"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (2)

Ngày đăng: 09:04 11/02/2024 Lượt xem: 147
 
------------------------
 
       Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được chuỗi Hồi ký mang tên:“Huyền thoại một con đường” của tác giả Hoàng Văn Kính, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, Công tác viên Trang Thông tin và bản tin Trường Sơn. Nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Anh hùng, Binh trạm 14. Một chuỗi hồi ký mà những người làm công tác Biên tập chúng tôi gọi là “Đúng tầm”, nó được hình thành từ những sự kiện thực tế kiêu hùng của bộ đội Trường Sơn Anh hùng mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới tỏ tường, ấp ủ và ghi nhớ…
        32 Chương của chuỗi Hồi ký này sẽ được Báo Điện tử Trường Sơn lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.
       Huyền thoại Trường Sơn là đề tài vô tận… Hy vọng chuỗi Hồi ký này sẽ góp phần nhỏ bé cho mỗi cán bộ chiến sỹ bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến… - Những người đã đồng lòng chung sức và hy sinh xương máu để có một Trường Sơn huyền thoại chúng ta được hiểu thêm về Trường Sơn, hiểu thêm về một trận mạc thời của chính mình. Và một hy vọng lớn hơn nhiều nhiều – đó là mỗi chúng ta hãy cùng nhau vào cuộc, lần trong ký ức của mình để có thêm những chuỗi Hồi ký, những bài viết, những câu chuyện góp phần làm dày thêm những trang sử chói lọi của Trường Sơn Anh hùng.

       Chuỗi Hồi ký này được đăng tải trong Chuyên mục "Ký ức còn mãi" của Báo Điện tử Trường Sơn.
 
Ban Biên tập Trường Sơn xin trân trọng!
 
 
(Tiếp theo)
   Chương II:
KHÁT
 
      Để bảo đảm việc thông tuyến đường 20 theo đúng tiến độ, cấp trên đã tổ chức một đơn vị mang phiên hiệu 325 mà tôi là một chiến sỹ của đơn vị ấy có nhiệm vụ “ nhảy dù” vào giữa tuyến đánh ra hai bên.
        Vì là đơn vị xung kích nên 325 được biên chế toàn trai tráng, trẻ khỏe. Mang vác, hành quân luồn rừng trên 50 cây số để vào nơi tập kết. Trèo đèo, lội suối, giữa đại ngàn Trường Sơn, có lẽ từ thời hoang sơ đến bây giờ mới có dấu chân con người. Đi thì ít, chui luồn thì nhiều qua những bụi cây song, cây mây gai cào sướt sát cả mặt mũi. Dấu chân chó sói, lợn rừng…như đang luẩn quất quanh đây. Từng đàn khỉ, vượn tung tăng nhảy múa, la hét cảnh giác dõi theo những sinh vật lạ bước đi bằng 2 chân. Lúc thì tụt dốc vực sâu thăm thẳm, trượt chân là có thể mất mạng. Khi thì trèo đèo leo núi dựng đứng, người trước phải đưa tay kéo người sau. Đạp chân lên những mỏm đá tai mèo sắc như lưỡi dao, sơ ý là bể luôn cả đế giầy vải cao cổ, đứt luôn cả gan bàn chân. Sáng sớm mây dăng lạnh buốt, đến giữa buổi mặt trời dọi qua kẽ lá, rừng rậm,  ẩm thấp, nóng hầm hập, mồ hôi túa ra ướt từ đầu đến chân.  Mất nước làm cho hai mắt hoa lên, miệng đắng ngắt, cơ thể lả đi. Không còn làm chủ được bản thân, bước chân lảo đảo, nhịp tim tăng lên như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực…
         Mỗi người một bao tượng gạo 12 cân. Một khẩu súng AK, hoặc CKC với 1 băng đạn. Một balô nặng oằn vai chừng 30-35 cân, ngoài quân tư trang còn có 10 cân thuốc nổ, cuốc, xẻng, xà beng…, xoong chảo chia nhau chất lên vai. Một bi đông nước và 2 viên thuốc khử trùng. Biết là sẽ hiếm nước nên mỗi chúng tôi còn đeo thêm vào hông vài ống nứa đầy nước. Nhưng cũng chỉ được vài lần ngửa cổ, đến tầm trưa là hết sạch, từ đấy thấm thía những cơn khát hành hạ. Không khí như đặc quánh lại. Cả đoàn quân âm thầm, lặng lẽ, miệng mũi thi nhau thở, nhọc nhằn lê từng bước chân. Không còn rôm rả những câu chuyện tiếu lầm, giọng hò xứ Nghệ nâng bước hành quân.  Đội hình chậm hẳn lại, cứ vài trăm mét lại phải tạm dừng lấy sức.
      Sướng nhất là đi vào chỗ có thảm thực bì, bàn chân đi giầy lún sâu xuống 15-20 phân, nước sương đêm còn lại ứa ra phải chờ 3-4 phút cho  trong lại. Nước được lọc rất trong nhưng phải cái mùi tanh tanh, thum thủm của lá cây phân hủy nên rất khó uống. Mặc, ai nấy thi nhau vục cũng dịu đi phần nào cơn khát.  May mắn gặp được cụm chuối rừng, cả đơn vị dừng lại, chặt ra thành từng miếng chia nhau  nhắm mắt, nhắm mũi nhai lấy nhai để nuốt cho kì hết nước trong bẹ, lúc nhả bã chỉ còn lại ít xơ nát như cho vào cối giã.
        Tôi cầm nắm bã vân vê trên tay, thằng Tú bảo: Tao nhai thật kĩ rồi nuốt cả xơ.
       - Như rẻ rách, cho bò nó cũng chả thèm, còn gì nữa mà nhai với nuốt.
       - Mày cứ chịu khó nuốt đi - Thằng Tú xui - Chẳng bổ âm thì cũng bổ dương. Ít ra thì cũng chống được táo bón, lại còn có cảm giác no bụng nữa, rồi trong bã thể nào chả còn nước mà ta nhai không hết.
       Nghe nó giảng giải thấy cũng có lí. Tôi ấn cả cục vào mồm. Thằng Tú ngăn lại: Ấy chết, phải nhai thật chậm, mỗi lần chỉ bằng đốt tay thôi thì mới nuốt được. Không khéo nghẹn chết quay đơ ra đấy.
      Thú thực, nhai cái thứ bã này chẳng khác gì nhai nắm dây đay ở quê tôi vẫn dùng bện võng. Toàn xơ, không mùi, không vị chỉ thấy mỏi mồm. 
Mỗi lần một ít thế mà tôi cũng kiên trì nhá hết.
       Tôi với Tú hai đứa luôn bám đuôi nhau trong suốt chặng đường hành quân. Đến một chỗ tạm dừng nghỉ chân, mệt mỏi quá tôi ngả lưng vào cái ba lô. Đang thiu thiu, thấy Tú cứ loay hoay, động đậy, tôi hé mắt nhìn trộm. Thấy nó đang cầm chiếc khăn mặt lau mồ hôi từ đầu qua mặt rồi luồn vào lau trong áo. Nó lau kĩ lắm, rồi cầm chiếc khăn ra vắt kiệt nước mồ hôi vào cái bát săt. Chần chừ trong giây lát, nó ngửa cổ lên đổ cái thứ nước ấy vào miệng. Mặt nó nhăn lại, há mồm thở hắt ra. Hóa ra nó uống mồ hôi.
      Tôi ngồi phắt dậy, vờ như không biết gì hỏi: Mày còn nước cho tao một hụm, tao đang cháy cổ.
      -Tao cũng hết sạch rồi chẳng còn giọt nào cả.
      -Tao vừa thấy mày uống - Tôi gặng hỏi nó.
      Chần chừ rồi nó bảo: Khát quá không chịu được, tao phải uống nước mồ hôi đấy.
      -Có dễ uống không.
      -Như tra tấn - Nó bảo - Không được thở bằng mũi, phải thở bằng mồm, uống miếng thật to rồi nuốt phát hết luôn, không thì sẽ bị nôn hết. Mặn mặn, chát chát, gây gây, nó thế nào ấy, ghê lắm. Phải nín thở mới không bị nôn ọe. Nó khuyên tôi:  Nhưng không sao, cố mà uống cho đỡ khát để có sức mà đi, còn hơn là không có gì. Đường hành quân còn dài lắm. Quần áo mày ướt sũng thế kia, chắc cũng phải được trên lưng bát đấy.
      Tôi làm theo nó, cũng được già nửa bát nước. Tí nữa thì nôn ọe hết. Ho sặc sụa. Thằng Tú nhanh tay vuốt nhẹ vào lưng tôi.
       Đến xế chiều, đang mệt mỏi lê từng bước chân. Cái ba-lô sau lưng như hòn đá tảng đè xuống vai, kéo người lại. Bỗng nghe phía trên đầu hàng quân có tiếng ồn ào. Tôi bỏ ba-lô chen lên thì thấy mọi người, có cả quân y nữa đang xúm vào cấp cứu thằng Hải. Họ đặt nó nằm xuống, bỏ ba lô, cởi khuy áo. Người thì lấy cành lá quạt, người thì đổ vào miệng nó từng nắp bi đông nước một, y tá thì tiêm thuốc vào cánh tay.  Phải dăm phút sau nó mới tỉnh dần. Tiếng ồn ào truyền qua tai nhau: Nó bị ngộ độc do uống nước tiểu.
       Sau này khi đã thân quen rồi tôi mới hỏi nó:
      -Sao mày liều thế, dám uống nước tiểu. Thế mày không nghe quân y dặn: trong nước tiểu có độc tố à. May mà cấp cứu kịp thời không mày đi đời rồi . Nó bảo:
      -Biết chứ, nhưng khát quá tao làm liều. Dặn mãi mới được chừng hơn một chén, tao pha với một nắp bi đông nước để dành cho loãng ra, tưởng như thế sẽ an toàn. Không ngờ uống xong được một lúc, tự nhiên thấy khó thở, mắt hoa lên, tim đập loạn xạ, thế là tao khụy xuống chẳng còn biết gì cả.
      -Mày uống thế không kinh à?
      -Bây giờ nghĩ lại tao thấy sợ. Chắc lượng nước tiểu ít quá nên nó tích tụ nhiều độc tố. Ở quê tao họ vẫn dùng nước tiểu để chữa bệnh cơ mà, có sao đâu. Màu vàng sẫm, mùi khai nồng, mặc dù đã pha loãng nhưng tao phải nín thở mới uống được. Đúng là chẳng cái dại nào giống cái ngu nào.
       Sáng hôm sau, trước khi hành quân, Chính trị viên cho tập hợp đơn vị biểu dương, động viên và ông nhắc nhở: không được nhai lá cây sẽ rất nguy hiểm vì có thể có những cây có độc mà ta không biết. Nghiêm cấm không được uống nước tiểu, uống nước tiểu dễ dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc… Nếu điều ấy sẩy ra trên đường hành quân, không được phát hiện kịp thời lại ở giữa rừng Trường Sơn thì không thể cứu được.
      Hành quân đến khu rừng nào có cây giang thì  như vớ được lộc của trời. Cả rừng giang bị tàn phá tan hoang. Uống no rồi còn đổ đầy bi đông. Nước trong ống giang vùa trong, ngọt lại mát. Uống vào cơn khát dịu đi, người khỏe ra, tỉnh táo hẳn.
       Thi thoảng cũng bắt gặp một vũng nước. To thì bằng cái nong, cái nia, nhỏ thì bằng cái thúng, cái mũ cối, nông choèn choẹt. Hố nào cũng vậy ken dầy toàn nòng nọc chen nhau bơi lội. Nom thấy đã muốn nôn ọe rồi. Màu nước nhờ nhợ, mùi tanh lờm lợm.
       Thấy nước là thèm lắm, nhưng trông ghê quá nên ai cũng sợ. Thuốc lọc thì không còn. Quân y nhắc nhở nếu muốn uống thì phải lọc sang một hố bên cạnh.
       Thằng Tú nói nhỏ vào tai tôi - Vâng lại thằng Tú - Bằng này con người, chờ đến bao giờ. Tao với mày tát hết những con nòng nọc ra, còn lại mỗi nước là tha hồ uống. Tôi rung mình. Nó huých khủy tay vào mạng sườn giục, thế là tôi làm theo. Những con nòng nọc bị tách ra khỏi nước nhảy loạn xạ. Một lúc sau những chất bẩn lắng xuống, thằng Tú nhìn tôi như để lấy can đảm, rồi vục tay uống đầu tiên. Một vục, hai vục… Xong nó ngửa mặt lên tuyên bố xanh rờn: Ngon. Thế là tất cả ào đến, loáng cái vũng nước to bằng cái nong chỉ còn trơ lại đáy. Thỏa mãn xong cơn khát, tất cả đứng nhìn nhau rồi đứa nào cũng khạc, nhổ, lè lưỡi. Có mấy đứa nôn thốc, nôn tháo. Nhưng được cái chẳng thấy đứa nào kêu đau bụng cả, cũng chẳng đứa nào bị té re.  Có lẽ lũ vi khuẩn độc hại đã theo đường mồ hôi bơi hết ra ngoài.
          Đúng là khi đã đến giới hạn của sức chịu đựng thì không  có gì là không thể.
      Hành quân trong rừng già, độ ẩm cao, nóng hầm hập, mồ hôi te tua, quần áo ướt sũng nhưng mọi người vẫn phải nai nịt gọn gàng, lấy giây buộc chặt lại không ai dám sắn quần, vén áo. Hở ra chỗ nào là vắt và từng đàn muỗi đen có, vằn vện có, có con to gần bằng con ruồi bu lại thi nhau đánh phá. Mệt mỏi như thế nhưng ai cũng phải vung vẩy một cành lá trên tay để tự vệ.
       Sao mà nhiều vắt thế, xanh có, đen có, vàng nâu có. Cùng họ hàng xa với đỉa nhưng khác nhau ở chỗ: loài vắt chỉ sống trên cạn. Vắt đen và vàng chủ yếu sống ở dưới đất. Còn loại có màu xanh sống ẩn mình trong lá cấy. Cứ sau mỗi trận mưa hoặc tầm từ 5-8h sáng, từ 4-7h chiều muộn  là lúc thời tiết thích hợp chúng túa ra, có con dài đến 5 cm, vươn cao đầu ngọ nguậy định hướng tìm con mồi. Chúng có một đặc điểm phi thường là tự búng thân mình văng xa hàng mét. Khi đã bám chắc vào con mồi thì có gỡ ra được cũng là cả một vấn đề. Nó có khả năng leo trèo trên giầy, trên quần áo để tìm lối chui vào da thịt. Nó có thể hút một lượng máu gấp 8-10 lần trọng lượng cơ thể nó. Nếu không phát hiện kịp thời để bắt, nó sẽ bám trụ 15-20 phút, chỉ khi nào no nê, căng tròn mới tự buông, để lại một dấu cộng trên da, máu cứ thế rỉ rả cả buổi mới thôi. Đang hành quân, bỗng thấy trong người nhơm nhớp ngứa, thò tay vào y trang là có máu rỉ ra từ vết cắn của vắt. Cả đơn vị ai cũng bị vắt cắn, ít thì cũng vài  nốt.
        Muỗi đốt, vắt cắn không gây nguy hiểm tức thì nhưng kèm với cái nóng hầm hập tạo cảm giác bức bối, khó chịu. Cùng với cái khát bủa vây như một sự tra tấn, hành hạ, thử thách lòng  người.
        Đến chiều tối, tìm được chỗ nào có nước, cả đơn vị dừng lại tập trung nấu ăn. Mỗi người một chân, một tay nhanh nhanh, chong chóng cho song bữa. Không có nước tắm rửa. Mồ hôi nhớp nháp, ngứa ngáy rất khó chịu. Phải lột quần áo ra vừa để lau người vừa để tìm vắt, vừa để sử lí những chỗ vắt cắn còn đang rỉ máu. Lấy dây rừng buộc 2 đầu chiếc chăn chiên làm võng, đắp kín người bằng cái màn đơn thế là chìm vào giấc ngủ.
      Đêm trên đỉnh Trường- Sơn mây dăng dăng, sương xuống dầy đặc những hạt nước li ti, lạnh lạnh ngấm vào như cắt da, cắt thịt. Trong giấc ngủ chập chờn đâu đấy hiện ra một con đường đi xuyên trong mây, đẹp như một dải lụa, chênh vênh trên các vách đá. Những thác nước trong vắt, quần quận đổ xuống. Khi tỉnh, khi mơ, lúc gần, lúc xa tiếng những con thú hoang gọi bạn. Thi thoảng lại nghe tiếng khóc, tiếng gọi mẹ, tiếng kêu khát nước của đồng đội trong mơ. Tiếng gió lùa, cành cây xào xạc, nghiêng ngat. Vô số những con đom đóm nhảy múa chập chờn.
        Sợ, trằn trọc, nhớ nhà…
        Thao thức nhìn qua kẽ lá phía trên thăm thẳm cả một bầu trời sao. Những ngôi sao mỉm cười, lấp lánh chẳng khác gì ở quê mình. Nhưng cuộc sống của những người đi tiên phong mở đường Trường- Sơn vất vả, nhọc nhằn và gian khổ quá, như thử thách ý chí và quyết tâm của mỗi người lính chúng tôi.
       Chỉ mong trời mau sáng.
 

(Còn nữa)
tin tức liên quan