“Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với con đường huyền thoại mang tên Bác” TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:46 24/02/2023 Lượt xem: 188
 
TƯ LỆNH ĐỒNG SỸ NGUYÊN
VỚI CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI MANG TÊN BÁC
 
          Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1-3-1923 tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1939 ông được kết nạp Đảng, năm 1940 được cử làm bí thư chi bộ thôn Trung, 3 năm sau ông bị thực dân Pháp truy nã phải thoát li sang Lào, Thái Lan hoạt động. Một năm sau đó ông trở về nước tham gia chỉ huy kháng chiến ở địa phương. Năm 1950 nhận công tác tại Tổng cục Chính trị, năm 1945 nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Quân khu 4, sau đó làm Chính ủy Mặt trận Trung-Hạ Lào. Cuối tháng 5-1966 ông nhận quyết định vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559. Ông là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn từ 1967 đến 1975. Sau chiến tranh ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác theo sự phân công của Đảng, Nhà nước.
          Trong suốt thời gian làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc – Nam Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng, kỳ hình. Từ đây, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải hàng trăm ngả như " trận đồ bát quái” xuyên qua trùng điệp núi rừng Trường Sơn.
          Hệ thống giao thông vận tải Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000 km, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường sông dài 600 km; có đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200 km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350 km”. Khi thiết kế phương thức “tác chiến hợp đồng binh chủng” trong chi viện chiến lược của tuyến 559, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống dây thông tin dây bọc đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Đến đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương, bảo đảm sự chỉ huy từ tổng hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật... của toàn chiến trường Trường Sơn.
         Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km. Hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600- 800m3/ngày đêm trên một hướng.
         Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn. Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá: “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.
         Hệ thống đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt. Quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm sắt đá, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam, làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chính trên những cung đường huyền thoại ấy, hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ ngày đêm đương đầu với địch trong mưa bom bão đạn, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
         Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã làm tròn sứ mạng chuyển tải cơ sở vật chất, vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, cả chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đặc biệt, tuyến đường đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước, nhất là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
         Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một phát kiến của nghệ thuật chiến tranh Việt Nam. Con đường tạo thế và lực cho chiến tranh nhân dân miền Nam, con đường chia cắt địch, là nơi xuất phát tiến công của các binh đoàn cơ động chiến lược. Chính nơi đây đã sáng tạo ra một kiểu tổ chức vận tải chiến lược,  binh chủng hợp thành lấy bộ đội vận tải làm trung tâm.
          Kỳ tích mà Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... đã lập nên trên tuyến đường mang tên Bác đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca bất tử, đã gắn liền với tên tuổi Trung tướng-Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
tin tức liên quan