Nhớ thời làm việc quên ăn quên ngủ với GS Nguyễn Thiện Nhân
Nguồn:Báo Điện tử
Chúng tôi thường làm việc hơn 10 tiếng/ngày, còn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân làm 15-18 tiếng, đêm ngủ rất ít - nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Tôi có duyên biết anh, GS Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2003 với cương vị là Phó Chủ tịch TP.HCM đến phát biểu tại buổi tổng kết hội thi giáo viên dạy giỏi THCN toàn quốc.
Năm 2006, anh được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng GD-ĐT thay Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, người xin được miễn nhiệm trước nhiệm kỳ để kịp bàn giao cho Bộ trưởng mới.
|
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận nhiệm vụ mới
|
Chân tình, thẳng thắn
Bài học đầu tiên chúng tôi học được từ anh là làm chính sách phải đi từ thực tế.
Những vấn đề như gian dối, bệnh thành tích trong thi cử, mua sắm trang thiết bị trường học lãng phí, đến đời sống giáo viên và cán bộ, chất lượng GDĐT - đặc biệt vấn đề tài chính, quản trị GDĐH và đào tạo tại chức... đều được bàn bạc, hỏi ý kiến tất cả các cục trưởng, vụ trưởng.
Mọi người phát biểu dân chủ, nêu quan điểm của mình, không hề bị phê phán "vỗ mặt" tại cuộc họp. Cuối cùng Bộ trưởng đề nghị các thứ trưởng phát biểu, rồi kết luận từng vấn đề một cụ thể, rõ ràng: Việc trọng tâm, ai làm, thời gian nào xong, nguồn lực ở đâu.
Sự chân tình, thẳng thắn, pha thêm những lời nói hài hước nhẹ nhàng khiến cho tập thể cán bộ CNVC Bộ yêu mến, đồng lòng nhất trí cùng Bộ trưởng lao vào công cuộc đổi mới với động lực và niềm tin mới.
Anh em cấp vụ chúng tôi thường làm việc hơn 10 tiếng/ngày vì rất nhiều việc tân Bộ trưởng đòi hỏi phải giải quyết, cả cấp bách và lâu dài. Còn Bộ trưởng một ngày làm việc 15-18 tiếng, đêm thường ngủ rất ít.
|
Tân Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
|
Hết lòng với công việc
Bài học thứ hai tôi học được là lãnh đạo phải có cái tâm, tầm và lãnh đạo bằng phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tấm gương làm việc, không phe cánh bè phải. Có nhiều việc anh em cấp vụ giúp Bộ trưởng nhưng cũng có không ít việc vượt ra ngoài khả năng của anh em, Bộ trưởng thường tập trung vài ba chuyên gia và mang việc về nhà làm.
Đề án đổi mới Tài chính giáo dục tác giả chính là Bộ trưởng có thể xem là một trong các đề án rất khó khăn do các quan điểm rất khác nhau trong xã hội và cuối cùng được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho nhiều cơ sở GDĐT cải thiện chất lượng, nâng cao đời sống của cán bộ giáo viên.
Tấm gương hết mình vì công việc, gia đình ở xa, nhà ở TP.HCM lại có ba mẹ già lúc đó cũng trên 90 tuổi giao phó hết cho bà xã. Có lần đi họp ở TP.HCM với các doanh nghiệp, anh không kịp ghé thăm má, chỉ kịp ghé qua bệnh viện chốc lát thăm rồi ra ngay Hà Nội...
Có lần đi công tác từ Nam Định xong việc, không kịp ăn chạy tuột lên Bắc Giang làm việc với Bí thư và Chủ tịch tỉnh về Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực. Tối xong việc vừa ngồi kịp nâng cốc chào nhau đã lại vội về với Truyền hình CAND trực tiếp chương trình vì người nghèo. Tiễn xuống cửa, tôi hỏi thế anh sẽ cơm nước thế nào? Anh nói: "Có nắm xôi trong xe đây rồi". Giản dị thế đấy.
Trong các hội nghị, ai đã từng dự đều thấy anh có những phát hiện qua các con số và suy luận logic độc đáo để dẫn dắt thảo luận và gợi ý những giải pháp cho mọi người bàn thảo rồi mới kết luận.
Tôi thỉnh thoảng được giao chuẩn bị báo cáo tổng hợp từ địa phương và các bộ ngành về công tác phát triển nhân lực, điều lo nhất là các số liệu thống kê và tổng hợp và phân tích chuẩn xác vì dựa vào những thông tin ấy Ban chỉ đạo mới có được đường lối rõ ràng và giải pháp kịp thời.
Những ý kiến cấp vụ đưa ra không thể chung chung mà đòi hỏi phải là việc, nghiên cứu nghiêm túc đi kèm là số liệu cụ thể làm minh chứng, đó là tác phong làm việc khoa học của anh mà chúng tôi học được.
Tình người còn mãi
Chỉ có khoảng 3,5 năm, Bộ trưởng đã thực hiện một khối lượng công việc khủng khiếp, làm tiền đề vật chất quan trọng cho đổi mới GD- ĐT nhân lực chất lượng cao sau 2010.
Với cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khối Giáo dục, KHCN, Y tế, Văn hóa, Xã hội, anh dành không ít thời gian và trí tuệ của mình cùng Chính phủ chống đỡ với suy thoái kinh tế...
Khi được chuyển qua làm Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, anh lại xông xáo đi thực tế xem xét mạng lưới tổ chức mặt trận, nghiên cứu cách thức hoạt động hiệu quả để giúp Đảng và Chính phủ làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân, hình thành cơ chế giám sát của mặt trận và phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế hợp tác xã. Ở đâu cũng thấy ở anh một con người tâm huyết, tận tâm, kiên quyết và dẫn dắt mọi người làm đến cùng khi đã xác định đúng mục tiêu.
Bài học về tình người luôn còn mãi trong anh em cán bộ cũ chúng tôi. Cứ mỗi dịp 20/11, chúng tôi thường tặng hoa GS Nguyễn Thiện Nhân và vẫn coi anh như người thầy người trong ngành, luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà.
|
Tác giả bài viết và GS Nguyễn Thiện Nhân
|
Có lần đến nhà anh làm việc cùng anh đến khuya chuẩn bị bài thuyết trình trên powerpoint để kịp sáng mai anh phải trình bày sớm tại hội nghị quốc tế, khi xong việc anh hỏi tôi về bằng gì.
Tôi nói em đi taxi. Thế là anh đưa tôi 300.000 để đi taxi, không cầm không được và tôi vẫn còn giữ chỗ tiền ấy làm kỷ niệm. Có lần đi công tác ở Úc, tôi thức giúp anh đánh máy đến 1 giờ sáng chuẩn bị cho phần thảo luận với Bộ Giáo dục Úc sáng hôm sau. Thấy tôi buồn ngủ, anh bảo tôi về ngủ, sớm mai sẽ chuyển bài vào khe phòng...
Lúc đi ăn sáng, anh móc túi đưa tôi 2 viên đông trùng hạ thảo để uống cho đỡ mệt còn chiến đấu tiếp. Thủ trưởng tâm lý và tình cảm như vậy nên ngày ấy anh em chúng tôi làm việc quên ăn quên ngủ.
Anh em chúng tôi, người về hưu, người chuyển công tác khác nhưng vẫn theo sát các hoạt động của thủ trưởng cũ. Bộ Chính trị trao cho anh trọng trách mới, kính chúc anh có nhiều sáng tạo, thành công mới ở thành phố đầu tàu của cả nước.