“Nhạc sỹ Văn Ký - vang mãi bài ca hy vọng" - Lê Quang Tạo

Ngày đăng: 05:35 02/12/2023 Lượt xem: 263

NHẠC SỸ VĂN KÝ – VANG MÃI BÀI CA HY VỌNG

 
          Bài Ca hy vọng cùng bước chân người lính
       Chiến tranh hai miền bùng nổ, cùng nhiều bạn bè trang lứa tôi nhập ngũ vào Sư đoàn bộ binh 325C. Sau mấy tháng huấn luyện, đơn vị tôi lần lượt bổ sung cho các chiến trường B, C. Trên đường hành quân ra trận thỉnh thoảng âm vang Bài ca Hy vọng từ đài bán dẫn của chính trị viên đại đội như nâng bước quân hành, thôi thúc chúng tôi náo nức cùng “đội ngũ ta đi dài như tiếng hát...”.


Nhạc sĩ Văn Ký 

       Giữa năm 1966 tôi được đơn vị điều ra Bắc để theo học một lớp chuyên môn kỹ thuật phục vụ căn cứ Không quân (Tiểu đoàn mặt đất của Sân bay Quân sự) lúc này đang yêu cầu tăng cường lực lượng. Lớp học do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý và gửi biệt phái ra Trường dân sự đào tạo phần cơ sở cơ bản, còn chuyên môn thì do chuyên gia Quân sự nước bạn giúp đỡ, giảng dạy. Khi học đến kiến thức phân tích hóa học, lớp chúng tôi được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp nhận về học một tháng. Được về thành phố, môi trường Sư phạm Đại học cánh lính trẻ vui lắm, lần đầu trong đời tắm rửa nước máy, biết mùi Clo khử trùng vừa hăng hắc vừa lạ lạ nhớ đến bây giờ vẫn còn cảm giác... Lúc ấy ngoài các bạn sinh hoạt đi sơ tán vẫn còn nhiều sinh viên ở lại trường những năm cuối. Chúng tôi được các thầy rất nhiệt tình chu đáo với các buổi lên lớp ở phòng thí nghiệm.


Nhạc sĩ Văn Ký (bên trái) và tác giả bài viết 

       Rồi một buổi sáng chủ nhật, sau khi đi ăn sáng ở nhà ăn sinh viên về qua Hội trường lớn nhìn bảng tin có thông báo: Sáng nay 7h30 tại Hội trường - nhạc sỹ Văn Ký nói chuyện với giáo viên, sinh viên... về âm nhạc. Cánh lính trẻ chúng tôi tò mò đến cửa hội trường muốn xin vào nghe ké. Anh phụ trách tổ chức thấy mấy anh bộ đội nên rất nể (lính thời chiến mà), liền niềm nở chào mời các đồng chí bộ đội vào hội trường. Hôm ấy chiếc xe Gát-69 đưa nhạc sỹ Văn Ký đến. Nhìn ông vóc dáng thư sinh, đẹp trai và điềm đạm cởi mở. Buổi nói chuyện hơn 2 giờ đồng hồ với nhiều nội dung hấp dẫn và sinh động. Chủ đề về âm nhạc với cuộc sống, âm nhạc với cách mạng, âm nhạc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc v.v...
       Phần dành cho đề tài Giáo dục, Sư phạm, nhạc sỹ nói: Tôi vừa viết sáng tác một bài tặng các thầy cô giáo - bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, đó là một người thật, việc thật mà tôi được nghe cô ấy báo cáo trong Đại hội thi đua yêu nước. Nhạc sỹ nói tiếp: Các đồng chí biết không: Chiến tranh ác liệt, bom đạn nóng bỏng là vậy nhưng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mỗi khi căng thẳng liền ngồi lại bên cây đàn... lướt phím để giải tỏa những áp lực dồn nén (dạo ấy người được chọn để hướng dẫn nhạc lý cho Đại tướng là nhạc sỹ Tô Vũ và phu nhân nhà văn Đào Vũ hướng dẫn Pianô). Câu chuyện này rất ấn tượng: Âm nhạc có sức mạnh tiềm tàng và đồng hành với hình tượng ấy là khi chúng ta xem phim “Giải phóng” của Liên Xô sẽ nhìn thấy chân dung nguyên soái huyền thoại Giucốp - một nhà cầm quân lỗi lạc của Hồng quân, lúc ở đại bản doanh chỉ huy mặt trận chống phát xít Đức, lúc căng thẳng nhất ở Tổng hành dinh gặp tình huống bế tắc, chưa tìm ra giải pháp tác chiến.. thì nguyên soái lặng lẽ bước tới cây đàn Arcocdeon (phong cầm), đeo đàn lên bấm phím bài: Ca-chiu-sa... thế rồi đôi mắt người chỉ huy sáng lên, hô to: Tìm ra rồi !!! và phương án tác chiến sắc bén được truyền nhanh tới các mũi tiến công, mang lại chiến thắng vang dội.
       Tiếp đó nhạc sỹ đề cập một chuyện rất thời sự: Vừa có đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc an dưỡng và chữa bệnh, các đồng chí có người từ ngục tù Mỹ ngụy ra kể rằng: Khi bị bọn cai tù đàn áp, tra tấn thì tiếng hát “Bài ca hy vọng” lại vang lên giữa xà lim, tiếng hát át roi vọt... và lũ cai tù phải chùn tay... Tất nhiên cũng có người nghệ sỹ khi gặp hiểm nguy lại quay đầu với Cách mạng, đó là cá biệt một vài tên tuổi mà  Nhạc sỹ Văn Ký gọi là “Cái chết của mấy vị dinh tê” - đảo ngũ trên con đường cả dân tộc đang đi!
       Giờ giải lao nhạc sỹ bước xuống tiến lại chỗ tốp lính và hỏi: Các đồng chí bộ đội ở đơn vị nào lại có mặt hôm nay? Chúng tôi thưa: Đây là lớp bộ đội được biệt phái về học một số môn ở Đại học Sư phạm ạ. Nhạc sỹ niềm nở tươi cười: Mình cũng tiền thân là lực lượng vũ trang đấy, có cả chức danh “Huyện đội trưởng dân quân” chỉ huy vũ trang để giành chính quyền năm 1945 ở Nông Cống Thanh Hóa đấy! Thấy nhạc sỹ vui vẻ trò chuyện, mấy tay quê xứ Thanh reo lên: Thế thì bác là đồng hương rồi ! Ông tâm sự trong xúc động: Mình sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên cùng gia đình người thân ở Thanh Hóa - hai xứ sở là một quê hương, theo cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám, lẽ ra đi theo con đường binh nghiệp đấy, nhưng vì có chút năng khiếu văn nghệ nên lãnh đạo phân công sang lĩnh vực văn hóa, tham gia Đoàn Văn công Liên khu 4 trong những năm chống thực dân Pháp. Nhạc sỹ rất tinh tế cài thêm: Trong bài “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” tôi vừa nói lúc nãy có hình tượng các đồng chí bộ đội nhé: “Cô giáo Tày đừng về ta giận đấy... Cô tìm ai ? Tìm người yêu đi đánh giặc nơi tiền tuyến chắc ???”. Thế là cả tốp lính chúng tôi sung sướng tự hào hô to: Hay quá ạ !
 
         Bài ca Hy vọng - Niềm tin tương lai
       Bài ca Hy vọng được coi là một trong những tượng đài của dòng nhạc đỏ - Ca khúc cách mạng - Càng đỏ thắm hơn khi ta biết người viết ra ca khúc này là một lão thành cách mạng. Yêu thích “Bài Ca Hy Vọng” và hâm mộ, khâm phục cuộc đời hoạt động cách mạng của nhạc sỹ Văn Ký cho nên những năm tháng cùng đồng đội đi qua chiến tranh tôi cũng mon men đến các nhạc cụ mà đơn vị được cấp phát đến các đại đội phục vụ: Tiếng hát át tiếng bom, cũng làm quen tự học nhạc lý lúc rỗi, cầm đàn hát theo tốp ca đơn vị... Có thể nói sức mạnh của niềm tin là rất lớn mỗi khi ta gặp khó khăn, trắc trở - Những lúc ấy âm hưởng: “Chứa chan niềm tin”... lại văng vẳng ngân lên bên ta thúc giục ta không được chùn bước và “Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù... sẽ tan !
       Trên chặng đường hơn 40 năm quân ngũ, có dịp giao lưu sự kiện tôi gặp lại nhạc sỹ Văn Ký và tâm sự với ông nhiều ký ức, nhắc lại kỷ niệm lần gặp và nghe ông nói chuyện ở Đại học Sư phạm có câu chuyện Đại tướng Tổng Tư lệnh chơi đàn. Nhạc sỹ tươi cười nói: Vừa rồi mình làm xong clip Bài Ca Hy Vọng có gửi tặng anh Văn, Đại tướng chu đáo và ân tình lắm, đã cho anh Nguyễn Huyên (phụ trách Văn phòng Đại tướng) cầm thư đến tận nhà cảm ơn !
       Nhắc lại những kỷ niệm quê hương, nhạc sỹ sôi nổi kể về tuổi 16, 17 đã tham gia phong trào và bị Pháp bắt giam ở nhà tù thực dân ở thị xã Thanh Hóa. Khi Nhật đảo chính Pháp thì thoát tù về tiếp tục hoạt động chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ cướp chính quyền ở Nông Cống. Biết tôi ở quê Thọ Xuân nhạc sỹ bảo: Mình gắn bó với ông Quế Đỡi - một trong những nhà hoạt động nổi tiếng người xã Xuân Minh (Thọ Xuân) cũng bị Pháp bắt tù đày, sau khi thoát tù từng đảm nhiệm Bí thư huyện ủy Quảng Xương. Trong dòng tâm sự về Quê hương, tôi kể cho nhạc sỹ nghe chuyện một lần đến thăm bác Lê Khả Phiêu, tôi bật cho bác nghe đoạn Clip dài gần 5 phút của anh Ngô Sỹ Tư làm tặng Bác có nhan đề “Thăm nhà Bác Lê Khả Phiêu”, rất quen trên mạng xã hội và nhiều người truy cập. Trong đó nhạc nền là “Bài ca hy vọng” do Hải Thoại đàn ghi ta. Bác Phiêu cười tươi và nói: Rất tình cảm, rất hay - Anh Văn Ký mình biết từ ngày khởi nghĩa; anh ấy còn hoạt động vào Đảng trước mình, từng vào tù Pháp bắt vì anh ấy có năng khiếu nên Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 4 động viên điều sang làm cán bộ văn hóa kháng chiến. Nghe tôi kể, nhạc sỹ Văn Ký nói: Đó là cái duyên Cách mạng, “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” mà, cái duyên tình cách mạng gặp nhau thật ấm áp, thú vị và có hậu, mình rất quý anh Phiêu là một nhà lãnh đạo rất bản lĩnh và cương quyết, lại liêm khiết nên dám nói dám làm và dày dạn xông pha trận mạc. Nông Cống, Đông Sơn gần liền nhau nên khi anh Phiêu gia nhập quân đội mình có biết và lúc này mình được phân công sang mảng văn hóa. Nhạc nền Bài ca hy vọng ở Clip trên mạng: “Thăm nhà Bác Lê Khả Phiêu” là một phần thưởng với mình và cũng là món quà mình tặng anh Phiêu. Rồi nhạc sỹ xúc động nói: Để nhớ lại những kỷ niệm quê hương chú cháu mình chụp ảnh nhé. Ông gọi cô gái út ra bấm máy và hẹn: Sẽ bố trí có ngày về thăm di tích Cách mạng Yên Trường (Thọ Lập, Thọ Xuân) nơi thành lập tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa - tháng 7 năm 1930.
       Đến nay nhạc sỹ lão thành gần 75 tuổi Đảng đã đột ngột ra đi, lỡ hẹn với quê hương cách mạng mà lần tổ chức đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang... nhạc sỹ đã gửi băng Bài ca hy vọng chúc mừng.
       Xem clip “Thăm nhà Bác Lê Khả Phiêu” nghe Bài ca hy vọng ngọt ngào - cái duyên kỳ ngộ của hai con người cùng một thời làm cách mạng ở Xứ Thanh và ra đi cách nhau chỉ mấy chục ngày.
       Mong hai Bác song hành trong bình yên và nghĩa tình Cách mạng.
 
Đại tá Lê Quang Tạo
Hội viên Trường Sơn tại quận Cầu Giấy, Hà Nội

 

tin tức liên quan