Khu vườn lưu giữ kỷ vật chiến tranh

Ngày đăng: 06:20 17/09/2022 Lượt xem: 387
KHU VƯỜN LƯU GIỮ KỶ VẬT CHIẾN TRANH
 
       Một sáng trời thu trải nắng vàng rực rỡ  trên con đường đưa  Đoàn tham quan của Hội Trường Sơn Quảng Bình  đến với khu “vườn đặc biệt - nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh” của Cựu chiến binh Trần Văn Quận. Khu vườn rộng gần 2.000 m2  ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình của anh Trần Văn Quận cũng như bao khu vườn khác, được  trồng hoa, cây cảnh, rau màu… Nhưng điều đặc biệt ở chỗ khu vườn anh được trưng bày hơn 70 vỏ bom, đạn các loại nhằm làm nơi lưu giữ kỷ vật chiến tranh. 
       Đoàn của Hội Trường Sơn tỉnh gồm Thượng tá, Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội và phu nhân; Trung tá, Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội; các đồng chí Trần Đình Nghĩa, Nguyễn Thị Hòa, BCH Hội TS tỉnh; đồng chí Võ Thị Lan, Trưởng BLL Nữ chiến sĩ TS huyện Quảng Ninh. Gặp chúng tôi từ đầu ngõ, anh Trần Văn Quận niềm nở tiếp đón. Qua tâm sự anh cho biết: “ Từ những năm đang còn quân ngũ, do đam mê cá nhân nên tôi sưu tầm những kỷ vật nhỏ như các loại vỏ đạn, các vật dụng hằng ngày trong sinh hoạt của người lính… Đến khi phục viên trở về, việc sưu tầm những kỷ vật về chiến tranh mới thật sự thôi thúc, không còn là sự đam mê nữa mà tôi làm với mục đích: Cho hôm qua, cho hôm nay, và cho ngày mai”. 
       Anh Trần Văn Quận nhập ngũ năm 1995, vùng III Đà Nẵng. Những năm trong quân ngũ anh phát hiện trong đống phế liệu mà người dân mua bán đồng nát có những kỷ vật chiến tranh. Với đam mê của mình anh đã mua bán, trao đổi … để sở hữu chúng làm bộ sưu tập cá nhân. Sau khi phục viên, anh Quận vào TP.HCM lập nghiệp. Đến năm 2018, anh trở về quê hương. Ước mơ làm một khu vườn lưu giữ kỷ vật chiến tranh để giáo dục thế hệ trẻ biết về giá trị của hòa bình, của một thời đất nước đi qua chiến tranh đã thôi thúc anh.  Buổi đầu, công việc anh làm không được suôn sẻ. Vợ can ngăn, vì thấy công việc anh làm vừa vất vả, vừa nguy hiểm, vừa tốn tiền. Cái chết rình rập bên những quả bom, đạn. Nhưng khi biết những quả bom là vỏ rỗng nên vợ yên tâm. Rồi người ngoài nhìn vào họ cho anh là đồ gàn, thời buổi mọi người lao vào làm kinh tế thì bản thân anh chạy theo những đam mê “mơ hồ”…
       Thời gian đầu, anh đi tất cả các tiệm phế liệu dọc đường Hồ Chí Minh từ tỉnh Nghệ An đến Phú Yên. Anh cho biết, qúa  trình sưu tầm, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần, bà con cùng Chính quyền nơi anh tìm đến hiểu việc làm đầy ý nghĩa nên họ tặng, bán và ký gửi ở khu vườn của anh.  Các vỏ bom mua về được anh gia công, lau chùi và sơn kỹ càng. Nhớ dạo, đưa được vỏ quả MK84 khổng lồ về vườn là một kỳ công. Quả bom nặng, không thuê được máy kéo, nhưng may mắn nhờ một số người quen dùng dây thừng kéo từng tý một, lúc qua sông cũng phải bơm phao cho nổi lên mới di chuyển được. Anh kể lại, lần mua chi tiết động cơ phản lực Mỹ phải đi ba vòng hơn hai trăm cây số, qua 6 đầu mối mới mua được.  Tích dần từng năm một, từ năm 2018 đến nay, anh Quận đã chi gần 1 tỷ đồng cho các loại kỷ vật. Anh cho biết, số tiền lớn anh bỏ ra là nhờ bàn tay tài hoa, khéo léo làm loa thùng bằng gỗ quí xuất khẩu.
       Sau khi có những vỏ bom đạn, anh đưa chúng vào từng vị trí thích hợp rồi đúc bê tông tạo thành trụ gắn kết. Mỗi quả bom được anh Quận lắp trên một chốt sắt gắn với trụ bê tông được chôn sâu xuống đất nên dù cao khoảng 1,5m đến 2m nhưng khi dùng tay đẩy vào quả bom vẫn có thể xoay nghiêng một góc 45 độ mà vẫn đứng vững chãi.  Các vỏ bom có thể quay được nhiều hướng khác nhau rất linh động. Từ những vỏ bom, đạn… được anh sáng tạo, chế thành các vật dụng đựng đồ,  bồn trồng hoa, cây cảnh làm nên “sự sống hồi sinh trong lòng kẻ hủy diệt”.
       Khu vườn anh đã thu hút hàng trăm lượt khách thập phương, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP, học sinh các nơi… về tham quan, chiêm ngưỡng miễn phí. Hằng ngày anh vừa làm việc, vừa hướng dẫn mọi người tham quan, nhưng  lúc nào cũng vui vẻ với khách. Anh  luôn chỉn chu trong bộ quân phục, đội mũ tai bèo, dẫn khách dạo quanh khu vườn, thuyết trình giới thiệu về những hiện vật và câu chuyện lịch sử. Các đoàn tham quan đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về tình cảm, sự gần gủi của chủ nhân.
      Dẫn chúng tôi đi hết khu vườn,  anh Quận giải thích: “Ở khu vườn này, mỗi không gian, mỗi hiện vật đều tái hiện những câu chuyện lịch sử của nó. Qua bố cục, tôi muốn tái hiện danh hiệu “Quảng Bình Hai Giỏi” trong chiến tranh chống Mỹ. Trong bố cục trưng bày, tôi cho dựng những quả bom cắm xuống mặt đất được gắn đế để tạo độ nghiêng, tái tạo lại khung cảnh người dân sản xuất dưới làn mưa bom bão đạn”. Sờ tay vào một quả bom tấn to nhất vườn, anh Quận cho biết, quả bom này có người sưu tầm trả giá 200 triệu đồng nhưng anh không bán. Rồi giọng anh chùng xuống: “Năm 1972, gia đình tôi bị một quả bom rơi trúng nhà, ông nội tôi mất, anh trai thứ ba bị thương nặng khi tôi chưa chào đời.  Ký ức đó được bà nội kể lại càng làm tôi hiểu thêm những tội ác của đế quốc Mỹ tàn bạo gây ra. Từ đó thúc giục tôi sưu tầm những kỷ vật cũ trong chiến tranh, mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa”. Anh tâm sự: “ Việc làm của tôi tuy là nhỏ nhưng ý nghĩa lớn lao. Tôi muốn chuyển tải thông điệp tri ân anh hùng Liệt sĩ, cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc, để họ ôn lại những kí ức về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, khơi dậy truyền thống yêu nước, căm thù giăc. Giáo dục  cho thế hệ trẻ được kết nối với lịch sử, biết được quá khứ đau thương, từ đó gìn giữ hòa bình, đừng để chiến tranh xảy ra. Tôi muốn mọi người đến đây là có thể hình dung, trải nghiệm và sống lại một thời “hoa lửa” của dân tộc”. Anh xúc động nói: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật chiến tranh như một bằng chứng sống sinh động. Làm khu vườn này để cho mọi thế hệ, đặc biệt là các cháu học sinh được vào đây tham quan, được chạm tay vào lịch sử. Khi các cháu được sờ tay vào hiện vật, được vỗ tay vào những mảnh bom lớn, từ đó nhằm củng cố thêm kiến thức lịch sử đã học được ở Nhà trường. Những hiện vật ở đây tái hiện những mất mát, đau thương của chiến tranh, giúp mọi người biết được sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Từ đó, nâng cao ý thức làm chủ đất nước; góp phần bảo vệ nền hoà bình mà ông cha ta đã đánh đổi bằng cả máu xương, từ đó họ trân trọng giá trị hòa bình; biết đến công ơn của những người đã khuất”.  Trao đổi với anh Quận, các đồng chí trong đoàn  tham quan góp ý anh nên sưu tầm thêm một số kỷ vật khác, và làm thành khu trưng bày kỷ vật chiến tranh, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.
       Anh Quận cho biết, đây là bước khởi đầu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục dựng, mô phỏng các dạng bom tiếp đất và tái hiện hình ảnh người dân sống dưới cảnh “mưa bom bão đạn” trong thời kỳ chiến tranh. Và nhất trí ý kiến, lâu dài sẽ sưu tầm thêm các kỷ vật khác về chiến tranh ngoài vỏ bom đạn, thành khu trưng bày về kỷ vật chiến tranh, làm hồi sinh sự sống  hôm nay trên đau thương mất mát của hôm qua. Đồng thới mong muốn của anh là:  Chính quyền địa phương, các cơ quan, cộng đồng xã hội cùng chung tay để ý nguyện của anh sớm được thực hiện. Mảnh vườn độc đáo về kỷ vật chiến tranh phong phú, đa dạng hơn. Những việc làm của anh không đơn độc như hiện nay.
       Chia tay anh Trần Văn Quận trong cái nắng ấm của của trời thu, lòng ai cũng tràn ngập niềm vui hòa trong bầu trời mùa thu của Cách mạng tháng Tám. Rồi đây các đồng chí trong đoàn tham quan của Hội Trường Sơn tỉnh sẽ truyền tải, làm cầu nối cho các Ban liên lạc Trường Sơn cơ sở về đây “chiêm ngưỡng”, để vườn kỷ vật chiến tranh  là một địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống cho các thế hệ.

Một góc khu vườn có bố cục kỷ vật chiến tranh

Anh Trần Văn Quận (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với đoàn tham quan
của Hội Trường Sơn tỉnh Quảng Bình trước cổng nhà

Anh Trần Văn Quận (mặc áo rằn ri) đang giới thiệu ý nghĩa tạo dáng kỷ vật
và lai lịch sưu tầm cho đoàn tham quan

 Anh Trần Văn Quận (bên trái ảnh) chụp ảnh lưu niệm
với đoàn tham quan của Hội Trường Sơn tỉnh Quảng Bình

Anh Trần Văn Quận (bên trái ảnh) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Trường Sơn tỉnh Quảng Bình

Một góc khu vườn có bố cục kỷ vật chiến tranh

Một góc khu vườn có bố cục kỷ vật chiến tranh

 Một góc kỷ vật chiến tranh

Vỏ bom được tận dụng làm bồn hoa

Vỏ bom tận dụng làm nơi để vật dụng và trồng cây cảnh

Vỏ của các loại bom bi

Vỏ bom được tận dụng làm bồn hoa

Vỏ quả bom tấn, khách hàng trả 200 triệu nhưng anh Trần Văn Quận không bán mà giữ lại trưng bày.
 
Nguyễn Đại Duẫn
CTV Trang TT&BT Hội Trường Sơn Việt Nam,  tại Quảng Bình

tin tức liên quan