"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (3)

Ngày đăng: 02:23 16/02/2024 Lượt xem: 94
 
------------------------
 
       Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được chuỗi Hồi ký mang tên:“Huyền thoại một con đường” của tác giả Hoàng Văn Kính, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, Công tác viên Trang Thông tin và bản tin Trường Sơn. Nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Anh hùng, Binh trạm 14. Một chuỗi hồi ký mà những người làm công tác Biên tập chúng tôi gọi là “Đúng tầm”, nó được hình thành từ những sự kiện thực tế kiêu hùng của bộ đội Trường Sơn Anh hùng mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới tỏ tường, ấp ủ và ghi nhớ…
        32 Chương của chuỗi Hồi ký này sẽ được Báo Điện tử Trường Sơn lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.
       Huyền thoại Trường Sơn là đề tài vô tận… Hy vọng chuỗi Hồi ký này sẽ góp phần nhỏ bé cho mỗi cán bộ chiến sỹ bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến… - Những người đã đồng lòng chung sức và hy sinh xương máu để có một Trường Sơn huyền thoại chúng ta được hiểu thêm về Trường Sơn, hiểu thêm về một trận mạc thời của chính mình. Và một hy vọng lớn hơn nhiều nhiều – đó là mỗi chúng ta hãy cùng nhau vào cuộc, lần trong ký ức của mình để có thêm những chuỗi Hồi ký, những bài viết, những câu chuyện góp phần làm dày thêm những trang sử chói lọi của Trường Sơn Anh hùng.

       Chuỗi Hồi ký này được đăng tải trong Chuyên mục "Ký ức còn mãi" của Báo Điện tử Trường Sơn.
 
Ban Biên tập Trường Sơn xin trân trọng!
 
 
(Tiếp theo)
   Chương III:
NGÀY ĐẦU THÔNG TUYẾN
 
           Gần 4 tháng treo mình lơ lửng trên các vách đá, lấy dây mây, dây song buộc quanh người làm dây bảo hiểm, vết lằn hằn đỏ  như con lươn, con trạch quanh mình. Từng đôi một thay nhau người cầm chòng, người cầm búa tạ loại 10-15 kg đục lỗ nhồi thuốc nổ Dinamit, TNT vào lưng chừng vách đá  phá núi mở đường. Đá tai mèo sắc lẹm sơ ý là tai nạn. Đôi bàn tay phồng rộp phải dùng rẻ rách quấn lại để chống bỏng rát. Sau khi mìn đã nổ, từng khối đá hàng tấn đổ xuống chồng chất lên nhau lại phải dùng sức người vần xuống vực.  Đói khát, bệnh tất, vất vả, cực nhọc bào dần sức lực. Cả đơn vị bị đi kiết, sốt rét rừng hoành hành, ghẻ lở toàn thân lúc nào cũng phải thủ tay vào 2 bên túi quần gãi ghẻ rách cả da thịt vậy mà chẳng ai đầu hàng.
          Đến ngày 5 tháng 5 năm 1966 thông toàn tuyến Đường 20. Trên con đường dài 123 Km này, đoạn từ Trạ Ang đến km 34 xe chạy chênh vênh trên các vách núi đá nối tiếp nhau, còn lại hầu hết chạy trên sườn núi đất, đến km 69 mới lại có núi đá. Do mệnh lệnh phải gấp rút thông tuyến, nên quá trình thi công có nhiều đoạn đường chỉ hai phần là đất nền của núi đồi, phần còn lại là nền đất mượn từ khối lượng đất bạt núi đổ xuống lại chưa kịp gia cố nên không ổn định. Đường chưa được rải đá chống lầy, nhiều đoạn hẹp, cua gấp, tốc độ xe đi như rùa bò.
        Thời kì đầu, con đường còn được dấu kín dưới những tán cây rừng nguyên sinh của núi rừng Trường sơn, tương đối an toàn chưa bị máy bay Mĩ nhòm ngó, đánh phá . Lầy lội  là kẻ thù chính làm tắc đường, gây rất nhiều khó khăn cho ta.
       Từ tháng 11, gió bấc mưa phùn dầm dề, bầu trời mây dăng xám xịt, gió thổi dần dật rét căm căm. Trung đội 2 thuộc C5 tổng đội 25 TNXP chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đoạn đường phía Bắc ngầm A-Ki. Cái lạnh nơi heo hút rừng núi như dao cắt vào da thịt, thấu đến tận tim gan.
       Trung đội được chia làm ba. Một phần trực đêm ứng cứu xe, hai phần làm ngày chủ yếu chống lầy. Số trực đêm có cả nam và nữ, tất cả đều chui vào mấy cái hầm chữ A, mỗi cái rộng bằng chiếc giường đôi, cũng đủ cho một Tiểu đội cả con trai, con gái chen chúc, lúc đông người chặt quá thì nằm tráo đầu đuôi hoặc nằm nghiêng úp thìa. Lúc không có việc thì tranh thủ ngủ. Hồi ấy vô tư lắm, vả lại việc chống lầy đã vắt kiệt sức lực nên cứ đặt mình xuống là ngáy, có cựa quậy, trở mình qua lại đụng chạm cũng mặc. Nghe tiếng súng báo hiệu có xe bị nạn thì tất cả cùng lao ra ứng cứu.
       Đường mới mở, lượng xe đi nhiều lại gặp mưa dầm nên lầy lộị. Đêm nào cũng vậy, hàng chục chiếc xe bị patine nằm dí một chỗ, bấm còi inh ỏi. Cái nào có tời thì lái xe tự sử lí, móc cáp tời vượt lên. Cái nào không tời thì còn mỗi cách nằm đợi lực lượng trực chiến đến giải cứu.
      Chỉ được một hai chiếc đầu, đến những chiếc tiếp theo là hai vệt bánh lún sâu xuống, gồ lên mô đất dài giữa khoảng cách 2 banh xe ở giữa. Mô đất này là vật cản dưới gầm, đội cầu xe lên. Bánh  xe vẫn quay tít, đất bùn bắn tung tóe, mùi cao su khét lẹt nhưng xe vẫn không nhúc nhích. Măc dù đấy là loại xe hai cầu mới coóng.
        Để giải thoát cho mỗi chiếc xe bị mắc lầy, những ngày đầu mặc dù là đêm tối, mưa rét nhưng anh chị em vẫn phải chui xuống gầm xe, thay phiên nhau lấy xẻng đào hạ thấp bùn đất để không cản cầu xe. Cứ một người dưới gầm xe hì hụi đào thì hai, ba người ở ngoài gầm hỗ trợ. Cách làm này rất mất thời gian, vả lại không thể cứ chui xuống gầm xe đào đất bùn suốt cả đêm, hàng cây số. Đào song, xe chạy cũng chỉ được vài cái rồi đâu lại vào đấy. Trong khi trời lạnh, chui ở gầm xe ra ai nấy mặt mũi, quần áo đầu tóc lấm lem bùn đất, chân tay tê lạnh, mặt mày mệt mỏi, phờ phạc.
        Lúc đầu bọn con trai tự nguyện nhận lấy phần việc chui gầm xe đào đất. Nhưng rồi thấy việc làm quá vất vả, thương cánh con trai nên chị em đòi được công bằng. Thế là tất cả như nhau, ai cũng phải thay phiên làm cái việc chẳng ai muốn là chui vào gầm xe.
        Cũng có ý kiên đề xuất : dùng bộc phá với một lượng vừa đủ cho nổ để thổi bay gờ đất đó. Nhưng trên không đồng ý, sợ làm rụng lá cây lộ mặt đường. Thử dùng sức người, vừa kéo phía trước, vừa đẩy phía sau. Cả Trung đội dô ta, chiếc xe rú lên, cả 4 bánh quay tít, như muốn chồm lên nhưng đành bất lực. Phía sau bùn đất bắn tung tóe đẩy người.  Chỉ còn hai cách: hoặc là chống lầy bằng đá, hoặc là bằng cây que. Đoạn đường này xa các mỏ đá, xe chở đá cũng bị xa lầy nên chỉ còn cách dùng cây que, được gọi bằng hai từ “ rong đanh “. Chống lầy bằng  rong đanh. Những ai ở đường 20 giai đoạn 1966-1967 đều biết đến hai từ này.
        Bùn đất trên mặt đường được san phẳng, hơi nghiêng về phía taluy dương. Những cây thẳng, dài chừng 4m, đường kính từ 8-10cm được anh chị em vào rừng chặt mang ra. Theo chiều dọc đường cứ khoảng cách 0,5m lại dải một cây, đầu cây nọ nối đuôi cây kia. Đoạn nào đất bùn nhão hơn thì đặt dầy hơn. Giữa hai vệt bánh xe được tăng cường thêm hai cây. Riêng mép ngoài phía taluy âm phải buộc bó 3 cây đề phòng lún nghiêng xe đổ xuống vực do đất mượn.
        Sau đó đặt các cây gỗ tròn lên trên theo chiều ngang đường. Cây nọ xếp khít cây kia, tráo trở đầu đuôi. Khi đã dải xong , bên trên hai phia taluy âm và dương  đóng cọc, dùng dây song buộc ghìm lại để chống bị xô đẩy trong quá trình xe chạy. Chặt mãi rồi cũng hết, đánh phải dùng cả những cây có đường kính chỉ 8-9 cm. Lưu lượng xe qua nhiều, nền đất không ổn định nên hiện tương rong đanh bị gẫy, bị xô,  bị nghiêng về phía taluy âm, bị đứt các dây buộc ghìm thường xuyên xẩy ra buộc phải tổ chức 1 tổ tuần tra ngay trong đêm để kịp thời sử lí tình huống.
         Tuy chỉ là giải pháp tình thế, nhưng chống  lầy bằng rong đanh là quyết sách ở thời điểm đó. Nhước điểm lớn nhất của giải pháp này là rong đanh không có độ bám. Chỉ vài chuyến xe qua, vỏ cây rong đanh bị bong ra còn trơ lại phần thân cây, lúc ấy bánh xe không có độ bám rất dễ bị trơn trượt văng ra phía taluy âm hoặc không thể leo lên dốc. Rút kinh nghiêm, cấp trên đã  bố trí xe có tời ở những con dốc cao để sẵn sàng hỗ trợ khi có sự cố. Còn lực lượng bảo đảm giao thông thì phải giá cố thêm cây que ở phần đường đất mượn. Ở những phần đường yếu, chọn những cây to và  đều, tạo mặt đường  nghiêng hẳn về phía taluy dương, nếu xe có gặp sự cố thì không bị văng xuống vực.
        Có 2 tình huống xẩy ra lính công binh e ngại, thứ nhất là: xe bị dệ xuống ta luy âm. Lúc ấy đường sẽ bị tắc, cả đoàn xe ùn ứ lại phía sau cả tiếng đồng hồ. Phải tập trung toàn lực dỡ hàng, thậm chí phải bóc cả rong đanh để kéo xe lên. Thứ hai: Chiếc xe cõng trên mình 2-3 tấn hàng đang chạy bỗng ở phía dưới lốp cây rong đanh bị gẫy. Thường đã gẫy là phải vài cây, bánh xe như bị chèn chặt lại, lún sâu xuống đất, không thể tiến mà cũng chẳng thể lùi. Giải pháp ứng cứu cũng lại phải dỡ rong đanh ra mới đưa xe lên được.
        Hàng vạn cây rừng bị chặt. Cả chục cây số  đường được dải rong đanh. Có lẽ trên thế giới này không ở đâu có kiểu chống lầy như vậy. Do yêu cầu bảo đảm bí mật nên việc chặt cây phải phân tán ra. Anh chị em phải vượt suối, leo núi đi sâu vào rừng cả cây số mới đủ số lượng cây để lát đường. Muỗi vắt, trơn trượt, mang vác nặng, vất vả, cực nhọc, mưa rét, nhiều người trượt ngã nhưng ai cũng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao. 
        Ai là người có sáng kiến chống lầy bằng rong đanh, và tại sao lại gọi là “ rong đanh “ đến bây giờ vẫn còn là điều bí ẩn. Với riêng tôi  sáng kiến ấy phải được coi như một phát minh vĩ đại trên đường Trường Sơn. Nhờ có nó mà anh chị em TNXP, bộ đội công binh và các chiến sỹ lái xe đỡ  vất vả, hạn chế được nguy hiểm, hạn chế cảnh xe bị  xa lầy trong bùn. Tốc độ và khối lượng đưa hàng vào trong nhanh hơn, nhiều hơn.
          Không thể giấu mãi cả trăm cây số đường, nhất là những đoạn phải qua sông, qua suối, những đoạn chênh vênh trên lưng chừng vách núi địa hình hiểm trở địch tập trung bom đạn đánh phá ác liệt ngày đêm trở thành các trọng điẻm. Có trọng điểm dài cả cây số như đèo Phu-la-nhích, cua chữ A,  nhưng cũng có trọng điểm chỉ vài trăm mét như ngầm A-Ki, cà-roong. Ngoài những trọng điểm địch tập trung đánh phá, còn lại hơn một trăm cây số đường chúng dùng thuốc diệt cỏ có  diệt sạch màu xanh rộng ra 2 bên đường cả trăm mét. Ở đấy OV10 thường xuyên trinh sát, nhòm ngó khi phát hiện được những bất thường chúng sẽ chỉ điểm cho phản lực đến đánh phá.
        Có một lần trong khi cùng Tiểu đội đang mở rộng một khúc cua phía bắc ngầm A-Ki thì bỗng xuất hiện chiếc AC130 to  như cái ô tô xà xuống ngọn cây, từ 2 bên cánh phun ra một lớp sương mù mầu trắng. Cái thứ sương ấy thấm vào người lạnh lạnh. Sau đấy chỉ một tuần lá cây  rụng chết sạch, con đường trơ ra trước thanh thiên bạch nhật, còn tất cả chúng tôi mãi sau này mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam Điô-xin ( Đến năm 2015 tôi được công nhận là nạn nhân chất độc da cam-Đio xin ). Cộng với sốt rét rừng, điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ sức khỏe của mỗi người giảm sút trông thấy. Có chiến sỹ đã hy sinh vì sốt rét ác tính.
          Mở được con đường vượt qua trùng điệp của núi rừng Trường Sơn đã là một kì công, nhưng để bảo đảm cho con đường ấy thông xuốt trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự đánh phá ác liệt của máy bay Mĩ kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam thì đúng là một kì tích của ý chí vươn lên, tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, chiến đấu hy sinh của các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh.


(Còn nữa)
 
 


 
tin tức liên quan