"Mối tình của họ đẹp tựa nhánh lan rừng Trường Sơn" - TG: Đặng Sơn

Ngày đăng: 09:45 30/08/2023 Lượt xem: 413
---------------------------------------------
 
MỐI TÌNH CỦA HỌ
ĐẸP TỰA NHÁNH LAN RỪNG TRƯỜNG SƠN 
         
         Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9/2023, Ban liên lạc Trường Sơn Trung đoàn Công binh 251 đã đến gia đình thăm vợ chồng anh Trần Công Thắng và chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Với tình cảm chân thành của người lính Trường Sơn, anh chị đã kể nhiều câu chuyện, sôi nổi nhất là anh chị chờ đợi nhau gần 8 năm mới có điều kiện về chung một nhà.
          Anh Trần Công Thắng, sinh năm: 1948, quê gốc Hà Nội, nhập ngũ tháng 1/1966 là chiến sĩ Trung đoàn Công binh 251, trực tiếp xây dựng sân bay quân sự Yên Bái. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, sinh năm 1949, quê Kim Động, tỉnh Hưng Yên, vào TNXP từ năm 1965 (mới 16 tuổi), ở công trường 130, cùng xây dựng sân bay Yên Bái. Anh chị gặp nhau, quen nhau, yêu nhau từ những ngày cùng xây dựng sân bay.
        Tháng 3/1968, anh Thắng cùng Trung đoàn 251 vào Trường Sơn, mở đường, bắc cầu, đảm bảo giao thông trên con đường 128b – khu vực Ngã ba La Hạp – Tôm Ru – Đường Na Vang – Mở đường tránh Văng Mu… Đến tháng 5/1968 chị Ánh cũng chuyển sang quân đôi, rồi vào Trường Sơn, ở Binh Trạm 9 chị được cử đi học lái xe (45 ngày). Binh trạm 12 thành lập một Trung đội nữ lái xe, chủ yếu di chuyển trong các kho hàng. Đơn vị ở khu vực Đường 20 Quyết Thắng, Cổng Trời địch đánh phá ác liệt. Anh Thắng là chiến sĩ Công binh, chị Ánh là chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Đây là đơn vị lái xe nữ duy nhất ở Trường Sơn. Đến năm 1971 chị được chuyển ra Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội vận chuyển Thương binh. Năm 1972 chị chuyển về Trường 255 dạy lái xe. Năm 1979 chuyển ngành về Bộ Tài chính, lái xe cho lãnh đạo đến ngày nghỉ hưu.


Anh Thắng và chị Ánh của những ngày tình yêu người lính
 
         Đường Trường Sơn như trận đồ bát quái, anh chị cùng ở Trường Sơn, song không có điều kiện gặp nhau, thư đi, thư về gặp quá nhiều khó khăn, chủ yếu nhờ lái xe ra vào chuyển giúp. Trong nhiều bức thư gửi cho Ánh có đoạn viết:
       “Tên em là Ánh, luôn khiến cho anh thật hạnh phúc – Em thương yêu…
       Anh đã mang theo tình yêu của em trong tim anh suốt những năm dài chúng ta xa nhau. Thời gian là thước đo tình yêu chung thủy của anh dành cho em.
       Chúng ta yêu nhau rất nhiều, nhưng chẳng thể gặp nhau để nói những lời nhẹ nhàng với nhau mà không cần viết thành một lá thư.
       … Anh yêu em bằng cả trái tim và lý trí, là một người lính, anh hiểu điều đó. Cuộc sống anh còn nhiều gian lao và có thể sẽ mang lại cho em nhiều nỗi buồn…
       Anh không thể nói chính xác khi nào chúng ta sẽ gặp lại nhau, nhưng anh tin rằng chúng ta sẽ đến được với nhau vào một ngày nào đó trên quê hương mình. Hình ảnh đẹp của em vẫn mãi luôn trong trái tim anh…
       Anh chị chờ đợi nhau gần 8 năm, mới có điều kiện là lễ cưới cuối năm 1974. Đến năm 1981 anh cũng chuyển ngành về Sở Xây dựng Hà Nội. Hạnh phúc đã mỉm cười với anh chị, có 2 cháu: 1 gái và 1 trai, đến nay các cháu đã yên bề gia thất, cuộc sống ổn định. Mối tình đẹp như hoa Phong lan rừng Trường Sơn, thật đáng trân quý biết nhường nào.
       Lần đến thăm cặp vợ chồng chiến sỹ Trường Sơn – Anh Thắng và chị Ánh hôm nay đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng và tình cảm sâu nặng của người lính Trường Sơn dù gian khổ, ác liệt trong đạn bom song vẫn thủy chung nghĩa tình, chúng tôi cũng như anh chị Thắng Ánh luôn tự hào về bộ đội Trường Sơn Anh hùng. Câu chúc cho anh Thắng, chị Ánh sức khỏe là chỗ dựa vững chắc cho con cháu và luôn nhớ đến đồng đội thân yêu của mình.


Anh Thắng và chị Ánh của hôm nay


Và đây - Với anh Thắng và chị Ánh, còn hạnh phúc nào hơn 

Đặng Sơn – Cơ quan TW Hội
 
tin tức liên quan