Những người không may mắn - Kim Chúc

Ngày đăng: 06:33 22/12/2023 Lượt xem: 98
------------------------------------------------------------------
 
Những người không may mắn
   (Trích Nhật ký Chiến trường của Nguyễn Kim Chúc)

          Ngày 15 tháng 5 năm 1974. Chi khu Đak Pét thuộc huyện 40 nay là huyện Đak Glei – Kon Tum. Nơi đây Mỹ ngụy kìm kẹp hơn 3.000 dân được giải phóng. Ngay sau đó, Sở Chỉ huy nhẹ của Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn vào tiếp quản chi khu. Tôi may mắn được vào chi khu cùng Sở Chỉ huy nhẹ ngay từ những ngày đầu tiên ấy. Tôi đã gặp gỡ những người không may mắn, bị kẹt trong cuộc chiến. Những con người ấy hiện hữu trong những trang ghi chép của tôi 50 năm trước. Xin được trích dẫn để các đồng chí và các bạn hiểu rõ hơn về cuộc chiến.
          Ngày 16 tháng 5 năm 1794
          Đak Pét không còn bóng quân hung tàn mà đã trở thành miền đất của những người chiến thắng. Ngả mũ chào vĩnh biệt những chiến binh vì mảnh đất này mà đã ngã xuống.
          Đak Pét vẫn mưa mù và ruồi vàng. Nhưng giờ là của ta, của những người chiến thắng. Nó là niềm tự hào của những chiến binh; là niềm vinh dự của những người trụ bám đất, bám dân đã dành chiến thắng… Cuộc chiến này vẫn còn tiếp diễn. Nó sẽ rất ác liệt trong cuộc chiến không ranh giới này. Sẽ còn có những chàng trai ngã xuống. Song với ta chỉ được đi lên không được lùi một bước.
          Ngày 17 tháng 5 năm 1974
          Được giải phóng – đó là niềm vui sướng của những người bị mất tự do nay được trả lại. Vào trong vùng Đak Pét mới thấy được những gì to lớn mà ta vừa giành được.
          Vào khu quận – một biển “Chi khu Đak Pét” nằm ngã gục nền vàng chữ đỏ như chính cái chính quyền đổ vỡ của bọn Thiệu. Nó ngả nghiêng, xiêu vẹo trước sức mạnh của pháo binh quân giải phóng. Khu Tiểu đoàn 88 biệt động quân khẩu hiệu hành động của chúng vẫn nền vàng chữ đỏ “Đak Pét còn, còn tất cả”. Nó cũng bị ngã gục, cũng như bọn ngụy sụp xuống trước sức mạnh của đoàn “Voi trận”. Các nơi đều bị sụp đổ trước hỏa lực của pháo binh quân giải phóng. Pháo ta bắn chính xác một cách tuyệt đối. Các hầm đều bị sụp đổ. Xác giặc bị chôn vùi tỏa mùi kinh khủng. Lên điểm cao 910 – nơi Đại đội 7 Bộ binh của Bộ Tư lệnh được giao tấn công – một xác lính ngụy ngửa mặt lên trời chưa được thu gom chôn cất.
          Ngày 29 tháng 5 năm 1974
          Trong chiến tranh những người hiền lành bao giờ cũng là người khóc trước tiên. Thế mà đúng! Một vợ lính ngụy lên thăm chồng. Số phận run rủi sao mà đưa ả xuống căn cứ trước lúc ta nổ súng có hai tiếng đồng hồ. Thế là “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Ả đứng trước mặt mình. Ả là một người phụ nữ đẹp. Ả đang vui, một cái vui vì ả mà chồng thoát chết. Ả đang xin với chính quyền được sinh sống trong vùng giải phóng. Không hiểu ả có tiếc cái mảnh đất Khánh Hòa của ả không nhỉ. Chồng ả là một thợ may bị dồn ép cầm súng lên đất Đak Pét này. Không có chiến tranh chắc vợ chồng ả sống hạnh phúc.
          Một bà mẹ của một tên lính ngụy làm công tác hậu cần chuyên ăn cắp của lính. Mụ ta lên đây núp dưới bàn tay của con mụ để buôn bán. Mụ nói: “Ở đây làm ăn dễ lắm, mua một bán mười. Mới đầu tôi lên thăm con sau thấy làm ăn dễ tôi ở đây luôn. Lần này được về, tôi sẽ bảo ông ấy làm cái hầm cho khỏe. Ở đây đã như thế này, chứ còn ở Kon Tum thì sức mấy mà giữ.” Mụ còn có người con dâu cũng héo quắt như mụ. Giờ cả bốn mẹ, con, con dâu, cháu đều trong trại tù binh. Chắc họ cũng nhiều nhớ nhung lắm.
          Những người Thượng bị bắt đi lính nay được giải phóng họ hân hoan lắm. Họ được tuyên truyền Việt Cộng là xấu. Giờ thấy Bộ đội Giải phóng họ khen tốt – tốt thật sự. Họ nói: “Việt Cộng bắn mình, quân Giải phóng băng cho mình…” Họ tố những kẻ gian ác.
          Ngày 2 tháng 6 năm 1974
          Họp hợp đồng tác chiến với địa phương. Anh Quyết, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh: “Hơn 3000 dân được giải phóng ở đây là vốn quý của cách mạng”. Mình rất hiểu ý nghĩa của việc này.
          Đồng bào ở nơi đây đều là dân địa phương bị kìm kẹp. Giờ được tự do họ phấn khởi lắm. Hôm nay bọn ngụy quân được ra căn cứ thu nhặt áo quần, chôn cất tử sĩ được gặp vợ con chúng mừng lắm. Một tên nói với mình:
          -Bộ đội giải phóng Đak Pét rồi, được đi xa mình thích lắm, không còn sợ nữa. Trước đi làm về muộn là phải nhốt chuồng cọp thật khổ.
          - Ở với Thiệu ăn có no không – Tôi hỏi – Hắn trả lời ngay:
          - No gì! Mỗi tháng 20 ca US gạo và 3000 cho cả vợ con. Sống rất khổ lại đói, giờ về với cách mạng được ăn no thật sướng.
          Người già khuôn mặt luôn khắc khổ. Riêng phụ nữ nét mặt rạng rỡ vì họ được giải phóng thực thụ.
          Ngày 18 tháng 6 năm 1974
          Những tên lính trước đây cầm súng chống lại mình. Giờ trong trại trông bọn chúng khéo lép làm sao. Bọn chúng phải gỡ mìn ở những nơi chúng gây ra. Mới nửa ngày mà số mìn gỡ được nhiều khủng khiếp; hàng trăm quả mìn chống tăng đã được giao nộp… Một chị đem cho một tên lính mớ rau bí và ngô non - niềm vui ánh lên trong mắt gã. Mình hỏi:
          - Vợ à? – Nó xun xoe:
          - Thưa ông, vợ tôi.
          Một bé gái mắt đen tròn xinh như búp bê trên lưng mụ vợ. Nó nhìn gã đàn ông thèm khát, một sự thèm khát mong được ngã bế bồng. Chiến tranh chỉ đến với người lớn. Còn bọn trẻ vẫn giữ những trạng thái sinh hoạt riêng biệt. Em có biết đâu bố nó lại là một tên ngoan cố không hơn không kém.
          Ngày 22 tháng 6 năm 1974
          Thanh niên ở đây – trong cái chi khu này – phần lớn bị ép cầm súng cho giặc. Mà đã cầm súng cho giặc là kẻ đã gây bao nợ máu. Nhìn bọn chúng cúi mặt bước đi thật đáng đời quân bán nước. Suy cho cùng cái khổ vẫn là các thiếu phụ vợ bọn chúng. Một thiếu phụ nhận ra chồng ở một xác vắt qua chiến hào; không còn khuôn mặt để nhận. Chị chỉ nhận ra chồng ở chiếc áo có sự chăm sóc của chị. Khi chị tìm ra được cái hạnh phúc của sự được giải phóng; khi mà chị hi vọng sẽ cùng chồng ở trại tù binh về để xây dựng lại cuộc sống lứa đôi. Thì chồng chị đã chết gục dưới chiến hào cùng với cây súng Mỹ. Chị oán trách cuộc đời đã đưa chị đến cảnh này. Chị chửi thằng Quận, thằng Đồn ăn sung mặc sướng để bao người phải ngã xuống oan uổng.
          Ngày 24 tháng 6 năm 1974
          Hàng ngày đủ các gương mặt qua đây nhằm gặp gỡ người thân. Một chị khoe với mình:
          - Cha nó ở nhà đấy…
          - Nhà nào – Tôi hỏi lại.
          - Nhà tù binh ấy mà.
          Chị hỉ hả vì tin chắc rồi chồng chị sẽ được về với mình.
          Ngày 28 tháng 6 năm 1974
          Hơn 3000 dân rời ấp chiến lược chở về quê cũ quanh vùng Đak Pét hình thành ba xã A,B,C dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng, cuộc sống dần hồi sinh. Đi qua các thôn làng mới, mình bị tiếng đàn thu hút đến mê người. Tiếng đàn hòa với tiếng chiêng giục rã lòng người. Họ tấu lên những bản nhạc. Họ cất lên những lời ca về tình yêu cuộc sống và những khúc ca chiến thắng.
          Hạnh phúc lứa đôi lại đến với họ. Những đêm trăng hò hẹn. Cô gái thẹn thùng buộc vòng cườm hoặc một vòng chỉ quý lên cổ tay người bạn trai yêu mến thì cuộc sống của cô sẽ thuộc về người con trai ấy. Rồi những hội làng – những nghi lễ đâm trâu cầu phúc diễn ra.
          Âm điệu của Tây Nguyên là âm điệu của núi rừng có cái đẹp của nước, cái đẹp của nắng gió, cái xào xạc của rừng tre và cái vi vu xao động của rừng Xà nu. Tiếng cồng lớn ngân vang. Bản hòa tấu bắt đầu: Chiêng lớn, chiêng nhỏ thành hàng. Người già cầm chịch, các nghệ sĩ nhún nhảy. Âm thanh phát ra từ tay họ. Tiếng đần tơ rưng dồn dập, đàn ống điểm những nốt trầm vào khoảng âm thanh tạo thành một bản hòa tấu hoàn mĩ. Cuộc sống thật tươi đẹp.
          Ngày 6 tháng 7 năm 1974
          Mỗi dân tộc đều có những phong thái riêng. Ở vùng Đak Pét này cuộc sống hoàn toàn do người con gái định liệu – họ theo dòng mẫu hệ. Cuộc trao trả (phóng thích tù binh) thế là xong. Các chị vợ địu con tới đưa chồng về nhà. Họ đưa con cho chồng rồi ôm đồ đoàn của chồng ra vẻ hỉ hả. Những kẻ được làm bố cảm thấy vinh dự được bế những đứa trẻ, hăng hái theo sự chỉ dẫn của vợ ra về.
          Ở một vài nơi vẫn còn những bộ ba ngồi bên vệ cỏ. Anh con trai tư lự, cô gái có vẻ kiên quyết, bà mẹ già mặt cau có thật tội nghiệp. Những cuộc dụng dằng như thế này cuối cùng bao giờ người vợ cũng thắng. Anh chồng cắp nón áo về theo vợ. Để lại mẹ già héo hắt thật tội nghiệp. Cho đến giờ đã phóng thích được hơn 200 tù bình.
          Ngày 10 tháng 7 năm 1974
          14h10 một tiếng nổ lớn. Đất cát, khói bụi bốc cao. Chiếc xe ben nặng nề quay nửa vòng sau tiếng nổ. Bánh trước bên phải tan nát, đầu máy, buồng lái hư hỏng nặng. Những người con xấu số nằm trên vũng máu. Ngả mũ vĩnh biệt những người con ưu tú của đất Bắc “yên giấc” ở nơi đây. Chiếc xe bị trúng quả mìn chống tăng của địch.
          Rừng Xà nu xào xạc, đồi núi vẫn một màu xanh xám mờ mờ xa. Những vạt lau, vạt lách buông “cở trắng” buồn rầu vĩnh việt những chàng trai yêu quý – vĩnh biệt đồng đội mến yêu. Tiếng nổ! Đã nhắc nhở ta cảnh giác – cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn…

tin tức liên quan