" Trường Sa của Tổ quốc ta" - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:07 15/03/2017 Lượt xem: 3.632

TRƯỜNG SA - GẠC MA

 

 

         Là người cả cuộc đời gắn với nghiệp Binh - Chúng tôi vẫn trìu mến gọi anh - Thiếu tướng AHLLVTND Hoàng Kiền với cái tên “ Người lính tam trường” - Trường học; Trường Sơn và Trường Sa. Chưa đủ nay về với đời thường Tướng Kiền vẫn còn đau đáu với công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc thân yêu - Chùm bài viết có tựa đề “ TRƯỜNG SA CỦA TỔ QUỐC TA” này minh chứng cho điều mà anh vẫn đang “đau đáu”… Tuy nhiên với anh - Thật khiêm tốn thôi - Anh gọi nó là ký ức một thời... Nhưng không - Nó thực sự là một bằng chứng hiện hữu của Lịch sử “ Giữ đất cha ông” của dân tộc Việt Nam ta mà anh vinh dự được là người (rất) trong cuộc. Và điều đặc biệt hơn ở đây là chùm bài viết anh lại cho nó ra đời vào đúng những ngày tháng 3 - Cái tháng mà cách nay 29 năm ( ngày 14 tháng 3 năm 1988) sự kiện trận chiến đơn phương do Hải quân Trung Quốc dùng tầu chiến đánh chiếm trái phép các đảo chìm thuộc quần Đảo Trường Sa của Việt Nam, họ đã bắn chìm bắn cháy 3 tầu đổ bộ và tầu vận tải của Việt Nam, giết chết 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân của Việt Nam. Chùm bài viết của anh tiếp tục khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam; khẳng định tinh thần bất diệt, sự hy sinh dũng cảm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân Việt Nam; Khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của toàn Đảng, toàn Quân và toàn dân tộc Việt Nam.

 

         Xin trân trọng giới thiệu với các đồng chí và bạn đọc Trang Thông tin Trường Sơn chùm bài viết “ TRƯỜNG SA CỦA TỔ QUỐC TA” của Thiếu tướng Hoàng Kiền:

 

  

TRƯỜNG SA CỦA TỔ QUỐC TA

 

 

Hôm nay mười bốn tháng ba
Nhớ về sự kiện Gạc Ma bi hùng
Trường Sa biển đảo bão bùng
Đôi lời thấu tỏ xin cùng sẻ chia

 

 

         Nhân dịp ngày 14 tháng 3, nhớ lại sự kiện cách đây 29 năm, cũng ngày này năm 1988 Trung Quốc đã đưa lực lượng Hải Quân Xâm chiếm các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Là Sỹ quan Công Binh - Kỹ sư công trình quân sự công tác trong Quân Chủng Hải Quân 16 năm, có 10 năm gắn bó với Trường Sa trong đõ 8 năm chỉ huy Trung đoàn Công Binh 83 xây dựng công trình trên quần đảo Trường Sa. Năm 2014 tôi làm tổ trưởng tổ viết báo cáo khoa học đề nghị nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ trong Thiết kế, xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Đã có các cuộc trao đổi thảo luận về sự kiện 14/3/1988 bao gồm Tư lệnh và các Phó tư lênh Hải quân các thời kỳ cùng cán bộ chủ trì cơ quan các cấp của BTLHQ, tôi tham dự.Với sự chứng kiến của mình, hôm nay tôi viết mấy lời về vấn đề này.

 

         Sự kiện này được các báo chí gọi là trận chiến Gạc Ma, các tài liệu thường nói là cuộc xung đột vũ trang trên biển khu vực quần đảo Trường Sa, nói như vậy cũng chưa hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng thực chất đây là trận chiến đơn phương do Hải quân Trung Quốc dùng tầu chiến đánh chiếm trái phép các đảo chìm thuộc quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ đã bắn chìm bắn cháy 3 tầu đổ bộ và tầu vận tải của Việt Nam, giết chết 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân của Việt Nam. Họ chiếm 6 bãi đá ngầm ( còn gọi là đảo chìm ).

 

         Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng chiều ngang từ đông sang tây khoảng 350 hải lý (648 km), chiều dọc từ bắc xuống nam khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí. 
 

         Tổng số có 18 đảo nổi. Đến năm 1975 Việt Nam Cộng Hoà giữ 5 đảo, Phi Líp Pin giữ 8 đảo, Đài Loan giữ 1 đảo. Tháng 4 năm 1975 ta giải phóng 5 đảo do VNCH đóng giữ. Sau năm 1975 còn 4 đảo nổi nhỏ là Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh đến năm 1978 Hải Quân Việt Nam đóng giữ hết. Tất cả các bãi cạn (còn gọi là đảo chìm) cho đến năm 1986 thực tế chưa có ai đóng giữ. chúng ta thường xuyên kiểm tra quản lý đặt các mốc chủ quyền.

 

         Tháng 4/1986 Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ đi kiểm tra quần đảo Trường Sa, dừng chân tại đảo chìm Thuyền Chài vào chiều tối, đêm hôm đó nước ròng hòn đảo nổi lên rộng bao la dưới ánh trăng vằng vặc, ngắm nhìn ai cũng trầm trồ. Sáng hôm sau Tư lệnh cử chúng tôi vào kiểm tra mốc chủ quyền, đã phát hiện ra nước ngoài nhòm ngó đảo chìm này. Ông nói sẽ xẩy ra tranh chấp đảo chìm trong thời gian tới, các lực lượng phải chuẩn bị phương án đối phó. Tôi đã viết bài thơ:


 

ĐẢO CHÌM THUYỀN CHÀI

 

Mênh mông giữa "đại dương xanh"
Biển ru gió hát mát vành trăng non
Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn
Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to
Bình minh bơi tới lội dò
San hô mừng vẫy, ngao sò đón reo
Ngắm nhìn Nam, Bắc dõi theo
Dài mười lăm dặm, ngang nghèo phần ba
Ngỡ ngàng quang cảnh như hoa
Hoà trong sóng nước chim ca rợp trời
Lung linh hạt nắng trùng khơi
Tô hình Tổ quốc đẹp tươi diệu kỳ
Chủ quyền truyền nối dấu ghi
Họ mưu toan chiếm, mốc phi thả ngầm
Hò khênh quẳng xuống biển ngâm
Chìm trong sóng dập, vang âm kỳ đài

Khen Em tên đẹp Thuyền Chài
Ngày mai Anh đến pháo đài dựng xây
Công trình vươn giữa trời mây 
Lá cờ Tổ quốc tung bay sáng ngời.

 

 

 

 

         Kết thúc một tháng kiểm tra về bờ, Tư lệnh giao cho tôi - Đại uý Kỹ sư Hoàng Kiền nghiên cứu dùng cát san hô trộn xi măng để làm lô cốt và tường nhà kết hợp công sự cho Bộ đội trên các đảo nổi theo phương pháp trình tường ở Bắc Giang quê Ông, lúc đó đất nước chúng ta vô cùng khó khăn, còn nghèo quá không có tiền xây dựng công trình bê tông cốt thép ở Trường Sa. Đồng thời Ông giao cho Đại uý kỹ sư Đỗ Văn Thông nghiên cứu thiết kế làm nhà C3 bằng vật liệu tận dụng để chốt giữ đảo chìm.
 

         Cuối năm 1986 nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài . Nhà tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam ranh của Mỹ cắt ra, kết cấu dầm gỗ thông, lát ghi, lợp vòm tôn. Thượng uý kỹ sư Hoàng Anh Dũng - trợ lý công binh cùng phân đội công binh Vùng 4 ra triển khai. Sang năm 1997 Tư lệnh trực tiếp ra kiểm tra thấy chưa yên tâm, Ông quyết định xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3 bằng đá xây kết hợp bê tông cốt thép lắp ghép.

 

         Ngày 31/12/1986 Ma lay xia đưa quân chiếm đóng hai đảo chìm là Kỳ Vân và Kiều Ngựa. Ngày 14/2/1986 Trung Quốc đưa tầu giả dạng tầu cá đến trinh sát một số bãi cạn ở Trường Sa và đặt các tấm bê tông " kỷ niệm " ở một số bãi cạn. Ngày 3/9/1987 Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sát nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên cho tầu chiến giả dạng tầu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.

 

         Trước tình hình đó BTLHQ đã có phương án đóng giữ các đảo chìm. Đã đóng 2 pông tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Tây, nhưng do sóng gió lớn pông tông Đá Tây bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chuyển sang phương án chủ yếu là đưa các tầu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm.
 

         Khi phát hiện Trung Quốc đưa tầu chiến xuống Trường Sa, chúng ta đã đưa các tầu vận tải và các lực lượng Công binh, Hải quân đánh bộ, lực lượng chốt giữ đảo ra đóng giữ. Trong đó xác đinh đảo Chữ Thập nằm ở trung tâm của quần đảo là vị trí hết sức quan trọng, đã cử một tầu do đồng chí Hoàng là thuyền trưởng chỉ huy, nhưng do bị lạc đường không bắt được đảo nên để Trung Quốc đến trước chiếm mất. Một số đảo chìm khác ta cũng đưa tầu vận tải ra, nhưng do tầu ta nhỏ bị họ đẩy ra chiếm mất đảo.
 

         Với lực lượng tầu vận tải của Lữ đoàn 125 và Lữ đoàn 955, Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn giữ đảo 146, Lữ đoàn HQĐB 126, Tiểu đoàn Công bịnh V4 chúng ta quyết tâm tổ chức đóng giữ các đảo chìm. Đã xảy ra sự tranh chấp quyết liệt với hải quân Trung Quốc. Ngày 14/3/1988 Trung Quốc cho các tầu chiến lớn âm mưu chiếm các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, chúng ta đã đấu tranh kiên quyết. Trung Quốc với lực lượng tầu chiến mạnh đã hung hãn bắn chìm tàu vận tải 604 ở Gạc Ma, bắn chìm tầu vận tải HQ 605 ở Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở Cô Lin. Tầu HQ 505 bị cháy vẫn quyết tâm lao lên đảo và ta giữ được Cô Lin . Chúng ta tiếp tục đưa tầu vận tải, tầu kéo treo cờ chữ thập đỏ và lực lượng ra Len Đao để cứu thương binh lấy tử sỹ và dựng nhà C3 đóng giữ Len Đao. Riêng ở Gạc Ma một phân đội của trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam và đang vận chuyển vật liệu lên dựng nhà C3. Trung Quốc đã cho quân lên tranh chấp với ta, chúng giật cờ không được, tên chỉ huy đã dùng súng ngắn bắn chết Trung uý Trần Văn Phương sỹ quan chỉ huy của Lữ đoàn 146. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, chúng không giật được đã dùng lưỡi lê đâm vào vai đồng chí Lanh cho gục xuống. Giành giật không được chúng rút quân lên tầu rồi xả pháo 37 ly bắn chết gần hết số cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sỹ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Tổng số 64 cán bộ chiến sỹ Hải Quân đã hy sinh ở cả 3 đảo trong đó có 26 đồng chí của Trung đoàn 83 chúng tôi, họ bắt đi 9 người mang về đảo Hải Nam, trong đó có 6 chiến sỹ của Trung đoàn 83 ( năm 1993 họ trao trả tôi đi nhận về, tuần trước một đồng đội ở Đà Nẵng đã mất) . Bằng các hành động dũng cảm không chùn bước trước mũi súng của quân thù. Với quyết tâm cho tầu ủi bãi, dùng Pông tông neo cắm, lắp dựng nhà C3 chúng ta đã chốt giữ được 12 đảo chìm trong khi Trung Quốc chiếm được 6 đảo chìm. Trong đó xảy ra chiến sự ở khu vực 3 đảo chìm họ chỉ chiếm được 1 đảo Gạc Ma, chúng ta vẫn giữ được Cô lin và Len Đao.
 

         Trung tá Vũ Huy Lễ thuyền trưởng tầu HQ 505, Trumg tá Trần Đức Thông Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đại uý Vũ Phi Trừ thuyền trưởng tầu HQ 604, Trung uý Trần Văn Phương đại đội trưởng / Lữ đoàn 146, Binh nhì Nguyễn Văn Lanh chiến sỹ của Trung đoàn Công Bịnh 83 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

 

         Trong tình hình đó chúng ta nhờ bạn đưa tầu bệnh viện, tầu kéo của Hạm đội Thái Bình Dương đang đậu ở quân cảng Cam Ranh ra giúp cứu Thương binh lấy Tử sỹ nhưng cũng không được. Chúng ta phải dùng tầu kéo, tầu vận tải treo cờ chữ thập đỏ ra thực hiện nhiệm vụ này.

 

         Trung Quốc chọn thời điểm giữa tháng 3 gió mùa đông bắc rất mạnh, sóng gió lớn để thực hiện âm mưu đánh chiếm các đảo chìm của ta ở Trường Sa. Trong khi các tầu của ta nhỏ chịu sóng gió kém, chưa có định vị vệ tinh, đi dễ lạc đường không bắt được đảo chìm. Lực lượng tầu của Hải quân ta lúc đó còn yếu, chúng ta có tầu Phóng lôi và tầu Tên lửa, tầu Pháo nhưng đều là loại nhỏ tiến công ven bờ, chịu sóng gió kém, không có khả năng tác chiến dài ở ngoài Trường Sa được. Về không quân các máy bay MIC không bay tới Trường Sa, ta có máy bay SU 22 cũng chỉ bay ra hoạt động được khoảng 15 phút nên khả năng tác chiến rất hạn chế. Trong khi đối phương có các tầu Khu trục với số lượng đông và hoả lực rất mạnh, cuộc chiến không cân sức. Đồng thời lúc đó chúng ta còn đang phải đối phó với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và lực lượng còn đang ở Căm Pu Chia, tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, về đối ngoại cũng bị cô lập khi chúng ta đưa quân vào Căm Pu Chia giúp nhân dân bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
 

         Có một số người phát biểu, nói năng linh tinh kể cả một số cán bộ cao cấp trong quân đội cho rằng đồng chí Lê Đức Anh BTBQP và Đồng chí Giáp Văn Cương TLHQ nhu nhược không dám đánh. Nói như vậy là không có kiến thức về quân sự, võ mồm. Phải hiểu rằng tác chiến trên biển hoàn toàn khác với tác chiến trên đất liền. Tương quan lực lượng Hải quân của hai bên khi đó và trực tiếp ở Trường Sa ta ở thế yếu. Tình hình kinh tê đất nước vô cùng khó khăn, tình hình quốc tế không thuận lợi cho ta. Tư lệnh Giáp Văn Cương xử lý tình hình lúc đó là hết sức sáng suốt. giữ được trạng thái ổn định sau 14/3 không để họ tiếp tục lấn tới. Tất cả cán bộ Hải quân lúc đó cho đến hiện nay đều khảng định như vậy.

 

         Hàng năm chúng tôi đi tầu ra xây dựng Trường Sa, lần nào qua Gạc Ma cũng thả hương hoa đứng viếng đồng đội với bao nỗi niềm nghẹn ngào thương tiếc. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tôi đã viết bài thơ

 

 

QUA ĐẢO GẠC MA

 

Tầu qua bãi cạn Gạc Ma
Ầm ào sóng vỗ tiếng loa bi hùng
Hoa tươi nến sáng thả cùng
In vào đáy biển sóng lừng Đại dương
Quyện trong màn khói trầm hương
Bóng hình đồng đội thân thương giao hoà
Nỗi đau mười bốn tháng ba (1)
Pháo hạm, lính thuỷ Trung Hoa bạo tàn
Súng lia đạn nổ, máu chan
Tầu chìm, người ngã trên làn san hô
Nguyễn Văn Lanh quyết giữ cờ
Chúng toan cướp đảo, mưu đồ xấu xa
Vững vàng ý chí Tám Ba (2)
Hy sinh anh dũng Đoàn Ta kiên cường
Tuổi xuân để lai chiến trường
Biển xanh quanh đảo máu xương thấm dầy
Các Anh yên nghỉ nơi đây
Ngày đêm canh giữ đảo này không ngơi
Niềm tin son sắt đời đời
Chủ quyền Tổ quốc biển trời của ta
Trường Sa mãi mãi nở hoa
Ngàn năm sóng hát bài ca hào hùng.

 

 

 

         Trước tình hình tương quan lực lượng như vậy, Tư lệnh Giáp quyết định tìm cách đưa tầu ra Trường Sa để răn đe đối phương. Ông đã giao cho Trung đoàn Công binh 83 chúng tôi cải tạo luồng vào hồ Đá Đông và hồ Đá Tây để đưa tầu chiến ra trực chiến. Đặc biệt là quyết định đào con kênh nối thông lòng hồ ở đảo Đá Lớn ra biển cho tầu vào trực chiến. Đá lớn là một đảo lớn, lúc nổi lúc chìm , chiều dài 17 km, chiều rômg 3 km, giữa lòng đảo có hồ rộng rất sâu đượng bao bọc bằng vành đá san hô chỗ mỏng nhất là 750 mét. Tôi đã chỉ huy lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 dùng 1600 tấn thuốc nổ, quả lớn nhất là 110 tấn, trong hơn 2 tháng chúng tôi đã nổ phá đá trên nền san hô đào được một cái luồng ( kênh đào ) dài 750 mét, rông 50 mét sâu trên 5 mét để đưa 2 chiếc tầu đổ bộ LCU mỗi tầu chở một xe tăng lội nước vào hồ trực chiến, góp phần quan trọng bảo vệ Trường Sa, làm giảm sự uy hiếp của đối phương. Đồng chí Giáp Văn Cương đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Với lòng kính trọng vị Tư lệnh - Thủ trưởng của mình tôi đã viết tặng ông bài thơ.

 

 

TƯ LỆNH GIÁP VĂN CƯƠNG

 

San hô, cát trắng, biển xanh
Đảo chìm, đảo nổi kết thành Trường Sa
Sóng reo gió hát chim 
Hồn thiêng đất Việt trải qua bao đời

Nối nhau thế hệ đắp bồi
Vượt qua bão tố trùng khơi giữ gìn
Thời đại mới Hồ Chí Minh
Nước nhà thống nhất niềm tin vững vàng

Lịch sử đã bước sang trang
Hải Quân vươn tới mở mang chủ quyền
Pháo đài sừng sững mọc lên
Đóng thêm đảo nổi, đứng trên đảo chìm

Giáp Văn Cương - Tướng tầm nhìn
Kiểm tra phát hiện như in rõ ràng
Chỉ đạo khảo sát dọc ngang
Xây dựng, chuẩn bị, sẵn sàng triển khai

Đối phương diễu võ giương oai
Thôn tính lấn chiếm giở bài xâu xa
Tư lệnh Cương thật tài ba
Lệnh tầu ủi bãi, dựng nhà chốt ngay

Mười hai đảo ngập trong tay
Lá cờ Tổ quốc tung bay giữa trời

Lửa lòng thôi thúc không ngơi
Mở luồng thông nối biển khơi với hồ
Tầu ra trực chiến chẳng lo
Dẫu cho bão tố sóng to kiên cường

Đô đốc - Tư lệnh sáng gương
Trí tâm nhiệt huyết Anh hùng lưu danh

 

 

 

         Sau sự kiện 14/3/1988, cả nước hướng về Trường Sa, nhân dân thế giới lên tiếng ủng hộ chúng ta. Nguồn lực đầu tư cho Trường Sa được huy động, hệ thống công trình trên quần đảo Trường Sa được đầu tư và tập trung lực lượng xây dựng cơ bản vững chắc. Tôi suốt tám năm chỉ huy Trung đoàn Công bịnh 83 xây dựng các công trình trên 21 hòn đảo hiện ta đang quản lý. Đến nay sau hơn 40 năm xây dựng Trung đoàn CB 83 ( nay là Lữ đoàn ) cùng với Trung đoàn CB 131 ( nay là Lữ đoàn ) và các lực lượng khác đã xây dựng nên hệ thống cômg trình đồng bộ vững chắc trên tất cả 21 đảo với 33 điểm đóng quân, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền của nước ta trên quần đảo Trường Sa. Trung đoàn Công binh 83 vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai vào năm 1994.

 

         Ngày nay lực lượng Hải quân đã được bổ xung các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, chúng ta có tầu ngầm Kilo, có tầu Hộ vệ tên lửa đi sang tới các nước ở đại dương khác, chúng ta đóng được tầu Tên lửa, có các loại tên lửa đất đối hải hiện đại do Nga và Ixraen sản xuất. Có các loại máy bay Hải quân trong đó có máy bay săn ngầm. Không quân có máy bay SU30MK tác chiến được trên vừng trời Trường Sa trong thời gian khá dài. Với hệ thống công trình được thiết bị, với lực lương chiến đấu các binh chủng tinh nhuệ, với vũ khí trang bị của Hải Quân và Không quân hiện đại, chúng ta tin tưởng vào khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

         Năm 2016 tôi cùng đoàn cựu chiến binh Bộ Tham Mưu Hải Quân được vào thăm căn cứ Cam Ranh, thăm các đơn vị, các loại vũ khí trang bị kỹ thuật của Hải Quân. Thật phấn khởi tự hào tôi đã viết bào thơ:

 

 

TỰ HÀO HẢI QUÂN

 

Trường Sơn rực lửa đã qua 
Trường Sa vẫy gọi băng ra xây thành 
Đội trời đạp sóng biển xanh
Chỉ huy dốc sức dựng nhanh công trình
Tự hào đời lính Công binh
Đảo xa ghi dấu in hình "Tám Ba "

Bi hùng trận chiến Gạc Ma 
Nỗi đau uất hận xót xa muôn vàn
Đối phương ngang ngược quấy càn
Hung hăng lấn chiếm bạo tàn trái ngang 
Quân ta ý chí vững vàng
Quân thù tàn bạo điên cuồng dã man
Súng lia đạn nổ pháo ran
Tầu chìm, người ngã trên làn san hô

Ngóng mong chi viện trong bờ
Sóng to tầu nhỏ mấy giờ chưa ra
Ngậm ngùi sức hạn đuối đà
Đất liền sôi sục, đảo xa trông chờ

Sáng gương Bộ đội Cụ Hồ
Nguyễn Văn Lanh quyết giữ cờ trong tay 
Chúng rắp tâm cướp đảo này
Máu xương đồng đội thấm đầy Biển Đông
Đắng cay đứt ruột xé lòng
Những Chiến hạm lớn thầm mong sớm thành

Hôm nay trở lại Cam Ranh
Về thăm Căn cứ dạo quanh khắp vùng
Cảng to Tầu lớn như rừng
Đinh Tiên Hoàng đón, vui mừng hoà chung 
Đường băng, sân đỗ sáng bừng
Phi cơ mấy loại mơ từng bấy lâu

Tầu ngầm ta lặn sâu lâu
Bọn bay xâm lược, cho chầu Diêm vương
Biệt danh "hố đen đại dương" 
Tiên tiến hiện đại đối phương coi chừng

Tên lửa bờ loại đặc trưng 
Hàng đầu Thế giới, nhỏ nhưng tuyệt vời
Ra đa tinh xảo lắp rồi 
Sóng bao mặt biển những đôi mắt thần...

Đối phương liều lĩnh bất nhân
Hiệp đồng tác chiến Hải quân diệt liền
Chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Giữ gìn, bảo vệ vững bền không ngơi
Trường Sa toả sáng trùng khơi
Đất trời Tổ quốc đời đời quang vinh

 

 

         Trong tình hình hiện nay, trước tham vọng và mưu đồ của Trung Quốc là thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông, chúng ta phải có cách nhìn thực tế. Vệ mặt ngoại giao vẫn phải kiên quyết đòi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Trước mắt giữ ổn định tình hình Trường Sa, xây dựng tiềm lực về mọi mặt, giữ vững 21 đảo với 33 điểm đóng quân hiện nay như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

         Qua sự kiện Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, lực lượng Công binh Hải quân bao gồm: Phòng Công binh, Lữ đoàn CB 83, Lữ đoàn CB 131, Tiểu đoàn CB Vùng 4 thật tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đã có sáng tạo, mưu trí dũng cảm thiết kế, gia công, vận chuyển, lấp dựng 14 nhà C3 trên các đảo chìm ngập nước giữa Trường Sa trong mùa sóng gió. Góp phầm quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc chốt giữ 12 đảo chìm trong thời điểm lịch sử đó trước mũi súng quân thù. Nhà C3 là công trình dã chiến nhưng có giá trị và ý nghĩa về mặt chiến lược trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Trường Sa. Chiến công xuất sắc ấy, giá trị khoa học công nghệ ấy mãi mãi được in vào lịch sử của Hải quân anh hùng, của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Chiến công của lực lượng Công binh Hải quân góp phần tô thắm thêm lá cờ MỞ ĐƯỜNG THẮNG LỢI mà Bác Hồ đã trao tặng cho Bộ đội Công binh Anh hùng.

 

Hoàng Kiền

tin tức liên quan