Về với “ Thủ đô gió ngàn” - Bút ký của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 09:44 13/02/2024 Lượt xem: 40
------------------------
 
VỀ NƠI “THỦ ĐÔ GIÓ NGÀN”
Bút ký

            Mùa thu đã về, sau những tháng hè nắng nóng oi ả; bầu trời trong xanh vời vợi, không khí mát lành, tạo cảm giác dễ chịu. Năm nay Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tổ chức trại viết tại khu du lịch Thái Hải, thành phố Thái Nguyên từ 14-20/9/2023. Về với  “ Thủ đô gió ngàn”  là cơ hội để trải nghiệm những địa danh lịch sử  nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên
           Điểm đến đầu tiên là đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - một vùng đồi ngát xanh trữ tình, thơ mộng, bởi dòng suối Đinh uốn quanh, e ấp dáng vẻ sơn nữ. Nơi đây gắn liền với sự kiện quan trọng Bác Hồ và Trung ương trong những ngày đầu dừng chân nơi ATK lập “ Thủ đô kháng chiến”. Tại nơi đây, trong những ngày tháng gian khổ của năm 1947, Bác chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng luận bàn kế hoạch đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của quân Pháp và Người đã viết cuốn “ Sửa đổi  lối làm việc”  trong thời khắc lịch sử hết sức ngặt nghèo. Trong những ngày đầu thu, phong cảnh Khau Tý thật hữu tình, thơ mộng; tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió thổi lồng lộng; bất giác tôi nhớ đến những vần thơ Bác Hồ viết vào thu đông năm 1947: “ Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, người chưa  ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.
            Rời đồi Khau Tý, chúng tôi đến với đèo De, núi Hồng xã Phú Đình- hồn thiêng sông núi; nơi đặt nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm hội tụ “ trái tim” của ATK Định Hóa. Đứng trên đỉnh đèo lộng gió ngắm nhìn phong cảnh núi đồi, một màu xanh tươi mát trải dài, thấy lòng mình thật thanh thản, xao xuyến. Ngôi đền thờ Bác, ba bề có núi non che chắn “ tựa sơn đạp thủy”, phía trước là  thác nước Khuôn Tát nhiều tầng hiện lên  như dải lụa trắng mềm mại  buông rơi trên bờ vai nàng sơn nữ  kiều diễm. Từ đền thờ Bác, tới thăm khu di tích lịch sử trên đồi Tỉn Keo- đại bản doanh của chiến khu Việt Bắc. Tại nơi này, Bác và Bộ Chính trị làm việc và ban hành nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, đặc biệt Người đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị quyết định kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953- 1954; mở  chiến dịch Điên Biên Phủ dẫn đến thắng lợi “ lừng lẫy  năm châu, chấn động địa cầu”,
            Thái Nguyên, nơi cội nguồn của cách mạng ấy cũng chính là cội nguồn của xứ chè nổi tiếng cả nước- chè Tân Cương. Đến với vùng chè Tân Cương, được chìm đắm trong vẻ đẹp tươi xanh, thơ mộng đến nao lòng của vùng đất “ Đệ nhất danh trà”. Ẩn mình giữa lòng Thái Nguyên, thiên đường xanh ngát của những đồi chè  ngút ngàn, không khỏi khiến  trái tim mỗi người phải rung động. Vùng chè Tân Cương nổi tiếng trong và ngoài nước; đầu năm 2023 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận danh mục Di sản  văn hóa phi vật thể  quốc gia đối với “ Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”.  Vào buổi sáng,  khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới bắt đầu ló rạng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng  những hạt sương long lanh lắng đọng trên những búp chè xanh mướt, lượn sóng trên sườn đồi; cùng với cuộc sống bình dị của người lao động, đôi tay hái chè thoăn thoắt như múa của các cô gái, đã tạo nên bức tranh thiên nhiên lãng mạn và thơ mộng, đó chính là sức hấp dẫn kỳ diệu của  của vùng đất này: “ Nghiêng nghiêng vành nón, em che/ Ngất ngây cảnh sắc đồi chè Tân Cương/ Long lanh nắng rọi hạt sương/ Bước đi bịn rịn, nẻo đường uốn quanh ”.
             Trên con đường trải nhựa, uốn lượn qua những cánh đồng lúa, đồi chè, qua những cánh rừng xanh thẳm, chúng tôi đến với hồ Núi Cốc - là hồ nước nhân tạo do bàn tay của những chàng trai, cô gái Việt Bắc quên mình lao động, đắp đập, ngăn dòng sông Công tạo nên một hồ nước  giữa nơi núi rừng trùng điệp. Ai đã từng được nghe ca khúc “ Huyền thoại Hồ  Núi Cốc ” của nhạc sỹ tài hoa Phó Đức Phương, hẳn phải tìm đến nơi này một lần. Tôi thật sự ngỡ ngàng về vẻ đẹp nơi đây; ngồi trên du thuyền lướt trên mặt hồ ngắm cảnh đẹp mượt mà, duyên dáng của lòng hồ mới hiểu được giá trị của một miền “ Hạ Long trên cạn”. Trên mặt hồ với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ nhô lên, giữa sóng nước mênh mông, được nghe cô gái hướng dẫn viên cất lên giọng hát lắng đọng lòng người:“ Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành đôi/ Ngày tháng dài nhớ nhau khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/Một người chờ, chờ hóa núi”…
            Trại viết của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn được mở tại Khu du lịch sinh thái Thái Hải. Trong một tuần được chìm đắm trong thiên nhiên tươi xanh, được hòa mình vào cuộc sống của những con người mộc mạc, những cô gái, chàng trai trong sắc phục áo chàm sống hồn hậu, giản dị như cây cỏ. Nơi đây là khu bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể và vật thể; kết hợp với bảo tồn thiên nhiên; nơi tái hiện lại những phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày miền đất Trung du. 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm; các gia đình ở Thái Hải vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm du lịch cộng đồng, họ giữ gìn nét văn hóa truyền thống từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, ẩm thực để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo với những lễ hội tâm linh, điệu múa, câu hát, tiếng đàn mang hồn cốt của dân tộc mình.
             Vậy là một tuần đã trôi qua, chúng tôi sẽ chia tay đồng đội- Những người lính Trường Sơn một thời sống với bom đạn, ngày nay vẫn miệt mài sáng tạo nên những tác phẩm văn học cho Trường Sơn, vì Trường Sơn, vì đất nước.

Thái Nguyên 9/2023
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
tin tức liên quan