Chuyện xưa giờ mới kể - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 07:15 14/02/2024 Lượt xem: 40
CHUYỆN XƯA GIỜ MỚI KỂ

                 
Truyện Ký:  Phạm Huy Liệu

      Ở gần doanh trại D bộ (Tiểu đoàn bộ) có giếng Cô Tiên ngay sườn đồi 74, quanh năm không bao giờ hết nước. Nghe người dân nói, nếu con gái tắm giếng Cô Tiên, thì da dẻ trắng hồng, mịn màng, xinh ra, còn gội đầu, tóc dài, suôn mượt.
     Với chúng tôi là con trai chả biết có đẹp ra không, mà đứa nào cũng thích tắm giếng Cô Tiên, chứ không tắm giếng gần doanh trại. Giếng nằm ở sườn hai quả đồi 55 và đồi 35, giống như hai đùi cô Tiên duỗi thẳng, giữa hai đùi là giếng nước vừa trong vừa mát. Mùa hè mà giội cứ sướng tê người…
     Bên cạnh doanh trại là nhà cố Cương. Toàn trồng cây sắn thuyền. Khi quả chín đỏ như quả vối. Rất ngon, nhưng ăn xong chỉ tội răng, miệng, môi, lưỡi, thâm sì... Cuối khu nhà cố, bên kia sườn núi là xã Quảng Vinh, nằm kề với biển. Buổi chiều mà ngồi hóng gió, ngắm sóng biển vỗ bờ cát trắng thì tuyệt.
     Đêm ấy sau phiên gác tổng đài, A trưởng Phán gọi tôi, cùng Nguyễn Quang Khải quê Nga Thanh Nga Sơn, là lính mới nhập ngũ 2/1965 cùng đi sửa đường dây. Hai đứa đi từ tổng đài, là dây đơn bọc vải, mới rải theo dọc sườn núi, ra đài quan sát mũi Chao. Đi vài trăm mét tôi dừng lại, lấy điện thoại cắm một đầu dây có kim băng xuyên qua dây để nối mạch, còn đầu kia có đoạn dây thép, cắm xuống đất làn dây âm, thì chỉ có Mai Hồng Đông quê Nga Giáp, Nga Sơn đang gác tổng đài trả lời. Như vậy là dây bị đứt trong thị trấn.
     Thời gian này máy bay Mỹ vẫn thường xuyên vào đánh lén Hàm Rồng về ban đêm, nhưng bị pháo ta đánh trả mãnh liệt. Nhiều chiếc chưa kịp ném bom, rốc két, đã vội cúp đuôi chạy thoát thân, trên máy bay còn bao nhiêu, khi quay ra đến Sầm Sơn là thả hết mới về căn cứ của chúng.
     Bọn biệt kích cũng ráo riết hoạt động, chúng trà trộn vào ngư dân đánh cá khu vực gần Quảng Cư, cách Sầm Sơn khoảng 5 - 6 cây số. Hàng ngày vẫn lên máy liên lạc với các tầu ngoài biển bằng máy 2w P105 của Liên Xô sản xuất. Cùng loại với máy quân đội ta đang xử dụng. Nên khi nghỉ giải lao lính 2w hay trêu bằng cách bóp công tắc cho sóng chết, không liên lạc được, làm chúng tức quá chửi úm cả lên, (máy P105 là loại sóng điều tần, nếu đặt sóng cùng tần số rồi bóp công tắc sẽ thành máy chết)
     Chính vì vậy mà sự cảnh giác càng phải nâng cao, chỉ những người có nhiện vụ, mới được ra vào thị trấn ban đêm. Hàng ngày đều có mật khẩu để đi lại, còn toàn bộ dân thị trấn đã đi sơ tán hết.
     Cứ thế hai đứa tiến dần đến đầu doanh trại C4, giáp sân bóng Sầm Sơn, thì thấy bom đánh tan hoang, đoán chắc dây đứt ở đoạn này, vội lần theo kéo thì thấy nhẹ bẫng... Đúng đây rồi, tôi nối máy gọi thì vẫn là tổng đài trả lời, giục nối nhanh cho thủ trưởng gặp đài quan sát ngay.
     Hai đứa cùng bới tìm giữa đống đổ nát, còn vương mùi khói bom. May quá đã thấy đầu dây... Nhanh chóng kéo dây lại đấu điện thoại, đúng lúc máy đang quay gọi, làm tôi bị điện giật đau điếng. Đài quan sát giục nối mau, vì hiện giờ có một tầu Ma Đốc Mỹ đang tiến vào gần, xin ý kiến cấp trên cho pháo nòng dài 220 ly sẵn sàng khai hoả…
     Tôi vội cầm dây kéo vào để nối, thì ôi chao không thể kéo lại gần nhau được, nó đã bị bom đánh bay mất khoảng gần 2 mét. Tôi nghĩ thoáng trong đầu, nếu giờ tầu Mỹ nã pháo vào, chắc phải lấy thân mình làm sợi dây nối cho thông liên lạc, chứ chả còn cách nào khác...
     Nhưng may quá, tầu Ma Đốc đã dừng lại. Như vậy là có chút thời gian suy tính, nên quyết định ra gần bưu điện tìm, sẽ có những đoạn dây trần đứt còn sót lại trên cột điện.
     Hai đứa nhanh chóng đến bưu điện, thì may quá trên đầu cột có đoạn dây đứt lòng thòng, vội vàng leo lên đỉnh cột, đang giơ kìm ra cắt thì ánh chớp sáng lóe, và loạt bom nổ chát chúa! Đất cát mảnh bom bay rào rào, khói cay mù mịt cùng tiếng rít của phản lực vút qua đầu. Khi mở mắt, đã thấy mình nằm giữa giao thông hào. Khải cuống quýt hỏi:
     - Anh có bị thương vào đâu không?
     Tôi lắc đầu:
     - Không sao. Vẫn ngon lành…
     Thì ra sức ép bom đã hất tôi bay đi. Sờ chân tay vẫn lành lặn, vội bò dậy trèo lên cây cột điện, cắt dây mang về.
     Đến chỗ dây đứt, đấu dây lại, và được biết đã thông liên lạc, tôi thở phào nhẹ nhõm, vì như vậy mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
     Nhìn trời đoán chắc quá nửa đêm, thế là về vẫn kịp được một giấc ngon lành. Đi theo đường nhựa cho thoải mái, vì giờ trăng đã lặn. Khi đến đầu thị trấn thì nghe tiếng quát:
     - Ai…đứng lai!
     - Bình mình.         
      Cả hai thằng ngớ người, vì đi vội quên hỏi mật khẩu của trực ban... thế này là gay go rồi, vội thanh minh:
      - Báo cáo các đồng chí, chúng tôi là lính thông tin D5, đi nối đường dây điện thoại bị đứt, vội quá quên hỏi mật khẩu. Mong các đồng chí thông cảm.
     Các đồng chí ấy không nghe…
     - Mời hai anh về trụ sở để cấp trên giải quyết.
     Thế này là bị giữ đến sáng mai chứ chả chơi. Hai đứa theo mấy dân quân rẽ vào nơi ban chỉ huy sơ tán, may sao gặp cô Mỗi, là bí thư chi đoàn thị trấn. Cô giới thiệu với mọi người:
     - Báo cáo ban chỉ huy, đây là hai đồng chí thông tin, đã từng tổ chức lễ kết nghĩa với chi đoàn thị trấn tháng trước, đề nghị các bác thông cảm cho hai anh được về đơn vị…
   Về doanh trại đã quá khuya, cũng biết mình sai, không mang theo dây điện dự phòng và quên hỏi mật khẩu của trực ban, nên dấu kín, chẳng kể cho ai biết.
     Giờ đây những kỉ niệm vui buồn của đời lính lại ùa về, thôi thúc tôi mạnh dạn kể ra để trải lòng mình, với đồng đội, bạn bè và mọi người biết, một thời mặc áo lính mà tôi đã từng nếm trải!


               Phạm Huy Liệu
Hội viên hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương
 Nguyên là Lính D1 cao xạ, trực thuộc đoàn 559


tin tức liên quan