Tới Sở chỉ huy Binh trạm 17, vừa báo cáo trực ban xong, chưa biết sẽ nhận nhiệm vụ gì thì người của Binh trạm đã đón tôi vào dự hội nghị quân chính theo lệnh của Phó chính ủy Lê Xy đang chủ trì. Vào dự họp, tôi chứng kiến không khí khá căng thẳng. Đồng chí Phó chính ủy tỏ ý không hài lòng với kết quả vận chuyển của Binh trạm 17 thời gian qua. Với chất giọng Nghệ Tĩnh mộc mạc, nằng nặng nên thoáng nghe ông “lên lớp” thấy rất gay gắt. Cái gay gắt của một cán bộ hết mình vì công việc, vì nhiệm vụ.

Ông chất vấn: “Ở đây địch đánh làm gì ác liệt như trong Vĩnh Linh, tại sao các anh không thể thực hiện hai đêm một chuyến? Có phải là do tư tưởng không? Trong khi hàng từ ngoài dồn vào yêu cầu phải giải tỏa ngay thì các anh cứ đủng đà đủng đỉnh thế này, thật không ổn. Bộ tư lệnh quyết định đưa anh Tuấn và 50 thủy thủ thiện chiến nhất của Tiểu đoàn 166 vừa kết thúc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho Thành cổ ra tăng cường cho các anh, phải thực hiện ngay hai đêm một chuyến, sau đó rút xuống ba đêm hai chuyến-một đêm một chuyến...”. Dứt lời, ông kéo tôi đứng dậy giới thiệu với toàn thể hội nghị, rồi ra lệnh: “Theo quyết định của Bộ tư lệnh, anh Tuấn về ngay Tiểu đoàn 4 làm Chính trị viên Tiểu đoàn, cùng với số anh em của Tiểu đoàn 166 ra làm nòng cốt, gắng bàn tính với các anh trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn để thực hiện ngay yêu cầu tôi vừa nói!”.

Nhận lệnh từ đồng chí Phó chính ủy, tôi xin phép được cho mấy đêm nghiên cứu tìm hiểu tình hình để khi xuống tiểu đoàn mới có thông tin cơ sở thực tế mà bàn bạc với các anh dưới đó. Hồi lâu, Phó chính ủy Lê Xy mới miễn cưỡng đồng ý.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (bên phải) cùng lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trao quà tặng nữ chiến sĩ Trường Sơn. Ảnh: NGỌC MAI

Ngay ngày hôm sau, đồng chí Phó chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 17 dẫn tôi cùng 50 anh em ra Tiểu đoàn 4 - Đoàn vận tải thủy Hồng Hà - đóng ở thôn Hiền Ninh, phía trên bến đò Trùng Quán trên sông Nhật Lệ. Ban chỉ huy Tiểu đoàn lúc này cơ cấu đầy đủ: Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó, chính trị viên, chính trị viên phó, nay cấp trên lại đưa tôi xuống làm Chính trị viên, trong khi các anh ở đây tuổi đều trên dưới 40, còn tôi khi đó mới 28 tuổi, thực lòng tôi rất ngại. Mặc dù Ban chỉ huy Tiểu đoàn hiểu chủ định của trên nên rất cởi mở, ủng hộ nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị Đảng ủy Tiểu đoàn tiếp tục lãnh đạo như trước, chúng tôi chỉ là lực lượng tăng cường. Tôi cũng đề nghị chia 50 anh em thủy thủ của Tiểu đoàn 166 ra bố trí xen vào các đơn vị đang tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Qua mấy đêm nghiên cứu, tìm hiểu tình hình, sau khi thống nhất sơ bộ trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn, tôi trực tiếp cùng anh em tổ chức chuyển hàng luôn. Sau vài chuyến, tôi thấy đường không dài, vận chuyển hai đêm một chuyến rất thoải mái. Vấn đề mấu chốt là vị trí nhập hàng. Từ Bảo Ninh, thuyền phải sang bến Tam Tòa gần nhà thờ Tam Tòa để bốc hàng, thường bị máy bay địch ném bom tọa độ rất chính xác. Bốc hàng chậm sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình vận chuyển. Qua nghiên cứu, tôi bàn trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn và anh em thủy thủ là phải “thi gan” với địch. Ta mạnh dạn đưa thuyền tiếp cận bến Tam Tòa từ sớm, nhận hàng luôn, không phải chờ đợi. Đồng thời khi vào chỗ trả hàng không chờ lực lượng đơn vị bạn mà thủy thủ chủ động bốc hàng xuống, giải phóng thuyền luôn.

Như một vòng quay được điều vận hợp lý, cứ hai đêm chúng tôi thực hiện một chuyến hết sức nhẹ nhàng. Vì vậy, mới đến ngày 26-10-1972, kế hoạch vận chuyển của tháng 11, Tiểu đoàn 4 đã thực hiện xong. Trong khi trước đó, tháng cao nhất Tiểu đoàn chỉ thực hiện được 80% kế hoạch. Về sau, Bộ tư lệnh Trường Sơn tăng cường thêm phương tiện, lực lượng để Binh trạm 17 tổ chức thêm một số đơn vị vận tải thủy, việc giải tỏa hàng hóa từ ngoài Bắc chuyển vào được thực hiện nhanh hơn. Đây chính là những cơ sở để đến cuối năm 1972, khi hoạt động vận chuyển tạo chân hàng cho tuyến 559 ở địa bàn Đường 9-Bắc Quảng Trị ngày một dồn dập, Bộ tư lệnh Trường Sơn phối hợp với tỉnh Quảng Bình thành lập Bộ tư lệnh vận tải hỗn hợp gồm lực lượng vận tải thủy bộ của Bộ đội Trường Sơn và lực lượng giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình.

Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN
Danh Bình ST từ SKNC QĐND