Vĩnh biệt Đai tá Mai Trọng Phước – Nhớ lại kỷ niệm đẹp trong những lần gặp ông

Ngày đăng: 05:27 27/11/2023 Lượt xem: 924
       “…Tôi và mọi người trong đoàn xúc động đến không cầm được nước mắt trước cảnh Cụ Nguyễn Thị Bé - Mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Thị Khuyên níu lấy vai áo của Đại tá Mai Trọng Phước mà khóc - Cụ Bé khóc phần vẫn mãi thương nhớ đứa con yêu đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc; phần vì cảm động đang được một ông già tầm tuổi mình từng là Thủ trưởng đơn vị của con mình đã cố “chống gậy” tìm đến nơi đây để thắp một nén hương tưởng nhớ người Liệt sỹ con của Cụ và ân cần động viên thăm hỏi Cụ cùng gia đình…”
 
Trong ảnh - Đại tá Mai Trọng Phước động viên và tặng quà tới cụ Nguyễn Thị Bé –
Mẹ đẻ của chiến sỹ Trung đoàn 592 của ông - Liệt sỹ Nguyễn Thị Khuyên.
 
VĨNH BIỆT ĐẠI TÁ MAI TRỌNG PHƯỚC
NHỚ LẠI KỶ NIỆM ĐẸP TRONG NHỮNG LẦN GẶP ÔNG
 Phạm Sinh
 
         Tiếng là lính Trường Sơn nhưng ở lứa tuổi giữa 5 và 6 X nên chẳng được mấy thời gian tham gia trên chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ… May mắn cho tôi những năm gần đây được tham gia hoạt động trong hệ thống của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nên ít nhiều cũng có cơ hội để tìm hiểu về cái huyền thoại của chiến trường Trường Sơn và những con người “ Xẻ núi đi cứu nước” nơi đây. 
         Chiến công huyền thoại trên con đường Trường Sơn thì nhiều lắm và con người huyền thoại trên con đường này cũng vậy - Nhiều, nhiều chẳng kể hết … Và chỉ khi “mục sở thị” hoặc được nghe ai kể về họ thì mới thấy chẳng những họ huyền thoại trong một thời trận mạc mà cả hôm nay, khi về với đời thường mặc dù tuổi tác đã cao nhưng cái huyền thoại xưa vẫn còn nguyên giá trị trong họ.
        Nhân vật mà bài viết này tôi nói đến nó được hội tụ với cả hai yếu tố:  “tai nghe và mắt thấy” - Ông là Đại tá Mai Trọng Phước - Ủy viên BCH danh dự Hội TT Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam; Nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 592 đường ống xăng dầu Trường Sơn, rồi Tham mưu phó Bộ đội Trường Sơn; Cục trưởng Cục xăng dầu Tổng cục Hậu cần, người trực tiếp chỉ huy lắp ráp, vận hành đường ống xăng dầu xuyên Đường Trường Sơn (1968-1975).
         Lần đầu gặp ông khi ấy tôi cũng chưa một lần biết đến tên ông. Tình cờ thôi. Ấy là vào ngày 10 tháng 5 năm 2015 Tại Thị xã Sầm Sơn Thanh Hóa, Hội Truyền thống xăng dầu đường ống Trường Sơn tổ chức gặp mặt các lực lượng xăng dầu đường ống nhân kỷ niệm 40 năm xăng vào Bù Gia Mập (14 tháng 3 năm 1975). Trước đó hơn chục ngày tôi nhận được lời mời về dự cuộc gặp mặt từ cuộc điện thoại trực tiếp của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Chủ tịch Hội xăng dầu đường ống Trường Sơn… Một cuộc gặp mặt đầy ấn tượng, về số người tham gia có lẽ chưa từng có trong tất cả các cuộc gặp mặt Truyền thống của các đoàn, Hội trong hệ thống Hội Truyền thống Trường Sơn toàn quốc ( 1.480 hội viên từ khắp miền đất nước về dự ) 
         Trong đêm giao lưu văn nghệ hôm trước tôi thấy xuất hiện một ông già lên sân khấu hát - Ông hát không phải chỉ một bài mà hát tới hai ba bài liền - Hát về Trường Sơn; Hát về “ Dòng sông mang lửa” mà đã một thời ông đã cùng bao đồng chí đồng đội chung vai “gánh” nó vào chiến trường… Tuy giọng hát của ông không thể được như lớp chiến sỹ của ông nhưng tôi vẫn thấy cái hừng hực của một thời hào hùng Trường Sơn… Ngồi bên Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - Chủ tịch Hội xăng dầu đường ống Trường Sơn tôi hỏi anh : “Bác đang hát là ai hả anh…” - Anh Hậu giới thiệu: “ Đấy là bác Mai Trọng Phước, năm nay bác ấy đã ở tuổi 92 rồi, bác Phước gia nhập Quân đội năm 1945 và từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bác nguyên là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 592 đường ống xăng dầu Trường Sơn, là cây đại thụ số một của ngành đường ống xăng dầu Trường Sơn đấy, nói đến bác thì ngày ấy và cả bây giờ cán bộ chiến sĩ ngành đường ống xăng dầu Trường Sơn không ai không biết - Biết bác bởi bác là một người luôn hết mình và có nhiều thành tích trong công việc; Biết bác về phong cách sống bình dị và sâu nặng nghĩa tình đồng chí đồng đội… 
         Chưa hết đâu, tuy là Cán bộ chỉ huy một đơn vị hoạt động với đặc thù ngặt nghèo về kỹ thuật nhưng bác vẫn dành thời gian để viết với đầy rẫy những sự kiện; những ký ức một thời của mình và của Bộ đội Trường Sơn… Và gần đây bác vẫn còn nhiệt huyết cùng với mình và anh Đào Quang Nghiêm tham gia cộng tác với Điện ảnh Quân đội làm bộ phim tài liệu về đường ống xăng dầu Trường Sơn huyền thoại nữa đấy…”. 
        Ngay lúc Đại tá Mai Trọng Phước từ sân khấu bước xuống tôi đã đón và ôm lấy ông, chúc mừng ông đã mang đến cho đêm giao lưu văn nghệ một ấn tượng khó quên, tôi đưa ông về vị trí ghế ngồi, giới thiệu về mình và xin được ngồi luôn bên ông. Qua đôi điều tâm sự cùng ông - Ông nói: “ Thời chiến tranh mình đã cống hiến hết mình cho Trường Sơn, hết mình vì nghĩa tình đồng chí đồng đội rồi… Nay về với đời thường mình phải phát huy Truyền thống ấy chứ… Mình mừng lắm khi mà ngày hôm nay những cán bộ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa lại có được một ngôi nhà chung, đó là Hội Truyền thống Trường Sơn… Chúng ta phải góp sức xây dựng Hội và phát huy Truyền thống Trường Sơn anh hùng chứ - Hôm nay mình lên sân khấu giao lưu văn nghệ với anh chị em cũng vì lý do ấy mà, hơn nữa giao lưu văn nghệ với anh chị em cũng là món ăn tinh thần góp phần cải thiện sức sống để “ Sống vui, sống khỏe” cho chính mình và đồng đội của mình nữa mà.”.
         Và đây: Lần thứ hai gặp ông - Một lần gặp không còn là tình cờ và ít nhiều đã biết và hiểu về ông sau lần ông “hát” và không ít những thông tin nhận được với sự tôn vinh, kính trọng ông thông qua những chiến sỹ năm xưa của ông … 
         Nói đây là cuộc gặp không phải là tình cờ bởi đây là một chuyến đi vừa là nghĩa tình đồng đội vừa làm từ thiện, đã được thống nhất trước thông qua đồng ý tưởng giữa Đại tá Mai Trọng Phước; Anh Lê Hồng Huân - Phó Ban tuyên truyền thi đua Hội Trường Sơn; Anh Nguyễn Xuân Giá nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 592; Tôi và chị Nguyễn Thị Thắng nguyên là chiến sỹ Trung đoàn 592 cùng một số hội viên thuộc Ban liên lạc Trung đoàn 592 đường ống xăng dầu Trường Sơn, tiếp đó còn được sự phối hợp của Hội Trường Sơn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 
         Theo kế hoạch đã định - Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2015), sáng 12/7/2015 chúng tôi tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành - Bắc Ninh và gia đình 2 Nữ Liệt sỹ Trung đoàn 592 Trường Sơn thuộc huyện Thuận Thành. Sáng sớm tôi và anh Lê Hồng Huân - Phó Ban tuyên truyền thi đua Hội Trường Sơn Việt Nam ghé qua đường Phan Đình Phùng Hà Nội để đón Đại tá Mai Trọng Phước. Đón ông lên xe, nhìn kỹ tôi thấy thần sắc ông so với lần gặp ông trong Sầm Sơn có phần sút kém, mặc dù mới chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn (2 tháng). Tôi hỏi thăm về sức khỏe của ông thì ông trả lời: “ Thời gian gần đây sức khỏe mình không được tốt, sáng nay dậy thấy mệt hơn tưởng không thể đi được nhưng mình quyết tâm nên giờ thấy khoan khoái hơn nhiều rồi… Các cậu biết không Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn xưa chịu nhiều gian khổ hy sinh lắm, mỗi km đường ống được xây dựng thì theo nó có bao cán bộ chiến sỹ nằm xuống, phần vì bom đạn; phần vì bệnh tật. Mình còn nhớ lần ấy một trận bom tàn khốc của giặc Mỹ đã để lại cho Cán bộ Chiến sỹ Trung đoàn 592 đường ống xăng dầu Trường Sơn một nỗi đau, một mất mát lớn mà nó đã và mãi ám ảnh trong cuộc đời mỗi chúng tôi. Đó là vào ngày 28 tháng 01 năm 1973 (chỉ sau khi hiệp định PaRi được ký kết đúng 01 ngày) thì có tới 2 lần máy bay B52 của Mỹ điên cuồng ném bom rải thảm xuống khu vực Trung đoàn bộ 592 (khi đó Trung đoàn 592 đơn vị đường ống xăng dầu Bộ đội Trường Sơn đóng quân tại tỉnh Xavanakhẹt nước bạn Lào) Hai trận bom đã làm 17 đồng chí hy sinh, trong số đó phần đông là các chiến sỹ nữ - Đồng chí Thu và Liễu hy sinh khi đang xay bột làm bánh tết cho Bộ đội ( Tết Quý Sửu - Năm 1973); Các đồng chí: Linh, Liễu, Xuân gục bên tổng đài Thông tin trong khi tay vẫn đang nắm chặt tổ hợp; Đồng chí Vy Y tá quê Thái Bình bị bom xé nát người một chân bị bay treo lên ngọn cây… Còn hai đồng chí mà hôm nay chúng ta về để thăm hỏi người thân, thắp nén tâm nhang cho họ nơi bàn thờ gia đình họ đó là: Đồng chí Nguyễn Thị Khuyên quê xã Gia Đông và đồng chí Trịnh Hiếu Vân quê xã Ninh Xá - Thuận Thành.  Đồng chí Khuyên hy sinh khi đang đi chăm sóc bệnh binh sốt rét còn đồng chí Vân thì đang làm nhiệm vụ nấu ăn - Sau loạt bom rền cả đơn vị tập trung đào bới tìm kiếm nhưng không thấy Vân đâu, mãi sau khi dọn đống đổ nát trong khu vực bếp mới thấy Vân nằm trong đó và bị chiếc nồi quân dụng lớn đè úp lên hơn nửa phần người …
         Điểm hẹn tập kết của những người tham gia đoàn thăm viếng hôm ấy là nhà của một nữ chiến sỹ Trường Sơn nằm ngay trung tâm huyện lỵ Thuận Thành - Tại đây các đồng chí lãnh đạo Hội Trường Sơn huyện Thuận Thành và một số cựu binh Trung đoàn 592 đã có mặt trước chờ đón thầy trò chúng tôi. Một cuộc hội ý chớp nhoáng, sau lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Quốc Lập - Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Thuận Thành, Đại tá Mai Trọng Phước đưa ra ý kiến tham gia về nội dung của cuộc thăm viếng hôm nay - Điều đầu tiên ông chia sẻ là ông canh cánh trong lòng mình, sau ngày thống nhất ông sẽ cố gắng tìm kiếm quê hương, người thân của những đồng đội đã hy sinh để chia sẻ niềm đau thương của họ, động viên kích lệ sự đóng góp vô giá của gia đình họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc… Đã không ít lần ông làm việc này và hôm nay đây lại một lần tôi được “gạt vơi” cái canh cánh của mình …Theo đó ông cũng lên tiếng tự nguyện chung tay đóng góp một phần kinh phí phục vụ cho cuộc thăm viếng này. Băn khoăn về thịện nguyện của ông, các thành viên trong đoàn chung một tiếng nói đề xuất với ông rằng: Thủ trưởng tuổi cao sức yếu mà đã cố sức dành thời gian cùng đi với đoàn là quý lắm rồi còn khoản kinh phí đoàn trân trọng ghi nhận nhưng xin để được tiếp nhận tấm lòng của Thủ trưởng vào dịp khác… Tuy nhiên ý kiến của đoàn đã không nhận được sự hài lòng của ông - Đại tá Mai Trọng Phước nói đây là tấm lòng của tôi … Một chút vật chất cho nghĩa cử tri ân hôm nay đâu thấm với sự hy sinh của các đồng chí đồng đội mình. Một tình tiết phát sinh chẳng ngờ và chúng tôi những người trong cuộc không thể (dự báo) trước được, đó là đến điểm thăm viếng nào ông cũng có một phần quà tri ân riêng của cá nhân mình… Một nghĩa cử mà chúng tôi cho là cao cả và ý nghĩa trên hết đó là đến đâu ông cũng ân cần động viên, chia sẻ xoa dịu nỗi đau với gia đình và người thân của đồng chí đồng đội mình…
         Tôi và mọi người trong đoàn xúc động đến không cầm được nước mắt trước cảnh Cụ Nguyễn Thị Bé - Mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Thị Khuyên níu lấy vai áo của Đại tá Mai Trọng Phước mà khóc - Cụ Bé khóc phần vẫn mãi thương nhớ đứa con yêu đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc; phần vì cảm động đang được một ông già tầm tuổi mình từng là Thủ trưởng đơn vị của con mình đã cố “chống gậy” tìm đến nơi đây để thắp một nén hương tưởng nhớ người Liệt sỹ con của Cụ và ân cần động viên thăm hỏi Cụ cùng gia đình.
         Một chuyến thăm viếng quy mô khiêm tốn nhưng chúng tôi - Những người trong đoàn thấy ấm lòng nhiều hơn bởi cùng đồng hành với mình có một “ Ông già Phước” - Một ông già đầy tâm thiện nguyện… Chuyến thăm viếng thành công và gia tăng ý nghĩa nhân văn này có được không thể không kể đến ông - Đại tá Mai Trọng Phước.               
Trong ảnh: Đại tá Mai Trọng Phước trao tặng quà tới Thương binh hạng đặc biệt Hồ Văn Hai ( áo trắng ) 
đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh.Thương binh Hồ Văn Hai 
có vợ là Vương Thị Lương ( Cả hai vợ chồng anh chị đều là chiến sỹ Trường Sơn năm xưa )

 
         Và đây nữa: Một lần gặp không phải tình cờ nhưng lại tình cờ thấy thêm trong ông một việc làm “nho nhỏ” nhưng ấm lắm nghĩa tình đồng đội.
         Tháng 9 năm 2016 Hội TT Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2016 - 2021). Trong giờ giải lao tôi tìm gặp anh Đinh Quang Đá ( Sau ngày giải phóng miền Nam Anh Đá chuyển về công tác tại Sư đoàn 471 cùng tôi và hiện anh đang ở tỉnh Đắc Lắc, anh là Đại biểu về dự Đại hội…) Vừa gặp tôi anh Đá đã đưa ra một tờ giấy khổ A4 rồi hỏi tôi “ Chú đã có cái này chưa? - Quà của Cụ Phước đấy…” rồi anh Đá kéo tôi đến bên Đại tá Mai Trọng Phước, anh giới thiệu với tôi rằng một thời ở Trường Sơn anh đã là cán bộ dưới quyền của Cụ Phước, sống với Cụ thích lắm - Nghiêm khắc, thận trọng và nhiệt tình trong công việc còn sự quan tâm đến cuộc sống sinh hoạt và nghĩa tình đối với cán bộ chiến sỹ của Cụ thì “ khỏi chê” Sinh ơi… Này nhé chẳng nói gì ngày xưa, chỉ hôm nay thôi chú “mục sở thị” về cái nghĩa, cái tình của Cụ Phước rồi nhé - Nói đoạn anh Đá đưa cho tôi xem tờ giấy đầy hai mặt chữ kia và bảo tôi “ Đây chú xem, bố già kỳ công sưu tầm mấy bài về luyện tập; cách phòng và chữa bệnh đơn giản nhưng rất hiệu quả và cũng rất thiết thực đối với người cao tuổi … Nay bố in ra cả mấy trăm tờ để nhân cơ hội này phát “biếu” cho đồng đội của mình đây…”.
         Anh Đá dứt lời tôi tiến lại gần ngồi bên Đại tá Mai Trọng Phước, trước tiên tôi hỏi ông: “ Chú có nhớ con không?” Để ý nhìn tôi một lát ông nói: “ Nhìn cậu quen quen nhưng mình chưa nhớ… À có phải năm ngoái cậu cùng đi thăm và tặng quà ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và gia đình 2 Nữ Liệt sỹ Trung đoàn 592 với đoàn chúng tớ không? Hơn năm nay rồi mình không còn nhớ được tên cậu đâu… - Đoạn vừa nói ông vừa mở cặp lấy ra một tờ giấy, loại mà ông đã phát cho nhiều người trong buổi hôm ấy rồi ông bảo tôi: “ Đây tớ tặng cậu”. Nhận tờ giấy từ tay ông xong tôi mới có đôi lời tiếp kiến cùng ông - Tôi nói: “ Dạ cháu tên Sinh, đã hơn một năm mới gặp lại mà chú nhận diện ra cháu là chú còn rất minh mẫn … Chú ơi! cháu xin phép được hỏi chú là: Vì động cơ nào mà chú lại in hàng trăm tờ tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe này rồi mang tặng cho mọi người hôm nay ạ…?”. Chưa trả lời ngay vào nội dung câu hỏi của tôi. Đại tá Mai Trọng Phước đưa mắt nhìn tôi với một cái nhìn thân thiện - Ông nói: “ Sinh ơi! Chú vui lắm khi mà Hội Truyền thống Trường Sơn ra đời và chú cháu mình được cùng bao đồng chí đồng đội năm xưa sống chung trong ngôi nhà “Truyền thống và nghĩa tình” ấy, chú lấy làm vinh dự và tự hào bởi mình đã được là Đại biểu tham dự cả 2 lần Đại hội của Hội. Ước gì chú còn sống và đủ sức khỏe để có thể còn được về dự Đại hội lần thứ 3 nữa cháu nhỉ…? Cháu biết không, việc chú in hàng trăm tờ tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe này rồi mang tặng cho mọi người hôm nay, với chú đấy là việc làm nghĩa tình đồng đội, chú muốn thông qua nó giúp mọi người có thêm sức lực để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội và cho đời… Nghĩa tình Trường Sơn mà cháu…”.
            Bên sảnh Hội trường Đại hội tôi nắm tay ông và tiễn ông lên xe - Một lời chúc sức khỏe; một lời chào tạm biệt; một lời hẹn gặp - Lời hẹn mà tôi mong muốn nó sẽ đến để lời ước của ông sẽ được trở thành hiện thực…  
         Những dòng viết này để tôn vinh và đánh giá về ông ư ? - Tôi hoàn toàn không dám bởi mình chưa (đủ thâm niên) để hiểu và làm việc ấy … Nhưng tôi nghĩ rằng ông - Một người lính Cụ Hồ, cả cuộc đời ông gắn bó với nghiệp binh, với cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Để nói về quá khứ ấy của ông chúng ta hãy soi vào những chiến công mà ngành đường ống xăng dầu Trường Sơn đạt được, trong đó có cả phần đóng góp bằng “Những cuộc đấu trí” của ông. Và nữa chúng ta hãy để “ Dòng sông mang lửa” - Cái dòng sông mà một thời ông đã cùng bao đồng chí đồng đội chung vai “gánh” nó vào chiến trường… Ta hãy nói với “ Dòng sông” ấy rằng “ Kể đi sông ơi!” rồi ta sẽ thấy ông - Đại tá Mai Trọng Phước và bao đồng đội chung một chiến hào của ông một thời như thế đó. 
         Vâng! Thật ấn tượng và rất đáng trân trọng bởi chỉ với 3 lần gặp ông thôi thì cả 3 lần ấy tôi đều được chứng kiến cái thiện, cái nghĩa trong ông. Chỉ thế thôi mà tôi viết những dòng này và nghĩ rằng ông thật xứng là một tấm gương - Còn hơn thế nữa - Tấm gương sáng trong rừng hoa “Truyền thống và nghĩa tình Trường Sơn” hôm nay. 

 
Phạm Sinh  

tin tức liên quan