"Hoa Cúc Tần" - TG: Nguyễn Duy Dương - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định

Ngày đăng: 06:11 15/01/2024 Lượt xem: 94
HOA CÚC TẦN
 
             Thế là mùa xuân lại đến, những bông hoa cúc tần đang thoảng đưa hương trong gió như cười cợt cùng làn mưa bụi, khiến cho Bình thấy lòng bâng khuâng vô hạn; khi nghĩ tới nàng!
              Đã gần 20 năm, kỉ niệm còn hằn sâu trong trái tim Bình, một người lính Hải quân, từng đối mặt với bao gian nan nguy hiểm; vậy mà kí ức của một thời đã xa, khi hiện về cứ làm anh rưng rưng lệ! Hai mươi năm, thời gian không là gì so với vũ trụ bao la, nhưng nó lại là cả một quãng đường dài đối với một con người... Hai mươi năm trước, giữa Trường Sa đầy nắng gió và sóng biển anh được biết Mai qua lời kể của Trọng - cậu em nàng, người chiến sĩ trên đảo của mình. Bình cố hình dung ra một cô gái vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng có khuôn mặt trái xoan nước da bánh mật, thân hình thon thả, rất đảm đang trong công việc gia đình và chạy chợ...
            Thư ra Trường Sa dạo ấy rất hiếm, cả năm trời mới nhận được tin nhà. Có thư anh em chuyền tay nhau đọc. Bình và Trọng cùng đọc thư của nhau, thường là nàng viết thư cho em trai bởi bố mẹ nàng đã già, các anh các chị thì bận công việc. Vả lại ai nấy cũng đã có tổ ấm của riêng họ rồi. Trong thư nàng kể cho  em mình chuyện quê hương, nỗi nhớ nhung của gia đình dành cho đứa em út... và chuyện làm ăn, cả chuyện vất vả sớm khuya. Không chỉ thế, nàng còn tâm sự với em trai những tình cảm thầm kín của mình, cả những dự định mà nàng ấp ủ cho một mái ấm gia đình. Do Trọng hay nói đến Bình trong những bức thư gửi về, nên lần nào cuối thư nàng cũng dành cho anh vài dòng thăm sức khoẻ. Mai còn hẹn, khi nào về phép hoặc giải ngũ thế nào cũng ghé về thăm quê em; chính vì thế mà Bình cứ ấp ủ trong trái tim mình hình bóng một người con gái chưa một lần gặp mặt.


(Ảnh minh họa)
            Rồi các anh cũng hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa, vào bờ vài tháng Trọng ra quân; còn Bình xin giải ngũ, cả hai hẹn ngày tái ngộ... Về nhà, sau bao năm xa cách khiến Bình chưa thích ứng được với khí hậu miền Bắc nên anh bị sốt rét, những cơn sốt nóng lạnh thay phiên nhau khiến Bình sút đi trông thấy. Nhưng vì đã trót hẹn với Trọng, anh vẫn tìm sang nhà cậu. Cả nhà Trọng đón tiếp anh hết sức ân cần, đầm ấm như đón đứa con xa nay được trở về. Thấy Bình còm cõi, mắt quầng thâm môi tái ngắt mọi người trong nhà Trọng đều xót xa cho sức khoẻ của anh sau những ngày tháng phải nằm rừng, nằm đảo. Bình phải trấn an mọi người rằng đã mua thuốc sốt rét và uống đỡ nhiều so với hôm mới về...Rồi anh lảng chuyện mình bằng cách ôn lại những ngày sóng gió : Trận 14/3/1988  ở Cô lin, Len đao; chuyện câu cá ở nhà chòi Đá Lớn, những chiều chém cá, những đêm câu cá mập, cá thu bè. Các anh ôn lại những ngày thiếu nước ngọt ghê gớm, đến nỗi phải chắt lấy từng ca nước từ chiếc phi 220 lít, nước xám đen; lọc mấy lần bằng vải xô trắng dùng để lau súng mà vẫn không sao mất đi màu đen xỉn, khi nấu cơm chỉ nhìn thôi cũng đủ phát ngấy lên bởi nó như người ta đánh đổ tro bếp vào; ăn thì tội mà không ăn thì đói - đành nhắm mắt mà nuốt cho cái dạ dày đỡ kêu gào. Bình vốn là người kể chuyện không hấp dẫn, nên nhường lời cho Trọng; Mai phải nhắc tôi: Anh Bình kể chuyện đi, chuyện bảo vệ chủ quyền ở Gạc Ma ấy! 
          Anh bừng mặt: Thằng Trọng lại khoác lác rồi, có chọi với chúng được đâu; giành giật với chúng một lúc rồi bị chúng cho vài nhát câu liêm vào đầu bất tỉnh, phải nhờ anh em đưa vào tàu chứ chiến công gì! Thế là đành lảng sang chuyện bắt bạch tuộc, chuyện bắt đồi mồi.  Mai chăm chú nghe như muốn nuốt lấy từng lời... Bình ở lại vài hôm, sau đó từ biệt gia đình nàng, mà cứ nghĩ nơi đây đã gắn bó với mình từ rất lâu rồi...
           Sau ngày giải ngũ, Bình chỉ muốn chăm chú vào công việc lao động giúp đỡ Bố Mẹ những ngày xa nhà. Biết ý định, đồng thời cũng biết gia cảnh của anh một lần, Mai bảo:
 - Anh nên làm hàng xáo lấy cám nuôi lợn, dù có vất vả chút nhưng không mất nhiều vốn liếng, vả lại bỏ vặt lấy tột hay hơn!
           Từ trong ý nghĩ, Bình rất cảm động trước sự quan tâm của em; cậu đã định làm như thế, nhưng còn đắn đo: dáng thư sinh như mình làm sao tải nổi vài bao gạo? Nhưng em động viên: anh chưa quen thì tạm đèo dăm chục cân là được. Nghe lời Mai, về nhà anh quyết chí tìm cho mình một nghề để dựng xây cuộc sống sau bao năm quân ngũ anh từng ấp ủ. Bình về nhà việc đầu tiên là sắm xe thồ, quyết tâm làm kinh tế từ việc nhỏ nhất…Anh sửa lại chuồng lợn, có chút vốn ban đầu từ ngày trong quân ngũ, Bình đầu tư vào việc đong thóc, chạy chợ. Rồi nhờ mẹ mua cho mấy con lợn giống tốt. Anh cũng yên tâm phần nào, bởi em gái vừa học xong cấp 3 chưa đi học tiếp nên đã đang làm rồi. Nhưng tiếc rằng, anh không phải là tuýp người lao động nặng nhọc, nên có khi đang chở gạo gặp trời mưa to, đường trơn cứ ngã dúi dụi. Bạn hàng ngao ngán lắc đầu, có cô bạn học từ thuở cấp 2 trách anh: Chúng tôi thì chẳng nói làm gì, ngày xưa ông học giỏi hơn chúng tôi; ông còn thay thầy dạy cho cả lớp ôn thi tốt nghiệp, vậy mà ông phải chấp nhận làm công việc này thì khổ quá! Đừng bỏ phí mấy năm ông học cấp 3 đấy! Bình nghe bạn cũ nói mà thoáng buồn, nhưng nghĩ mình xa đèn sách đã lâu; giờ đi học không hiểu có tiếp nhận được không, thêm nữa giờ đã lớn tuổi lại để bố mẹ lo chu cấp cho ăn học thì ngượng lắm...
               Nhưng, do không biết chi li và cũng dốt về khoản mua bán nên lãi chẳng thấy vốn cứ co dần; Bình sinh ra chán nản chẳng biết làm gì... Với tâm lí ấy, anh bực với tất cả mọi người; định làm một chuyến du Nam để thay đổi không khí và cũng kiếm phương cách làm ăn mới. Nhưng, lấy tiền đâu khi mà vốn đã co lại, cộng thêm sự níu kéo của Bà nội - người mà Bình rất kính yêu. Nhiều khi muốn gầm gào thật to, để bớt nỗi tức uất về sự bất tài của mình nhưng nghĩ đến danh dự một người lính đã từng xông pha nơi nguy hiểm gian nan mà lại kém bản lĩnh; lại thôi. Bình lại sang quê Mai, những mong quên đi những thất vọng của mình; trong bữa ăn chiều anh than phiền với Trọng về sự vô duyên trong làm ăn, buôn bán. Mai cứ im lặng lắng nghe mà không nói một câu. Có lẽ, nàng vô cảm hay là đã thay đổi tình cảm với anh? Bình tự hỏi mà chưa có câu trả lời thoả đáng. Cơm chiều xong, đã hơn 8 giờ tối, mọi người đang quây quần uống nước, nói chuyện; Bình bước ra sân, lúc qua chỗ Mai ngồi bỗng nghe nàng nói nhỏ: Lát nữa, mình ra bờ đê ngồi anh nhé! Sững người trước sự chủ động của Mai, Bình chỉ biết gật đầu và mong cho nàng thu dọn bát đũa thật nhanh. Lẳng lặng ra ngõ chờ nàng, Bình thấy Mai bước ra, nàng tiện tay ngắt bông cúc tần bên giậu. Suốt dọc đường ra bờ đê, Mai chỉ mân mê bông cúc tần còn anh cứ im lặng như người hụt lưỡi bởi đã bao giờ được đi bên một người con gái như thế này đâu? Bạn bè thời học sinh cũng có đấy nhưng ngô nghê lắm, đâu có được khái niệm về giới tính như bây giờ nên có bạn gái cũng chỉ là quan hệ học hành. Đến lớp 10 rồi mà nhiều khi còn cãi nhau chí choé, thậm chí giận nhau không thèm nhìn mặt chỉ mỗi chuyện không nhắc bài! Còn bây giờ lại được đi bên cạnh người con gái mà bấy lâu nay Bình vẫn thầm mong trộm nhớ, nên anh cứ hết ngó bên này lại ngó bên kia, như đang tìm vật gì đánh rơi lúc chiều vậy. Hình như em đang mỉm cười vì anh chàng nhát gái đây – cậu ta nghĩ bụng, nhưng biết nói gì cho đỡ ngượng? Thôi đành cứ im lặng đi bên em vậy, người ta bảo im lặng là vàng mà...! Rồi cũng đến bờ đê! Em chọn một chỗ ngồi khá kín đáo, rồi kéo tay Bình: Ngồi xuống đây anh! 
         Bình luống cuống ngồi, mấy phút trôi qua; hai đứa cứ nhường nhau không nói. Nhưng dường như nàng hiểu hoàn cảnh khó xử của anh: Bình vốn là bạn của em nàng, dù gì đi chăng nữa! Vì vậy anh ít khi gọi nàng là em, có gì nói với nàng Bình đều dùng từ trung gian cả. Còn bây giờ, có hai đứa với nhau; anh chưa thể vượt qua cái ngượng ngùng được. Nàng phá tan sự im lặng ấy bằng câu hỏi: Ngày xưa chắc anh Bình học giỏi lắm nhỉ?
         Bình mỉm cười trong bóng tối: Cô này được đây! Không hỏi chuyện làm ăn nữa mà lại hỏi sở trường của mình! Đương nhiên, anh rất hào hứng kể chuyện học hành của mình ngày trước bởi nó là kỉ niệm mà anh hết sức tự hào và còn bịa thêm những trò nghịch ngợm của thời học sinh khiến cho em cười vui vẻ. Đúng lúc anh say sưa, nàng bảo:
- Em thấy có lẽ anh đi học tiếp thì hay hơn, nghề này không hợp với anh đâu, anh làm chỉ toàn thua lỗ thì công thành công cốc! Lúc đó mọi người lại trách em xui dại anh đấy, anh à.
         Hắn thấy em nói đúng, nhưng bây giờ mà bắt hắn đi theo con đường học vấn thì thật khổ, bởi bao nhiêu năm quân ngũ kiến thức đã rơi rụng khá nhiều; mặc dù Bình vẫn có ý thức ôn luyện lại, nhưng kiến thức thì vô hạn và mỗi ngày một khác. Vả lại, y học chương trình 10 năm giờ đã là chương trình 12 năm theo làm sao cho kịp, nhỡ ra thi mà không đỗ thì hổ thẹn với bạn bè và những người xung quanh. Hơn nữa, nếu mình đi học, em có chờ đợi được không? Bốn năm học, thời gian không dài; nhưng nhan sắc người con gái lại có hạn! Bình không trả lời mà chỉ ôm em vào lòng và thầm thì bên tai: Anh yêu em!
         Em gục đầu vào vai Bình nức nở! Sau này mới biết, khi giục hắn đi học nhưng em đã linh cảm sẽ mất y vĩnh viễn.  Bình luống cuống mà không biết làm gì khác, chỉ vuốt ve mái tóc em. Thời gian như ngừng trôi, hắn đọc cho em nghe mấy câu thơ mà chẳng nhớ là của ai, thú thực lúc ấy hắn nói khoác là của mình vừa ứng tác lúc ban chiều: “Khi chờ em anh muốn giục đồng hồ/ Giục năm tháng bước mau lên chút nữa / Khi gần em anh thấy mình bỡ ngỡ / Vặn ngược thời gian cho ta mãi bên nhau”. Nghe Bình đọc em nắc nỏm khen hay và lại bảo: Anh thấy chưa, nếu em không giục anh đi học thì phí mất cả cái tài của anh. Chả lẽ anh đem thơ đi đọc cho mấy bà hàng xáo nghe à? Bình không biết nói sao với Mai, đành ừ hữ cho xong. Thấy thái độ của Bình như vậy Mai giục đứng lên  cùng về. Dọc đường, mùi hương cúc tần cứ bám riết lấy hai đứa, dịu nhẹ mà đầm ấm. Bình bâng khuâng tự hỏi: Tại sao bây giờ mình mới khám phá ra mùi thơm giản dị mà trinh bạch của loài hoa này nhỉ?
         Bình trở về quê, vẫn theo nghiệp hàng xáo; nhưng vốn thì phải nhờ vào sự trợ giúp của cha mẹ. Bố anh bực lắm, vì khuyên mãi mà con trai chẳng chịu nghe! Rồi một lần, khi Bình vừa đi làm về; Bà nội và bố mẹ gọi vào nhà. Thấy cả 3 người ngồi yên lặng, linh cảm có điều gì không lành; anh đành ngồi xuống ghế mà không dám hỏi. Mọi khi Bình vẫn mạnh mẽ, ăn to nói lớn. Tính cách ấy là của lính Hải quân, quen nói giữa muôn trùng sóng nước mà! Bà nội đưa mắt nhìn Bố, như có ý nhắc nhở. Bố lên tiếng: Anh là con trai cả, Bà và bố mẹ rất coi trọng anh; để cho anh tự do quyết định cuộc sống. Nhưng sau gần một năm anh giải ngũ, cả nhà thấy anh không thể hợp với công việc nặng nhọc và buôn bán nên hôm nay Bà và bố mẹ quyết định bàn công việc tiếp theo cho anh. Anh không được ý kiến khác bởi tất cả đều mong muốn cho anh có cuộc sống tốt đẹp không phải đầu tắt mặt tối, phí công ăn học 10 năm trời!
          Bình lẳng lặng ngồi nghe và hiểu rằng tất cả những điều bà và bố mẹ nói đều đúng, đó là sự quan tâm của cả gia đình đối với anh. Nhưng, bằng này tuổi đầu mà vẫn phải ăn bám bố mẹ ư? Đã đi học thì mọi thứ, tiền đóng gạo góp đều nhờ vào sự chu cấp của gia đình. Anh định ừ hữ cho xong, nhưng ngày hôm sau Bình nghe Bà nội tuyên bố một câu mà đã thấy ớn lạnh xương sống: Tôi chỉ trông chờ vào anh là cháu đích tôn, anh mà chỉ là anh hàng xáo thì tôi thà chết còn hơn! Từ nay, anh chưa đi học, tôi sẽ tuyệt thực. Anh nghĩ thế nào tùy anh lựa chọn!
          Bình cứ nghĩ Bà nói thế chỉ dọa, nhưng chiều ấy, Bà bỏ cơm; sáng hôm sau vẫn thế. Một ngày, hai ngày trôi qua, Bà vẫn không thèm động đũa. Anh cuống lên mới hứa sẽ tự học để đi thi, lúc ấy Bà mới chấp nhận....
         Nhưng, Bình còn không ngờ rằng, Mai đã sang nhà anh. Mai thú nhận với Bà đã yêu Bình, nhưng không dám cản trở đường học hành của anh. Mai cũng nói đã thuyết phục Bình, nhưng khó mà lay chuyển nổi, phải có Bà dùng biện pháp mạnh anh mới nghe!
         Tháng 8 năm ấy Bình đỗ Đại học, mấy năm trời biền biệt; anh vừa học vừa tự làm thêm để kiếm sống vì không muốn ăn bám bố mẹ. Hết đẽo gạch thuê, đến rửa chai lọ, thay song cửa cho kí túc xá, việc gì kiếm tiền được mà trong sạch là anh làm. Rồi anh lại được làm đại lí bán sách cho sinh viên, cứ nhận sách bán xong mới trả nên cuộc sống cũng đỡ thiếu thốn. Cũng có lúc đói nằm dán bụng xuống giường, nhưng cứ nghĩ đến người Bà kính yêu đã hết lòng vì mình, Bình lại cố gắng vượt qua. Nhưng sức chịu đựng có hạn, một lần; anh đã viết đơn lên khoa xin bảo lưu kết quả... Viết xong đơn, Bình thừ người: Ơ! Mình hèn đến vậy sao? Bản lĩnh lính Trường Sa vứt đâu hết rồi? Xé đơn đi, Bình lại lao đầu vào học và kiếm sống. Mấy hè liền, hắn không về mà cứ bám lấy trường, coi xe cùng Ban quản lí kí túc xá cho thí sinh dự thi Đại học. Có hôm Bình chuyển giường ra ngoài sân kí túc xá coi xe cho thí sinh, đêm đó mưa ướt hết cả màn. Mỗi lần Tết đến, mọi người về hết thì một mình Bình ở lại nhận coi trường, coi cả cho Viện Vật liệu trong khuôn viên Viện khoa học Việt Nam; đêm khuya chỉ có một mình giữa nơi hoang vắng, nghe gió xào xạc trên mái lá mà lòng buồn vô hạn. Bình chợt nhớ tới mùi cúc tần thoang thoảng đâu đây... Anh mong sao cho nhanh chóng qua chuyến dân công dài hạn để trở về gặp người mà anh hằng yêu dấu...
        Bình liên lạc với Trọng và Mai qua những lá thư, lúc đầu một tuần hắn nhận được vài lá thư của Mai. Những lời của Mai rất bình dị mà tràn đầy tình yêu thương, khiến anh chỉ mong về gặp Mai, nhưng rồi không thể chỉ vì không mua nổi tấm vé; lại nữa, nếu nghỉ không đi làm thêm được sẽ sống bằng cách nào?....
        Rồi thư từ cũng thưa dần, cuối cùng là bặt tin; Bình viết nhiều, trách nhiều nhưng không thấy hồi âm. Anh cũng không biết lí do, đành tự an ủi: Có lẽ Mai đã quên mình! Con gái có thì, ai chờ đợi được lâu! Ai lại đi chờ đợi anh chàng sinh viên nghèo rớt mùng tơi. Rồi anh thầm trách Mai chóng quên....
        Tốt nghiệp đại học, năm ấy Bình về quê đi dạy học. Tết đến, anh sang thăm nhà Mai và hình dung ra nét mặt nụ cười của Mai khi gặp lại anh. Nhưng, đến bữa cơm cũng chẳng ai nhắc đến Mai. Bình băn khoăn, mà không dám hỏi; sợ có vấn đề gì tế nhị. Đến khi chỉ còn lại hai thằng bạn Trường Sa, Bình mới hỏi Trọng. Nghe bạn hỏi, mắt Trọng đỏ hoe, dắt tay Bình xuống gian phòng vẫn dành cho Mai. Căn phòng lạnh ngắt, mặc dù rất sạch sẽ. Một chiếc bàn thờ nho nhỏ, hình Mai đang như cười với anh. Bình như nghe thấy đất sụt dưới chân mình: Trời ơi! Sao lại thế này? Mai mất khi nào? Sao không ai cho mình biết?
        Mắt ngấn lệ, Trọng giải thích cho người đồng đội của mình về cái chết của chị gái. Ngay sau khi Bình đi đại học, Mai ra Quảng Ninh làm công nhân theo gợi ý của người dì . Nhưng công việc nặng nhọc, lại không hợp với nơi đầy than bụi; Mai ốm nặng. Khi đưa vào viện, các bác sĩ chẩn đoán Mai bị hở van tim; phổi bị xơ, thuốc thang mãi nhưng không tài nào lành bệnh được. Mai đã mất mấy tháng, nhưng dặn lại mọi người trong gia đình không được báo cho anh; vì như thế anh sẽ sao nhãng chuyện học hành.
        Thắp nén hương trên bàn thờ, Bình thấy lọ hoa chỉ có mấy bông; lại thật giản dị: Hoa cúc tần! Dường như đọc được suy nghĩ của Bình, Trọng nói trong tiếng nấc: Chị Mai dặn: “Trên bàn thờ của chị, hãy đặt bông cúc tần; anh ấy về sẽ hiểu”.
       Làn khói hương thoang thoảng, Bình như thấy Mai đang thầm thì: Em mãi yêu anh!

Nguyễn Duy Dương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định

tin tức liên quan