Tình cảm của Đại tướng với Trung đội nữ công binh thép.

Ngày đăng: 03:57 23/05/2017 Lượt xem: 705

 

TÌNH CẢM CỦA  ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

                  VỚI “ TRUNG ĐỘI NỮ CÔNG BINH THÉP”

                            TRÊN ĐÈO PHU LA NHÍCH

 

    Một ngày trung tuần tháng 3/1973, tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Hích xuống đại đội 3 phổ biến thông tin tối mật: ngày mai toàn đơn vị tập trung đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông tin chỉ có thế nhưng suốt đêm cả đơn vị thao thức, chỉ mong trời mau sáng để được đón Đại tường. Nói là toàn đơn vị nhưng thực ra chỉ có trung đội 3 thuộc C3,D33 trực tiếp bảo đảm giao thông trên trọng điểm Phu La Nhích có vinh dự thay mặt C3 đón Đại tướng.

     Sáng hôm sau mọi người đều dậy sớm, mặc những bộ quần áo mới nhất, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ lên đỉnh đèo chờ đón Đại tướng.

     Tầm 10h, đoàn xe Commăngca từ phía Lùm Bùm ra, từ từ leo dốc. Chúng tôi đứng thành hàng dọc bên phía taluy âm. Xe lên đến đỉnh đèo thì dừng lại. Đại tướng bước xuống, tiếp theo là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính. Anh Hích chạy lại giơ tay chào, báo cáo Đại tướng theo đúng điều lệnh Quân đội. Đại tướng nhìn bao quát toàn đội hình đứng đón rồi tiến lại phía tôi. Anh Hích theo sát Đại tướng, giới thiệu từng người.

      Là chính trị viên đại đội, tôi đứng đầu đội hình. Trước Đại tướng bỗng thấy mình nhỏ bé quá. Thú thật lúc đầu cũng có hơi run. Đại tướng bắt tay, hỏi chuyện rồi vỗ nhẹ lên vai tôi như gửi gắm một niềm tin. Giọng nói nhỏ nhẹ,  nụ cười nhân từ, ánh mắt trìu mến, cử chỉ thân thiện gần gũi đã nhanh chóng xóa đi cái cảm giác hơi sợ sợ trong tôi. Đại tướng lần lượt qua bắt tay từng người. Đến chỗ trung đội nữ B3, Đại tướng đi chậm lại, hỏi tên tuổi, quê quán từng người. Đại tướng dừng lâu hơn chỗ trung đội trưởng Nguyễn Thị Tầm, hỏi sâu về những khó khăn, nguyện vọng của chị em. Chị Tầm do dự rồi thưa với Đại Tướng : chúng cháu tuy là phụ nữ nhưng chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Khó khăn, hy sinh gian khổ mấy chị em cũng chịu đựng được, nhưng là phụ nữ nên khổ nhất ở đây là thiếu xà phòng, bồ kết gội đầu và vải xô làm băng vệ sinh…

         Đại tướng chăm chú nghe, khẽ gật đầu.

       Đứng trên mỏm đất cao nhất của đỉnh Phu La Nhích, thả tầm nhìn bao quát toàn bộ trọng điểm. Trông Đại tướng oai nghiêm như năm nào  đang đứng chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Gọi tất cả chúng tôi lại gần, Đại tướng nói : trăm nghe không bằng một thấy. Có đến tận nơi mới thấy cái vĩ đại và rất nên thơ của tuyến đường qua Phu La Nhích…và cuộc chiến đấu, lao động kiên cường của những con người đã làm nên sự tích anh hùng. Rồi Đại tướng biểu dương tinh thần chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh của toàn đơn vị, đặc biệt là chị em phụ nữ.  Đại tướng động viên chúng tôi phải cố gắng hơn, luôn cảnh giác với các thủ đoạn đánh phá của địch, trong mọi tình huống phải luôn bảo đảm thông đường, thông xe để chi viện sức người, sức của vào Miền Nam, ngày toàn thắng đang đến gần.

         Riêng với trung đội nữ B3 lực lượng nòng cốt chốt giữ Phu la Nhích được Đại tướng tuyên dương là : “Trung đội nữ công binh thép” Đại tướng nói :  “  …ở nơi kẻ địch đánh phá khốc liệt như thế này chỉ có ý chí thép mới trụ lại được”. Đại tướng hứa khi về sẽ có quà cho chị em.

        Tất cả chúng tôi vỗ tay đáp lại ân tình của Đại tướng. Nhiều chị em xúc động quá lau vội nước mắt.

        Khoảng 20 ngày sau chị em  “trung đội nữ công binh thép” bất ngờ, vui mừng nhận được quà của Đại tướng gồm: 100 bánh xà phòng, một bao tải bồ kết và một cuận to vải màn.

         Món quà của Đại tướng còn quý hơn cả vàng.

         Nói đến sự đánh phá của địch trên đường 20 Quyết Thắng không thể không nhắc đến trọng điểm Phu La Nhích trong dẫy trọng điểm liên hoàn ATP ( cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu La Nhích). Một trong những trọng điểm đánh phá khốc liệt nhất của giặc Mĩ. Nơi đây được mệnh danh là “ chảo lửa” Phu La Nhích.

          Xe qua ngầm Ta lê là bắt đầu cuộc leo dốc vượt đèo. Đèo Phu La Nhích  nằm trên đất huyện Mường Phìn, tỉnh Khăm Muộn (Lào) dài hơn 3 km, từ km 37 + 500 đến km 34 (tính từ ngoài vào). Đường lên đến đỉnh đèo thoai thoải dài  hơn 2km, còn lại là đường xuống chân đèo dốc đá  gan gà dựng đứng. Hai phần ba đường đi trên đỉnh núi, nhiều đọan chênh vênh đi giữa hai bên đều là vực sâu thăm thẳm. 

          Đia hình độc đạo, hiểm trở  nên đã trở thành “tọa độ lửa”, máy bay Mĩ tập trung đánh phá rất khốc liệt. Hơn ba km đường đèo không còn một ngọn cỏ, hố bom chồng lên hố bom một màu đất đỏ quạch. Có thể nói : trong kho bom của Mĩ có loại gì thì chúng đã đem ra thi thố hết tại trọng điểm này ( trừ bom nguyên tử) : bom phá. Bom napan. Bom từ trường. Bom nổ chậm. Bom phát quang phát nổ trên mặt đất. Hàng trăm mảnh to nhỏ sắc như lưỡi dao văng ra xung quanh trong phạm vi bán kính 40m phát quang tất cả. Bom bi các loại cả hình tròn như quả cầu, cả loại có cánh giống quả dứa. Mìn bướm, mìn lá nhỏ như bao diêm lẫn vào đất đá dẵm phải là mất bàn chân. Mìn cóc dẵm phải lò xo bật lên nổ ngang đầu gối. Rốc két, đạn 20 li, đạn cối từ máy bay bắn xuống.  B52 trải thảm, bom nổ dọc theo hơn 3 km đường, vượt qua ngầm Ta lê sang tận cua chữ A. Không ngày nào vắng tiếng máy bay gầm rú, không ngày nào thiếu tiếng bom đạn dội xuống trọng điểm này.

           Đương đầu với tội ác và sự đánh phá ấy là trung đội nữ  công binh B3 với 38 cô gái tuổi đời còn rất trẻ mới mười tám đôi mươi. Với khẩu hiệu : « sống bám đường, chết ngoan cường dũng cảm », chị em đã ngày đêm không quản hy sinh, gian khổ kiên cường bám trụ giữ vững mạch máu giao thông.

         Sống, ăn ở, sinh hoạt trong hang đá tối tăm. Thiếu thốn đủ thứ, ốm đau bệnh tất. Tất cả đều bị sốt rét, có chị đã hy sinh vì bị sốt rét ác tính…gian khổ như vậy nhưng không một ai kêu ca, đầu hàng.

          Thân hình nhỏ bé, mảnh mai chỉ với cái cuốc, lưỡi xẻng và một ý chí thép chị em đã làm nên kì tích giữ thông đường trong mọi hoàn cảnh. Các cô gái B3 không chỉ có đào đất lấp hố bom mà còn phá đá lót đường, nhặt mìn, phá bom nổ chậm, đánh bom từ trường, dập lửa cứu xe hàng, gác barie phân luồng cho xe chạy…mọi sự cản trở đến việc thông đường, đến an toàn của mỗi xe hàng đều được sử lí kịp thời.   Có những đợt cao điểm bất chấp bom đạn, chị em đào hầm, chia lực lượng bám trụ cả ngày đêm trên đỉnh đèo để kịp thời cơ động, ứng phó. Nhiều đêm vừa phải lấp hố bom, vừa phải cứu xe hàng, vừa phải đứng làm cọc tiêu chỉ lối cho xe đi trong khi trên đầu máy bay gầm rú, đèn pháo sáng  soi tìm. Nhiều lần không kịp sơ tán phải chui vào hầm tạm giữa bãi bom B52 dải thảm…

            Hơn 3 năm trời, ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Không còn khái niệm về ngàychủ nhật, không biết đến ngày nghỉ, bất chấp bom đạn, chị em B3 đã sống và chiến đấu kiên cương, hy sinh dũng cảm, lập nên một huyền thoại đánh Mĩ trên đường 20 Quyết Thắng.

         Sau chiến tranh, chị em “ Trung đội nữ công binh thép” lại trở về với đời thường. Không lương, không phụ cấp, không chế độ. Di chứng của thương tích, chất độc da cam, sốt rét rừng, sức khỏe giảm sút cứ đeo đẳng mãi. Cuộc sống mưu sinh gặp nhiều vất vả, những kỉ niệm của một thời đạn bom cứ xa dần vào dĩ vãng. Bỗng một ngày chị em như không tin vào tai mình. Tại Đại hội Cựu chiến binh toàn quôc lần thứ 3, ngày 26/12/2002, trong bài phát biểu của mình Đại tướng đã nhắc đến  “Trung đội nữ công binh thép” và Bác còn nhắn  “ Hồi Bác vào thăm chiến trường, ở đèo Phu La Nhích có gặp một trung đội là những nữ công binh. Bây giờ ai còn sống, ở đâu thì hãy biên thư cho Bác…”

        Tin Bác nhắn lan nhanh, chị em vui lắm, mọi người liên hệ với nhau hẹn ngày ra thăm Bác.

        Sau khi biết được thông tin về chị em, Đại tướng đã gửi tặng cuốn sách: “ Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” cùng dòng lưu bút: “ Tặng đội nữ công binh thép tôi đã có dịp gặp cách đây 30 năm về trước. Chúc chị em và gia đình mọi sự tốt lành”. Nhờ sự quan tâm và sự chỉ đạo sát sao của Đại tướng nhiều chị em đã được hưởng chế độ thương binh, chế độ người nhiễm chất độc da cam-đioxin.

          Ngày 16/7/2003 hơn mười chị em B3 được ra Hà Nội thắm Đại tướng tại nhà riêng. Trong niềm vui, xúc động và hạnh phúc, Bác ân cần hỏi thăm từng người…Trong câu chuyện với chị em Bác trăn trở và mong muốn xây dựng Trung đội nữ công binh thép thành đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng tâm nguyện ấy chưa được thực hiện thì Bác đã ra đi mãi mãi.

          Từ khi Đại tướng ra đi, cứ đến dịp ngày giỗ của người các chiến sỹ “  Trung đội nữ công binh thép” lại vào Vũng Chùa hoặc ra Hà Nội dâng hương kính viếng Bác.

                                               Đại tá : Hoàng Văn Kính

                   Nguyên Đại đội trưởng - Chính trị viên C3, D33, BT14, BTL Trường Sơn

 

 

 

tin tức liên quan