Châu - Giám đốc Học viện không quân Trung Quốc, có bài nói chuyện với quân của họ, kích động, ca ngợi sự chiến đấu anh dũng của binh lính Trung Quốc chống Việt Nam xâm lược và còn tuyên truyền việc phong tặng anh hùng cho những người có công lớn trong cuộc xâm lược này vv, với những lời lẽ đầy hận thù xấu xa. Bản thân ông ta cũng là Tướng trẻ bị nhồi nhét tư tưởng chống Việt Nam từ thời Đặng Tiểu Bình, vu khống cho Việt Nam là bên gây ra cuộc chiến tranh này…

 

         Tôi đã đến thăm viếng Nghĩa trang Pò Hèn ở biên giới Quảng Ninh . Đêm 17/2 họ bí mật cho một Trung đoàn luồn sâu bao vây phía sau, dùng pháo bắn cho tan nát không còn một ngọn cây nào suốt cả một khu vực, sau đó dùng một Trung đoàn Bộ binh tiến công giết chết hết 86 người bao gồm Cán bộ Chiến sỹ đồn Biên phòng Pò Hèn và công nhân Lâm trường Pò Hèn chạy vào đồn ẩn nấp. Đến đây thắp hương viếng những người đã ngã xuống mà căm thù rơi lệ. Tôi đã làm bài thơ “NGHĨA TRANG ĐỒN PÒ HÈN”

 

 

NGHĨA TRANG ĐỒN PÒ HÈN

 

 

 

 

Dừng chân gần đỉnh Pò Hèn
Hương thơm khói toả dâng lên nghẹn ngào
Nơi đây thấm đẫm máu đào
Đọc bia đếm mộ dội vào lòng ta

Chiến tranh biên giới lùi xa...
Công trình chứng tích, đến mà thương tâm

Đêm xuân năm ấy mưa dầm
Bỗng dưng đạn pháo ầm ầm ngổn ngang
Lính Tầu nhung nhúc tràn sang
Chặn sau, đánh trước tan hoang đồn này
Rừng xanh phạt sạch ngọn cây
Chẳng còn ai thoát, đắng cay nhường nào

Hôm nay lên tuyến vùng cao
Chúng tôi đồng đội đứng chào các anh
Hy sinh cống hiến tuổi xanh
Nhân dân, đất nước ghi danh đời dời

Mối thù khép lại phai nguôi
Nhưng mà quá khứ một thời không quên
Con đường xây dựng bừng lên
Bảo vệ Tổ quốc bình yên hùng cường

Nghĩa trang dáng đứng biên cương
Nhìn về PHƯƠNG BẮC tỏ tường nhớ ghi

 

Pò Hèn ngày 20/3/2009
Thiếu tướng Hoàng Kiền 
Giám đốc BQLDA Đường tuần tra biên giới

 

 

         Còn biết bao những hy sịnh trên một dải chiều dài dọc suốt Biên giới, đặc biệt là Vị Xuyên - Hà Giang, điểm cao 800 Pò Mã - Lạng Sơn. Bài viết này không thể kể hết sự ác liệt, tội ác của quân đội Trung Quốc, những yếu kém của họ với chiến thuật biển người vv. Cũng không kể hết sự chiến đấu ngoan cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quân và dân ta…

 

PHÂN GIỚI CĂM MỐC

 

         Tiếp theo là quá trình phân giới cắm mốc toàn tuyến với chiều dài gần 1.400 ki lô mét cũng vô cùng gian nan. Tôi lặn lội đi khảo sát lập phương án rà phá bom mìn bảo đảo an toàn cho việc phân giới cắm mốc. Nhiều cán bộ chiến sỹ các đơn vị Công binh của BTL Công binh, các Quân khu 1, 2, 3 đã bị thương vong. Cuộc đàm phán trên hội nghi, tiếp theo là tiến hành ngoài thực địa cũng kéo dài trong 10 năm. Với 34 điểm C họ đưa ra cách giải quyết đại thể là chỗ tranh chấp thì chia đôi. Đất của ta họ lấn chiếm rồi đòi chia đôi.. Chúng ta kiên quyết nhưng có chỗ vẫn bị thua thiệt, chỗ đất tốt họ lấy, núi đá họ nhường ta, chúng tôi đã đi toàn tuyến biên giới khảo sát so sánh bản đồ cũ và bản đồ phân giới cắm mốc mới thấy thực tế như vậy. Trên sông họ đưa ra nguyên tắc chỗ sâu nhất của dòng chảy là biên giới, ta đồng ý. Tuy vậy trước đó họ đã khảo sát trước, xây kè nắn dòng chảy vv, chúng ta cũng thua thiệt. Thác Bản Dốc trước đây nửa thác to là của ta, bây giờ toàn bộ thác to về Trung Quốc, cửa sông Tục Lầm trước đây nửa nhánh rộng là của ta, giờ đây cả nhánh rộng là của Trung Quốc, tầu bè to của ta ra vào phải xin họ cho đi nhờ. Vv


         Thời Pháp Thanh đã ký hiệp ước Biên giới, cắm tổng số hơn 300 cột mốc , nhưng làm bằng những phiến đá chôn xuống đất. Họ cho dân đào dịch sang phía Việt Nam để lấn dần một số vị trí của ta. Bây giờ sau khi phân giới xong hai bên thống nhất cắm dày hơn, bình quân khoảng 1 km cắm 1 cột. bên làm cột số chẵn bên làm cột số lẻ. Cột mốc làm bằng đá hoa cương, đế đổ bê tông mỗi chiều khoảng hơn 2 mét, cao 1 m bảo đảm bền vững không thể di chuyển đi được. Mỗi cột có toạ độ vệ tinh hai bên ký vào giửi lên Liên hiệp quốc quản lý . Từ nay cột mốc dọc biên giới hai nước sẽ vĩnh viễn ổn định, trừ khi họ xâm lược. Tuy vậy cột họ làm đỉnh bằng, có vạch hai mép để ngắm chiếu dọc biên giới, nửa của ta thì hình chóp chẳng biết ngắm đi đâu. Sau mười năm hoàn thành việc phân giới cắm mốc, hai bên đã tổ chức lễ chào mừng ở cửa khẩu Thanh Thuỷ - Vị Xuyên - Hà Giang và công bố hai bên cùng thắng. Chúng ta thắng thật, vì trong hơn bốn nghìn năm Lịch sử, lần đầu tiên Nhà nước Việt Nam ký được với Nhà nước Phương Bắc một hiệp ước về Biên giới hai bên ngang bằng nhau, chúng ta phải chấp nhận một số thua thiệt do tiểu xảo của họ và sự hạn chế về một số mặt của cán bộ ta… Thực tế này là thắng lợi của chúng ta trong điều kiện bên cạnh một nước lớn.

 

 

 

Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình và công lý - Họ mãi không quên những cuộc chiến tranh đẫm máu

và họ chỉ tin " Hữu nghị hay bao chữ vàng..." chỉ có ý nghĩa khi nó được các bên cùng tôn trọng nhau,

tôn trọng Luật pháp Quốc tế ...

 

LÀM ĐƯƠNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI

 

         Sau khi phân giới cắm mốc xong, cả hai bên đều làm đường tuần tra biên giới. Chúng ta đã làm con đường bê tông xi măng từ cửa khẩu Chi Ma - Lôc Bình - Lạng Sơn đến Đồn Tục Lầm - Móng Cái - Quảng Ninh dài gần 250 km xe chạy bám sát biên giới . Làm một số đoạn quan trọng các khu khác thuộc các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc và còn tiếp tục làm hết chiều dài Biên giới. Con đường Bê tông xi măng sẽ là một dải mốc bền vững muôn đời.

 

         Khi chiến tranh Biên giới xảy ra, dân đã sơ tán về phía sau, vào Tây Nguyên nhiều nơi trống vắng không có dân, khi làm đường tuần tra Biên giới điều kiện thuận lợi họ đã trở về bám Biên giới, đây chính là lực lượng bảo vệ Biên giới lâu dài. Tôi đi dọc Biên giới chứng kiến cảnh dân ta bị dân Trung Quốc ăn hiếp, họ cậy đông đưa người sang chặt phá rừng của ta, dân ta không giám giữ. Họ lập các trạm thu mua gỗ dọc Biên giới, dân ta nghèo quá chặt gỗ rừng dùng ngựa chở qua Biên giới bán . Họ mua lợn của dân ta về rồi nuôi tăng trọng một thời gian lại đẩy trở lại Việt Nam. Khi làm đường tuần tra Biên giới ở Lạng sơn, tôi cho làm đường tạm để thi công, chỉ mượn đất bạn tạm thời một vệt bánh xe với chiều dài 30 mét nhưng dứt khoát họ không đồng ý, buộc chúng tôi phải làm cầu tạm ven sông, thái độ của lính Biên phòng Trung Quốc lúc nào cũng hằm hằm. Còn nhiều điều nữa thấy mà xót lắm. Bên Trung Quốc rừng xanh thăm thẳm, họ quản lý rừng rất giỏi, nhưng dân họ lại sang chặt gỗ, mua gỗ để phá rừng của ta. Bên ta trơ trọi đồi hoang, cỏ tranh xào xạc, man mác trong lòng. Tôi đã đưa Thượng tướng Nguyễn khắc Nghiên Tổng TMT QĐNDVN đi thăm và đề nghi lập Dự án trồng rừng dọc Biên giới, hiện nay đang triển khai. Bên họ trồng loại cây đốt không cháy dọc Biên giới, bảy năm tôi đi dọc Biên giới nhìn sang không thấy vụ cháy rừng nào cả, không có cảnh đốt nương như bên ta, điều này phải học Trung Quốc. Bên Việt Nam anh Nghiên giao cho Cục kinh tế Bộ QP nghiên cứu trồng loại cây đặc trưng của Việt Nam gọi là cây “CHỈ THỊ BIÊN GIỚI”, đến đây là biết Tổ quốc của chúng ta. Anh Nghiên đã mất, tôi mong ý tưởng của anh sẽ thành hiện thực.

 

 

TRỒNG CÂY BIÊN GIỚI

 

Miền Biên phía bắc trập trùng
Xe bon vun vút bập bùng nhạc reo
Lượn quanh sườn núi đỉnh đèo
Dáng hình dải lụa trắng treo lưng trời
Tay ta bắt núi chuyển dời
Đường bê tông đẹp sáng ngời vươn xa
Nối tình hữu nghị Việt - Hoa
Hoà bình phát triển mở ra đậm đà

 

Liếc sang đất bạn bao la
Rừng vươn thăm thẳm mắt ta ngỡ ngàng
Màu xanh bao bọc bản làng
Cây trồng biên giới từng hàng vươn cao
Gió reo sómg lá rì rào
Ngắm mà thán phục dội vào lòng ta

 

Nhìn về bên đất nước nhà
Chang chang mầu lửa nắmg hoa mắt nhoè
Chập chờn đồi núi vàng hoe
Cỏ tranh khô rát vẳng nghe xạc xào
Lên cao tầm mắt thu vào
Ngút ngàn trơ trọc lao xao nỗi niềm


Ước mơ cho dải vùng biên
Rừng xanh toả bóng nối liền ngày mai
Trồng cây kế hoạch triển khai
Đến đây nhận rõ vành đai nước mình
Mở ra cả một chương trình
Chọn, tìm loại giống hồi sinh đất này


Tình yêu Tổ quốc đắm say
Quân dân chung sức rừng dầy phủ nhanh
Mai ngày Biên giới mầu xanh
Quốc phòng kinh tế sáng danh vững vàng.

 

         Chúng ta đang sống bên cạnh một nước lớn có tham vọng " Trỗi dậy hoà bình ". Đảng và Nhà nước có đối sách để giữ môi trường hoà bình hữu nghị tạo điều kiện ổn định để phát triển đất nước. Về Lịch sử cuộc chiến tranh vẫn phải ghi lại thông qua nhiều hình thức. Xây dựng các Nghĩa trang, các văn bia, các nhà tưởng niệm. Các tài liệu tổng kết chiến tranh, Lich sử các đơn vị tham gia bảo vệ biên giới phía bắc chống Trung Quốc xâm lược. Tôi nghĩ rằng nhất định phải đưa vào sách Giáo khoa môn Lịch sử để giáo dục truyền cho các thế hệ con cháu chúng ta hiểu về cuộc chiến tranh này với dung lượng hợp lý, chứ không thể chỉ có vẻn vẹn 41 dòng nói về một cuộc chiến tranh. Tôi chắc rằng bên họ cũng đưa vào giảng dạy nhưng với nội dung xuyên tạc Lich sử. Chúng ta cần nghiên cứu có chính sách phù hợp điều kiện cụ thể với những người tham gia bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước.

 

         Lịch sử cho thấy rằng chỉ có sức mạnh thật sự của dân tộc mới bảo vệ vững chắc độc lập tự do của đất nước. Nước Nga lớn mạnh mà ngày xưa cũng bị Mông Cổ đô hộ hơn một trăm năm. Trung Quốc rộng lớn dân đông như vậy mà cũng bị Mông Cổ chiếm đóng, rồi sau này bị Nhật Bản đô hộ. Chúng ta tự hào ông cha ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên trong khi Nga và Trung Quốc quy hàng.
 

         Chúng ta cũng không thể dựa vào ai, đã có những bài học còn hiện hữu. Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa trong tay VNCH, Mỹ làm ngơ. Trung Quốc đánh chiếm 6 đảo chìm tại quần đảo Trường Sa của ta trong khi Việt Nam và Liên Xô đã ký hiệp định hữu nghị hợp tác toàn diện vv…, hạm đội Thái Bình Dương của họ đóng ở Cam Ranh, ta nhờ giúp đỡ, họ lờ đi. Khi Trung Quốc bắn cháy chìm 3 tầu đổ bộ và vận tải của ta, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân hy sinh trong đó có 26 đồng chí của Trung đoàn 83 chúng tôi, nhiều người bị thương. Ta nhờ tầu Bệnh viện của Liên Xô đang đậu ở quân cảng Cam Ranh ra cứu Thương binh lấy Tử sỹ nhưng họ từ chối. Đã có cuộc tranh luận nảy lửa giữa Tướng Giáp Văn Cương Tư lệnh Hải Quân Việt Nam và viên tướng đại diện Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô tại Cam Ranh. Đập bàn đập ghế nhưng chúng ta yếu đành nuốt hận.

 

         Muốn cho đất nước độc lập, tự do, hoà bình, ổn định lâu dài, điều quan trọng nhất là phải xây dựng Việt Nam vững mạnh về mọi mặt thành một cường quốc, trong đó tập trung phát triển kinh tế, kinh tế quyết định chính trị như Mác đã nói. Và một điều có thể nói là tiên quyết đó là Tuyên truyền, Giáo dục và phát huy Truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ - Chúng ta hãy tin tưởng vào các thế hệ tương lai – Họ sẽ mãi xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng của đất nước bốn ngàn năm Lịch sử.

 

Hoàng Kiền

tin tức liên quan