Kỷ niệm về lần gặp "Con chim lửa của cánh rừng Trường Sơn" - Ký ức của Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 06:35 19/11/2023 Lượt xem: 187
 
-----------------------------------------
 
KỶ NIỆM VỀ LẦN GẶP
“CON CHIM LỬA CỦA CÁNH RỪNG TRƯỜNG SƠN”

Ngọc Thứ

 
       Biết tôi ra Hà Nội, thằng bạn chí cốt, đồng niên, đồng ngũ Lê Văn Hùng gọi điện: “Sáng mai ông đến tôi nhé, tranh thủ đến thắp hương cho cụ Nguyên một chút rồi về gọi mấy đứa nhâm nhi”. Tôi tiếc ngơ, tiếc ngẩn bởi đã đặt vé bay vào Đà Nẵng tối nay. Tôi khất Hùng lần sau. Cụ Nguyên mà Hùng nói tới chính là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên Tư lệnh Đoàn 559, người mà Hùng đã làm công vụ cho Ông bao năm. Cú phôn của Hùng làm tôi thao thiết nhớ về một kỷ niệm. Ấy là lần nhờ có Hùng mà tôi được gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật – Người được lính 559 chúng tôi gọi là “con chim lửa của cánh rừng Trường Sơn”.
       Năm 1974, tôi là lính e509 - BTL Trường Sơn, đóng quân ở một cánh rừng thuộc Linh Trường, Do Linh, Quảng Trị (gần nghĩa trang Trường Sơn hiện nay). Còn Hùng làm công vụ cho Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Khi ấy, sở chỉ huy tiền phương của BTL Trường Sơn đóng ở một cánh rừng khác thuộc xã Do An, Do Linh, Quảng Trị. Một lần, khó khăn lắm tôi mới xin được đại đội trưởng cho đi thăm Hùng (vì ngày ấy lính ta đào ngũ cũng nhiều). Đi bộ hơn chục cây số đường rừng đến với Hùng. Anh em ôm nhau trong xúc động dâng trào. Thôi thì mọi thứ chuyện trên trời dưới bể. Gần trưa, tôi và Hùng cùng ngồi rửa bộ ly trà, tôi khẻ huýt sáo bài “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây” thì Hùng chỉ tay về phía một người khá cao to đang đi ngang qua sân, chiếc mũ cối đội lệch hẳn sang hướng có ánh mặt trời chiếu vào thiêu đốt. Hùng nói: “Kìa. Tác giả lời bài hát ấy kia kìa. Anh Phạm Tiến Duật đấy, anh ấy ở bên dãy nhà của Cục Chính trị”. Nói rồi Hùng gọi anh về chỗ chúng tôi. Chao ơi! Lần đầu được gặp thần tượng tôi trở nên luýnh quýnh lạ thường. Tôi chào anh lễ phép. Anh bắt tay tôi và hỏi:
- Ở đơn vị nào em?
- Em ở Trung đoàn Năm không chín (e509) ạ.
- Năm không chín chuẩn bị vào B3 mà? (B3 là mật danh của chiến trường Tây Nguyên).
- Dạ vâng, bọn em đang chuẩn bị.
- Vất vả, gian nan lắm đấy. Vượt cả ngàn cây số đường rừng không phải chuyện chơi. Gầy như con nhái thế này có theo được không?
       Tôi cười thay cho câu trả lời.
       Đấy. Chỉ vậy thôi mà bao năm rồi tôi vẫn luôn nhớ.
      Hôm nay, nghe Hùng gọi điện, kỷ niệm ấy lại ùa về. Tôi cứ thầm cảm ơn Hùng vì nhờ nó mà tôi mới có diễm phúc gặp được thần tượng. Tôi đã đọc thơ Phạm Tiến Duật nhiều, thuộc thơ anh cũng nhiều. Tự nhiên tôi cứ muốn viết một cái gì đó về anh. Nhưng viết gì khi tên tuổi anh, thơ anh đã nằm lòng bao người? Mặc. Tôi cứ viết. Viết bằng cảm xúc chân thành, bằng sự cảm nhận, bằng tấm lòng kính trọng anh. Coi như tôi đang vọng lại những gì mà mọi người đã viết, đã biết. Vậy thôi.
      Trường Sơn với những con đường phơi mình dưới trùng trùng bom đạn. Ai đã từng đi qua Trường Sơn, ai đã từng đến với Trường Sơn sẽ không thể nào quên. Không thể nào quên bởi nơi ấy có hình ảnh những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình ảnh những đoàn xe băng mình qua lửa cháy, kịp chi viện cho miền Nam. Và có một người lưu mãi ký ức về Trường Sơn; một con người đã khắc hoạ lại chiến tranh, khắc hoạ khát vọng hoà bình giữa muôn vàn khốc liệt ngày ấy qua những vần thơ. Người được ví như “con chim lửa thi ca trên những cánh rừng Trường Sơn” đầy bom đạn – Nhà thơ Phạm Tiến Duật.
      Mười Bốn năm trong quân ngũ, có tới Tám năm ở Trường Sơn. Hình như vì thế, cho mãi đến sau này, Trường Sơn hiện lên không chỉ trong ký ức mà còn rõ nét tới mức nhà thơ từng gọi đó là một sự ám ảnh. Có thể nói, Trường Sơn và thơ Phạm Tiến Duật - Phạm Tiến Duật và Trường Sơn. Hai thứ đó gắn bó, hoà quyện không dễ gì chia tách, giống như quê hương đối với mỗi con người vậy.


Phạm Tiến Duật những ngày ở Trường Sơn
 
       Sinh năm 1944, quê gốc ở Phú Thọ, vùng đất trung du rừng cọ đồi chè. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Hà Nội, hướng theo nghiệp cha mình là một nhà giáo. Thế nhưng chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, chàng trai Phạm Tiến Duật ngày đó tạm gác lại bút nghiên, chia tay với nghề dự định bảng đen, phấn trắng lên đường tòng quân. Thật ngẫu nhiên, bước ngoặt không tính trước trong cuộc đời ấy đã làm nên một tâm hồn thơ Phạm Tiến Duật sau này.
       Xin chuyển từ một đơn vị pháo cao xạ Tây Bắc để sang Cục Vận tải/Tổng cục Hậu cần để được vào Trường Sơn, được đến với Trường Sơn. Và tại đây, Phạm Tiến Duật thực sự đối diện với chiến tranh cùng những câu hỏi lớn:
Mảnh đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi.

(Lửa đèn)
       Chiến tranh, sự tàn khốc, đau thương nên những tác phẩm của Phạm Tiến Duật luôn bỏng cháy những điều gần gũi với sự bình yên, với điều mong ước của những con người bình thường đang làm những điều phi thường. Đấy là cô thanh niên xung phong, là anh lính coi kho, cao xạ, công binh, chiến sỹ lái xe… Mọi thành phần trên con đường Trường Sơn huyền thoại đều được Phạm Tiến Duật khắc hoạ bằng thơ, một màu thơ ngồn ngộn hình ảnh, chi tiết, sống động và đầy xúc cảm:
Một dãy núi mà Hai màu mây
Nơi nắng, nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây)
       Từ hậu phương ra với tiền tuyến, Trường Sơn trở thành nhịp cầu nối Bắc Nam, nối liền sức mạnh của dân tộc thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi. Hoa vẫn nở giữa bom rơi, nở trong ký ức của những người đã đi ngay trên nhịp cầu đầy gian khổ, khốc liệt Trường Sơn. Mỗi dòng thơ của Phạm Tiến Duật đều mang đến cho họ cảm giác dạt dào, phơi phới, một cảm giác lạc quan giữa chiến tranh:
Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.
Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.

(Gửi em – cô bộ đội lái xe)
       Và anh đã gieo vào lòng người lính Trường Sơn những ước mơ giữa hiện thực đầy gian khổ phía trước:
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên.

(Lửa đèn)
       Những bài thơ của Phạm Tiến Duật khi ấy đã góp phần cổ vũ, động viên, mang đến niểm tin về tương lai cho người đọc. Và mỗi người đọc lại thấy bóng dáng của mình trong đó, bởi thơ anh cũng là ánh mắt cảm nhận của chính người đứng trong lửa đạn nhìn xung quanh, ngưỡng mộ sự chịu đựng lớn lao của đồng đội, của những con người đã hy sinh tuổi thanh xuân giữa núi rừng bom đạn Trường Sơn:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Tiểu đội xe không kính)
       Chị Lê thị Nhị - Cô TNXP trong thơ Phạm Tiến Duật, người đã trêu đùa thi sỹ giữa đêm bên hố bom lấp dở: “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn”, nhiều năm rồi câu thơ ấy vẫn đi theo chị như một kỷ niệm không bao giờ quên. Câu thơ như nhắc nhớ về một thời tuổi trẻ hừng hực ý chí quyết tâm:
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim - Thạch Nhọn

(Chào em- Cô thanh niên xung phong)
       Tiếng rung vang lên giữa bom nổ Trường Sơn. Chiến tranh, mất mát và sự hy sinh. Nhưng thơ Phạm Tiến Duật không tô hồng, không lên gân khẩu hiệu cũng không uỷ mỵ, buồn đau. Với chất giọng đùa đùa, tinh nghịch, tếu táo nhưng lại chạm đến những miền sâu thẳm của tình cảm con người trong sáng và nhẹ nhàng, thấm đẫm tâm tư của người trong cuộc. Anh mang làn gió quê hương đến với những người đang chiến đấu, mang tình yêu đến với họ và lớn hơn tất cả là mang khát vọng hoà bình đến với mọi người. Chính vì điều ấy mà thơ Phạm Tiến Duật đã ngưng đọng rất lâu trong tâm khảm nhiều người:
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất.

(Chào em, cô thanh niên xung phong)
       Một buổi đi xem văn nghệ quần chúng, thấy cô TNXP vất vả với bài hát mà không đến đầu, đến cuối, anh đã viết với tất cả sự động viên:
Nghe em hát mà anh buồn cười
Nhịp với phách xem chừng sai cả
Mồ hôi em ướt đầm trên má
Anh với mọi người nhìn nhau khen hay.

(Nghe em hát trong rừng)
       Ngồi trong Cabil xe với cùng một hoạ sỹ có người yêu là cô y tá của một đơn vị bên Tây Trường Sơn. Nghe hoạ sỹ nhắc nhiều đến người yêu, nỗi nhớ ấy đã lan sang anh, lan sang người lái xe. Trong cơn mưa xối xả, nhìn cái gạt nước gạt đi, gạt lại, anh thốt lên:
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ

(Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây)
       Có lần anh chia sẻ: Thơ tôi viết là thế, vậy mà trong karaoke người ta ghi: “Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ”. Trời! “xua tan” thì còn gì là tình yêu. Họ xua tan cả thi ca. Nhưng thôi, người ta có làm thơ đâu, người ta đang làm kinh tế mà. Mặc.
Có một điều đặc biệt trong thơ Phạm Tiến Duật đó là những bài thơ của anh rất đời. Đọc thơ anh, người nghe như có cảm giác đang xem những thước phim tài liệu sống động và chân thực, anh không làm thơ mà đang mô tả lại những điều khát khao của người trong cuộc. Nhưng sẽ không viết nổi dù chỉ là một câu khi trái tim anh đang bình thản, cảm xúc ấy không dễ gì có được khi người ta không biết chắt chiu từng giọt từ sâu thẳm trái tim. Mọi người vẫn gọi anh là thi sỹ của Trường Sơn, nơi chiến tranh hiện lên thật rõ nét, nhưng Phạm Tiến Duật lại tự nhận mình chỉ là người đi ngang qua chiến tranh, mô tả chiến tranh bằng cảm xúc của một người lính khi chứng kiến những nỗi đau mất mát và ước mơ một cuộc sống bình yên. Thơ Phạm Tiến đã nói hộ khát khao của một thế hệ người lính cũng như toàn thể người Việt Nam ngày ấy về hoà bình:
Không đếm được suối, không đếm được đèo
Trăm cây số cũng chỉ là chặng ngắn
Nơi ta ngủ cánh rừng chưa định sẵn
Nơi ta ăn, trăm tảng đá vô tình.

(Chúng ta đi đường dài)
       Hay anh đã ghi lại lời một chiến sỹ lái xe:
Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

(Nhớ)
       Tám năm ở Trường Sơn, Tám năm không phải với vai trò một nhà thơ mà là Tám năm với tư cách của một người chứng kiến và cảm nhận. Phạm Tiến Duật không phải là người đi qua. Thơ của anh cất lên bên những hố bom còn khét mùi thuốc nổ, từ những con đường đầy tiếng bom thét gào. “Vầng trăng quầng lửa”, “Ở hai đầu núi”, “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”…Hình như mỗi tác phẩm đánh dấu con đường thi ca của Phạm Tiến Duật đều có hình ảnh của hai mặt đối lập. Trong quầng lửa khốc liệt có vầng trăng dịu êm. Hai đầu núi có mưa và nắng, trong tiếng bom lại vọng tiếng chuông chùa. Và… tiếng chuông chùa hiện ra từ trong thơ đã dóng lên từng hồi dài lưu luyến một tâm hồn thơ lớn.
       Khi biết tin anh lâm bệnh, bạn bè, người yêu thơ từ khắp mọi nơi đã tìm đến thăm hỏi, thể hiện sự yêu quý với nhà thơ bên giường bệnh chịu đựng nỗi đau dày vò của căn bệnh ung thư quái ác. Có lẽ đó cũng là hậu quả của những năm tháng chiến đấu dưới bạt ngàn chất độc tại Trường Sơn. Than ôi! Nhà thơ Phạm Tiến Duật – người đã băng ngang qua sự khốc liệt của chiến tranh lại phải dừng bước khi khát khao đã thành hiện thực:
Khói bom lên trời thành một vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đến sau chiến tranh.

(Vòng trắng)
       Người đi, thơ ở lại. Phạm Tiến Duật đã đi về nơi xa ngái nhưng anh để lại cho đời những xúc cảm về một thời kỳ gian khổ, đầy hào hùng của đất nước, Một thời kỳ không thể nào quên. Những người yêu thơ, những người Việt Nam bình thường sẽ nhớ mãi về Phạm Tiến Duật, nhớ mãi ánh sáng lấp lánh của “Lửa đèn”, nhớ mãi về những vần thơ mang dấu ấn thời đại trong lịch sử đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của Tổ quốc. Những vần thơ mang khát khao của cả một thế hệ con người Việt Nam, sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đấu tranh để giành lấy hoà bình. Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001) và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (2012) giành cho anh đã nói lên tất cả những gì anh đã cống hiến.
       Những mong đây là nén tâm nhang tôi dâng anh, anh Duật nhé./.

Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ 
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.

 
tin tức liên quan