Cô bé Trường Sơn ngày ấy
Ngày đăng:
04:43 26/10/2023
Lượt xem:
248
CÔ BÉ TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY
Truyện ký
Trong dịp Đại hội Đại biểu Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 lần thứ II tại Hà Nội, năm 2022; Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy tình cờ gặp lại “Cô bé” ngày xưa ở Trường Sơn được bộ đội cõng ra bắc để được nuôi dưỡng, học tập.
“Cô bé” bồi hồi xúc động, ôm chặt lấy người cô của mình, khi biết ngày ấy, cô là Y sỹ ở Binh trạm 36 ác liệt mà bé Nguyễn Thị Hằng đã được chăm sóc, bế ẵm trong vòng tay của các cô, các mẹ và các y bác sỹ của Binh trạm 36.
Ngày đó, cô bé Nguyễn Thị Hằng mới chỉ 4 tuổi, cô không còn nhớ được gì nhiều. Cô bé chỉ nhớ được ấn tượng sâu sắc nhất là khi chia tay các cô, các chú, các y, bác sỹ Binh trạm cứ ôm mình vào lòng, thơm lên má, sụt sịt khóc, nước mắt đỏ hoe và chúc các cháu ra Bắc mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn và học thật giỏi nhé!
Sau cô bé Hằng được nghe các anh, chị ruột của mình kể lại hành trình, hành quân gian khổ ngày ấy; đi từ Nam ra Bắc, cô bé Hằng được các cô, các chú bộ đội cõng vượt Trường Sơn như thế nào…
Đoàn trẻ em vượt Trường Sơn ngày đó có gần 50 người. Bộ đội phải đưa các cháu đi bộ theo đường mòn trong rừng, để đảm bảo an toàn. Trong khi đó Đoàn bộ đội đi hộ tống chỉ có hơn 10 người cả nam và nữ. Đi qua các trạm Giao liên thì đề nghị tăng thêm người để giúp đỡ, cõng các cháu khi cần thiết.
Trong số đó có tới hơn 10 cháu nhỏ từ 3 đến 5 tuổi hầu như phải cõng trên lưng suốt trên chặng đường gần 3 tháng trời từ Nam ra Bắc.
Trên đường trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. Cả những tình huống bất ngờ đến cười ra nước mắt. Thường thì các cháu nhỏ được ngủ chung võng với các cô, còn các cháu trên 6 tuổi trở lên thì ngủ chung, 2 cháu một võng được các cô, các chú mắc võng, mắc màn và che tăng ni lông giúp… Cô bé Hằng bồi hồi nhớ lại:
Khi đó, ngoài cái tên ra, Hằng không biết Hằng họ gì, bao nhiêu tuổi và quê quán ở đâu ? Do còn quá nhỏ, mọi việc sinh hoạt như:
Đi vệ sinh hoặc thay áo quần vẫn phải nhờ các cô, các chú Giao liên trợ giúp. Việc này, làm Hằng và các cô chú giao liên đều khổ sở, đôi khi còn bị phê bình. Vì Hằng còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu biết những điều cần thiết để đi theo đường Giao liên; gian khổ xuyên rừng núi, bom đạn… Đôi khi Hằng thấy vất vả, mệt mỏi quá, biết tủi thân, khóc gọi má.
Do bản năng làm mẹ, thường các cô dỗ các cháu nhỏ khéo và dễ hơn các chú bộ đội trẻ rất nhiều. Đa số, các chú chưa có vợ, có con thì làm sao mà biết dỗ các cháu bằng các cô được. Nhất các cháu bé 3 hoặc 4 tuổi, ban ngày đi đường nóng, vất vả, thường đòi uống nhiều nước, ban đêm nằm chung võng thường tè ra các cô là chuyện thường tình.
Tuy nhiên, có ngày các cháu lớn 5 hoặc 6 tuổi đi đường bị ốm, sốt cứ đòi phải ngủ cùng với các cô bộ đội. Khốn nỗi, Đoàn không đủ các cô bộ đội để ngủ cùng chăm các cháu ốm… Thế là nhiều chú bộ đội phải ngủ chung với các cháu nhỏ 3 hoặc 4 tuổi. Những ngày đầu chưa quen, nhiều chú bị mất ngủ do các cháu đạp, hay là cứ luồn tay vào ngực các chú để sờ ti...
Nhưng do đi đường phải đeo nặng, mệt quá; sau các chú cũng lăn ra ngủ được hết. Chỉ khổ một nỗi là đêm các cháu hay “tè” dầm ra võng thì cả hai chú cháu đều ướt. Vớ phải hôm trời mưa, không có quần áo thay, đành cứ để như thế mà đi. Sáng hôm sau lại hành quân tiếp, nên trong đoàn hành quân luôn có mùi “thơm” thoang thoảng của nước tiểu trẻ em…
Trong đoàn có chú Nghĩa, rất năng nổ, chịu khó chiều các cháu; nhưng chú hơi nóng tính, cháu nào nói không nghe là bị quát liền, nên các cháu rất sợ. Một hôm, nhiều cháu bị ốm, không còn cô nào để cháu Hằng 4 tuổi ngủ cùng. Đoàn trưởng phải dỗ mãi, cháu mới đồng ý ngủ cùng với chú Nghĩa.
Buổi tối hai chú cháu chơi với nhau rất vui vẻ, còn hát cho nhau nghe. Nhưng khi đi ngủ cháu có tật là rất hay sờ ti, làm chú Nghĩa không ngủ được, cứ cằn nhằn suốt. Lại do trước khi đi ngủ, chú Nghĩa quên không nhắc cháu đi “tè”, nên nửa đêm cháu “tè” cho Chú Nghĩa một bãi rất to.
Làm chú Nghĩa vừa thiu ngủ, giật mình tỉnh dậy thì quần áo đã bị ướt sạch. Cháu bé, lúc này bị ướt cũng tỉnh dậy, khóc rất to, cứ gọi má ơi…! Chú Nghĩa dỗ thế nào cháu cũng không nín khóc. Tức quá, chú phát luôn cho cháu một cái vào mông, cháu càng gào to hơn! Thế là các cô phải sang ngủ cùng với cháu Hằng… Từ đó, cháu Hằng không bao giờ chơi với chủ Nghĩa nữa; còn chú Nghĩa bị đơn vị phê bình nghiêm khắc!
Bất ngờ, mấy ngày hôm sau, Đoàn hành quân đến gần một đơn vị pháo binh của ta thì bị máy bay địch thả bom và bắn rốc két, đúng vào đội hình hành quân của Đoàn. Được căn dặn trước, các cháu nhỏ tuy rất sợ, nhưng cũng biết chạy vào hầm hoặc gốc cây to để ẩn nấp.
Nhưng bỗng nhiên cô Na đang cõng cháu Hằng, không hiểu sao bị ngã. Cô thì nằm sóng soài ra đường mòn, còn cháu bị lăn xuống hố bom đã cũ. Đúng lúc ấy, máy bay địch lại quay lại tiếp tục thả bom, những tiếng nổ xé tai, bụi đất bay mù mịt. Cháu Hằng khóc thét lên vì sợ hãi, ánh chớp lại lóe lên liên tục!
Chú Nghĩa lao đến, nằm đè lên người cháu Hằng, vừa lúc đó một quả bom nổ sát ngay chỗ hai chú cháu. Chú Nghĩa bị một mảnh bom to cắm vào lưng, máu chảy rất nhiều, ướt cả người chú và ướt cả xuống người cháu Hằng… Chú cố gắng nằm nghiêng người, thều thào hỏi cháu Hằng:
Cháu có bị thương vào đâu không ?
Cháu Hằng lồm cồm bò dậy, mếu náo, cháu không sao ?
Nhưng sao, chú bị chẩy nhiều máu thế ?
Nghĩa thều thào… Chú chỉ bị thương nhẹ, sau đó Nghĩa ngất đi, bất tỉnh…
Rất may lúc sau, đơn vị bộ đội pháo binh ở gần kịp thời đến chi viện. Y tá băng bó sơ qua cho Nghĩa rồi cáng đi viện.
Cháu Hằng cứ khóc mếu máo, níu lấy cáng, đòi đi theo chú Nghĩa. Các chú bộ đội vừa phải dỗ, vừa phải gỡ tay cháu Hằng ra để kịp thời đưa Nghĩa đến bệnh viện. Vì vết thương của chú Nghĩa rất nặng, bị thương ngay vào phổi, máu tiếp tục chẩy ra rất nhiều, sủi cả bong bóng…
Hai ngày hôm sau, Đoàn phải tiếp tục hành quân, không biết lần bị thương ấy chú Nghĩa có qua khỏi không? Vì từ bấy đến giờ, Hằng không nhận được tin tức gì về chú Nghĩa. Ấn tượng làm Hằng nhớ nữa là:
Khi qua sông các cô, chú bộ đội thổi hơi vào túi ni lông, sau đó buộc lại để Hằng bám vào phao ni lông và đẩy qua sông. Khi có máy bay Mỹ bắn phá hoặc thả bom, không kịp làm phao thì Hằng phải bám vào sau lưng các cô, các chú bộ đội để qua sông. Không may, đến chỗ nước sâu hoặc bom Mỹ thả xuống sông, gây ra sóng lớn thì Hằng bị uống nước. Có lần bị sặc nước tới ngất xỉu, các chú bộ đội phải hút nước bằng mồm và thổi hơi cho Hằng tỉnh lại…
Nhiều khi phải đi trong rừng lá thấp ven đồng bằng để tránh bom, do máy bay B52 của Mỹ oanh tạc. Có lúc, phải vội vàng chui vào hầm để tránh bom; trong hầm còn nhiều nước, lầy lội, rắn, rết, bò cạp, chuột bọ, vắt, muỗi nhiều vô kể vẫn phải cắn răng, nín thở chụi đựng. Hằng sợ chết khiếp mà không dám khóc !
Phải chờ cho máy bay Mỹ thả bom, vừa dứt đợt bom là phải chạy thật nhanh băng qua khói bom. Rất nhiều các anh, chị trong Đoàn và các cô, các chú bộ đội bị mảnh bom cứa đứt chân bỏng rát, chẩy rất nhiều máu…
Ban đêm, nhìn không thấy đường, nhiều khi mưa trơn, ngã trầy, ngã trật, ngã nhào cả xuống ruộng, vẫn phải đứng dậy đi theo Đoàn. Đi tới mỗi Trạm giao liên đều nhận cóm nắm (nắm cơm) của bộ đội phát cho ăn no. Lương thực thì không đến nỗi thiếu lắm, nhưng đi đường bao nhiêu ngày dòng dã, không có nước tắm thì ngứa không chịu được, đứa nào đứa ấy thi nhau gãi, lở loét hết cả da thịt...
Có một điều lạ là rất nhiều lần, khi Đoàn trẻ em cứ rời Trạm giao liên là nơi đó bị đánh bom. Khen cho các chú bộ đội quá xuất sắc, nắm vững được quy luật đánh phá của địch đến từng giờ, từng phút để đưa Đoàn trẻ em vượt qua bom đạn, an toàn ra tới Thanh Hóa. Hay rừng Trường Sơn ngày đó, có Bà Chúa Thượng ngàn luôn che trở, phù hộ cho đoàn cháu bé dũng cảm và đáng yêu ấy!
Khi tới cầu Hàm Rồng, Đoàn trẻ em như bầy chuột chui ở trong hang ra, ai cũng gầy dơ dáo; trong người nổi đầy mụn nhọt, lở loét. Nhưng đại đa số trong Đoàn trẻ em ra Bắc lần ấy đã an toàn. Niềm vui, phấn khởi và tràn đầy hy vọng lấp lánh trong đôi mắt trẻ thơ đã ùa về làm các bạn dớm dớm nước mắt...
Cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa treo cờ, chăng biểu ngữ khắp nơi ra đón Đoàn trẻ em, miền Nam là con em cán bộ, thương binh, liệt sỹ ra Bắc để được nuôi dưỡng, học tập. Hồi đó Hằng chưa hiểu, vì sao mọi người tranh nhau ôm trẻ em trong đoàn mà khóc. Sau này Hằng mới biết:
Mọi người quá thương cảm, vì Đoàn trẻ em còn quá bé, gầy yếu mà đã kiên cường đi bộ hơn cả nghìn ki lô mét để đến được miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Ra đến miền Bắc, anh chị em Hằng và các bạn được phân theo lứa tuổi, được đưa đi nhiều tỉnh ở miền Bắc để tiện cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc và đi học. Các bạn bé từ 3 đến 5 tuổi được phân về các ngôi nhà có các mẹ chăm sóc, lo ăn uống, ngủ nghỉ và học lớp mẫu giáo. Các anh lớn thì được phân theo lứa tuổi và các lớp học từ lớp 1 cho đến lớp 5…
Những ngày đầu cô bé Hằng còn nhớ má lắm, nên đôi khi cứ khóc đòi về với má. Nhưng mấy tháng sau quen dần, bé không khóc nữa; bé rất ngoan nhưng rất hiếu động và lém lỉnh. Bé rất thích múa hát và thích diện, hay đòi mặc váy hồng hay váy hoa. Ngày đó, vải hoa là rất hiếm, nên nhiều khi các cô bảo mẫu phải cắt những chiếc áo hoa cũ của mình chữa thành váy cho các cháu mặc để biểu diễn văn nghệ…
Bé Hằng rất xinh và lém lỉnh, ngày đó mới 4 tuổi mà đã biết nói đùa trêu các cô. Bé biết, trong Nam gọi các bát ăn cơm là cái chén, đến bữa ăn, cháu nói với các bạn giấu bát đi, nói với cô bảo mẫu:
Cô ơi cô, cho con xin cái chén, cô bảo mẫu tưởng Hằng muốn uống nước, mang ra cho bé một chén uống nước. Thế là bé Hằng và các bạn cùng cười lên như nắc nẻ… Làm cô giáo bị mắc lừa, bèn nắng yêu:
Ôi, cái “con cún” đáng yêu quá, đã biết nói lừa cô rồi đấy…!
Thấm thoát ngày, tháng trôi đi rất nhanh, cô bé Hằng đòi đi học sớm, từ lúc mới 5 tuổi đã học lớp 1 và học rất giỏi. Sắp hết học kỳ II, năm lớp 8, đúng vào Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cô bé Hằng cùng các bạn nghe tin Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, các chú bộ đội đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thế là các bé sắp được về Nam để đoàn tụ với gia đình, các bé cùng nhẩy lên reo vui sung sướng…
Một tháng sau ngày giải phóng, cô bé Hằng mới biết tin Ba mình là bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp; đã hy sinh, từ lúc cô được cõng ra Bắc để được nuôi dưỡng, đi học. Vì ngày đi ra Bắc, cô còn bé quá; mẹ cô không muốn nói cho cô biết. Vả lại hồi đó, mẹ có nói; Ba cô đã hy sinh, thì cô còn bé quá, chưa cảm nhận được nỗi đau mất Ba là như thế nào?
Bây giờ cô bé mới được biết, Ba đã hy sinh, cô khóc hết nước mắt, suốt cả một ngày trời. Sau được các cô, các chú quản lý, các thầy, cô giáo trong Trường an ủi, động viên. Hằng dần dần cũng nguôi ngoai, đỡ cảm thấy tủi thân. Hằng rất tự hào về người ba của mình, đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc!
Chị Nguyễn Thị Kim Quy thường nói:
Chúng tôi rất tự hào về “Cô bé Trường Sơn” ngày ấy, đã kiên cường vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt ở Trường Sơn. Sau này học rất giỏi, để trở thành người phụ nữ hạnh phúc và thành đạt như ngày hôm nay.
Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn