Nhớ trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - Ký ức của Nguyễn Đắc Tấn

Ngày đăng: 09:23 18/12/2022 Lượt xem: 211

---------------------------------------------------------------------
NHỚ TRẬN “HÀ NỘI ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022)
 
       Nhìn lại cuộc đọ sức lịch sử quyết liệt nhất với không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội để bảo vệ Thủ đô thân yêu - trái tim của Tổ quốc. Chúng ta khẳng định rằng đây là lần đầu tiên Quân chủng phòng không – Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân Hà Nội đã đè bẹp và hạ cái gọi là “uy thế không lực Hoa Kỳ”. Đồng bào cả nước và nhân dân thế giới đã chứng kiến pháo đài bay B52 của Mỹ cháy sáng rực trên bầu trời Hà Nội, xác máy bay B52 rơi lả tả khắp Thủ đô. Giặc lái lũ lượt xếp hàng vào “Khách sạn Hintơn”. Chúng ta đã dạy cho bọn cuồng chiến, ngạo mạn bài học nhớ đời.
       Chắc ai cũng nhớ sau khi đắc cử Tổng thống - Ních Xơn đã lật lọng muốn xóa bỏ thỏa thuận tháng 10/1972 tại bàn đàm phán Pari. Chúng huy động những con át chủ bài cuối cùng là máy bay chiến lược B52 tổ chức cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng. Trước đó mấy hôm chúng huyênh hoang tuyên bố “Chỉ cần 3 ngày sẽ đưa Bắc Việt về thời kỳ đồ đá”. Muốn hay không muốn Bắc Việt phải trở lại cuộc đàm phán và chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong cuộc mặc cả tại Pari và chúng đã dã tâm thực hiện mưu đồ đen tối đó. Cụ thể:
       16 giờ ngày 18/12/1972 chiếc máy bay chuyên cơ chở đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị, cố vấn đặc biệt phái đoàn ta từ Hội nghị Pari trở về vừa đáp xuống sân bay Gia Lâm. Thì Chính phủ ta nhận được bức công hàm của Ních-Xơn với lời lẽ như bức tối hậu thư, hẹn ta sau 72 giờ phải trở lại bàn đàm phán và phảí chấp thuận theo đề nghị của Mỹ. Biết trước âm mưu thủ đoạn của địch, 16 giờ ngày 18/12, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lương vũ trang toàn miền Bắc chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Các trắc thủ binh chủng Ra đa đã vạch nhiễu tìm thù phát hiện chính xác tín hiệu từ xa là B52 đã xuất hiện nhiều hướng bay về Hà Nội.
       Đúng 19 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, hàng đoàn máy bay B52 đã trút bom xuống các vùng ven Thủ đô Hà Nội và đúng 20 giờ 13 phút Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261 đã bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên mang số hiệu 5212001. Khi Trung đoàn trưởng báo cáo lên trên - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Văn Tiến Dũng đều hỏi có phải B52 rơi tại chỗ và bắt được giặc lái phải không?
       6 giờ sáng ngày 19/12, tiết trời lạnh cóng còn dày đặc sương mù, đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng, nguyên là Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân cùng đồng chí Lê Văn Chi - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đi trực thăng tới chỗ máy bay rơi và trèo đứng hẳn trên xác chiếc pháo bay B52 vỡ tan tành, động cơ cháy rụi, mừng không cầm được nước mắt báo cáo ngay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Văn Tiến Dũng về chiến công đầu của bộ đội tên lửa anh hùng.
       Đêm 26/12, sau khi nghỉ lễ No-en địch bắt đầu tập kích giai đoạn 2. Hàng trăm lượt B52 ào ạt trút bom xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Dã man nhất lúc 2 giờ 47 phút, chúng dội bom xuống khu phố Khâm Thiên làm hàng trăm dân thường bị chết. Trong đêm đó chúng ta đã hạ gục 18 máy bay Mỹ trong đó có 8 chiếc B52. Bước đầu làm suy sụp tinh thần bọn cuồng chiến.
       Đêm 27/12, đồng chí Phạm Tuân lái máy bay Míg 21 xuất kích từ sân bay Yên Bái lúc 22 giờ 20 phút, bằng 2 quả tên lửa đồng chí đã bắn rơi một máy bay B52, đây là chiếc B52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch. Tiếp đến 21 giờ 44 phút đêm 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều lái Míg 21 vừa cất cánh và phát hiện B52 ở cự ly rất gần, đồng chí đã dũng cảm lao cả chiếc máy bay Míg vào B52, chiếc B52 bốc cháy, đồng chí Thiều anh dũng hy sinh.
       Ngày 29/12 cũng là ngày kết thúc chiến dịch, ta bắn rơi chiếc máy bay B52 cuối cùng vào ban đêm, đưa tổng số máy bay bị hạ là 81 chiếc, trong đó có 34 chiếc B52 phần lớn là loại B52 cải tiến, trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ.
Như Mỹ đã thừa nhận giá mỗi chiếc B52 lúc bấy giờ là 9.000.000 đô la, một B52 cải tiến là 20.000.000 đô la. Trong thời gian rất ngắn, B52 của Mỹ bị ta hạ gục đến chóng mặt. Giặc lái bị chết, bị thương, bị bắt sống, quá sức tưởng tượng làm cho bọn cuồng chiến Mỹ dao động thực sự. Nội bộ Thượng hạ Nghị viện mâu thuẫn kêu la ầm ĩ. Nhân dân Mỹ tiếp tục xuống đường biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh.

        Trước thất bại thảm hại đó buộc Tổng thống Ních – Xơn đúng 7 giờ sáng ngày 30/12/1972 tuyên bố chấm dứt hoàn toàn không điều kiện cuộc oanh kích vào Hà Nội. Ông ta đề nghị Việt Nam trở lại ký hiệp định Pari như nội dung đã thỏa thuận trước. Như vậy Mỹ đã ngấm đòn, chính sách cây gậy và củ cà rốt đã bị vứt vào sọt rác. Con ngáo ộp B52 không dọa được nhân dân Việt Nam.
       Rõ ràng nhờ có thắng lợi, ta bẻ gãy cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội. Buộc Mỹ trở lại ký hiệp định Pari, buộc Mỹ phải rút khỏi miền Nam. Đây là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam cũng là bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta. Đặc biệt là Quân chủng Phòng không – Không quân và quân, dân Hà Nội.
Với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao. Làm chủ vũ khí, khí tài kỹ thuật trang bị hiện đại do Liên Xô giúp đỡ và sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang khác. Được sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, quân đội ta đã làm nên một kỳ tích mới mà các nhà báo phương Tây đặt tên là “Điện Biên Phủ trên không”. Họ so sánh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc chiến tranh chống Pháp và ký hiệp định Giơnevơ 1954, bây giờ buộc Mỹ ký hiệp định Pari (27/10/1973). Kể ra tên “Điện Biên Phủ trên không” cũng có lý và tất nhiên nó mãi mãi đi vào lịch sử. Quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972.
       Chúng ta càng thấm thía công ơn trời biển của Bác Hồ, nhà chiến lược vĩ đại có tầm nhìn xa trông rộng. Ta nhớ mùa hè 1962, Bác gọi đồng chí Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không lên Bác hỏi: Chú là Tư lệnh Phòng không, chú có hiểu gì về B52 của Mỹ và cách đánh của nó chưa?
      Đồng chí Phùng Thế Tài lúng túng thưa thật với Bác: Cháu đã có ý định nhưng chưa thật rõ lắm. Bác cười và nói: nói thế thôi chứ chú có hiểu thì cũng chưa làm được nó, vì trong tay của chú chỉ có những thứ vũ khí nhắm bắn trực tiếp, còn B52 thì nó bay cao trên 10 cây số (lúc bây giờ mà Bác hiểu khá rõ về B52) nhưng chú là Tư lệnh Quân chủng, ngay từ bây giờ phải tìm hiểu chúng và tìm cách đánh chúng kẻo muộn.
       Đó là mệnh lệnh của Bác.
      Và ngày 19/7/1965, khi đi thăm binh chủng tên lửa đầu tiên của quân đội ta, Bác nói: Dù đế quốc Mỹ có lắm tiền, nhiều súng, dù chúng có B57-B52 hay B gì đi nữa chúng ta quyết đánh và quyết thắng chúng.
       Thực hiện lời chỉ giáo của Bác - chúng ta đã khẩn trương chuẩn bị phương án đánh B52. Mùa hè 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập Tư lệnh và tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân về Đồ Sơn để báo cáo toàn bộ phương án, kế hoạch đánh B52 của Mỹ và Đại tướng duyệt lại lần cuối.
       Như vậy để chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tháng 12/1972 Bác đã chỉ đạo cho quân đội ta chuẩn bị trước đó 10 năm. Và sau đó Bác luôn luôn theo sát chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phải hiện đại hóa quân đội cao, mài sắc tinh thần cảnh giác để đánh thắng địch trong mọi tình huống. Như vậy Quân đội ta đã làm trọn lời dạy của Người.
       Năm nay kỷ niệm 76 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2022) và kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944 - 22/12/2022), 50 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).
       Cán bộ và chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân nhớ lại kỷ niệm sâu sắc, những giờ phút chiến đấu ác liệt bảo vệ Hà Nội - Thủ đô yêu quý góp phần cùng với quân và dân Hà Nội làm nên Điện Biên Phủ trên không.
       Nhớ hình ảnh những lần đến thăm, cổ vũ động viên của Bác Hồ, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đến tận trận địa cao xạ, tên lửa, ra đa, dân quân tự vệ bắt tay chiến sỹ, các phi công trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt Nhớ những đêm thức trắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thượng tướng Văn Tiến Dũng đến kiểm tra, theo dõi chỉ đạo tác chiến ở Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội tưới hoa cạnh xác B52 Mỹ vẫn còn tươi màu trên tờ lịch. Mỗi người dân Việt Nam đều tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã lãnh đạo đất nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công, con đường đi lên CNXH và công cuộc đổi mới thắng lợi. Đường lối ngoại giao đa phương hóa đa dạng hóa và hội nhập quốc tế làm cho tổ quốc Việt Nam uy tín ngày càng cao trên thế giới, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ to lớn và vị thế cao như ngày nay”.
       Nhìn lại Hà Nội trong 50 năm qua từ khi làm nên chiến thắng lịch sử Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 đã và đang xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác lúc sinh thời. Thành phố Hà Nội thành phố hòa bình - Hà Nội - Thăng Long nghìn năm lịch sử. Con đường đổi mới sáng rực niềm tỉn, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đi vào cuộc sống.
       Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không càng tô thắm những dấu son lịch sử chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm nay càng nhắc nhở quân và dân ta luôn luôn mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng, tập trung xây dựng quân đội chính quy, hiện đại đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu.
 
Nguyễn Đắc Tấn
Nguyên sỹ quan Sư đoàn 373
Quân chủng PK- KQ
Trực tiếp tham gia chiến dịch
“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972)
ĐT: 0983.398.319
tin tức liên quan