Sự "Trêu ngươi" của chiến tranh - Hồi ức của Nguyễn Văn Vỵ

Ngày đăng: 07:13 17/07/2023 Lượt xem: 248
 
-------------------------------

SỰ “TRÊU NGƯƠI” CỦA CHIẾN TRANH
Truyện ngắn - Hồi ức chiến tranh

       Năm 1985 trên chuyến tàu từ quê xuôi Nam tôi nhận ra chị. Vẫn dáng người cao cao, nước da đậm màu phù xa châu thổ, tôi chào và gọi tên, chị khựng người lại ngỡ ngàng và không nhận ra tôi. Sau một hồi trao qua đổi lại, chị ôm chầm lấy tôi.
       -Ôi, Vỵ! Cũng gần hai chục năm rồi chị em mình mới gặp nhau, chị cũng biệt xứ 17 năm rồi còn gì.
       Chị tuổi Đinh Hợi – 1947, hơn tôi 6 tuổi, nhà chị cách nhà tôi hơn 1 cây số.
       Hồi tôi đang học cấp hai chị đã là người phụ trách xay xát lúa của HTX. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều được nghỉ học, thư việc nhà tôi lại chạy ra trạm xay xát chơi, giúp chị ghi sổ bà con đến xát gạo và thu tiền
       Vào đúng năm giặc Mỹ bắn đại bác, ném bom dữ dội ở quê tôi. Chị lấy chồng. Anh người làng, nhưng khác xóm. Đám cưới thời chiến diễn ra nhanh gọn. Tôi vẫn nhớ, trong ánh đèn dầu nhập nhoạng (vì không được thắp đền măng – xông, sợ máy bay phát hiện ném bom) trên tấm phông vẽ đôi chim bồ câu trắng dính mỏ vào nhau, con đậu trên cành, con dang cánh bay. Và những dãy bàn đơn sơ có nhưng khay đựng ấm tách trà nước, một ít bánh kẹo. Xen lẫn những lời chúc tụng, những bài hát, phát biểu của đại diện Chính quyền địa phương lâu lâu lại có câu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, chúc anh “Vững tay súng trên chiến trường”, chúc chị vững vàng “đường cày ba đảm đang”… của chú dẫn chương trình.
       Sau đêm tân hôn, sáng sớm ngày hôm sau anh trở lại đơn vị.
       Nếu sự việc chỉ diễn ra như vậy, rồi anh hy sinh, chị sẽ là vợ Liệt sỹ; hoặc nếu chị tái giá thì chị cũng được Nhà nước ưu đãi chế độ “Vợ Liệt sỹ tái giá”. Nhưng số phận cho chị sự hạnh phúc là được làm vợ, nhưng lại đùa dỡn khi được làm mẹ, nên chị phải tha hương.
       Chẳng là, sau ngày cưới, về đơn vị, 3 tháng sau anh được lệnh đi B.
       Đơn vị anh đóng quân ở Ninh Bình, “chỉ một phút thiếu suy nghĩ” (tôi tạm gọi là như vậy) anh đã bỏ đơn vị về quê.
       Khoảng 1 giờ sáng chị ngủ lại trạm xay xát bỗng có tiếng gõ cửa. Chị dậy, bật diêm thắp đèn Hoa kỳ và mở cửa.
       Ôi, hạnh phúc đến với chị quá bất ngờ. Chị lại được làm vợ.
       Sau hơn tiếng đồng hồ cặp vợ chồng “ăn vụng”, anh lại chia tay chị về đơn vị.
      Theo ngày tháng, cái bụng của chị nó cứ đầy lên. Niềm hạnh phúc của chị cũng là những ngày đầy tủi nhục.
       Chị mang tiếng với gia đình nhà chồng và làng xóm, vợ bộ đội “hủ hóa”.
      Thế là nhưng cuộc điều tra được mở ra. Nào là những buổi làm việc với an ninh xã tại UBND; nhưng buổi họp gia đình hai bên; nhưng đêm sinh hoạt chi đoàn, tiều đội dân quân… về cái thai trong bụng chị.
       Chị đã trình bày sự việc như nó đã diễn ra. Nhưng tất cả, tất cả có ai “thèm” tin chị.
       Chỉ có cha mẹ chị và đứa em chị cùng học với tôi là tin chị.
       Rồi giữa “búa rừu” dư luận, chị đã bỏ quê ra đi.
       Rồi làng quê cũng ít người nhắc đến chị.
       Rồi tôi đi bộ đội, cũng chẳng biết hồi kết.
       Trong nước mắt, chỉ kể:
       Chị lên miền ngược trú tại nhà người bà con và sinh được cháu trai.
       Vào năm 1974, gia đình anh nhận được giấy báo tử, anh hy sinh tại chiến trường. Theo đồng đội kể lại anh hy sinh tại chiến trường Trường Sơn, gần ngã ba biên giới. Chị cũng định dẫn con về quê, nhưng nghĩ đến những gì đã diễn ra ngày trước, lại thôi.
       Sau 1975, chị vào định cư tại vùng rừng Quốc gia Nam Cát Tiên. Theo chị nói là để liên lạc với đồng đội nhằm tìm được hài cốt của anh. Rồi chị nhắn người em trai đưa cả cha mẹ vào ở với mẹ con chị.
       Suốt thời gian từ ngày chị vào Nam đến khi gặp tôi là những ngày tháng chị chắp mối các nguồn tin để tìm anh. Nhưng… mọi việc đều vô vọng.
       Chị ra Bắc lần này là về nhà người bạn khác xã dò xem tin tức của anh ở quê.
       Kể từ ngày đó đến nay tôi không gặp chị.
       Mỗi lần về quê, tôi cũng tìm hiểu gia đình anh đã tìm được hài cốt anh chưa? Các cụ thân sinh Liệt sỹ đã mất, anh em cũng mấy lần đi tìm mộ tại miến Nam, nhưng không có kết quả.
       Năm ấy, sau khi chia tay chị tại ga Huế, chị còn dặn tôi:
       -Về quê, cậu đừng nói với mọi người đã gặp chị. Còn chị, khi nào tìm được mộ anh chị sẽ dẫn cháu về nhận họ.
       Tôi viết lại những dòng này là “phản” lại lời nhắn gửi của chị. Song có lẽ thời gian cũng nên “bạch hóa” nhưng nỗi đau đã qua.
       Và, giá như; hay tại sao bây giờ chị không về bàn bạc với gia đình nhà anh đi xét nghiêm AND cho cháu nhận cha và họ hàng? Và người con của chị đã tuổi 50.
       Tại sao chị không làm thế nhỉ?
       Tôi nghĩ chị và cháu cũng biết. Song cũng có lẽ vì lòng tự trọng!?
       CHIẾN TRANH đã đi qua, và nay còn đọng lại những NỖI ĐAU.

 
Nguyễn Văn Vỵ
Phó CT Hội Trường Sơn tỉnh Thừa Thiên Huế
Địa chỉ: 8 kiệt 38 Lê Thánh Tôn, Huế
Điện thoại: DĐ 0914172643; 0966892643
tin tức liên quan