"Trường Sa và những công trình phòng thủ" - TG: Thiếu tướng Hoàng Kiền (Phần 2)
TRƯỜNG SA VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ
Nhân dịp 35 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam ( nguyên Tư Lệnh Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83, nguyên trợ lý Phòng Công binh Hải quân) lập trình viết một số bài giới thiệu cụ thể về xây dựng công trình bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam…
Sau mỗi bài viết Thiếu tướng Hoàng Kiền chuyển đến. Ban Biên tập Báo ĐT Trường Sơn sẽ cập nhật và trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc. Xin trân trọng!
BÀI THỨ HAI
XÂY DỰNG NHÀ C3 ĐÓNG GIỮ CÁC ĐẢO CHÌM
Quần đảo Trường Sa có khoảng 100 bãi đá ngầm, để cho thuận tiện ta gọi là đảo chìm. Từ năm 1976 đến năm 1984 đã tổ chức thả gần 100 tấm bia để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các đảo chìm. Khi phát hiện đối phương có âm mưu xâm chiếm các đảo chìm, phương án đóng giữ đảo chìm được triển khai tích cực, khẩn trương với các biện pháp phù hợp. Trong đó nhà cao chân C3 được nghiên cứu thiết kế xây dựng trên đảo chìm rất hiệu quả.
ĐÓNG GIỮ ĐẢO CHÌM THUYỀN CHÀI
Tháng 4/1986, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn cán bộ Hải quân, có các cơ quan Bộ Quốc phòng tham gia đi kiểm tra, chỉ đạo các mặt trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, chúng tôi: Đại uý - Kỹ sư Hoàng Kiền và Đại uý - Kỹ sư Đỗ Văn Thông cùng là trợ lý phòng Công binh tham gia đoàn.
Chiều hôm ấy đến đảo chìm Thuyền Chài, Tư lệnh cho tàu neo lại, nửa đêm giữa trăng sáng vằng vặc bỗng nổi lên mặt biển một hòn đảo dài hơn ba chục cây số. Sáng hôm sau Tư lệnh giao cho tổ bảy người do Thượng tá Nguyễn Ngọc Sâm - Phó trưởng phòng Tác chiến phụ trách thả xuồng vào kiểm tra mốc chủ quyền. Đã phát hiện nước ngoài đã thả trộm bia chủ quyền trên đảo này, tổ khảo sát mang lên tàu, Tư lệnh xem chỉ đạo quẳng xuống biển sâu và nói: Sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu các biện pháp chuẩn bị đối phó. Tàu tiếp tục hành trình xuống thăm kiểm tra các đảo phía nam, ngồi trên tàu nhìn về phía đảo Thuyền Chài đang nổi lên sừng sững giữa biển Đông, tôi làm bài thơ
ĐẢO THUYỀN CHÀI
Mênh mông giữa đại dương xanh
Biển ru, gió hát mát vành trăng non
Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn
Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to
Bình minh bơi tới lội dò
San hô "mừng vẫy", ngao sò "đón reo"
Nhìn Nam dõi Bắc ngắm theo
Dài mười lăm dặm, ngang nghèo khoảng hai
Khen Em tên đẹp Thuyền Chài
Ngày mai Ta đến pháo đài dựng xây
Chủ quyền biển đảo trong tay
Quốc kỳ toả sáng tung bay giữa trời.
Kết thức chuyến đi, trên hành trình trở về đất liền, Tư lệnh họp Đoàn, tổng kết chuyến công tác và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị. Ông giao cho tôi- Đại uý kỹ sư Hoàng Kiền nghiên cứu dùng cát san hô trộn xi măng để xây dựng công trình ở đảo nổi Trường Sa theo phương pháp trình tường. Kỹ sư Đỗ Văn Thông nghiên cứu thiết kế nhà chốt giữ đảo chìm. Vùng 4 chuẩn bị lực lượng ra đóng giữ đảo chìm Thuyền Chài vào đầu năm 1987.
Để triển khai nhiệm vụ, Chuẩn đô đốc Đoàn Bá Khánh - Phó tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 giao cho Ban Công binh nghiên cứu triển khai nhà chốt giữ đảo chìm. Thượng uý- kỹ sư Hoàng Anh Dũng nghiên cứu thiết kế nhà cao chân C3. Đại uý Nguyễn Văn Ánh - Chủ nhiệm Công binh Vùng 4 phụ trách chung và chuẩn bị vật liệu, tổ chức sản xuất cấu kiện, tổ chức cho đơn vị Công binh của vùng lắp dựng thử tại Cam Ranh.
Ngày 4 tháng 2 năm 1987, tàu vận tải HQ604 chở đoàn cán bộ của Vùng 4 cùng khung xây dựng nhà C3 xuất phát từ Cam Ranh ra đóng giữ đảo Thuyền Chài. Đại tá Lê Văn Thư - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Vùng 4 chỉ huy, Đại tá Cao Ánh Đăng - Lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146 và một số cán bộ cơ quan Vùng 4, Lữ đoàn 146 đi cùng. Phân đội công binh Vùng 4 do thượng uý Đào Chí Tiến - Đại đội trưởng phụ trách ra triển khai xây dựng. Từ ngày 7 tháng 2 bắt đầu nổ bộc phá đào hố chân cột nhà, thi công liên tục đến ngày 19 tháng 2 hoàn thành nhà C3 đầu tiên trên đảo chìm Thuyền Chài. Nhà có Kết cấu cột bê tông cốt thép đúc trong bờ, tận dụng cột điện gỗ thông ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm cột chống xiên, kết cấu dầm gỗ xẻ do nhà máy Z753 cung cấp, sàn nhà lát ghi nhôm, mái lợp vòm tôn.
Tháng 4 năm 1987 Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp ra kiểm tra, sau khi xem xét kỹ công trình, ông giao cho kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế bổ sung một số chi tiết, Công binh Vùng 4 triển khai thi công ngay cho vững chắc hơn.
Trên cơ sở nhà C3 - Đảo chìm Thuyền Chài, Tư lệnh Hải quân chỉ đạo Vùng 4 hoàn chỉnh thiết kế, sản xuất hàng loạt khung nhà C3 để tổ chức chốt giữ các đảo chìm.
XÂY DỰNG CÁC NHÀ C3
CHỐT GIỮ CÁC ĐẢO CHÌM TRƯỜNG SA
Ngày 14/2/1986 Trung Quốc đưa tầu chiến giả dạng tầu cá đến trinh sát một số bãi cạn ở Trường Sa và đặt các tấm bê tông " kỷ niệm ".
Ngày 31/12/1986 Malaysia đưa quân chiếm đóng hai đảo chìm là Kỳ Vân và Kiều Ngựa.
Ngày 3/9/1987, Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam, sau đó họ liên tục cho tàu chiến giả dạng tàu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.
Trong khi chưa có chỉ thị, nhưng trước nguy cơ chủ quyền Tổ quốc bị xâm lấn, ngay đêm 24/10/1987 Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho Vùng 4 gấp rút đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập. Bộ Tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Đã kéo 2 pông tông có nhà phủ bạt trên boong đưa ra Đá Đông và Đá Nam, nhưng do sóng gió lớn pông tông Đá Nam bị đứt neo trôi không chịu được đành kéo về Đá Đông. Chuyển sang phương án đưa các tàu vận tải ra canh giữ, làm các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm và đưa tàu đổ bộ LCU ra tăng cường.
Cuối năm 1987, đầu năm 1988 Hải quân Trung Quốc đã liên tục tặng số lượng tàu chiến tiến xuống quần đảo Trường Sa tiến hành thăm dò và chiếm đóng một số bãi đá ngầm ( đảo chìm ) của Việt Nam, ngăn cản hoạt động tàu thuyền của ta, gây nên tình hình hết sức căng thẳng trên khu vực quần đảo Trường Sa.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thật khẩn trương, cấp bách, Tư lệnh Hải quân lệnh điều Trung đoàn Công binh 83 đang đóng quân tại Đà Nẵng cơ động ngay vào Cam Ranh làm nhiệm vụ, Trung đoàn Công binh 131 đang đóng quân tại Hà Tu - Quảng Ninh cơ động một tiểu đoàn vào Cam Ranh tiếp theo.
Bộ tư lệnh huy động tàu vận tải của Lữ đoàn 125 và Vùng 4 Hải quân, được tăng cường tàu vận tải của Quân khu 5 làm nhiệm vụ vận chuyển lực lượng phương tiện vật liệu từ Cam Ranh ra các đảo. Giao nhiệm vụ cho Trung đoàn Công binh 83, Trung đoàn Công binh 131, Tiểu đoàn Công binh V4 làm nhiệm vụ xây dựng các nhà C3, Đoàn 6 đo đạc và biên vẽ hải đồ thuộc Bộ Tham mưu Hải quân đo đạc xác định vị trí xây dựng công trình, Lữ đoàn 146 tổ chức các phân đội tiếp quản nhà bảo vệ đảo. Cán bộ chỉ huy của Lữ đoàn 146 hoặc Vùng 4 chỉ huy chung tổ chức đóng giữ các đảo chìm, chủ yếu là lắp dựng nhà C3.
Bộ Tư lệnh Hải quân đã di chuyển Sở chỉ huy vào Cam Ranh, trực tiếp điều hành kế hoạch tổ chức đóng giữ các đảo chìm.
Tiểu đoàn công binh Vùng 4 ( trực thuộc Lữ đoàn 146) tổ chức ba khung đi xây dựng nhà C3. Ngày 28/12/1987 khung xây dựng đầu tiên xuất phát ra lắp dựng nhà C3 ở Đá Tây đến 15/1/1988 hoàn thành. Khung thứ hai xuất phát ngày 18/1/1988 ra xây dựng nhà C3 Tiên Nữ đến ngày 6/2/1988 hoàn thành. Trên hướng Đá Lớn, tàu HQ505 kéo tàu HQ556 cùng bộ phận công binh Vùng 4 và hai bộ phận của Lữ đoàn 146 ra đóng giữ Đá Lớn. Khi gần đến đảo phát hiện tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ra ngăn cản. Lúc cách khoảng 4 hải lý, tàu Trung quốc thả thủy lôi ngăn chặn. Tàu HQ 505 khôn khéo chuyển hướng kéo tàu HQ 556 về phía Bắc đảo. Ngày 20/2 sau khi quan sát thăm dò luồng, tàu HQ556 tiến về phía Nam đảo an toàn. Ngày 1/3/1988 tàu chở khung xây dựng nhà C3 đảo Đá Lớn điểm A xuất phát ra đảo, lực lượng Công binh Vùng 4 hoàn thành nhà vào ngày 19/3/1988. Phân đội của Lữ đoàn 146 triền khai bảo vệ đảo ngay. Trung đoàn Công binh 83 theo kế hoạch Bộ Tư lệnh giao: lắp dựng 12 nhà C3 trên 8 đảo chìm và hai bãi cạn Phan Vinh và Trường Sa Đông.
Ngày 23/1/1988 tàu HQ 613 chở lực lượng phương tiện ra đóng giữ đảo Tiên Nữ xuất phát, Trung tá Võ Tiến Cai - phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy. Đến ngày 6/2/1988 lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 hoàn thành nhà C3, phân đội của Lữ đoàn 146 tiếp nhận bảo vệ đảo.
Ngày 26/1/1988 hai Tàu HQ611 và HQ712 chở hai khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 mỗi khung 35 người và hai phân đội giữ đảo của Lữ đoàn 146 do Đai tá Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy ra đóng giữ đảo Đá Lát, và Đá Đông. Ngày 20/2/1988 nhà C3 trên đảo Đá Lát hoàn thành. Ngày 8/3 nhà C3 trên đảo Đá Đông hoàn thành. Hai phân đội của Lữ đoàn 146 tiếp quản công trình bảo vệ đảo.
Các khung xây dựng khác tích cực triển khai nhiệm vụ đóng giữ đảo chìm. Ngày 3/3/1988 hoàn thành nhà C3 ở đảo Đá Tây B, ngày 8/3/1988 hoàn thành nhà C3 ở Đá Đông A, ngày 10/3/1988 hoàn thành nhà C3 ở Đá Đông B. Quá trình làm nhiệm vụ, các tàu vận tải của ta bị tàu chiến Trung quốc ngăn cản, đe doạ, gây rất nhiều khó khăn. Các đơn vị có quyết tâm cao, bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ hoàn thành lắp dựng các nhà C3 chốt giữ các đảo chìm. lực lượng của Lữ đoàn 146 tiếp nhận triển khai sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Lực lượng công binh và đo đạc trở về an toàn.
XÂY DỰNG NHÀ C3 - SỰ KIỆN GẠC MA
Trung đoàn Công binh 83 triển khai nhiệm vụ xây dựng nhà C3 đóng giữ các đảo chìm trên các khu vực ở quần đảo Trường Sa, trong đó có hai đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu vận tải HQ604 chở 2 khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 mỗi khung 35 người, 2 phân đội giữ đảo của Lữ đoàn 146, mỗi phân đội 11 người, 2 tổ đo đạc của Đoàn 6/Bộ Tham mưu Hải quân, mỗi tổ 2 người, 2 bộ cấu kiện và vật liệu làm 2 nhà C3. Theo kế hoạch tàu HQ604 đến Gạc Ma thả lực lượng, vật liệu của đảo Gạc Ma xuống, sau đó cơ động sang đảo Len Đao tiếp tục đưa lực lượng và vật liệu xuống xây dựng nhà ở đảo này. Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy chung.
Tàu HQ604 xuất phát từ Cam Ranh, ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã có mặt ở đảo Gạc Ma từ rất sớm, phân đội của Trung đoàn công binh 83 cùng một tổ của Lữ đoàn 146, tổ đo đạc của Đoàn 6 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam, xác định vị trí xây dựng nhà C3, tổ chức vận chuyển tập kết vật liệu lắp dựng nhà C3 chốt giữ đảo chìm Gạc Ma.
Lúc này Tàu chiến của hải quân Trung Quốc xuất hiện uy hiếp đe dọa bộ đội ta. Vào lúc 06 giờ sáng ngày 14 tháng 3, đối phương thả 3 xuồng máy chở khoảng 40 quân đổ bộ lên đảo. Dựa vào thế có tàu chiến uy hiếp, chúng hung hăng tiến vào giật cờ của ta. Các chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn 83 do Thiếu uý Trần Văn Phương - Đảo phó chỉ huy bộ đội chống trả quyết liệt.
Quân Trung Quốc dùng xuồng máy cắt dây kéo xuồng của tàu HQ604, không cho bộ đội ta trên tàu vào chi viện. Trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 hô: Đồng chí nào biết bơi nhảy xuống biển bơi vào chiến đấu giữ cờ, quyết không cho quân địch cướp lá cờ của ta. Bộ đội ta quần đùi áo lót nhảy xuống biển bơi vào đảo ngay.
Được tăng cường thêm quân số, bộ đội ta dũng cảm đứng vây quanh kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc không cho đối phương lao vào. Thiếu uý Trần Văn Phương đã động viên bộ đội “Thà hi sinh chứ nhất định không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống của Quân chủng". Giành giật với lực lượng của ta không được, binh lính Trung Quốc điên cuồng nổ súng vào người chỉ huy, Thiếu úy Trần Văn Phương hi sinh. Cuộc giành giật lá cờ giữa bộ đội ta với quân đối phương ngày càng quyết liệt. Ngay lúc đó binh nhất Nguyễn Văn Lanh chiến sĩ của Trung đoàn Công binh 83 cùng đồng đội xông lên xiết chặt đội ngũ xung quanh bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh đã dũng cảm đánh văng khẩu súng ngắn trong tay tên sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc, rồi lao vào nhanh trí cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào quanh ngực mình. Trước hành động anh dũng, kiên cường của bộ đội ta, chúng không giật được cờ, một tên lính của đối phương hèn hạ dùng lưỡi lê đâm lén phía sau vào vai Lanh, bị thương nhưng không thể làm anh gục ngã, hai đồng đội đã nhanh chóng hỗ trợ Lanh đứng thẳng, hiên ngang trước quân thù. Quân ta đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, dùng xà beng, dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của quân thù.
Sau gần một tiếng đồng hồ giành giật với bộ đội ta, không làm gì được, chúng dã man dùng súng AK bắn vào bộ đội ta, hai viên đạn xuyên qua bả vai bên phải chiến sĩ Trần Văn Lanh làm anh bị thương nặng hơn. Bộ đội ta không nhụt chí.
Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sỹ Hải Quân nhân dân Việt Nam, chúng rút quân lên tàu. Hai tàu hộ vệ 502 và 532 xả pháo 37 ly, súng 12, 7 ly bắn vào quân ta trên đảo làm một số cán bộ chiến sĩ thương vong.
Sau đó vào 07 giờ 50 phút, hai tàu 502 và 532 của Trung Quốc dùng pháo bắn vào tàu HQ604. Tàu vận tải HQ604 bắn trả nhưng chỉ có vũ khí bộ binh nên không hiệu quả. Tàu HQ 604 bị chìm bên bãi cạn Gạc Ma. Đây là một hành động vô cùng dã man của Hải quân Trung Quốc.
Khung đi xây dựng và cấu kiện, vật liệu làm nhà C3 trên đảo Len đao bị chìm theo tàu HQ604 ở Gạc Ma.
Tàu chiến của đối phương tiếp tục bắn chìm tàu vận tải HQ 605 ở đảo Len đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở đảo Co Lin. Tổng số 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hi sinh ở đảo Gạc Ma và đảo Len Đao.
Kế hoạch xây dựng nhà C3 chốt giữ hai đảo chìm Gạc Ma và Len Đao chưa thực hiện được, chúng chiếm đảo Gạc Ma của ta.
XÂY DỰNG NHÀ C3 BẢO VỆ CHỦ QUYỀN - CQ88
Sau ngày 14/3/1988, tình hình trên khu vực quần đảo Trường sa rất căng thẳng, cấp bách. Bộ Tư lệnh Hải Quân quyết tâm tổ chức khẩn trương ra lắp dựng nhà C3 chốt giữ các đảo chìm tiếp theo trước sự tranh chấp quyết liệt của đối phương.
Trung đoàn Công binh 83 đã cơ động hết từ Đà Nẵng vào Cam Ranh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Tĩnh trực tiếp vào chỉ huy. Trung đoàn Công binh 131 đã có lệnh từ 21g30 ngày 16/2/1988 ( 30 tết Mậu Thìn ) của Bộ tư lệnh Hải quân điều gấp 1 tiểu đoàn từ Hà Tu ( Quảng Ninh ) vào Cam Ranh để nhận nhiệm vụ xây dựng công trình trên Quần đảo Trường sa. Ngày 22/2/1988 bộ phận Tiền trạm của Trung đoàn đi vào Cam Ranh, gồm chỉ huy Trung đoàn và cơ quan do Trung đoàn trưởng Lê Thượng Uyển trực tiếp chỉ huy.
Đêm 24/2/1988 Tiểu đoàn 884 hành quân bằng ô tô lên ga Hàng Cỏ - Hà Nội để vào Cam Ranh .
Đêm 15/3/1988: Đại đội 12/ Tiểu đoàn 884 nhận nhiệm vụ ra xây đảo, đại đội chia làm 2 Khung: Khung 1 do Kỹ sư Lê Đức Thiết , Trợ lý KT trung đoàn làm Khung trưởng, Dương Xuân Đích Đại đội phó chính trị Đại đội 12 làm Khung phó và 24 chiến sỹ thi công nhà C3 ở đầu A đảo Đá Lớn . Khung 2 do Nguyễn văn Hạnh Đại đội trưởng Đại đội 12 làm Khung trưởng, Nguyễn Kiều Kinh trợ lý chính trị tiểu đoàn làm khung phó cùng 24 chiến sĩ thi công nhà C3 điểm C đảo Đá Lớn. Sau 12 ngày vật lộn với khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ . Ngày 31/ 3/ 1988 Đại đội 12 lên tàu rời đảo về Cam Ranh an toàn. Đá lớn là đảo chìm dài khoảng 17 ki lô mét, Vùng 4 đã lắp dựng 1 nhà C3 ở điểm A ( Bắc đảo), vào ngày 19/3/1988. Đề phòng đối phương đóng xen kẽ, Trung đoàn 131 đóng thêm 2 nhà C3 ở điểm B ( Nam đảo) và điểm C (giữa đảo), hoàn thành vào ngày 29/3/1988.
Ngày 16/3/1988 Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung đi đóng giữ 2 đảo. Khung đi xây dựng đảo Đá Nam do Nguyễn Văn Tuấn - Đại đội trưởng Đại đội 7 Tiểu đoàn 887 làm khung trưởng, Lê Trọng Phú - Trung đội trưởng làm khung phó, theo tàu 51 - 11- 01 của Quân khu 5.
Khung đi xây dựng đảo Đá Thị do Nguyễn văn Ngụ - phó đại đội trưởng về Chính trị Đại đội 6, Tiểu đoàn 886 làm khung trưởng, Nguyễn Văn Khánh - Trung đội trưởng làm khung phó, đi theo tàu 51 - 11 - 03 của Quân khu 5.
Hai tàu đi theo biên đội, xuất phát từ Cam Ranh, sau 12 ngày thi công 2 khung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 30/ 3 hai khung xây dựng của Trung đoàn 83 lắp dựng xong nhà C3 tại Đá Thị và nhà C3 tại Đá Nam.
Ngày 22/31988 Phân đội của Trung đoàn 83 lắp dựng xong nhà C3 đóng giữ bãi Núi Le.
Ngày 27/3 khung xây dựng nhà C3 của tiểu đoàn 2 lên đường ra xây dựng công trình trên đảo Tốc Tan, công trình hoàn trước kế hoạch 8 ngày. Trung đoàn 83 được lệnh ra lắp dựng nhà chốt giữ đầu Nam đảo Thuyền Chài và bãi cạn đảo Phan Vinh.
Đảo Thuyền Chài dài khoảng 30 ki lô mét. Ta đã xây dựng 1 nhà C3 vào tháng 2 năm 1987, 1 nhà C1 bên cạnh nhà C3 vào năm 1987, đề phòng đối phương đóng xen kẽ, Tư lệnh Hải quân giao cho Trung đoàn Công binh 83 ra lắp dựng thêm 1 nhà C3 ở đầu Nam đảo. Ngày 5/4/1988 khung xây dựng do Hà Quốc Vĩnh làm khung trưởng, Nguyễn Công Thành là Khung phó xuất phát ra đảo, hoàn thành vào ngày 27/ 4 / 1988.
Phan Vinh là đảo nổi rất nhỏ, ta mới đóng giữ năm 1978. Bao quanh đảo có vành san hô lệch về một phía, dài 5 hải lý ( khoảng 9, 3 km ) theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Để đề phòng đối phương đóng xem kẽ, ta có chủ trương lắp dựng thêm 1 nhà C3, Trung đoàn 83 triển khai nhiệm vụ, ngày 5/4/1988 khung xây dựng do Đỗ Xuân Đính làm khung trưởng, Vũ Thái Cỏong làm khung phó khởi hành ra đảo, đến ngày 27/ 4 / 1988 hoàn thành.
Với quyết tâm rất cao, thực hiện nhiệm vụ thật khẩn trương, trong năm 1988 ta đã lắp dựng được tổng số 16 nhà C3 trên 12 bãi đá ( đảo chìm ) và bãi cạn đảo nổi Phan Vinh. Sau đó Trung đoàn 83 lắp dựng tiếp nhà C3 trên bãi cạn đảo Trường Sa Đông hoàn thành ngày 15/6/1989.
Xây dựng nhà C3 là một quá trình diễn ra liên tục, chủ động từ rất sớm, nhà C3 lắp dựng đầu tiên trên đảo chìm Thuyền Chài trong năm 1987, năm 1988 là giai đoạn khẩn trương quyết liệt với 16 nhà C3 được lắp dựng, năm 1989 bổ sung thêm nhà cuối cùng, tổng số có 18 nhà C3 đã được lắp dựng trên 12 đảo chìm và 2 bãi cạn của đảo nổi.
Trung đoàn Công binh 83 lắp dựng 12 nhà
Trung đoàn Công binh 131 lắp dựng 2 nhà
Tiểu đoàn Công binh Vùng 4 lắp dựng 4 nhà.
Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh - Nguyên Tư lệnh Hải quân đánh giá: Nhà C3 là công trình dã chiến, do các kỹ sư Công binh Hải quân thiết kế, hướng dẫn lắp dựng, Trung đoàn Công binh 83, Trung đoàn Công binh 131, Tiểu đoàn Công binh Vùng 4, Đoàn 6 đo đạc biên vẽ hải đồ/ Bộ tham mưu Hải quân, các đơn vị tàu vận tải đã phối hợp triển khai các bước, lắp dựng trên các đảo chìm khẩn trương trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm trước mũi súng của tàu chiến đối phương. Với quyết tâm cao, biện pháp cụ thể, chúng ta đã khẩn trương triển khai các bước, lắp dựng các nhà C3 để lực lượng Lữ đoàn 146 chốt giữ 12 đảo chìm, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Nói Nhà C3 là công trình dã chiến, nhưng có ý nghĩa về chiến dịch, chiến lược, Có giá trị lịch sử rất sâu sắc đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nguyên Tư Lệnh Công binh
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83.
Nguyên trợ lý Phòng Công binh Hải quân