"Liệu có nhầm không đấy" - Ký ức chiến trường của Nguyễn Bổng

Ngày đăng: 10:19 14/02/2024 Lượt xem: 35
------------------------
 
LIỆU CÓ NHẦM KHÔNG ĐẤY.
Nguyễn Bổng.

 
       Tháng hai năm 1972 ăn Tết xong toàn mặt trận miền đông Nam Bộ bước vào chiến dịch lớn; Nguyễn Huệ. Đánh nhau với con nhà giầu không phải chiến dịch nào cũng đủ vũ khí trang bị chiến đấu đến kết thúc. Trong rừng, bom đạn Mỹ không lúc nào ngớt suốt ngày đêm. Thừa bom pháo, nhưng quần áo, lương thực, thực phẩm, nhất là thuốc men, dụng cụ y tế dành cho phẫu thuật, điều trị cho thương bệnh binh thì cực kỳ thiếu thốn. Thế nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Bộ đội ta vô cùng sáng tạo trong khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.
       Ngày 15 tháng 2 năm 1972. Tại mặt trận Tân Biên Tây ninh, thương binh chuyển về cứ quá nhiều, bông băng phải tận dụng tối đa, đến cả chăn màn, quần áo để thay thế vẫn không đủ. Trần văn Toàn quê Hải Hậu Nam Định ở đơn vị c19 công binh của trung đoàn 3 công trường 5 bị thương vào cả hai chân. Anh được chuyển về Z 32  để phẫu thuật. Các bác sỹ y tá, nhân viên ở đây không có khái niệm ngày hay đêm. Người nào cũng xanh xao, hốc hác bên thương binh giành giật sự sống với tử thần. Khi phẫu xong, chuyển Toàn sang hầm hậu phẫu anh mới tỉnh lại. Anh nhận ra hai cái chân thẳng đuỗn, nẹp bằng tre tươi bên ngoài lớp lá chuối xanh trông hệt như hai chiếc giò tết. Toàn không thể tin vào mắt mình, hoảng hốt, giật mình tu lên khóc. Anh giật giọng gọi một y tá gần nhất;
- Này! Cô kia! Tại sao lại bó lá chuối vào chân thế này?
       Chị Hoa y tá hiểu ý anh, vui vẻ giải thích nhanh gọn:
- Sẽ rất yên tâm anh ạ!
- Yên tâm cái gì? Liệu có nhầm không đấy? Và cái dép bay vèo vào lưng cô y tá.
       Chị đã quá quen với cáu giận của thương binh nên chỉ thay cho câu trả lời bằng nụ cười đáp lại khi rời hầm càng khiến cho Toàn nổi đóa. Sau lần thay băng thứ nhất, anh đã hiểu tất cả. Anh rất hối hận, và liên lạc bằng được để gặp chị Hoa xin lỗi.
       Hóa ra. Do thiếu nghiêm trọng bông băng, các thầy thuốc đã có sáng kiến; lấy lá chuối rừng hơ lửa, để băng tạm các vết thương phần mềm đã cầm máu. Lá chuối ngăn khuẩn rất tốt mà còn làm cho vết thương khi thay không bị dính thịt mà gây chảy máu nơi tế bào non đang phát triển. Các thầy thuốc còn phát minh ra những chiếc bô sử dụng một lần bằng lá ráy rừng cho thương binh rất thuận tiện…
       Vết thương ngứa ngáy lên da non thì tình yêu anh Toàn thương binh và chị Hoa y tá cũng mâng mâng từ đấy. Anh không ngờ từ sự hiểu lầm và lời xin lỗi đã làm cầu nối cho lời cầu hôn sau ngày thống nhất đất nước.
       Những mối tình giản đơn mà đẹp đến kỳ diệu như thế ở rừng trong chiến tranh không phải là cá biệt.
 
Nguyễn Bổng
Hải Tây- Hải Hậu- Nam Định
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
ĐT; 0396240975.
tin tức liên quan