"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (4)

Ngày đăng: 08:14 21/02/2024 Lượt xem: 71
 
 
(Tiếp theo)
   Chương IV:
RÉT TRÊN ĐỈNH TRƯỜNG SƠN
 
          Tôi vào Trường Sơn tháng 9/1965 nhưng phải đến tháng 11 năm 1966 mới thực sự được tận hưởng cái rét khủng khiếp của núi rừng Trường Sơn. Đặc trưng của cái rét trên đỉnh Trường Sơn là gió bấc, mưa phùn, sương muối. Bầu trời là là trên đầu một mầu đen xám xịt; gió lùa hun hut, thổi dần dật, cây cối nghiêng ngả; sương mù dăng dăng trắng xóa phả hơi lạnh vào mặt, đứng cách chục mét nhìn  nhau chỉ thấy lờ mờ.. Lạnh tê tái, mặt mày xám ngoét, chân tay run rẩy, hai hàm răng thi nhau gõ mõ.
          Để chống chọi lại, gia tài của mỗi chúng tôi là một cái áo nỉ chui cổ mầu tím than, 2 bộ quần áo vải Triều Tiên để mặc cả mùa hè và mùa đông, 2 cái quần đùi, 1 cái mũ cối  và 1 đội giầy vải cao cổ  hiệu Trung Quốc. Ngoài ra còn một cái chăn chiên, một màn đơn và một chiếu cói. Đêm ngủ có bao nhiêu chất hết lên người, đắp chồng 2 cái chăn, 2 cái màn và chồng 2 cái chiếu dải ở dưới, phía trên cùng phủ tâm nilon đi mưa vừa để chống lại những hạt sương “ quá mù hóa mưa” từ trên nhỏ xuống vừa để chống rét. 2 đứa nằm co ro, úp thìa ôm chặt “ khít khìn khịt ” để chuyền hơi âm sang cho nhau. Da thịt chỗ nào hở ra thì cái rét sắc lẹm như lưỡi dao cứa vào.
          Lán ở được dựng dấu kín dưới tán cây, làm bằng khung tre, lợp bằng lá cọ, xung quanh được che chắn bằng phên nứa, gió và sương muối cứ thế luà vào. Gió rít, căn lán run lên bần bật. Ngày thì cấm không được đốt lửa sưởi vì sợ khói, tối cũng cấm vì sợ ánh lửa gọi bọn máy bay và thám báo đến.
          Đi trực là đi vào cuộc chiến, ấy vậy mà chỉ phong phanh một bộ quần áo vẫn còn ẩm trên người, gió thổi tơi tả. 10 đầu ngón chân bị cước xưng tấy, mọng đỏ, đau nhức. Chỉ cái cuốc, cái xẻng cầm trên tay là vô tư chịu rét. Căn hầm trực đủ chỗ cho 1 tiểu đội cả con trai, con gái, 2 cái chăn chiên ẩm mốc hôi xì xì. Nằm đấy chờ, khi có tiếng súng báo hiệu sự cố, tất cả vùng dậy với bộ quần áo phong phanh lao ra mặt đường.
          Cái rét cũng phải chào thua. Ngơ ngác không hiểu ngoài da thịt, những con người này nam nữ tuổi mười tám đôi mươi còn được gia cố bằng cái gì mà lại kiên cường đến thế.
          Ngoài những chiếc xe có tời tự thoát ra được, còn lại phải dùng đến sức người. Cả tiểu đội trực túm vào vừa kéo, vừa đẩy rồi thay nhau chui xuỗng gầm bới đất giữa 2 vệt bánh xe. Cứ như thế việc cứu xe kéo dài đêm này qua đêm khác, trên người mỗi chúng tôi bê bết bùn đất, quần áo ướt đẫm sương, run rẩy trong cái lạnh thấu xương thịt của núi rừng Trường Sơn.
          Sáng hôm sau phải leo núi vượt hàng cây số đường mòn trơn trượt, lội qua 2 con suối mới về đến lán. Nước suối mùa này chỉ lưng bắp chân nhưng lạnh đến tê tái, mặc cứ thế mà lội. Vội vã rửa ráy, giặt giũ sơ qua, nhanh chóng và lưng cơm với rau tầu bay luộc chắm mắm tôm thùng của Trung Quốc ( hôm nào có bữa tươi thì thêm đĩa cá khô rim mặn chát ). Tranh thủ chìm vào giấc ngủ như 2 cái thìa úp chặt vào nhau. Quần áo giặt đưa vào một cái lán làm riêng để hong sấy. Sợ máy bay Mỹ phát hiện ra khói nên chỉ đến tối mới được nhóm lửa. Nếu sáng hôm sau mà không kịp khô thì vẫn phải mặc vì chẳng còn gì để khoác lên người cả. Chui vào trong chăn hơi người sẽ sấy tiếp thể nào nó cũng khô.
          Với cánh con trai chúng tôi vài tuần không tắm là “ chuyện nhỏ”. Chẳng dại gì lại cởi hết quần áo, trần như nhộng phơi mình giữa đại ngàn để đón gió lạnh, để đổ lên người cái thứ nươc lạnh giá như băng tuyết ấy. Thà bẩn còn hơn. Ẩm thấp, dơ day đứa nào cũng trở thành mồi ngon cho lũ ghẻ. Hai bên bẹn như 2 miếng bánh đa nướng, 2 bàn tay không có lúc nào rỗi, ngoài cầm cuốc xẻng thì chức năng chủ yêu là thọc vào 2 bên túi gãi ghẻ. Chẳng thế mà túi quần bao giờ cũng bị rách trước.
          Có một điều rất lạ: rét như thế, điều kiện sống khám khổ như thế,  nhưng không hề có một lời kêu ca, than vãn, ốm đấy rồi lại khỏe. Kệ. Tuổi trẻ cứ vô tư, bom đạn còn chẳng ngán, rét như thế ăn nhằm gì, chịu được bởi vì trong mỗi chúng tôi còn có một dòng máu nóng từ ngàn đời cha ông truyền lại không biết sợ, không biết khuất phục.
          Mặt suối phủ kín một lớp khói sương là là, cứ mở miệng là khói từ trong tỏa ra. Hồi ấy cứ sau mỗi ca trực, tầm cơm nước xong là con trai con gái lại tụ tập trong bếp hong quần áo. Thôi thì quần to quần bé, áo to ao con chẳng cần ý tứ gì , tất cả cứ khoe ra trước mặt nhau. Lúc đầu cũng có ngại ngùng, sau rồi cũng thành quen như là chuyện nó phải thế.
         Nhưng rồi để tránh bị lộ khói, máy bay địch nhòm ngó Trung đội quyết định làm hẳn nhà sấy quần áo, quây kín tất cả chỉ được hong vào buổi tối để tránh ban ngày địch phát hiện. Trong nhà sấy chăng dây, con trai riêng, con gái riêng. Lúc đầu quy định như thế nhưng rồi đi tác nghiệp về mệt thế là giũ tạm cho hết đất, vắt thật khô và quăng lên dây, mặc kệ con trai con gái cứ lộn tùng phèo.
        Cùng “ hoàn cảnh” như nhau nhưng nhiều hôm trực đêm cùng nằm với nhau tôi vô tình chạm tay vào thấy quần  thằng Đức đang mặc khô hơn, còn của tôi vẫn ẩm, rét như kim đâm vào da thịt.
         Tôi gặng hỏi: Này sao tao với mày cùng sấy mà của mày khô hơn của tao.
         Nó bảo: Tại mày không vắt kiệt nước, cứ để ướt sũng như thế mà phơi có đến tết cũng chả khô.
         Hôm sau tôi cũng làm như thế mà vẫn không thể khô bằng của nó.
-Tao hỏi thật nhá, thế mày không ngủ chỉ ngồi hong quần thôi à.
-Như thế có mà chết à, lấy sức đâu mà chiến đấu.
-Thế…
-Mày ngu lắm – Nó mắng tôi – Mấy chục cái quần áo cái nào cũng cùng mầu giống nhau, cứ cái nào khô thì diện, tội gì. Thể nào tôi thấy có hôm bộ quần áo nó mặc chặt cứng vào, hôm thì rộng.
-Nhỡ…- Nhỡ rét thì đừng kêu.
         Từ hôm sau tôi noi gương nó. Mọi việc xuôi sẻ.
         Một hôm, khác với thường lệ sau khi quần áo chỉnh tề chuẩn bị ra mặt đường thì Trung đội trưởng cho tợp hợp tất cả bọn con trai lại để kiểm tra, lần lượt từng người một.
        Tôi và thằng Đức vẫn tỉnh bơ vì cái nào chả giống cái nào. Đến lần thằng Đức và tôi thì anh kiểm tra cả phía trong cạp quần và cổ áo.
-Hai cậu mặc quần áo của ai.
-Dạ không, quần áo của chúng em mà.
-Sao lại có tên con gái. Anh lật ra và tôi thấy ở cạp quần có chữ Thu Hương còn ở vạt áo lại có chữ Vân Anh.
         Tôi vội chữa thẹn: Thế chắc em mặc nhầm.
-Chặt như thế mà cũng nhầm được à.
-Anh ạ, vội quá nên em cũng chẳng để ý. Em xin rút kinh nghiệm ạ.
         Trung đội trưởng nghiêm mặt: Vào thay ra, mặc đúng quần áo của mình. Tôi quy định: Tất cả phải viết tên của mình vào cạp quần và cổ áo. Từ nay ai còn cố tình mặc nhầm là kỉ luât.
          Hôm sau tôi mắng thằng Đức: Tại tao nghe mày, xấu hổ quá.
-Sao mày không lấy của con trai mà mặc, lại mặc của bọn con gái.
-Thì tao thấy nó khô.
-Chết ở chỗ ấy. Của con gái chật như thế mà cũng cố kéo làm xoạc cả đũng quần chúng nó kêu là phải.

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan