"Mùi của tết xưa" - TG: Nguyễn Bổng

Ngày đăng: 05:21 11/02/2024 Lượt xem: 46
------------------------
 
MÙI CỦA TẾT XƯA
Nguyễn Bổng.
 
       Những lúc nằm ngồi ngả ngốn, chen nhau mua vé tầu xe rồi lại bồng bế nhau, lủng củng đồ hàng để nhận xe, nhận ghế mới thấy ở phương xa mỗi lần về ăn Tết vất vả nhường nào. Chỉ khi nào xe lăn bánh mới thở phào, nhoẻn cười. Mùi mồ hôi, mùi hàng hóa, mùi và mùi của mỗi người chả thể vợi đi cái mùi đặc biệt như một tài sản riêng, chung mà ai cũng thèm đang quyến rũ gọi ta về, mùi của Tết.
       Thuở nhỏ, đứa nào cũng đếm đốt ngón tay để thấp thỏm mong đón giao thừa, sao mà chậm thế! Người lớn thì công nợ núp sau lưng, thời gian vùn vụt qua đi với bao lo toan đến bã người. Thế rồi dù làm ăn ở góc bể chân trời nào cũng hướng về quê, nơi ấy có mẹ cha, anh em, bầu bạn sum họp sau những ngày bươn trải mưu sinh. Nào áo cho mẹ, nào quần cho cha, nào thuốc bổ cho ông bà nội ngoại, anh chị em mà quên cả sắm cho mình, thứ nào cũng mang nặng nghĩa tình thơm thảo, mùi của Tết.
       Tết là một cuộc di cư khổng lồ nhất trong năm, thành phố như loãng ra, ngái ngủ, người người, nhà nhà đều hướng về đoàn tụ ở quê. Bắt đầu từ lỉnh kỉnh nồi nước thơm mùi quế rửa bát hương và đồ thờ, ngọn khói khen khét của vàng mã khói bay tung tỏa ngày hai mươi ba tháng chạp ngày tiễn ông công ông táo về trời, làm gì ở đâu, mọi người trong đầu đã luôn thường trực Tết. Cả làng giờ này đang hối hả cho vụ lúa xuân, nhưng không quên phiên chợ Tết nên đã truyền câu cửa miệng; Bỏ con bỏ cháu, không bỏ phiên 26 chợ Cồn. Hàng tranh, hàng pháo, keọ kéo, mạch nha bọn trẻ con chen nhau vòng trong vòng ngoài, hàng hàng lối lối tràn ra tận bờ sông, người người nhích từng bước, nào chút măng cân miến, bơ đậu, nhúm hạt tiêu, mấy chục lá dong và bao thứ lặt vặt trong thúng mẹ còn kịp cho mai gói bánh, thổi xôi, làm cỗ cúng trưa ba mươi Tết. Vài nhà người lớn đã nhắc lũ trẻ lo cả cỏ rơm, nước uống cho những chú trâu nghỉ ngơi ba ngày Tết được no nê ấm áp trong chuồng. Những hàng cau như võ sỹ nghênh phong, tường nhà có thêm màu trắng lớp áo vôi không quên một cây cung có mũi tên ngoài ngõ xua đuổi quỷ ma. Bà nội thì cứ hướng biên giới hải đảo đón chờ thư từ tin tức của thằng cháu nội đóng quân nơi đấy. Người vì hoàn cảnh nào đấy ở xa không về được quê, ra ngẩn vào ngơ, ăn chả biết ngon, chả thiết gì chơi bời, thi thoảng lại thở dài, chép miệng hướng về phương ấy.
       Tết quê đâu phải chỉ cành đào, bánh chưng xanh, cây quất, mâm ngũ quả mà là thời điểm thiêng liêng khép lại năm cũ, đón chờ những điều may mắn ở năm mới sắp sang bằng hương thơm của ba nén nhang bố thắp gọi ông bà, tổ tiên cùng về hưởng lộc, phù hộ độ trì cho con cháu cả năm. Mùi cơm thảo thơm từ mấy bơ tám xoan dành dụm tỏa hương cùng nén nhang bài, mùi xôi gấc, mùi bánh chưng cứ ngào ngạt hòa trộn vào nhau mà xởi lởi vương vời ra tận ngõ. Đây đó đã có tiếng thử cái pháo tép, thử cái van xe đạp nhồi thuốc sinh diêm làm phi tiêu tung lên trời rơi phập xuống sân nổ đoàng, để lại đám khói khét tanh tanh nhưng lại là cái khảm vào tuổi thơ của mỗi đứa trẻ làng tôi. Nhiều nhà còn chờ con cháu về để ông dậy cho cách gấp lá dong, gói buộc bánh và kịp nấu bánh chưng đêm ba mươi Tết để giữ nếp xưa. Mùi đẫm nước lá dong chín ngầy ngậy của miếng bánh cóc nếm trước giao thừa bao giờ cũng thơm và ngon nhất suốt ba ngày Tết. Trước giờ sang canh bà kín đầy hũ nước đưa vào trong nhà, đổ đầy thùng gạo trong buồng để lấy may, để quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giầu như nước lên. Mẹ dặn kỹ, sớm mai mồng một, cháu nào cũng phải vui, ngoan, tránh bị rầy la, đòn vọt kẻo dông cả năm và nhớ không được quét nhà, hót rác kẻo kiến về làm tổ. Nhớ nhốt con mèo, xích con chó phòng khi pháo sang canh nó hoảng chạy, kẻo mèo đến nhà thì khó…
        Bố gắp thức ăn cho bà, cho mọi người, tấm tắc khen mẹ nấu món nào cũng thơm, cũng ngon, cũng khéo và bảo các con, các cháu phải học nhất là con gái để sau này có hành trang công dung ngôn hạnh trước khi về nhà chồng. Hơi ấm của gia đình Tết đến luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi thành viên, mùi Tết trong nhà vẫn âm thầm, bền bỉ với dòng đời ngân nga mãi đẹp như cổ tích trong tôi. Tôi thích ảnh Bác Hồ trang trọng treo dưới cờ đỏ sao vàng nơi có bàn thờ ông bà. Thích  bức tranh màu sặc sỡ có con lợn mẹ và đàn con bên cụm ráy treo trên vách, thích cành đào phai đã hơ kỹ cuống cắm lọ lục bình trên bàn thờ chơi tận rằm tháng giêng, khi hết hoa có những quả non xinh xinh nhú ra to bằng đầu ngón tay. Thích nhất vẫn là bộ quần áo mới mặc sớm mồng một còn nguyên mùi hồ vải có cái túi xinh xinh, sớm mai đi chúc Tết, thế nào cũng có những tờ một hào đỏ mới còn thơm mùi tiền mừng tuổi nằm trong đó và thỉnh thoảng lại moi ra đếm lại. Tôi cất dành những cái giấy bóng phong bánh khảo, cái bao hương đỏ, cái pháo hồng còn thơm phức để ra giêng khoe chúng bạn rằng, cùng với đĩa xôi gấc và mâm ngũ quả, mầu đỏ là mầu bắt mắt dễ yêu mang lại nhiều may mắn nhất cho nhà tôi.


Thanh bình một miền quê... (Ảnh minh họa)
 
       Nghe đâu Tết năm nào, có ông gì to to, thấy lo cho cái Tết mỗi năm tốn kém thời gian, công của, rồi sinh ra lợi dụng quà cáp cấp dưới biếu xén cấp trên đã đề nghị Chính Phủ dồn Tết Tây, Tết ta vào một và chỉ nghỉ một ngày, lập tức bị dư luận phản thùng, bị tẩy chay ầm ầm không dám phản hồi.
       Guồng quay tít mù cơm áo gạo tiền khắc nghiệt cả năm cả đời, chớ nên quên ai cũng cần phải dành một chút nghỉ ngơi. Không biết nghỉ ngơi, vui chơi thưởng thức ba ngày Tết là không biết làm việc. Ba ngày Tết là cuộc đoàn viên ít ỏi của những ngày gọi là, sum họp Tết, vui Tết, nghỉ Tết, chơi Tết, ăn Tết.. làm lên hương của Tết. Tết còn là phong tục, tập quán, truyền thống làm nên bản sắc văn hóa Việt từ thuở Vua Hùng thì đâu dễ phôi pha. Hơi ấm của gia đình Tết đến luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi thành viên. Mùi của Tết là thiêng liêng của mọi nhà, vẫn ngân nga mãi đẹp như cổ tích trong tôi. 
       Tết giờ đã khác xưa nhiều lắm, cả rừng cờ cắm theo cột điện tung bay khắp dong ngõ, cổng chào, công sở khu dân cư nhưng thật hiếm còn nhà nào treo ảnh Bác Hồ. Mùi của Tết cũng vẫn sang trọng, mùi của siêu thị, mùi của hàng Tây, Tầu theo người muôn dặm tìm về bầu bạn cùng bánh chưng, giò chả, cá nướng nhưng rất ít nhà còn gói và nấu bánh, đụng lợn, trấu nướng cá ăn Tết. Đó là điều hiển nhiên để hội nhập. Nhưng với tôi, những ký ức của hàng trăm mùi vị làm lên mùi của Tết xưa vẫn còn nguyên vẹn như một phần của cuộc đời tôi. 
 
Nguyễn Bổng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định
ĐT 0396240975
tin tức liên quan