TÌM ĐẾN NGƯỜI LÍNH GIÀ
ĐỂ HIỂU THÊM VỀ TƯ LỆNH ĐỒNG SỸ NGUYÊN
Cách nay chỉ 4 - 5 ngày tôi gặp ông – Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên chỉ huy Trung đoàn 98 Công binh Trường Sơn… nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam trong buổi Gặp mặt đầu xuân của Hội Trường Sơn Bộ Tham mưu bộ đội Trường Sơn tổ chức ngày 24 tháng 02 năm 2023 tại Bảo tàng Phòng không Không quân Việt Nam. Đã vài năm nay tôi không có dịp gặp Thiếu tướng, hôm nay gặp lại thấy ông vẫn khỏe và nhanh nhẹn, mặc dù năm nay ông đã ở tuổi 92. Tại buổi Gặp mặt này, Thiếu tướng Tô Đa Mạn được Ban tổ chức trân trọng mời ông lên phát biểu ý kiến, do điều kiện thời gian không cho phép, với thời lượng chưa đầy 10 phút ông dành non nửa thời lượng để chia sẻ cùng đồng chí, đồng đội có mặt ở đây về kinh nghiệm rèn luyện và giữ gìn để sống vui sống khỏe cho tuổi già… Thời lượng còn lại ông dành nói về Tư lệnh bộ đội Trường Sơn – Đồng Sỹ Nguyên. Những gì ông nói về vị Tư lệnh của mình là tóm lược chút tư liệu sống ông lần tìm trong ký ức của mình từ những tháng năm ông sống chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn… Và đoạn kết phần ý kiến của mình Thiếu tướng Tô Đa Mạn đã chia sẻ với mọi người có mặt ở đó rằng – “tấm gương của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mãi không thể phai mờ trong mỗi người lính Trường Sơn chúng ta, chúng ta hãy tiếp tục học tập và học tập nhiều hơn về mọi phương diện ở đồng chí ấy…”
Vốn là lính trẻ đến với chiến trường Trường Sơn chưa đầy nửa năm thì đại thắng mùa xuân 1975 “ập đến” – Với khoảng thời gian rất ngắn ngủi này thì ngày ấy lớp lính trẻ như tôi hoàn toàn không được kinh qua thực tế về chiến trường miền Nam, không được biết nhiều về con đường mang tên Bác mà ở đó kết tinh thành huyền thoại từ sức lực, trí tuệ và cả sự hy sinh tính mạng, hy sinh xương máu của lớp lớp bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Và ở đó có vị Tư lệnh tài ba – Đồng Sỹ Nguyên.
Với tôi tất cả những gì được tạm gọi là “kiến thức” – Sự hiểu biết về Trường Sơn, về những cung đường, những con người huyền thoại nơi này mà mình có được cũng chỉ thông qua tài liệu và sách vở… Kênh thông tin có cấp độ cao hơn, thực tế hơn đó là tiếp nhận từ những nhân chứng thì cũng chưa nhiều. Chính vì vậy nên sau khi nghe Thiếu tướng Tô Đa Mạn phát biểu tại buổi gặp mặt này, tôi nảy sinh ý định tiếp cận ông để được nghe ông trực tiếp kể thêm nhiều những gì mà ông biết về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên – Tuy nhiên ý định của tôi nếu muốn thực hiện ngay tại cuộc gặp mặt này thì thời gian không cho phép. Thiếu tướng Tô Đa Mạn đã hẹn tôi vào một khoảng thời gian gần nhất có thể…
Hôm nay trong khuân khổ các hoạt động hướng về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Gặp mặt Kỷ niệm sự kiện quan trọng này. Bên thềm của buổi Gặp mặt tôi được Thiếu tướng Tô Đa Mạn tiếp chuyện. Tại đây tôi xin phép được “phỏng vấn” ông – Xin ông chia sẻ một số kỷ niệm mà ông gói trong ký ức của mình, từ những gì ông biết về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cả trong chiến tranh và trong hòa bình thống nhất đất nước. Cùng với đó là góc nhìn của riêng ông về cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Trò chuyện cùng " Người lính già" - Thiếu tướng Tô Đa Mạn
Thiếu tướng Tô Đa Mạn vui vẻ nói: Kỷ niệm ấn tượng hay ta có thể nói đúng hơn đó là những điều mắt thấy tai nghe ấn tượng về anh Nguyên. Điều này thì nhiều lắm, khó mà kể hết được, với chú – người có thể xếp vào đội ngũ có thâm niên cao nhất ở chiến trường Trường Sơn, tuy không nhiều thời gian ở gần anh Nguyên nhưng lại không ít lần tiếp xúc với anh ấy nơi thực địa chiến trường hoặc trong những cuộc họp triển khai công việc. Chú nhớ lthời gian chú đang công tác tại Trung đoàn 98 Công binh, trong lần anh Nguyên đi khảo sát thực địa có tổ chức một cuộc họp liên đơn vị tại khu vực Binh trạm 37, chú là người tham gia cuộc họp này. Trong lúc đang họp thì ầm oàng bên ngoài có tiếng máy bay và tiếng súng phòng không đánh trả của bộ đội Trường Sơn, rồi bỗng một chiếc máy bay lên thẳng của địch bốc cháy và rơi xuống mặt đất chỉ cách vị trí phía trước nơi họp chừng trăm mét, lửa cháy nghi ngút và những tiếng nổ của đạn trên máy bay phát ra lúc đì đùng, lúc ràn rạt. Trước tình thế này để đảm bảo an toàn cho anh Nguyên và cả hội nghị, Ban tổ chức cuộc họp xin ý kiến anh Nguyên khẩn cấp di chuyển địa điểm cuộc họp nhưng anh ấy không đồng ý với lý do cuộc họp khẩn cấp, hơn nữa ở chiến trường thì biết nơi nào là an toàn không có bom đạn… sau đó anh Nguyên đã động viên anh em cùng bình tĩnh để cuộc họp được tiếp tục. Cuối cùng cuộc họp được thành công nhanh chóng và ngay sau đó anh Nguyên lại lên đường… Hành động của anh Nguyên lúc này chú cho là dũng cảm, gan dạ và tài tiên lượng cho một quyết đoán đúng đắn của anh ấy trước một tình huống đầy nguy hiểm…
Còn đây - cũng trong một lần đi thực địa chiến trường, anh Nguyên ghé thăm và kiểm tra công tác thi công, đảm bảo giao thông tại một cung đường do một đơn vị thuộc Trung đoàn Công binh 98 đảm nhiệm. Ý kiến đầu tiên anh Nguyên chỉ đạo là chất lượng đường phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, phù hợp với điều kiện địa bàn và địa hình, theo đó anh ấy nhắc đến yêu cầu – muốn đáp ứng cho phương tiện đi nhanh, đảm bảo an toàn con người hàng và hóa vận chuyển thì ngoài kết cấu bền chắc con đường thì mặt đường phải phẳng… đứng trước cán bộ chiến sỹ của đơn vị anh Nguyên cười và ví vui một câu – Cần thiết thì các đồng chí phải nằm lăn ra để “là” mặt đường ( ý nói phải nằm lăn trên mặt đường để rà kiểm tra độ phẳng của nó)… Cùng với đó anh Nguyên còn yêu cầu ban ngày các đơn vị phải huy động tối đa nhân lực ra mặt đường để tập trung xử lý công việc trong mọi tình huống nhằm đảm bảo giao thông thông suốt…Trước lúc chia tay đơn vị, anh Nguyên tặng cho các chiến sỹ phần quà miền Bắc gồm mấy gói chè và vài gói thuốc lá...
Trả lời về câu hỏi: “góc nhìn của riêng ông về cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên” - Thiếu tướng Tô Đa Mạn chia sẻ: Nói “góc nhìn riêng” thì nghe chừng bài bản và ghê gớm quá, những gì lớn lao về anh Nguyên thì phần lớn đã được sử sách ghi chép và lịch sử ghi nhận… Nói đến Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là ta nói đến một vị tướng tài ba, anh ấy có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dấu son chói lọi trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng của anh Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng anh được trao trọng trách: Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn. Với nhiệm vụ tổ chức xây dựng và khai thác con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, chi viện sức người và khí tài hậu cần cho chiến trường miền Nam, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cầm binh ra trận, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành một con người huyền thoại, nhưng còn tư duy, tầm nhìn chiến lược và cái nghĩa cái tình có trong anh ấy cũng phải được coi là cái huyền thoại thứ hai của anh.
Này nhé: Tư duy, tầm nhìn chiến lược – đấy là cách nói của chú, còn cách nói hay hơn, đầy đủ hơn và cũng văn chương hơn của Nhà báo, Nhà văn Phạm Thành Long thì lại nói: “ Tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tầm nhìn vượt thời gian”. Quả là như vậy, đơn cử chứng minh cho “Tầm nhìn vượt thời gian” của anh Nguyên, đó là Ngay sau Hiệp định Paris được ký kết (27.1.1973) thì tháng 3 năm 1973 tại hội nghị Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn anh Nguyên đã đề xuất chủ trương: Chỉ đạo tất cả các đơn vị trên toàn tuyến bằng mọi giá phải tìm và đưa ngay hài cốt các liệt sĩ Trường Sơn hy sinh trên đất bạn Lào về nước. Cùng với đó chính anh là người đề nghị lên Tổng bí thư Lê Duẩn việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia để làm nơi yên nghỉ cho hơn một vạn liệt sĩ là bộ đội đang nằm rải rác khắp dải Trường Sơn. Sau đó, anh Nguyên còn là người trực tiếp tìm địa điểm và chỉ huy xây dựng nghĩa trang và quy tập hơn một vạn liệt sĩ Trường Sơn về yên nghỉ tại đây.
Tình tiết sau đây cũng được coi là “Tầm nhìn vượt thời gian” của anh Nguyên. Nói anh Nguyên là “Tổng công trình sư về đường Trường Sơn” quả chẳng sai. Việc anh ấy đã cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Không dừng lại ở đó vào giai đoạn sau – khi mà chưa kết thúc chiến tranh anh Nguyên đã đi đầu hoạch định một phương án mang tầm chiến lược đó là chuyên sâu, đồng bộ hóa xây dựng cơ bản đường Trường Sơn nhằm tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày hòa bình…
Nói về nghĩa nước, tình người của anh Nguyên: Là cấp dưới của anh ấy, chú và hẳn nhiều đồng chí đồng đội Trường Sơn đều nhìn thấy anh là một vị tướng hết sức khiêm nhường, không bao giờ ỷ vào quyền lực để áp đặt mà ôn hòa lắng nghe, trao đổi, thương mến đồng chí đồng đội. Mỗi trận thắng, từng chiến công có được, với anh đó đều là thành tích và công lao của cả tập thể; trường hợp gặp thất bại hoặc chưa thành công thì anh ấy lại nhận trách nhiệm về mình… Nhân nói về nghĩa nước, tình người chú còn có thể kể thêm vài tình tiết rất nhân văn về tư tưởng, về phong cách sống liêm khiết, chân thực, có trách nhiệm với xã hội và với đồng chí đồng đội của anh Nguyên như: Mặc dù với địa vị xã hội của mình, anh Nguyên hoàn toàn có thể đặt con cái của mình vào những môi trường công tác và làm việc thuận lợi, nhưng không, nghĩa nước là trên hết – Người con thứ tư của anh ấy là Nguyễn Tiến Quân vẫn khoác Ba lô lên đường nhập ngũ như bao thanh niên khác và cháu Quân đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ pháo đài Đồng Đăng ngày 18 tháng 1 năm 1979 khi ấy Quân là Đại đội trưởng pháo binh.
Một tình tiết nói về tình người, mà ở đây là tình cảm anh Nguyên một lần cuối cùng và mãi mãi muốn dành cho đồng đội – những người một thời cùng anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đó là: Đối với những người trở về từ chiến trường, anh Nguyên đã khởi xướng thành lập Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh để tạo ra một tổ chức hoạt động Truyền thống và nghĩa tình đồng đội… Còn với những người đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường Trường Sơn thì từ hơn 10 năm trước khi qua đời, anh Nguyên đã từng có ước nguyện được về yên nghỉ cạnh hơn một vạn đồng đội của Binh đoàn Trường Sơn tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Trị. Ý tưởng và ý nguyện này của anh Nguyên khi nghe liệu có ai không cầm được nước mắt hả cháu…?
Cuộc chò chuyện giữa tôi và “người lính già” - Thiếu tướng Tô Đa Mạn tưởng chừng không có hồi kết, nhưng vì quỹ thời gian không cho phép để kéo dài hơn. Trước lúc chia tay Thiếu tướng Tô Đa Mạn nói với tôi rằng: Anh Nguyên – Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên của chúng ta là như thế đấy, tất cả những gì ở anh và anh có là điều không phải ai cũng làm được và ai cũng có đâu cháu ạ. Đó cũng là động lực, là nguyên nhân để trong buổi Gặp mặt đầu xuân của Hội Trường Sơn Bộ Tham mưu bộ đội Trường Sơn tổ chức mới đây chú đã chia sẻ với mọi người có mặt ở đó rằng – “tấm gương của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mãi không thể phai mờ trong mỗi người lính Trường Sơn chúng ta, chúng ta hãy tiếp tục học tập và học tập nhiều hơn về mọi phương diện ở đồng chí ấy…”
Chia tay “người lính già” - Thiếu tướng Tô Đa Mạn tôi nắm chặt tay ông, kính chúc ông vui khỏe thọ ngoại mười mươi và hẹn dịp lại được gặp ông để tiếp tục được ông kể cho nghe nhiều nhiều những mẩu chuyện trên con đường huyền thoại Trường Sơn và nhiều nhiều những mẩu chuyện về vị Tư lệnh kính yêu của bộ đội Trường Sơn - Đồng Sỹ Nguyên.
Phạm Sinh