"Y sỹ Đông Dương" - Ký ức chiến trường của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 07:54 15/11/2022 Lượt xem: 430


Y SỸ ĐÔNG DƯƠNG
 
          Lại có cuộc tranh luận về các sự kiện đã diễn ra trong những năm tháng chúng tôi cầm súng đánh giặc trên dãy Trường Sơn. Ngày ấy chúng tôi trong đội hình của Bộ tư lệnh khu vực - Sư đoàn 471 – quản lý gần1.000km ở khu vực Nam Lào, tây Quảng Nam và Bắc Kom Tùm. Giờ tuổi đã cao, nhớ nhớ ,quên quên. Do vậy chuyện tranh luận là rất thường tình. Lần tranh luận này là một sự kiện lớn - quá lớn. Đó là ngày Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn Đặng Tính hy sinh là ngày 3 tháng 4 hay ngày 4 tháng 4 năm 1973.
         Tôi gọi cho Y sỹ Hùng hiện nghỉ hưu ở 17 ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ Hà Nội. Những năm 70 của thế kỷ trước tôi và Hùng là bạn chiến đấu cùng ở cơ quan Bộ TL 471 Trường Sơn. Hùng Trợ lý Quân y, tôi Trợ lý tác chiến. Sở dĩ tôi gọi cho Hùng vì Hùng chính là người mổ tử thi ướp xác cho Chính uỷ. Hùng cầm máy hỏi luôn: 
          - Lại có chuyện gì đấy?
          - Ông còn nhớ ngày Chính ủy Đặng Tính hy sinh là ngày nào không? Tôi vào đề luôn.
          -Lại quên à! Ngày ấy ông trực Tác chiến tôi trục Quân y mà.
          - Quên! Tôi thú nhận…
          Chuyện xẩy ra đã gần 50 năm. Hùng trách tôi chóng quên. Nhưng thực sự không thể nào quên. Chỉ có điều là mỗi khi nghĩ tới, nhắc tới là đã thấy có cái gì đó vô cùng thiêng liêng mà tôi không thể lý giải được. Nhiều khi đọc được những bài viết về sự kiện này có chỗ chưa đúng, định cầm bút viết lại mà không thể.Lại nghĩ những người ấy họ không ở trong cuộc viết theo phỏng đoán nên chưa đúng. Chỉ duy nhất có lần ngồi xe 45 chỗ của Trung ương Hồi Trường Sơn đưa cán bộ các Hội thành viên thăm viếng các Nghĩa trang, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn.Khi nghe Đại tá Hoàn tuyên truyền về lịch sử đường Trường Sơn. Đến đoạn sự hy sinh của Chính ủy Đặng Tính, ông nói:
               - Nghe anh em 968 ( Sư đoàn 968) nói lại: Xe của Chính ủy đi theo bờ ruộng vướng mìn chống tăng hi sinh cả xe …
         Tôi vỗ mạnh vào vai Phạm Sinh - Phó Tổng Biên tập Bản tin Trường Sơn phản bác :” Làm gì có chuyện đó”. Phạm Sinh chuyển Mích cho tôi .Tôi thưa chuyện:
               -Thưa các đồng chí ! Ngày ấy chúng tôi ở cơ quan Bộ TL khu vực 471 biết rõ chuyện này. Xe chở Chính ủy và các đồng chí đi cùng vướng mìn chống tăng trên đường 232 (Paksoong đi Huộicoong) cách Paksoong không xa về phía đông và đã rất gần hai điểm cao Thêvađa Bắc và Thêvađa Nam. Hai điểm chốt giữ quan trọng của Sư đoàn 968- Nơi mà đoàn công tác của Chính ủy Đặng Tính định ghé thăm…
          Ngay từ những ngày đầu mùa khô 1972-1973; Nguỵ quyền Viên Chăn cùng với các Binh đoàn tác chiến Thái Lan đã xua quân lấn chiếm vùng giải phóng Nan Lào. Trung đoàn 39- Sư đoàn 968 chống địch lấn chiếm vùng Không Sê đôn-Sa Ra Van. Trung đoàn 19- Sư đoàn 968 đánh địch lấn chiếm vùng Paksoong -Tha Teng. Theo lệnh của trên Bộ TL khu vực 471 thành lập gấp Trung đoàn bộ binh 59 chuyển giao cho Sư đoàn 968 đánh địch bảo vệ sườn phía Tây tuyến đường 17 (Sa thư vượt Cao nguyên Bô lô ven về Cham pak sak). Hai điểm chôt của Sư đoàn 968 ở hai điểm cao: Thêvađa Bắc và Thêvađa Nam ngay ngã ba đường 23 (Paksoong đi Tha teng) và đường 232 (Paksoong đi Huội còng) đã ngăn chặn bước tiến của quân địch. Đây là hai điểm chốt rất kiên cường của Sư đoàn 968 đã bẻ gãy hàng chục lần tấn công có phi pháo yểm trợ hòng chiếm chốt để lấn chiếm vùng giải phóng Nam Lào…
           Sáng hôm ấy thời tiết ở Nam Lào rất đẹp. Trước khi rời Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh khu vực 471 Chính ủy Đặng Tính, Chính ủy Sư đoàn 968 Vũ Quang Bình, cục phó cục Tham mưu Công binh Trường Sơn Nguyễn Xuân Yêm và đoàn công tác còn chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ cơ quan Bộ Tư lệnh 471. Chụp ảnh xong cả đoàn lên xe theo đường 24 vượt Phù Trường vào đường 17 lên cao nguyên Bô lô ven…
           Trưa hôm ấy nhận hung tin từ phía trước báo về. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Bộ tư lệnh 471 họp gấp và từ đây các mệnh lệnh được ban bố. Không khí đau thương bao trùm cả vùng đóng quân của Bộ tư lệnh…Lại một mất mát quá lớn đến với chúng tôi. Hơn năm trước (tháng 2/ 1972) chúng tôi mất Phó Chính ủy 471 Tam Anh - Ông hy sinh trên đường  công tác. Còn lần náy chúng ta mất Chính ủy Trường Sơn Đặng Tính; Chính uỷ  Sư đoàn 968; cục phó cục Tham mưu Công binh Trường Sơn và ba đồng chí nữa - hy sinh trên đất Nam Lào … Các phương án bảo quản thi hài các đồng chí cám bộ cao cấp để đưa ra Bắc đã được triển khai nhanh chóng. Tiểu đoàn sửa chữa X340 được giao chuẩn bị quan tài hai lớp (trong sắt ngoài gỗ). Quân y Bộ tư lệnh thực hiện ướp tử thi đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển bằng ô tô dài ngày đường xấu ra Bắc. Y sỹ Nguyễn Mạnh Hùng được giao trực tiếp cầm dao mổ. Phần nội tạng được lấy ra đưa đường vào rồi khâu lại như cũ. Các thi hài sau khi được khâu lại, được lau rửa sạch sẽ thay quần áo mới rồi đưa vào túi ni lông dày dùng đường ướp quanh thi thể. Sau đó thi hài được đưa vào quan tài sắt . Dùng cám cưa đã được sấy khô chèn ép chặt chẽ, đóng nắp hàn kín rồi đưa vào quan tài gỗ…
            Quy trình xử lý nghe giản đơn như thế. Song năm ấy ở chiến trường Nam Lào vừa mới im tiếng súng thật không đơn giản chút nào. X340 phải lựa từng tấm gỗ tốt, dập hàn cắt xử lý từng tấm sắt thép, chế tác đinh đóng gỗ đảm bảo chắc chắn. Cơ quan hậu cần huy đông rang hàng tạ gạo, huy động các loại chè khô, đường trong
các kho. Nhiều Bác sỹ giỏi được điểm danh…Cuối cùng công việc hoàn tất tốt đẹp.Tất cả là công sức, trí tuệ của tập thể Bộ tư lệnh 471 Trường Sơn. Không có bộ phận Quân y 108 vào tác nghiệp như một số thông tin đã đưa…
               Chuông điện thoại lại reo - Hùng gọi:
               -Thế nào đã thống nhất ngày cụ Tính mất chưa?
               - Vẫn còn phân vân - Tôi đáp.
          - Các ông rắc rối bỏ mẹ - Vẫn cái giọng bỗ bã của dân Hưng Yên chính hiệu - Cần gì phải nhiều lời thế. Ở Hà Nội cả các ông lên xe vào viếng cụ ở nghĩa trang Mai Dịch đọc bia mộ có hơn không ? Tôi nghĩ Hùng đúng. Hùng là thế - Người luôn đưa ra những ý tưởng chính xác. Việc vượt qua những gương mặt sáng giá của đội ngũ Bác sỹ trong Bộ tư lệnh năm ấy để được cầm dao mổ chính ướp xác cả ba cán bộ cao cấp; trong số đó có thi thể đã bị hoại tử ở những chỗ vết thương hở.Điều đó tập thể đánh giá rất cao tay nghề của Hùng. Hùng đã bỏ qua các phương án dùng chè khô, gạo rang mà dùng đường là vô cùng chính xác. Điều đó đã giữ nguyên thi thể được chuyển ra tuyến ngoài; có thi thể nhiều ngày sau mới chuyển ra tới Hà Nội để làm lễ an táng là một thành công to lớn của bộ đội Trường Sơn…
          Những năm 1969,1970 tuyến Trường Sơn Tây ở khu vực Nam Lào-Tuyến dọc 128 chi viện cho chiến trường Miền Nam bị địch đánh phá rất ác liệt. Trọng điểm đèo Bô Phiên - ngầm Sê Ka mán thuộc Binh trạm 36  Trường Sơn bị không quân Mỹ đánh gây tắc. Các lực lượng Công binh, Cao xạ … chiến đấu rất dũng cảm để bảo vệ con đường. Song ta cũng bị tổn thất không hề nhỏ. Trạm phẫu thuật của Y sỹ Nguyễn Mạnh Hùng ngày nào cũng có Thương binh .Chốt ngay trên khu vực đỉnh đèo Y sỹ Hùng luôn ở tư thế sẵn sàng đứng mổ cứu chữa Thương binh. Nhiều  chiến sỹ bị thương đã được mổ cấp cứu. Có ca phải phẫu thuật vùng bụng rất nặng không thể chuyển tuyến. Y sỹ Hùng đứng mổ. Ca mổ thành công. Sau ít ngày điều trị Thương binh được chuyển tuyến an toàn. Y sỹ Hùng còn sắn sàng nhận nhiệm vụ cơ động mổ cấp cứu trên tuyến nhất là vào khu vực trọng điểm ngầm Sê Ka mán. Với khả năng chuyên môn vững vàng nên ngay từ những ngày đầu Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn thành lập Nguyễn Mạnh Hùng đã được điều động về làm Trợ lý Quân y.
            Cùng là trợ lý nên tôi và Hùng thường được cử đi công tác cùng nhau. Khi thì chốt ở Sở chỉ huy tiền phương hoặc các đoàn tiền trạm của Bộ tư lệnh xác định vị trí đóng quân cho các đơn vị trực thuộc. Chính vì thế mà cả tôi và Hùng đều đặt chân tới đất Lào và Cam pu Chia. Có chuyện gì giữa tôi và Hùng, Hùng đều réo tôi là “ Chuẩn uý Đông Dương”. Chả là khi nhập tuyến tôi quên số hiệu sỹ quan nên đồng đội lên quân hàm đều đặn thì tôi vẫn là Chuẩn uý. Hùng cũng vậy người ta cùng thời được cử đi học Bác sỹ, còn Hùng vẫn cứ đi tiền phương tiền trạm như tôi. Đến khi được nhắm tới thì lại hết tuổi đào tạo. Cũng vì thế mà tôi réo gọi Hùng là “y sỹ Đông dương”.Gọi miết thành quen chả thấy ai truy hỏi đúng sai.
         Tuy chưa có bằng Bác sỹ ngoại khoa. Song những ca mổ phức tạp Hùng đều được mời cầm dao mổ. Khi Bộ tư lệnh 471 lật cánh về đông Trường Sơn đóng quân ở Bến Giàng. Viện 46 thuộc 471 đóng quân gần Ban Quân y. Các cả mổ khó Y sỹ Hùng lại đứng mổ. Nhớ nhất là ca mổ ung thư tử cung cho nữ cán bộ Quảng Đà tên Kưu. Hùng đứng mổ, ca mổ kéo dài, mùi khó chịu lan khắp bệnh viện. Ca mổ thành công tốt đẹp. Đồng đội tặng anh những lời có cánh…
          Rồi Bộ tủ lệnh 471 được chuyển thành Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn. Tôi và Hùng vẫn được giữ lại làm Trợ lý. Chỉ có một sự thay đổi là tôi xoá được “Chuẩn uý Đông dương” được thăng quân hàm Trung uý. Hùng vẫn”Y sỹ Đông dương”. Tôi và Hùng lại cùng nhau đi tiền trạm, khi ở Sê Sụ, khi ở Bù Gia Mập. Rồi lại cùng các cánh quân giải phóng Buôn Ma Thuột; giải phóng Sài Gòn Gia định. Chiều 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã ở dinh Độc lập…
          Kết thúc chiến tranh chống Mỹ. Đầu năm 1976 tôi ra Hà Nội học Đai học rồi tu nghiệp ở Liên Xô. Năm 1985 về nước tôi lại gặp Hùng ở nhà ăn C38 của Tổng cục Hậu cần. Tôi và Hùng lại cùng là lính Hậu cần. Tôi ở cục Quân trang; Hùng Quân y cục Hậu cần Tổng cục. Gặp tôi Hùng bảo :
             - Mày vẫn thế!
             - Thì ông cũng vẫn thế mà. Hùng cầm tay tôi đặt lên mấy vết sẹo trên người và lớn tiếng:
              -Thấy chưa? Bọn Phun rô biếu tớ may là vẫn còn sống… Thì ra khi tôi học Đại học ở Hà Nội thì cả Sư đoàn 471 Trường Sơn chuyển Sở chỉ huy về Gia Nghĩa - Đak Nông nhận thêm quân và cán bộ kỹ thuật thành Sư đoàn làm lâm nghiệp: trồng rừng, khai thác rừng và chống bọn Phun rô trỗi dậy. Vết sẹo mà Hùng mang trên người là bị Phun rô phục kích trên đèo Phượng Hoàng tháng 7 năm 1977. Khi được điều ra Bắc để có điều kiện học để lấy bằng Bác sỹ thì Hùng lại bị quá tuổi.Thành thử “ Y sỹ Đông dương” vẫn là Y sỹ cho đến khi được nghỉ hưu.
           Nghỉ hưu nhưng tâm thế của người Thầy thuốc vẫn không ngừng nghỉ cống hiến. Y sỹ Hùng vẫn tìm đến đồng đội để tư vấn giữ gìn sức khỏe. Dự các buổi gặp mặt giao lưu với đồng chí đồng đội nhắc nhở nhau giữ vững và phát huy truyền thống anh hùng của bộ đội Trường Sơn. Ở nơi cư trú y sỹ Hùng luôn gương mẫu đi đầu trong việc phòng chống dịch bệnh. Ở tuổi 83 hàng ngày ông vẫn giữ thói quen dậy từ 4 giờ sáng ngồi thiền, tập thể dục rồi cầm chổi quét đường phố, thực hiện tốt nhiệm vụ của người Đảng viên được nhân dân yêu mến. Có chuyện vui buồn chúng tôi vẫn tìm đến nhau và một điều vẫn không thay đổi là chúng tôi vẫn gọi Nguyễn Mạnh Hùng là “Y sỹ Đông dương”.

 

Trạm phẫu tiền phương trên đường Trường Sơn - Ảnh minh họa
 
Nguyễn Kim Chúc
(Nguyên Trợ lý Tác chiến -Bộ TL 471 Trường Sơn)
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan