"Trường Sa và những công trình phòng thủ" - TG: Thiếu tướng Hoàng Kiền
TRƯỜNG SA VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ
Nhân dịp 35 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam ( nguyên Tư Lệnh Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, nguyên trợ lý Phòng Công binh Hải quân) lập trình viết một số bài giới thiệu cụ thể về xây dựng công trình bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
Sau mỗi bài viết Thiếu tướng Hoàng Kiền chuyển đến. Ban Biên tập Báo ĐT Trường Sơn sẽ cập nhật và trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc. Xin trân trọng!
BÀI THỨ NHẤT
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ ĐẢO NỔI
THẢ BIA KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN
TẠI CÁC BÃI ĐÁ NGẦM (ĐẢO CHÌM)
TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM
Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ đông sang tây tính đến đảo Tiên Nữ khoảng 170 hải lý (300 km), chiều dọc từ Bắc xuống nam tính đến đảo An Bang khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo nổi Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 120 vị trí.
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang có sự tranh chấp của 5 nước 6 bên.
Tổng số có 17 đảo nổi, Philippines Pin chiếm 7 đảo, Đài Loan chiếm 1 đảo lớn nhất. Việt Nam hiện quản lý 9 đảo, trong đó có 5 đảo giải phóng từ tay quân ngụy Sài Gòn, 4 đảo đóng mới. Có khoảng 100 bãi đá ngầm còn gọi là đảo chìm, Việt Nam đã thả các bia chủ quyền từ năm 1976 đến năm 1984.
* GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA:
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân chủng Hải quân và Quân khu V phối hợp giải phóng quần đảo Trường Sa. Bộ Tư lệnh Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Quyết tâm của Đảng uỷ, Bộ tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta.
Lực lượng gồm 3 tàu vận tải của Đoàn 125 chở 1 đại đội của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân, 1 phân đội hoả lực của đặc công nước thuộc Tiểu đoàn 471/Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng đi giải phóng quần đảo Trường Sa. Đến ngày 14 tháng 4 năm 1975, ta làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây.
Đêm 24 tháng 4, tàu 673 chở Ban chỉ huy chiến đấu và phân đội 3 Đoàn 126 tiến vào gần đảo Sơn Ca. Trận chiến đấu diễn ra nhanh chóng, lá cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng 5 cánh được kéo lên cột cờ trên đảo Sơn Ca.
Khi biết tin bị mất đảo Sơn Ca, bọn quân nguỵ trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa hoang mang tột độ, sau đó chúng rút ra tàu bảo vệ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ, Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương tổ chức Khẩn trương cho lực lượng đến các đảo còn lại, quyết không để một lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội để chiếm đảo. Ngày 27 tháng 4, tàu 673 nhổ neo rời Song Tử Tây tiến về Nam Yết, một bộ phận của Phân đội 3 đổ bộ lên chiếm giữ đảo. Không một tiếng súng nổ do quân địch đã rút chạy hết.
Ngày 28/4 ta giải phóng, kéo cờ trên đảo Sinh Tồn. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 đã hoàn thành đổ bộ lên đảo Trường Sa. Cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ 5 và cũng là hòn đảo cuối cùng mà quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa.
Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Còn 4 đảo nổi gồm nhỏ: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang chưa ai đóng giữ.
Tháng 3 năm 1977 Thiếu tướng Giáp Văn Cương - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được điều về làm Tư lệnh Hải Quân. Bộ tư lệnh Hải quân đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng, đến năm 1978 Hải quân Việt Nam đóng giữ hết cả 4 đảo nổi còn lại, nâng tổng số lên 9 đảo nổi.
* XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ ĐẢO NỔI
KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC ĐẢO CHÌM
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ TRÊN CÁC ĐẢO NỔI
Sau khi giải phóng Trường Sa, Bộ Tổng tham mưu chủ trì, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Công binh tham gia kiểm tra tình hình công trình trên quần đảo Trường Sa, trên 5 đảo nổi mới giải phóng, công trình quân nguỵ Sài Gòn xây dựng rất sơ sài, mỗi đảo có mấy chiếc công sự vòm tôn, một đài quan sát làm bằng thép mạ kẽm, mấy cái nhà dã chiến. Mặt đảo một màu đá cát san hô trơ trụi. Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân lập kế hoạch xây dựng công trình chiến đấu phòng thủ trên 5 đảo nổi, sau đó bổ sung thêm 4 đảo đóng mới, Bộ Tư lệnh Công binh tham gia về mặt kỹ thuật xây dựng công trình. Đồng thời bổ sung lực lượng công binh cho Hải quân. Tháng 3/1976, Bộ Quốc phòng quyết định điều chuyển Trung đoàn 83 thuộc Quân khu 5 về trực thuộc Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.
Kế hoạch Z76 được lập ra bao gồm quy hoạch, xây dựng đồng bộ công trình phòng thủ bảo vệ 5 đảo nổi, sau bổ sung thêm 4 đảo nâng tổng số lên 9 đảo. Phòng Công binh Hải quân thiết kế, có sự chỉ đạo giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh. Các kỹ sư: Trương Quang Khánh, Trịnh Huy Luyện cùng một số kỹ sư khác; Trung đoàn Công binh 83 đã tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống công trình trên các đảo nổi gồm: các hầm chỉ huy, lô cốt, công sự chiến đấu các loại, hầm vũ khí, hầm bảo đảm hậu cần, quân y, hào giao thông, hào chiến đấu, hầm nước...
Trên đảo Trường Sa xây dựng cầu cảng nổi. Phòng công binh Hải quân do kỹ sư Phan Năng Giả được sự giúp đỡ của Viện kỹ thuật Công binh tổ chức thiết kế, Trung đoàn công binh 83 đã thi công cầu nổi bằng poong tông dạng chữ I dài gần 100 mét. Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng sân bay. Kỹ sư Bùi Quang Vinh thiết kế, Trung đoàn Công binh 28 thi công, đường băng lát ghi nhôm dài 640 mét.
Trong giai đoạn này tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn nên một số vật liệu đưa từ đất liền ra, cát san hô tận dụng tại đảo, đá san hô khai thác trên bãi san hô bao quanh đảo. Công trình xây dựng lâu bền bằng kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, kết hợp bán lâu bền bằng bê tông lắp ghép và xây đá san hô, từ năm 1980 có kết hợp bê tông thanh lắp.
Các đảo đều bị sói lở, đã thiết kế, thi công kè chống xói lở nhưng chưa hiệu quả, việc xói lở diễn ra ngày càng phức tạp…
THẢ BIA CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC BÃI ĐÁ NGẦM ( ĐẢO CHÌM)
Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức khảo sát phát hiện ra gần 100 bãi đá ngầm ta gọi là đảo chìm. Đã giao nhiệm vụ cho Vùng 4 tổ chức thả bia chủ quyền trên các đảo chìm. Từ năm 1976 đến năm 1984, Lữ đoàn 146, Trung đoàn công binh 83 cùng Phòng tham mưu, Ban công binh Vùng 4 đã phối hợp tổ chức đúc thả gần 100 bia chủ quyền trên các bãi đá ngầm ( đảo chìm) để khảng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trưởng Sa, hoàn thành phần II của kế hoạch Z76.
Hàng năm Bộ Tư lệnh Hải quân đều tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra quần đảo Trường Sa, kiểm tra bia chủ quyền trên các đảo chìm.
* HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH Z76
Từ năm 1976 đến năm 1984 hoàn thành toàn bộ kế hoạch Z76, bao gồm hệ thống công trình chiến đấu trên 9 đảo nổi, cầu cảng, sân bay trên đảo Trường Sa; đặt bia chủ quyền trên gần 100 bãi đá ngầm ( đảo chìm ) trên quần đảo Trường Sa. Trung đoàn Công binh 83 hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc kế hoạch Z76 rút khỏi Trường Sa vào cuối năm 1984 sau 8 năm làm nhiệm vụ.
Trung đoàn 83 chuyển ra Bắc làm nhiệm vụ mới, cắt 1 tiểu đoàn ở lại Vùng 4 để tu sửa bảo quản, xây dựng bổ sung một số công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa chủ yếu bằng bê tông thanh lắp đúc trong bờ chuyển ra theo mẫu thiết kế của Bộ Tư lệnh Công binh.
* XÓI LỞ ĐẢO Ở TRƯỜNG SA
Năm 1985, tôi - Thượng uý, Kỹ sư Hoàng Kiền, Tổ trưởng tổ Tác huấn của Phòng Công binh Hải quân được Chủ nhiệm Phan Năng Giả giao nhiệm vụ viết báo cáo Tổng kết thực hiện kế hoạch Z76 để tổ chức hội nghị tổng kết trong ngành Công binh Hải quân, báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Công binh. Hội nghị đã thống nhất kết luận nguyên nhân gây xói lở đảo:
- Do bộ đội ra đảo đông, hoạt động nhiều dẫm đạp làm gẫy hết cành san hô bao quanh đảo, mất đi vật tiêu sóng khi sóng đánh vào bờ.
- Do công binh ra khai thác đá san hô trên thềm san hô bao quanh đảo để xây dựng công trình chiến đấu, làm mất vật cản tiêu sóng khi sóng đánh vào đảo.
- Do mở luồng làm thay đổi dòng chảy.
Văn bản đã báo cáo lên các cấp.
Tháng 4 năm 1986 tôi đi ra Trường Sa trong đoàn công tác của Quân chủng Hải quân. Đến đảo Sơn Ca, đây là đảo xói lở nghiêm trọng nhất. Tư lệnh Giáp Văn Cương hỏi: tại sao đảo xói lở thế này, có chiếc lô cốt bê tông cốt thép đổ tại chỗ bị xói khoét sâu vào đáy nghiêng đi không sử dựng được.
Tôi trả lời ba nguyên nhân như đã kết luận ở trên.
Tư lệnh nói: Tôi dốt về kỹ thuật, nhất trí với báo cáo của đồng chí Kỹ sư Phòng Công binh. Từ nay:
- Cấm cho bộ đội lặn lội dẫm đạp lên san hô bao quanh đảo.
- Cấm khai thác đá san hô trên thềm san hô bao quanh đảo để xây dựng công trình…
- Giao cho Phòng Công binh nghiên cứu thiết kế kè chống sói lở bảo vệ đảo.
Ngày 15 tháng 3 năm 2023
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nguyên Tư Lệnh Công binh
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83
Nguyên trợ lý Phòng Công binh Hải quân