"Đời quân ngũ" - Truyện Ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 07:42 02/01/2024 Lượt xem: 164
 
       Nhân ngày đầu năm mới 2024. Hướng tới cổ vũ cho ngày hội tòng quân hàng năm… Hội viên Trường Sơn Phạm Huy Liệu đến từ Hải Dương gửi về Ban Biên tập Trường Sơn truyện ký “Đời quân ngũ” (trích từ tập Truyện Ký: “CHIẾN TRANH & NGƯỜI LÍNH “ với câu chuyện của thời binh nghiệp 60 năm trước…
        Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.

 
ĐỜI QUÂN NGŨ
Truyện Ký:  Phạm Huy Liệu
 
       Cuối năm một chín sáu tư, tôi lên đường nhập ngũ. Trời thu mát mẻ, cùng đi có anh Quất xã đội trưởng. Thời đó ở quê chưa có phong trào liên hoan tiễn đưa. Mấy anh em đi bộ ra huyện. Sau khi bàn giao sáu người cho huyện đội, anh căn dặn rồi chúc:
- Sáu anh em lên đường mạnh khoẻ, vui vẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ…
       Chúng tôi ngồi chơi, đợi mấy xã đến cho đủ số quân, để chiều lên tỉnh đội, giao cho đơn vị nhận quân. Khu Nam Gia Lộc có 15 người...
       Bữa cơm lính đầu tiên ở huyện đội, có đĩa cá diếc cốm kho, đĩa rau cải luộc, bát nước rau. Nghe chừng cảnh lính cũng đạm bạc và dân dã.
       Đến đầu giờ chiều thêm 15 người ở mấy xã gần huyện cùng đi. Tỉnh đội đóng quân ở đầu thị xã, lối ra cầu Phú Lương. Đây là khu nhà của Pháp xây từ đầu thế kỷ 20. Ngay cổng ra vào có mấy cây bàng cổ thụ, thân xù xì cục bướu...
Sau khi đơn vị nhận quân đã làm thủ tục nhận bàn giao xong, thì phát cho mỗi người một cái vỏ chăn, để đêm đỡ lạnh.
Khoảng 4 giờ ăn cơm rồi ra ga Hải Dương, đi chuyến tầu 5 giờ. Lại phát cho mỗi người một cái bánh mỳ sáng mai ăn.
Lần đầu được đi tầu hoả, thấy thú vị làm sao. Tôi ra gần cửa sổ để ngắm cảnh xóm làng, vun vút lao qua ngang cửa sổ, mà thấy lòng chộn rộn khó tả.
       Đến 3 giờ, xuống ga Hàng Cỏ, chuyển sang tầu khác. Mọi người vào phòng chờ, đợi tầu. Lúc đầu còn ngồi. Sau thì nằm ra nền nhà, lấy vỏ chăn đắp tranh thủ ngủ.
       Năm giờ có lệnh dậy lên tầu xuôi vào phía Nam. Nhìn qua ô cửa, những ngôi nhà xây thấp thoáng ánh đèn, cứ vun vút lao qua, trông đẹp và yên bình quá.
     Tầu đi cắt ngang các con đường ngoại thành. Trên đường đã tấp nập người xuôi người ngược. Cũng là sự tất bật của một ngày mới.
       Đến ga Văn Điển nghỉ một lúc, rồi đi tiếp sang đất Hà Nam. Nhìn cánh đồng chiêm trũng tôi lại nhớ hai câu thơ: “Quê tôi đồng trắng nước trong - Cơm gạo thì ít rau rong thì nhiều”...
       Tầu qua Nam Định, sang Ninh Bình. Bắt đầu thấy núi đá nhấp nhô. Hết Ninh Bình là địa phận Thanh Hoá. Ngắm cảnh núi rừng trùng điệp, nối nhau, thấy thích vô cùng. Rồi tầu chuẩn bị lên cầu Hàm Rồng. Chúng tôi chăm chú ngắm cầu. Tầu ì ạch leo, nhìn bên trái là núi Ngọc. Ngay đầu cầu có chòi gác làm y như chùa Một Cột, còn mới nguyên trông sao mà đẹp thế...
       Đến ga Thanh Hoá, lệnh xuống tầu. Đoán là đơn vị ở quanh đâu đây. Khi ra sân ga tập trung được biết đơn vị ở hướng Sầm Sơn.
       Mọi người đi hàng một, rồi rẽ trái khoảng 10 km, thấy thấp thoáng doanh trại, cách đường vài trăm mét, ngay chợ Môi.

       Qua chợ đi một đoạn đã trông thấy cổng doanh trại. Các đồng chí lính cũ xếp hàng chào đón chúng tôi rất trang trọng và vui vẻ.
       Vào trong doanh trại, tất cả đến hội trường nghe cán bộ nói sơ qua nội quy, quy định của đơn vị. Rồi đọc danh sách phân về từng tiểu đội.
     Các A trưởng đón mọi người đưa về phòng ở. Lần đầu tiên thấy giường tầng. Tôi và Phạm Công Đỗng, người cùng xóm bảo nhau nhận giường bên dưới cho chắc ăn.
       Sau ra giếng rửa mặt mũi chân tay. Đường trong doanh trại toàn cát trắng. Rửa xong chân, đi rón rén một đoạn đã thục xuống cát. Đành quay lại rửa. Nhưng lần sau đến gần nhà vẫn bị thục xuống cát... thì ra ở đây cứ kệ nó. Tý nữa khô chân phủi đi là sạch.
       Buổi chiều mọi người ra nhận quân trang. Thời đó vẫn dùng ba lô vuông, chưa có ba lô cóc nên xếp đặt quần áo chăn màn rất khó. Anh nào không cẩn thận khi báo động rơi tư trang thì khốn.
       Nhìn quần áo thấy mất hứng. Áo bu rông coi được, nhưng quần thì chán mớ đời. Trông lùng thùng lại còn chít ống. Chẳng có đỉa để thắt dây lưng, phải dùng dây rút, mà thấy ớn.
       Mũ thì mũ cát, cốt dút chứ chưa có mũ cối, không áo rét, chỉ một áo vệ sinh thôi. Một đôi giầy thấp cổ và một đôi cao cổ.
       Quân hàm một sao. Chúng tôi đùa nhau ta là lính treo cờ. Khi mặc quần áo, đóng hết cúc tử tế trông cứ ngồ ngộ thế nào ấy. Mà đã mặc quân phục Blu rông ra ngoài doanh trại không được đi dép, phải đi giầy cảnh vệ mới cho ra.
     Mấy ngày đầu tập đi, tập đứng, tập chào...nên ở trong doanh trại. Thời đấy thường đùa: “Áo bu rông, quần chít ống, tháng năm đồng” mua quà xin tiền mẹ.
       Sau đó là học đi đều, quay phải quay trái, quay đằng sau...
      Tiếp tục học cơ bản, rồi ra thao trường, học lăn lê bò toài. Tập bò thấp, bò cao, xung phong, vọt tiến... tức là đủ thứ bà rằn, đều được học từ cơ bản. Vì chúng tôi cũng là đợt lính chính quy cuối cùng của quân đội ta.
       Gần hết ba tháng tân binh. Đơn vị tổ chức đi bắn đạn thật, ném lựu đạn, đánh bộc phá. Kết hợp hành quân dã ngoại.
Xuất phát từ chợ Môi, đi qua thị xã Thanh Hoá, rồi Hàm Rông, lần này được nhìn rõ cầu và mố cầu.
       Qua Hàm Rồng tiếp tục qua cầu Lèn, khoảng hơn 20 km thì rẽ trái xuyên rừng đến trường bắn. Đợt đi bắn này có hai đại đội nữa của Thanh Hoá, Nghệ An.
       Mọi người vào ở nhờ nhà dân nghỉ, để sáng mai ra trường bắn. Giờ được nằm, mới thấy chân tay rã rời. Như vậy cuốc bộ đến 70 - 80 km còn gì.
       Sáng hôm sau lính Hải Dương được bắn trước. Còn một đại đội nén lựu đạn thật, một đại đội đánh bộc phá.
       Hôm ấy trời nắng. Đến lượt bắn đã gần trưa. Khi vào bệ bắn tôi nhớ lời A trưởng dặn là khi trời nắng ngắm bỏ một vệt sáng rồi bóp cò. Tôi cũng bỏ nhưng hơi dầy nên báo điểm đạt: 9-9-9. Tiếc quá.
       Lúc ném lựu đạn, được chỉ cách chắc ăn là quấn dây nụ xoè vào ngón tay út rồi ném. Chính vì vậy mà không được xa như khi tập, chỉ đạt khá. Sang đánh bộc phá thì ngon lành hơn cả...
       Hết ba ngày ở trường bắn, lại hành quân trở về đơn vị. Sáng sớm ba lô gọn gàng để hành quân.
       Chào núi rừng Triệu Sơn Thanh Hoá. Chào bà con đã cho chúng tôi ngủ nghỉ thoải mái như ở nhà.
       Lần về này quân Hải Dương được đi đầu. Mọi người vui vẻ và khí thế lắm. Chẳng bao lâu đã gần tới Hàm Rồng. Khi vừa qua cầu đi được một đoạn, sắp đến lối rẽ vào làng. Đồng chí cán bộ gọi một chiến sĩ bảo: đồng chí vào hỏi dân xem đi Nam Sơn rẽ lối nào để đơn vị nghỉ giải lao uống nước. Anh nhanh chóng chạy vào, gặp ngay bác nông dân vội hỏi:
 - Bác ơi, đường vào Lam Sơn đi nối nào bác nhỉ:
Bác trầm ngâm rồi lắc đầu:
- Không có... đi nữa đi.
       Đồng chí ấy chạy ra:
- Báo cáo thủ trưởng, ở đây không có... bảo đi nữa ạ.
       Thế là đơn vị đi tiếp, khoảng 2 km đã đến đầu thị xã. Bấy giờ mới ngớ cả ra, liền tìm xem ai hỏi đường thế nào mà đi qua Nam Sơn lại bảo không có...
       Trời ơi! Thì ra là anh lính Hải Dương. Mà dân Hải Dương bị ngọng chữ N với L, làm sao người dân chả bảo không có là phải. Cả đơn vị chịu nhịn khát, mà nước uống lại đổ đi… Thế là mọi người được một bữa cười bể bụng…
       Hết khoá huấn luyện tân binh. Mọi người được bổ xung cho các đơn vị của E57 QK3.
Tôi về D bộ D5 làm lính thông, doanh trại ở    trên đồi 55 cuối dẫy núi Sầm Sơn. Bắt đầu cuộc sống thực sự của đời lính!…
 
Phạm Huy Liệu
Hội viên Hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương
tin tức liên quan