"Quyết tâm lắp dựng nhà sắt C2 đóng giữ Đảo chìm CoLin và Len Đao" - Ký ức thời biển đảo của Thiếu tướng Hoàng Kiền
QUYẾT TÂM LẮP DỰNG NHÀ SẮT C2
ĐÓNG GIỮ ĐẢO CHÌM COLIN VÀ LEN ĐAO
Sau sự kiện ngày 14/3/1988, hải quân TQ đã bắn chìm tàu vận tải HQ 604 của ta tại Gạc Ma và chiếm đóng trái phép đảo chìm Gạc Ma. Bắn chìm tàu vận tải HQ 605 tại Len Đao, ta vẫn đưa tàu cá ra Len Đao với danh nghĩa cứu hộ tàu HQ 605, trên đảo Len Đao đã cắm cờ Việt Nam.
Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao lên đảo Cô Lin, hiện vẫn trên Cô Lin, ta đã cắm cờ trên đảo chìm Cô Lin.
Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến công tác Trường Sa để kiểm tra chỉ đạo các mặt bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đoàn cán bộ 30 người do Đại tá Mại Xuân Vĩnh - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng làm Trưởng đoàn, Chuẩn đô đốc Trần Khoái - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng làm phó đoàn, Đại tá Nguyễn Ngọc Sâm - Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Vùng 4 làm Tham mưu trưởng đoàn. Các cán bộ có Trung tá Văn Đình Nhu - Trợ lý Phòng tác chiến, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhắc - Trợ lý Phòng Cán bộ, Đại uý Nguyễn Đình Hải - Trợ lý Phòng Quân lực, cùng một số cán bộ cơ quan Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146. Đội văn công Hải quân do đồng chí Hoàng Nguyên phụ trách, có Hoạ sĩ Mai Quang Huy của Phòng Tuyên huấn Hải quân . Đoàn đi theo tàu HQ613 do đồng chí Đại uý Cao Đức Tại làm Thuyền trưởng xuất phát từ Cam Ranh vào ngày 29/3. Chuyến đi 30 ngày đến 32 điểm đảo, trong đó có đến Cô Lin động viên bộ đội trên tàu HQ 505 và Len Đao nắm tình hình. Hai lá cờ Việt Nam trên đảo Cô Lin và Len Đao vẫn tung bay trước mênh mông sóng nước. Chuyến đi này cũng nhằm thăm dò phản ứng của đối phương.
SẢN XUẤT NHÀ SẮT C2
Qua đề xuất, thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Công binh dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Binh chủng, triển khai thiết kế nhà sắt C2 ngay. Phòng Công trình Quốc phòng do Kỹ sư Phạm Tiến Nhượng làm chủ nhiệm đồ án thiết kế, sau đó kỹ sư Nguyễn Hữu Lập đảm nhiệm. Nhà bằng kết cấu thép 2 tầng, tầng 1 có 16 téc chứa nước ngọt và kho, tầng 2 là nơi ở cho khoảng 1 trung đội giữ đảo, thời gian tồn tại 2 năm .
Phương án được Bộ tư lệnh Hải quân hoan nghênh.
Nhà máy X49 khẩn trương sản xuất vận chuyển vào Cam Ranh bàn giao cho Hải quân do Đại tá Nguyễn Quí - Giám đốc nhà máy phụ trách. Thiếu tướng Vũ Trọng Hà trực tiếp vào Cam Ranh chỉ đạo Phòng Công trình và Nhà máy 49/ Bộ Tư lệnh Công binh hướng dẫn. Phân đội của Lữ đoàn Công binh 229/ Bộ Tư lệnh Công binh lắp dựng thử trên bờ tại Cam Ranh, với trình độ kỹ thuật và tính kỷ luật rất cao.
Các tàu vận tải của Vùng 4, Lữ đoàn 125 vận chuyển, các đơn vị công binh của quân chủng Hải quân, được tăng cường thêm lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh triển khai xây dựng ngoài đảo, Lữ đoàn 146 tiếp nhận để tăng cường thêm lực lượng bảo vệ chủ quyền.
Thi công công trình trên đảo Trường Sa - Ảnh minh họa
QUYẾT TÂM LẮP DỰNG NHÀ SẮT Ở CÔ LIN VÀ LEN ĐAO
Ngày 16/6/1988 Bộ tư lệnh Hải quân họp và quyết định xây dựng nhà sắt C2 trên các đảo chìm, trọng tâm là Cô Lin và Len Đao. Nhà sắt đã được Bộ tư lệnh Công Binh thiết kế và chế tạo cấu kiện bàn giao cho Hải quân tại Cam Ranh.
Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung, mỗi khung 30 người. Thiếu tá Trần Đình Dần, Trung đoàn Phó - Tham mưu trưởng chỉ huy chung. Khung xây dựng đảo Cô Lin do đồng chí Cù Kim Tài - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 làm khung trưởng, đồng chí Nguyễn Bá Chiến - Đại đội trưởng Đại đội 6 làm khung phó. Khung xây dựng đảo Len Đao do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Đại đội trưởng Đại đội 7 làm khung trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Cần - Phó Đại đội trưởng làm khung phó. Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 887 cùng ra chỉ huy.
Quá trình chuẩn bị, thường xuyên được các đồng chí Phạm Huấn - Phó Tư lệnh phụ trách Lục quân, đồng chí Lê Văn Xuân - Phó Tư lệnh về chính trị đến thăm, kiểm tra, động viên. Trước khi lên đường, Tư lệnh Giáp Văn Cương đến giao nhiệm vụ cho Chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đình Dần và nói : Chuyến này các đồng chí đi là rất nguy hiểm, có thể hy sinh, nhưng nhất định phải ra xây dựng nhà chốt giữ đảo.
Việc xây dựng nhà C2 trên đảo được tiến hành từng bước rất thận trọng.
Vào 1 giờ ngày 21 tháng 6 năm 1988 con tàu HQ613 chở hai khung xây dựng rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa, tàu cập đảo Sinh Tồn trước rồi chuyển vật liệu lên tàu nhỏ .
Tàu LCU HQ 554 từ đảo Len Đao về đảo Sinh Tồn nhận hàng từ tàu HQ 613 chuyển sang.
Tàu HQ613 từ đảo Sinh Tồn đi sang đảo Cô Lin. Sau khi giao nhiệm vụ cho khung xây dựng đảo Cô Lin xong , Thiếu tá Trần Đình Dần - Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng và Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 cùng đi tàu HQ554 ra chỉ huy xây dựng công trình trên đảo Len Đao, và dùng xuồng máy kiểm tra chỉ huy cả hai khung xây dựng trên 2 đảo.
Vào 18 giờ ngày 29 tháng 6 năm 1988, nhận lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, đơn vị tổ chức cắm cờ trên hai đảo và bắt đầu xây dựng. Hồi 11 giờ ngày 1/7/1988 tàu chiến Trung Quốc từ đảo Gạc Ma sang khiêu khích. Cán bộ chiến sĩ của ta vẫn bình tĩnh thực hiện đối sách, dùng loa phát đi lời khẳng định đây là chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không được xâm phạm. Theo phương án hiệp đồng tác chiến, tốp 3 máy bay Su 22 của Không quân nhân dân Việt Nam bay ra lượn hai vòng uy hiếp, tàu chiến của đối phương phải rút lui.
Ngày 9/7/1998 nhà C2 trên đảo Len Đao hoàn thành, ngày 10/7/1988 nhà C2 trên đảo Cô Lin hoàn thành.
Hai công trình nhà sắt C2 cao 2 tầng được xây dựng đầu tiên trên đảo chìm Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa trước sự uy hiếp đe doạ của tàu chiến đối phương, thể hiện quyết tâm, ý chí, bản lĩnh rất cao từ Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân đến Trung đoàn Công binh 83 và cán bộ chiến sĩ trực tiếp thi công. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc các công trình khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đây. Thật vui mừng phấn khởi và tự hào.
Sau khi hoàn thành xây dựng hai công trình, bàn giao nhà cho hai phân đội của Lữ đoàn 146 giữ đảo, toàn bộ lực lượng thi công của Trung đoàn quay về tàu HQ 613 ở đảo Sinh Tồn trở về đất liền an toàn.
Ngày Báo chí cánh mạng Việt Nam - 21/6/2022
Thiếu tướng Hoàng Kiền