Tình đồng đội - Bức tượng đài kim cương: Vũ Ngọc Hoà

Ngày đăng: 07:18 03/01/2024 Lượt xem: 120
TÌNH ĐỒNG ĐỘI - BỨC TƯỢNG ĐÀI KIM CƯƠNG
TRONG TUYỂN TẬP THƠ KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN


          Ký ức Trường Sơn là tập thơ do nhà giáo nhà thơ Bạch Liên hội viên hội VHNT tỉnh Bắc Ninh sưu tầm và tuyển chọn từ những bài thơ của nhiều tác giả chiến sĩ được Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 9 năm 2019 chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày toàn thắng 30/4 giải phóng miền Nam thống nhất cả nước và 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.
          Tập thơ dày trên 500 trang với 328 bài thơ của 217 tác giả đến từ 38 tỉnh, thành trải dài từ Bắc vào Nam và gần 20 bài thơ, bài viết của nữ tác giả Bạch Liên và một số bạn đọc Bắc Ninh gửi tặng các chiến sĩ Trường Sơn. Nhà giáo, nhà thơ Bạch Liên đã dành biết bao tâm huyết, trí lực cho tuyển tập thơ. Chỉ với từng ấy số lượng tác phẩm, tác giả của gần bốn mươi tỉnh thành trong cả nước, đã đủ thấy tấm lòng của một nhà giáo (ở tuổi ngót tám mươi) đã giành tất cả lòng yêu quý, niềm trân trọng đối với các chiến sĩ đã trải qua những tháng năm gian khổ của cuộc kháng chiến giải phóng miền nam thống nhất đất nước, để có được Ký ức Trường Sơn.
          Ký ức Trường Sơn phản ánh toàn diện cuộc sống, chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, hy sinh, mất mát của quân và dân ta đặc biệt là các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong trên các tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Những bài thơ trong Ký ức Trường Sơn là những cảm xúc chân thành, những phản ánh trung thực của những người lính chiến về những gì họ đã chứng kiến, đã trải qua. Đó là sự khốc liệt của chiến tranh, là sự chết chóc, đau thương, là tinh thần anh dũng ngoan cường, niềm lạc quan yêu đời, tình yêu quê hương đất nước, là nỗi niềm bâng khuâng xao xuyến, là ký ức tuổi thơ, mái trường thân yêu… Là cái giá của độc lập tự do và hạnh phúc hôm nay.
Những bài thơ trong Ký ức Trường Sơn được các tác giả viết bằng máu và nước mắt nên thiêng liêng, phong phú lắm, không giấy bút nào diễn tả được hết ? Với tôi, tôi chỉ xin có đôi lời cảm nhận về Tình đồng chí, đồng đội trong đó.
 Tình đồng chí đồng đội luôn là tình cảm keo sơn gắn bó. Trong Ký ức Trường Sơn, tình đồng đội đã hiện lên như một bức tượng đài làm bằng kim cương thiêng liêng và vĩnh cửu. Họ đều là những chàng trai vừa rời khỏi mái trường phổ thông, tạm xa giảng đường đại học, tạm gác lại những ước mơ của tuổi trẻ, xa gia đình, quê hương, nghe theo tiếng gọi cứu nước, cùng gia nhập đoàn quân đi giải phóng miền Nam. Họ từ các miền quê khác nhau với những phong tục tập quán khác nhau nhưng  đều chung  màu áo  lính, chung một lý tưởng, một con đường chống Mỹ cứu nước:
Anh tạm biệt mái nhà tranh
Tôi chia tay mái trường xinh. Lên đường
                             (Nhớ người chung một chiến hào- Nguyễn Trọng Bân)
Mỗi người ở một miền quê
Mà sao chân chất, tràn trề yêu thương
                             (Nhớ một thời hoa lửa- Phùng Văn Hải)
Đại ngàn Trường Sơn bao la hùng vĩ. Núi cao, vực thẳm, sông sâu, bom đạn quân thù ngày đêm bủa vây, đoàn quân cứ vượt núi, xuyên rừng đi về hướng súng nổ.
 Đường Trường Sơn đêm ngày rầm rập bước chân, quân đi như trẩy hội:
Đoàn quân điệp điệp trùng trùng
Trường Sơn như hội tưng bừng quân đi
                   (Lá thư Trường Sơn gửi mẹ- Nông Tiến Dũng)
Trường Sơn thuở ấy chửa xa
Cái thời ai cũng muốn ra chiến trường
                             (Lính Trường Sơn – Trần Công Sản)
Tình đồng chí như ruột thịt một nhà, đồng đội luôn có nhau, cùng nhau sẻ chia gian khổ:
Ai chưa qua sốt rét rừng
Đường Trường Sơn hẳn chưa từng đi qua…
Rét thì vun lá nằm chung
Quây quần đồng đội ta cùng ru ta
                             (Ngủ trên đường Trường Sơn- Phạm Quyết)
Trong khó khăn gian khổ, đồng đội sẻ chia, trong chiến đấu, cùng nhau chia lửa. Đó là lẽ tự nhiên, là hành động phải làm. Thật cảm động và cũng thật xót xa khi đồng đội  chia nhau một nắm cơm thiu ngoài mặt trận:
Ba ngày còn nắm cơm chung
Ngoài thiu bọc lại, trong bưng còn lành
Chúng tôi nhường nhịn em anh
Phần thiu chia sẻ, phần lành thương binh
                             (Cơm thiu chia sẻ - Bàn Triều Tình)
Đồng đội vui buồn sẻ chia chẳng còn gì là của riêng, kể cả thư của người yêu cũng chuyền tay nhau đọc. Tình đồng đội có khi là tình thầy trò gặp nhau trên cùng chiến hào:
Thư người yêu đọc chiều nay
Của riêng mà cứ chuyền tay nhau hoài
                       (Thư  tình chiến sĩ – Nguyễn Viết Lợi)
Người học trò đồng chí của tôi
Tình đồng đội ngày thêm xiết chặt
                             (Vầng trăng tôi yêu – Nguyễn Thanh Phương)
Tình đồng đội còn là anh trước em sau, thậm chí gia đình cả mấy đời cùng nối tiếp bước quân hành. Bởi nước còn giặc còn đi đánh giặc, kẻ thù có cho ai được ở yên:
Tóc xanh tiếp lớp bạc đầu
Bốn đời cùng khoác một màu quân trang
                             (Màu xanh áo lính – Nguyễn Đình Trọng )
Những chiến sĩ ra trận tuổi đời còn rất trẻ, gặp những cô thanh niên xung phong tuổi độ trăng tròn. Họ mến nhau, yêu mà không dám ngỏ lời. Để rồi ngày về, anh tìm gặp người xưa thì cô ấy đã dấu mình nơi cửa thiền mới chua xót làm sao:
Ngày xưa bom đạn ngút trời
Chúng mình từng trải một thời Trường Sơn…

Kiếp này mình chả có duyên
Thì thôi cởi áo làm tin làm gì
Em ở lại niệm từ bi…
                             (Tiếng chuông chùa- Vi Công Chữ)
Trong chiến tranh, sống chết là lẽ thường. Biết là vậy nhưng khi đồng đội ra đi nỗi đau không thể gì so sánh được. Có nỗi đau nào hơn phải vĩnh viễn chia tay đồng đội vào giữa chiều ba mươi Tết? Có tê tái hơn, nghẹn ngào nào hơn, chỉ sau một loạt dốc két của quân thù, người đồng đội bên cạnh mình chỉ còn là những mảnh vụn đựng chưa đầy cái mũ sắt:
Chiều ba mươi tết
Bỗng chúng nã vào một loạt dốc két
Ôi đớn đau lượm bạn còn chưa đầy mũ sắt…
Đặt bạn nằm đây
Tiếng mối rào rào như cào xé ruột
                    (Chiều ba mươi tết – Tạ Bằng)
Mỗi bài thơ trong Ký ức Trường Sơn là một câu chuyện cảm động, một mảnh đời chiến trận của các tác giả. Đó là những câu chuyện thật, những mảnh ký ức không bao giờ quên. Đó là máu, là nước mắt, là ranh giới của sự sống và cái chết, là những gì thiêng liêng nhất của con người. Bởi vậy mới thấy được sức lay động lòng người của Ký ức Trường Sơn. Có những bài thơ được viết ngay tại trận địa, có những bài thơ được hoàn thành trong những phút giây thư giãn ngoài mặt trận, có những bài thơ được viết bằng ký ức của người lính.
Ngoài chiến trường, đồng đội sống chết có nhau. Chiến tranh liên miên, đồng đội cứ vơi dần, nỗi đau cứ mỗi lần lại nhân lên gấp bội. Những người đồng đội cùng ăn cùng ngủ với mình bao tháng năm giờ không còn nữa, luôn hiện về trong nỗi nhớ khôn nguôi:
Nhớ đêm chia nửa chăn đơn
Muỗi châm vắt bám đạn bom không sờn
Nhớ khi đánh giặc công đồn
Giặc tan người mất người còn viếng thăm
                             (Tổ quốc ghi công – Nguyễn Văn Trụ)
Xúc động và nghẹn ngào quá các anh ơi ! Các anh là người con người phi thường! Tổ quốc ghi công ơn các anh! Nhân dân đời đời tri ân các anh. Máu các anh đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, xương thịt các anh tưới xanh tốt ruộng đồng, cho mặt đất nở hoa.  Nhân dân đã dựng tượng đài tri ân những người con bất tử:
Máu xương bồi đắp đất lành
Sống làm ngọn lửa thác thành nước non
                                             (Hồn liệt sĩ – Trần Đức Trí)
Sau cuộc chiến, những người lính trở về với đời thường, dù trên mình còn mang thương tật, thân xác còn bị giày vò bởi chất độc hoá học, bởi di chứng chiến tranh nhưng nỗi nhớ thương đồng đội vẫn thường trực bên mình. Hình ảnh những đồng đội thân yêu luôn hiện về trong những giấc ngủ chập chờn, cứ đau lòng, cứ xót xa khi mưa tuôn gió rét:
Đồng đội ơi các anh ở đâu?
Gốc trâm bầu, hay vàm kênh, đám lá
Giữa rừng sâu, hay bên lèn đá
Mùa mưa lại đến rồi lạnh quá phải không anh?
                             (Đồng đội ơi ở đâu- Vũ Ngọc Hoà)
Những cuộc hành quân đi tìm đồng đội diễn ra khắp các chiến trường xưa. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, mặc dù thương tật đớn đau, ngày xưa lội suối trèo đèo mở đường vào trận đánh, nay lại băng rừng vượt thác kiếm tìm đồng thân yêu:
Dặm đường tìm bạn cheo leo
Qua bao khe suối dốc đèo Trường Sơn
                                 (Tìm đồng đội – Bùi Xuân Phong)
Các anh nằm lại nơi đâu
Chồn chân mỏi gối tìm nhau cuối trời
                                    (Tìm đồng đội – Vũ Sỹ Lung)
Từ nhiều năm nay, Đảng và nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cùng với vự linh cảm của đồng đội, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và trở về quê mẹ. Đồng đội ơi dẫu chưa tìm được anh nơi suối khe, rừng thẳm! Đồng đội ơi dẫu chưa gọi được tên anh giữa bạt ngàn ngôi mộ chưa rõ thông tin kia, nhưng tên tuổi các anh sống mãi trong lòng lòng Tổ quốc, nhân dân, mãi mãi tạc vào tâm khảm chúng tôi:
Đồng đội ơi hãy yên lòng
Triệu con tim ghi nhớ từng năm tháng
Đất Thành Cổ tượng đài bất tử
Tổ quốc bay lên từ chỗ các anh nằm
                   (Tổ quốc bay lên từ chỗ các anh nằm- Nguyễn Xuân Vinh)
Có thể nói không quá lời rằng: Ký ức Trường Sơn là bản hùng ca, là khúc tráng ca, là biên niên sử, để các thế hệ mai sau soi rọi, tự hào về một thời đại hào hùng và một thế hệ hùng anh. Tình đồng đội trong Ký ức Trường Sơn là mối tình thiêng liêng cao cả, là bức tượng đài bằng kim cương. Bức tượng đài kim cương ấy sẽ trường tồn và lấp lánh hào quang cho đến mãi mai sau.
Xin lấy mấy câu thơ trong bài “Những khúc tráng ca” của nhà giáo, nhà thơ Bạch Liên trong tập Kí ức Trường Sơn để kết thúc bài viết:
Tượng đài mãi mãi tôn thờ
Non sông ghi tạc chẳng giờ nhạt phai…
Hào hùng bi tráng Trường Sơn
Khắc vào bia đá trường tồn vạn niên.
                                                         

        Vũ Ngọc Hoà 
Hội VHNT Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh 


tin tức liên quan