Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại

Ngày đăng: 06:31 18/05/2023 Lượt xem: 427

Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại

(ĐTTCO) - Đã 48 năm sau chiến thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, song những ký ức về những ngày tháng chiến tranh gian khổ, về những đồng đội đã ngã xuống trên con đường Trường Sơn huyền thoại của vị tướng già nay đã ở tuổi 94.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và ân cần động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh 559, tháng 3-1973. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và ân cần động viên cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ Tư lệnh 559, tháng 3-1973. Ảnh tư liệu

Con đường huyền thoại

Thiếu tướng Võ Sở quê Quảng Ngãi, ông là bộ đội tập kết ra Bắc. Năm 1964, ông bày tỏ nguyện vọng với cấp trên muốn vào Nam chiến đấu. Ngay sau đó, ông nhận quyết định vào làm Trưởng phòng Tổ chức Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Với 47 năm quân ngũ, Thiếu tướng Võ Sở có hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn, 17 năm công tác tại Binh đoàn 12.

Ông tâm sự, những năm ở chiến trường, trên cương vị là Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559, là những ký ức sâu đậm, ám ảnh khôn nguôi đối với ông về những người lính Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn để “khai sơn, phá thạch” chọc thủng đại ngàn Trường Sơn.

Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 1

Thiếu tướng Võ Sở.

Đường Trường Sơn xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước (Việt Nam - Lào - Campuchia), với tổng chiều dài 20.000km đường ô tô, 600km đường sông, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.500km đường dây thông tin, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong 16 năm, chúng ta đã tổ chức vận chuyển qua đường Trường Sơn hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, đạn dược, xăng dầu chi viện cho miền Nam. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người.

Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 2
- Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm bộ đội Trường Sơn tại Quảng Trị, năm 1973. Ảnh tư liệu

Để làm nên con đường huyền thoại này, đã bao nhiêu người ngã xuống. Những người lính đi trước đã từng bước nghiên cứu, nắm bắt quy luật hoạt động, phá hoại của địch, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, quy luật thời tiết cực kỳ khắc nghiệt ở Trường Sơn, mở một hệ thống giao liên gùi, thồ, kết hợp với đường ô tô dã chiến, đường sông, tính cả Tây và Đông Trường Sơn tổng chiều dài gần 2.000km, với hơn 750km đường ô tô, 600km đường gùi, thồ và 300km đường sông…

Tính đến cuối năm 1964, Đoàn 559 đã chuyển giao cho chiến trường miền Nam gần 3.000 tấn vật chất, tổ chức đưa đón cho hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ vào tăng cường cho các chiến trường.

Theo tướng Võ Sở, một trong những sự kiện ông ấn tượng sâu sắc nhất là việc mở đường 20, còn gọi là đường Quyết Thắng. Tuyến đường này được mở nhằm khắc phục độc đạo ở khu vực cửa khẩu, tránh những “túi nước” trên đường vận chuyển, làm phân tán, hạn chế sự đánh phá ác liệt của địch. Đây là trục vượt khẩu chủ yếu cho những năm sau. Tuyến đường này có chiều dài 125km, từ vĩ tuyến 17,6 độ bắc (khu vực Phong Nha - Quảng Bình) đến vĩ tuyến 17,2 độ bắc.

Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 3
- Chiếc xe GAZ 69 được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn sử dụng để đi tổng chỉ huy các lực lượng bộ đội Trường Sơn và các đơn vị phối thuộc làm nhiệm vụ trên tuyến lửa trong suốt thời gian từ năm 1966-1975 và xe đã chạy 350.000km an toàn. Ảnh: Xe được trưng bày tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Tướng Võ Sở kể, khi tham gia xây dựng tuyến đường, dường như có cuộc thi đua ngầm nhưng quyết liệt giữa công trường 20 và công trường phía Tây (gọi là công trường 128). “Ở dốc Ba Thang, tôi được chứng kiến cảnh những người lính treo mình trên những chiếc thang cao lênh khênh bằng 3 chiếc thang tre nối lại. Họ cột mình hàng giờ vào sườn núi đục đá tra bộc phá. Cứ liên tục tốp này đến tốp khác. Loạt này phát hỏa xong lại tiếp loạt khác.

Chỉ trong vòng nửa tháng, đơn vị đã dùng hết gần 1.000 lượng bộc phá với hơn 9 tấn thuốc nổ để hạ dốc Ba Thang. Hạ được “chốt” Ba Thang coi như thông đường 20” - Thiếu tướng Võ Sở hồi tưởng.

Vị tướng già với ký ức đường Trường Sơn huyền thoại ảnh 4

Lực lượng giao liên Trường Sơn đưa bộ đội theo đường bộ vượt qua cao điểm 900m, dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định, dốc 1001m để vào chiến trường miền Nam, tháng 10-1966. Ảnh tư liệu

Máu và nước mắt Trường Sơn

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn đã hứng 4 triệu tấn bom đạn, với hơn trăm ngàn trận không kích, kể cả pháo đài bay B-52, máy bay AC-130; 1.263 cuộc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao như điện tử, tự động hóa, hóa học, vi trùng với các loại vũ khí như bom laze, cây nhiệt đới, bom từ trường, máy phát hiện mục tiêu khuếch đại ánh sáng mờ, tia hồng ngoại. Cùng thời gian đó, trên tuyến đường này, đã có trên 20.000 bộ đội, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong của ta đã anh dũng hy sinh và hơn 30.000 người bị thương.

Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại, trên dải Trường Sơn đã có hàng chục, hàng trăm câu chuyện vô cùng cảm động về sự hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Cuối năm 1968, ở Binh trạm 32, địch ném bom trúng trận địa phòng không, gần 50 chiến sĩ cao xạ hy sinh. Ở Binh trạm 31, một loạt bom đã chôn vùi 12 chiến sĩ công binh trong hang núi Seng Phan. Để kéo được 30 phi xăng ngược suối Trạ Ang, 29 chiến sĩ Binh trạm 14 đã hy sinh anh dũng.

Năm 1972, Tiểu đoàn Ca nô 166 tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị, có 50 chiến sĩ hy sinh, trong đó có ca nô hy sinh cả 5 người, nhiều đồng chí đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Đầu tháng 3-1973, chỉ một ngày sau Hiệp định Paris được ký, bom B52 của địch đã đánh vào Sở chỉ huy Trung đoàn 592 trên đất Lào, 20 chàng trai, cô gái đã hy sinh, mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân trên dải Trường Sơn.

“Cái ác liệt của bom đạn quân thù nhiều người đã biết nhưng với người lính Trường Sơn, ở nhiều khu vực còn có điều đáng sợ nữa, đó là sốt rét và đói. Mùa mưa năm 1966, trong lần xuống nắm tình hình ở Binh trạm 6, tôi chứng kiến gần như 100% quân số binh trạm bị sốt rét. Ban chỉ huy binh trạm cùng quân y ở đây đã sử dụng những viên ký ninh cuối cùng. Quân nhu tập trung nuôi dưỡng, đồng thời cấp báo lên Bộ Tư lệnh 559. Nhưng vì binh trạm ở tuyến cuối, mùa lũ đang hồi cao điểm, vận chuyển vô cùng khó khăn. Gần hết mùa mưa, thuốc mới vào đến nơi. Thật đau lòng, đói thuốc, đói gạo, sốt rét hoành hành đã cướp đi của Binh trạm 6 gần 50 cán bộ, chiến sĩ” - Thiếu tướng Võ Sở kể.

Lời hẹn 2 năm thành hơn 20 năm

Kể lại kỷ niệm của những ngày Tháng Tư lịch sử của 48 năm trước, vị tướng già không nén được xúc động: “Tháng 10-1954, theo chủ trương của trên, tôi sẽ cùng đồng đội ở Sư đoàn 305, Liên khu 5 tập kết ra Bắc. Trước ngày lên đường, tôi chỉ có 2 ngày làm công tác chuẩn bị, chia tay bạn bè, người thân. Trong đó có mẹ và người vợ trẻ mới 21 tuổi. Đêm chia ly, tôi hẹn 2 năm sau sẽ về đoàn tụ. Nhưng chẳng ngờ, phải mất 10 lần “cái 2 năm” ấy, gia đình tôi mới được gặp nhau”.


Thanh Hà (ghi)
(Phạm Sinh st theo Đầu tư Tài chính - Chuyên trang của Báo SGGP)


tin tức liên quan