Đấu pháo - Hồi ức của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 04:25 17/10/2023 Lượt xem: 161
Đấu pháo

   Hồi ức của Nguyễn Kim Chúc

          Sau trận đấu pháo với bọn Mỹ ở Đồi Tròn, tôi được điều động về làm trợ lý tác chiến Binh trạm 44. Bộ Tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn thành lập tôi lại được điều động về làm trợ lý tác chiến. Tưởng là xa anh bạn Lê Nhâm – thế mà tháng 3 năm 1972 Nhâm lại được điều về Ban Tác chiến cùng tôi. Được mấy tháng công cán cùng nhau; khi Trung đoàn bộ binh 59 của Sư đoàn 471 phối thuộc cho Sư đoàn 968, Lê Nhâm lại được điều chuyển về đơn vị hỏa lực. Tôi và Nhâm xa nhau từ đấy.
          Tôi và Thiếu tá Lê Nhâm (hiện cư trú tại chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên) có nhiều kỷ niệm cùng nhau trong những năm tháng ở Trường Sơn. Chúng tôi cùng nhập ngũ ngay sau ngày 5 tháng 8 năm 1964; cùng về Đại đội 1, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn pháo 158, Sư đoàn 316 đóng quân trên cao nguyên Châu Mộc. Chỉ khác khi biên chế: “ Nhâm là pháo thủ, tôi là chiến sĩ kế toán pháo 105 li của Mỹ chính hiệu. Đời lính – chúng tôi trưởng thành dần theo năm tháng với những trận đánh lớn nhỏ. Khi thì dùng cối 120 li bắn chi viện cho bộ binh chống địch lấn chiếm; khi thì dùng DKB bắn có nòng phá hủy căn cứ địch. Cho đến khi chúng tôi trở thành chiến sĩ Trường Sơn thì cả Nhâm và tôi đã là những cán bộ Đại đội cùng với bốn khẩu pháo 85 li nòng dài đóng quân ở khu vực Lân Tôn – đầu mối B46 thuộc Binh trạm 44 Trường Sơn. Tham gia đợt 2 Mậu Thân 1968, Nhâm chỉ huy Đại đội khiêng cối 120 li tham gia đánh Dakpek. Còn tôi được điều động về làm trợ lý tác chiến Tiểu đoàn pháo binh 17, Quân khu 5 rồi chiến đấu đánh phá căn cứ Không quân Chu Lai của Mỹ.
          Gắn bó sống chết với nhau nơi chiến trận xa nhau, mong gặp mà không thể. Sau chiến tranh tôi mải miết với việc học  hành: Đầu tiên là ôn thi vào Đại học. Sau bốn năm Đại học về đơn vị lại học ngoại ngữ rồi tu nghiệp ở Liên Xô. Đến năm 1985 về nước làm việc lại đánh vật với bài toán giá – lương – tiền, gia đình con cái… Chỉ đến khi nghỉ hưu tham gia sinh hoạt ở Hội Trường Sơn Việt Nam mới có điều kiện để tìm gặp nhau. Tháng 4 năm 2016, qua Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo Quân Đội Nhân Dân đăng bài viết của tôi mong muốn gặp Lê Nhâm. Anh Đồng Khắc Thọ - Cán bộ An toàn khu Thái Nguyên đã giúp tôi kết nối với Nhâm. Nhâm cứ tìm tôi ở Phú Thọ. Còn tôi cứ tưởng Nhâm chuyển ngành về Bắc Thái. Thì ra Nhâm chuyển ngành về Sở Giáo dục. Chiến tranh biên giới nổ ra Nhâm tái ngũ về Tỉnh đội Thái Nguyên. Nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Về địa phương anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy thị trấn chợ Chu – Định Hóa – Thái Nguyên liền hai khóa… Chuyện không may tới Nhâm là hai con mắt mờ dần không chữa được.
          Gặp lại nhau sau gần 40 năm xa cách tôi và Nhâm có nhiều chuyện để nói nhất là chuyện về những trận chiến chúng tôi cùng tham gia. Nhiều kỷ niệm với nhau nhất là trận đấu pháo với bọn Mỹ ở Đồi Tròn đầu mối B46 Lân Tôn tháng 7 năm 1970 mà tôi sẽ kể sau đây.
          Mỹ Ngụy đánh phá rất ác liệt khu vực Lân Tôn – km 113 đường B46 nơi có kho O3; đêm đêm hàng chục xe chở đầy hàng xuất phát từ đây đến giao cho Khu 5. Để bảo vệ cho những khẩu pháo, lệnh trên cho tháo rời cả bốn khẩu pháo 85 – bảo quản dầu mỡ chôn vào lòng núi cất giấu. Đại đội pháo binh 85 được Binh trạm 44 giao nhiệm vụ tác chiến bảo vệ khu vực đóng quân và đảm bảo giao thông ứng cứu khi có lệnh. Tháng 5 năm 1968, Khâm Đức được giải phóng cũng là thời gian đường 103 (nối Km103 đường B46 với đường 14 ở Nam Khâm Đức), dài 2km được thi công và thông xe. Toàn bộ con đường giờ đã có chiều dài 40km.
          Đường 103 khai thông, hàng hóa, vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc đã vào tới Phước Sơn Quảng Nam. Quân giải phóng miền Trung Trung bộ thực hiện những trận đánh lớn. Nổi bật nhất là trận đánh ngày 4 và 5 tháng 5 năm 1970 ta bắn hàng trăm quả đạn BKB vào căn cứ không quân Chu Lai. Trận đánh này ta đã làm căn cứ Chu Lai của Mỹ tê liệt hàng tháng trời. Hàng trăm tên giặc lái, hàng trăm máy bay các loại… bị loại khỏi vòng chiến. Để trả đũa, Mỹ ngụy mở cuộc càn quét lớn đánh vào hành lang vận chuyển của ta. Đó là trận càn tháng 7 mà sau này chúng ta thường nhắc tới. Chúng chiếm lĩnh các cao điểm theo đường 16 thuộc Tiên Phước – Phước Sơn – chiếm lại Khâm Đức; theo đường 103 đích tới là khu vực đầu mối B46. Bọn chúng dùng bom dù, bom phát quang chiếm Đồi Tròn  ngay sát km 16 đường 103, cẩu 2 khẩu pháo 105 li thiết lập trận địa bắn khu vực Lân Tôn – đầu mối B46 trong tầm pháo của chúng.
          Địch đánh sâu vào căn cứ của ta với mong muốn cắt đứt nguồn cung cấp súng đạn cho quân Giải phóng. Từ những điểm cao chúng chiếm lĩnh và dùng pháo binh với sự chỉ điểm của máy bay trinh sát L20, OV10 chúng bắn phá những điểm chúng nghi ngờ. Ban ngày cũng như ban đêm bọn AD6, F4, AC130 rải bom đạn ngăn chặn ta và bảo vệ lẫn nhau. Chúng gây cho ta nhiều khó khăn. Ở khu vực đầu mối B46 Lân Tôn, tầm với của pháo 105 bao trùm khu vực. Song núi rừng trùng điệp, bọn Mỹ cũng chỉ bắn vu vơ, bọn đánh bộ thì ở lì trên chốt không dám lùng sục ra xa.
          Địch đổ quân ngay trong phạm vi được bảo vệ. Đại đội 85 phát lệnh chiến đấu. Tham mưu phó tác chiến Binh trạm 44 Nguyễn Hải trực tiếp chỉ huy các lực lượng tại Lân Tôn đánh địch bảo vệ kho hàng. Tôi cũng vừa từ căn cứ Chu Lai được điều động về tăng cường cho Đại đội 85. Tham mưu phó Nguyễn Hải tới Đại đội 85 giao nhiệm vụ tác chiến đánh địch. Nhiệm vụ cụ thể là dùng pháo tập kích trận địa pháo của địch trên Đồi Tròn. Tôi về lại đơn vị, Lê Nhâm đang quyền Đại đội trưởng rất mừng. Bởi lẽ trong các cuộc bắn phá căn cứ của địch, tôi thường ở đài quan sát sửa phần tử bắn, còn Nhâm chỉ huy trận địa bắn. Chi bộ họp ra nghị quyết lãnh đạo chiến đấu. Vấn đề mấu chốt là dùng loại pháo nào, cỡ nòng nào để đấu với pháo 105 li của Mỹ. Nếu bốn khẩu pháo 85 không bị tháo cất giấu thì dùng đánh trả bọn Mỹ quá tốt. Song lúc này không thể. Chi bộ nhất trí cao với phương án dùng DKB (Hỏa tiễn 122 li) bắn có nòng để đấu với bọn Mỹ. Nhưng khó khăn nhất là lấy súng pháo ở đâu? Tham mưu phó Nguyễn Hải sau một hồi làm việc trên điện thoại với Sở Chỉ huy cơ bản Binh trạm thông báo: Đại đội sẽ nhận được 2 khẩu DKB trong thời gian sớm nhất. Bây giờ mọi việc lại phải trông vào Lê Nhâm. Lê Nhâm sẽ phải thành lập gấp 2 khẩu đội rồi huấn luyện gấp sử dụng pháo, đạn hỏa tiễn.
          Bộ phận trinh sát đo đạc chúng tôi luồn rừng dưới hỏa lực phi pháo của Mỹ để tìm vị trí đặt pháo. Việc này với chúng tôi không khó. Đồi Tròn nơi Mỹ đặt trận địa pháo ngay phía nam Sông Thanh. Chúng tôi men theo những sườn núi phía Bắc sông Thanh rất nhanh chóng tìm được vị trí đặt pháo, vị trí đặt đài quan sát sửa bắn và tính toán phần tử cho pháo.
          Rất khẩn trương Đại đội đã nhận được 2 khẩu pháo và khí tài đồng bộ đi cùng. Mọi việc trông chờ vào Lê Nhâm tổ chức, huấn luyện, thực hành chiến đấu cho 2 khẩu đội và bộ phận chuyên chở đạn hỏa tiễn. Trung đội trưởng Tấn và Trung đội trưởng Hoan trực tiếp làm 2 khẩu đội trưởng. Các khẩu đội trưởng trực tiếp làm pháo thủ số 1 và số 2. Việc huấn luyện sử dụng pháo không làm khó Lê Nhâm. Tháng 7 năm 1967, ở Cao nguyên Châu Mộc chúng tôi đã được huấn luyện chuyển loại từ pháo 105 li sang hỏa tiễn 122 li bắn có nòng rất bài bản. Các kĩ sư quân giới đã thiết kế súng bắn hỏa tiễn 122 li rất đơn giản, thao tác dễ dàng. Hơn nữa các chiến sĩ đã sử dụng thành thạo pháo 85 li nên tiếp cận súng bắn hỏa tiễn 122li không khó khăn gì. Lê Nhâm có nhiều kinh nghiệm trong việc huấn luyện chuyển loại vũ khí nên chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận pháo, các khẩu đội đã thành thục thao tác lắp đặt, thực hành chiến đấu, thu pháo và lắp ráp đạn hỏa tiễn.
          Theo phương án tác chiến đã được thông qua. Đại đội hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đường dây thông tin nối đài quan sát và vị trí đặt pháo đã thông suốt. Các khẩu đội nhận vị trí đặt pháo, bộ phận mang vác đạn cũng đã tới, được kiểm tra kỹ để không nhầm lẫn giữa ngòi nổ, đầu đạn và động cơ. Tất cả trong tầm kiểm soát của Lê Nhâm. Trên trời chiếc L20 vẫn bay dọc theo đường 103 chỉ điểm cho khẩu pháo ở Đồi Tròn bắn phá dọc tuyến. Vị trí đặt pháo ngay trên đường phân thủy của các nhánh núi thoải dần đến Sông Thanh. Cự ly bắn 7.800m – tầm bắn hiệu quả với cự ly xa nhất 11.000m của hỏa tiễn 122ly. Các khẩu đội vừa thiết bị pháo vừa phải ngụy trang tránh sự soi mói của L20 đang bay trên đầu. Công tác chuẩn bị bắn ở trận địa nhanh chóng hoàn tất chờ thời điểm khai hỏa.
          Trời đã về chiều, Tham mưu phó Nguyễn Hải nhìn đồng hồ. Trên trời không còn nghe tiếng máy bay trinh sát bay lượn ông phát lệnh chiến đấu.
          Lệnh truyền tới trận địa:
          - Khẩu 1- 1 phát nạp đạn!
          - Nạp đạn xong!
          - Bắn…
          Chớp giật phía sau đạn ò ò… bay qua đầu rồi nổ sát Đồi Tròn. Trinh sát viên báo độ lệch điểm nổ. Tôi truyền lệnh cho trận địa:
          - Tầm tăng 010, hướng chuẩn sang phải 007 ba loạt bắn gấp!
          Ba loạt sáu quả hỏa tiễn 122 li như sáu quả bom 50kg nổ bao trùm lên Đồi Tròn. Hai khẩu pháo im bặt. Có những đám cháy, những đụn khói màu bốc lên trong căn cứ địch. Đạn nổ tốt, trúng mục tiêu. Nhâm đã chỉ huy thu pháo rời trận địa an toàn. Mười phút trôi qua mới thấy chiếc L20 bay lượn nhưng không thấy pháo trên Đồi Tròn bắn. Rồi OV10 cũng bay tới nhòm nhó theo trục đường 103. Rồi OV10 bắn đạn khói, chớp nhằng trên đầu – bọn F4 cắt bom bi rồi bắn rocket xuống ngầm vượt Sông Thanh ở km8. Trận địa vẫn không bị lộ. Chúng tôi cùng Tham mưu phó Binh trạm rời Đài quan sát về vị trí tập kết để chuẩn bị cho ngày mai đấu tiếp.
          Sáng sớm hôm sau Đài quan sát bảo về: Trên Đồi Tròn có nhiều khói rồi trực thăng thả khói trắng che lấp tầm nhìn, nhiều tốp trực thăng tới Đồi Tròn. Có thể địch tăng cường quân phòng thủ hoặc có thể rút chạy – chúng tôi nhận định rồi báo cáo Tham mưu phó Nguyễn Hải. Lát sau ông tới Đại đội chỉ thị: Tạm dừng tổ chức đánh tiếp, cử trinh sát cùng ông bám sát, nếu địch rút thì tiếp cận vị trí xác minh ngay. Tôi, Nhâm, cùng tiểu đội trinh sát đưa Tham mưu phó theo trục đường 103 bám sát Đồi Tròn. Ở vị trí thuận lợi đưa ống nhòm quan sát Đồi Tròn không thấy có địch. Báo cáo tình hình với Tham mưu phó và đề nghị ông ở lại, còn chúng tôi bám lên Đồi Tròn. Tham mưu phó Nguyễn Hải ra lệnh: Tất cả cùng bám lên Đồi Tròn, thận trọng và sẵn sàng chiến đấu.
          Theo hàng dọc mọi người bám theo tiểu đội trưởng Cảnh – người có nhiều kinh nghiệm bám địch, nhanh nhạy xử lý tình huống. Quy định người sau bám theo người trước, không bước chệch ra ngoài đề phòng bẫy mìn của địch. Còn khoảng trăm mét nữa tới trận địa pháo của địch. Bỗng “xoẹt”  lửa cháy sáng ngay trước mặt Tham mưu phó. Thì ra đồng chí công vụ sơ ý bước chệch vướng dây mìn chiếu sáng phát nổ. Theo phản xạ mọi người nằm xuống, lửa vẫn cháy rần rật chói sáng cả vùng. Mìn cháy hết, cả vùng vẫn yên tĩnh. Yên chí, địch đã rút khỏi Đồi Tròn mọi người thở phào nhẹ nhõm.
          Khu vực đầu mối B46 Lân Tôn không còn bóng giặc. Tham mưu phó Nguyễn Hải vội trở về Sở chỉ huy cơ bản Binh Trạm. Trước khi rời đi ông chỉ thị: Đại đội 85 hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, trước mắt Đại đội củng cố lại lán trại, bảo quản súng đạn để trả kho – chờ lệnh của Binh trạm.
          Chuyện chúng tôi đấu pháo với bọn Mỹ ở Đồi Tròn chỉ có thế. Nhưng Chỉ huy Binh trạm 44 đánh giá rất cao hành động của chúng tôi. Hai ngày sau khi Tham mưu phó Tác chiến về Sở chỉ huy cơ bản, xe đã chở hàng vào kho O3. Đại đội 85 được lệnh: Dỡ bỏ niêm phong bảo quản, lắp lại phảo 85 chờ lệnh. Riêng tôi được điều động về công tác ở Binh trạm. Tôi một lần nữa lại xa Đại đội 85, xa Lê Nhâm, xa những con người quả cảm, dám nhận phần khó về mình. Sự thực khi thông qua phương án đánh Đồi Tròn tôi rất lo cho Lê Nhâm và đồng đội. Bởi đánh ban ngày, khi bắn đường đạn sẽ chiếu sáng 250m lửa và khói đồng nghĩa với việc lộ vị trí. Nhưng Lê Nhâm và đồng đội quyết đấu với bọn Mỹ. Chỉ cần hành động nhanh chuẩn xác, chọn đúng thời điểm khai hỏa và phải đưa đạn rơi đúng trận địa pháo của địch là được. May sao mọi việc đều ổn.
          Chuyện đã qua đi hơn 50 năm. Tháng 4 năm 2017, Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 gặp mặt ở Nhà Văn hóa Quận Tây Hồ. Lê Nhâm đã khăn gói cùng đoàn Thái Nguyên về gặp mặt. Với ý định sẽ lưu lại Hà Nội ít ngày với bọn tôi. Song về Hà Nội: Đông, nhịp sống hối hả khác xa với Chợ Chu, Định Hóa nơi Nhâm sống. Nắm chặt tay tôi nói lời xin lỗi: “Mình phải về cùng anh em. Chứ sợ mấy ngày nữa về mắt mũi thế này ngại lắm”. Quả thực đôi mắt Nhâm có vấn đề. Trước khi chia tay Nhâm nhắn tôi: “Cố nhớ viết lại trận chiến ở Đồi Tròn nhé. Nhớ gửi cho mình một bản để cho con cháu đọc”. Nhớ lời dặn của Nhâm tôi viết lại cuộc chiến này để thêm tự hào về những người bạn cùng chiến hào – người chiến sĩ Trường Sơn: Mọi lúc, mọi nơi đều cống hiến hết mình cho sự nghiệp cao cả; dũng cảm trong chiến đấu, lặng lẽ cống hiến trong đời thường và luôn nghĩ về đồng đội mến thương.

tin tức liên quan