"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (5)

Ngày đăng: 06:37 23/02/2024 Lượt xem: 59
 
 
(Tiếp theo)
   Chương V:
MÙA MƯA Ở TRƯỜNG SƠN
 
          Ở Trường Sơn thời tiết chia đôi làm 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Tháng 8 là tâm điểm mùa mưa, còn mùa khô chính thức khoảng từ khoảng giữa tháng 10  kéo dài đến khoảng tháng 6 năm sau ( Nói là khoảng vì có thời gian du di xen kẽ giưa 2 mùa ) và đấy cũng là mùa vận chuyển chính đưa hàng từ hậu phương Miền Bắc cho chiến trường miền Nam của bộ đội Trường Sơn.
          Cả 6 tháng mùa khô bầu trời trong vắt không một gợn mây, nắng như đổ lửa, nóng như rang, “ Nước khe cạn bướm bay lèn đá”, có bói cũng chẳng lấy đâu ra một giọt mưa.
          Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là lúc giao mùa, mưa nắng thất thường, đất lở, đường lầy lội; nước ngầm dềnh lên đỏ ngầu. Những chuyến hàng phải giảm bớt tải trọng, tranh thủ thời gian chạy lấn mùa đến lúc không thể chạy được mới thôi. Đây cũng là thời điểm địch tăng cường đánh phá, việc bảo đảm thông đường, thông xe gặp vô vàn khó khăn, vất vả, nguy hiểm.
          Đơn vị phải huy động mọi lực lượng ra đường ứng trực chống lầy. Những căn hầm trực chiến được gia cố lại để chống mưa, chống dột. Hàng chục khối đá được tập kết ở những nơi lầy lội. Máy ủi, xe Zin 3 cầu có tời luôn trong tư thế sẵn sàng kéo, lôi, đẩy những chiếc xe bị patine,  bị trơn trượt cắm đầu, rệ đuôi xuống taluy âm để nhanh chóng giải phóng mặt đường. Lớp đá rải mặt đường không còn tác dụng, đất nhão nhoét, bánh xe quay tít, bùn đất bắn tung tóe. Hai vệt bánh xe tạo thành hai rãnh lún sâu xuống mặt đường đội cầu xe lên, lính công binh phải thay nhau chui xuống gầm dùng xẻng đào đất, độn đá. Ỳ ạch cứ thế, cứ thế từng chiếc xe một nặng nhọc nhích dần lên.
          Đầu tháng 7 chính thức bước vào mùa mưa. Mấy tháng trời có bói cũng không ra một sợi nắng. Cả bầu trời mây đen xám xịt, sũng nước. Mưa trắng trời, mưa thối đất. Cả ngày lẫn đêm, tháng này qua tháng khác. Sấm chớp rền vang xé nát bầu trời, Trường Sơn oai hùng, kì vĩ là thê mà phải nhún nhường dầm mình trong tầm tã mưa rơi. Nước từ trên các khe núi ào ào dội xuống. Con đường mất dạng chỉ còn lại một vệt đỏ của cả ngàn khối đất đá từ trên vách ta luy dương đổ ập xuống phủ kín. Hàng trăm chiếc hầm bị phá hủy, xô đẩy kéo xuống vực hàng ngàn chiếc cọc tiêu. Phía taluy âm nước xối xả kéo đất đá xạt lở truồi xuống vực sâu xóa đi hàng cây số đường. Lũ rừng đổ về, suối to, suối nhỏ nước dâng lên cao, đỏ ngầu mang theo cả những cây gỗ to người ôm không xuể. Lũ quấn trôi tất cả. Ngầm Ta-lê chia cắt đôi bờ, hàng trăm khối đá to nhỏ bị nước cuấn đi, xóa sạch mọi dấu vết.
          Bộ đội ở tất cả các trạm trực, các chốt được rút về tập trung trong các hang đá kiên cố ở km 82 phía bắc ngầm Ta-lê và km 34 phía nam đèo Phu-la-nhích. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong đó.
          Con đường vốn sôi động, kiên cường mạnh mẽ là thế, không hề run sợ trược bom đạn kẻ thù bỗng chốc phải cúi đầu chịu khuất phục trước những trận mưa tầm tã, khắc nghiệt xuốt ngày đêm.
          Mưa, nắng ở trường Sơn đã thành quy luật, trước khi mùa mưa ập đến, đơn vị đã phải dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô đủ dùng trong cả mùa mưa. Khẩu phần ăn chủ yếu là cơm với mắm tôm, măng tre luộc và rau tàu bay, đấy là bài ca bất tận trên bàn ăn hàng ngày trong mùa mưa. Sau này điều kiện khá hơn thì có thêm thịt hộp, thịt muối, cá hộp, một số loại rau được xấy khô từ hậu phương chuyển vào. Bộ đội phải luân phiên đi sâu vào rừng cả chục cây số đào măng tre, măng nứa mang về thái miếng hoặc chẻ sấy khô, ngâm chua. Rau tầu bay non mơn mởn,  chẳng phải trồng tự nó mọc đầy quanh mép các hố bom, cái giống này càng mưa nó phát triển càng mạnh, càng non. Đến cuối mùa mưa gạo dự trữ trong kho bị ẩm, mốc đóng thành từng cục, bưng bát cơm lên mùi hôi sộc vào mũi thế mà vẫn  ngon, chẳng ai bỏ bữa cả. Đơn vị có bộ phận tăng gia nằm sâu trong rừng, thi thoảng lại có thịt tươi, rau tươi gửi về, bữa ăn thêm thịnh soạn cứ như tiệc cưới.
          Khí hậu ẩm thấp, muỗi vắt nhiều vô số kể, chúng tấn công con người từ mọi phía, không có việc gì làm thì chui vào màn. Ai cũng bị sốt rét rừng, có thời điểm cả Trung đội ăn cháo, trùm chăn nằm bẹp. Người sốt nhẹ gắng gượng phục vụ người ốm nặng hơn. Có đồng đội nữ bị sốt ác tính, không kịp cấp cứu chị đã qua đời. Thiếu nắng da dẻ nhợt nhạt, chăn màn ẩm mốc, quần áo hôi hám mặc dù đã được hong, sấy dưới lửa. Chấy rận tấn công, ghẻ lở hoành hành. Cuộc sống chỉ quanh quẩn: ăn, ngủ, bần thần ngắm mưa rơi và…nhớ nhà. Đơn vị cũng có lịch sinh hoạt, học tập chính trj, văn nghệ…nhưng thấm tháp gì so với cả 6 tháng vị chi là 180 ngày “ ăn hang ở lỗ ” theo đúng ngĩa đen của câu này.
          Đường xá bị chia cắt, dưới chân núi mênh mông nước. Mọi liên lạc đều qua điện thoại, nếu chẳng may đường dây gặp sự cố là mù tịt, có xử lí được cũng phải mất nhiều ngày. Đều đặn hàng tuần phải tổ chức lực lượng đi trinh sát, nắm tình hình để chuẩn bị các phương án thông đường cho đầu mùa khô. Việc trả lại mặt đường đã khó nhưng khó nhất là khôi phục lại ngầm. Thời điểm đầu mùa nước vẫn còn cao, đục ngầu, chảy xiết. Tạo nền phải là những tảng đá to hai người khiêng ( chỉ việc đưa được lên xe ben đã vô cùng khó khăn ), sau đó mới cho các loại đá nhỏ hơn chèn vào, làm sai “ quy trình ” thì mọi công sức đều thành công cốc. Mùa mưa máy bay địch không đánh phá thường xuyên nhưng hàng ngày vẫn có tiếng  ầm ỳ và những loạt bom tọa độ vu vơ trút xuống.
          Giao mùa là thời điểm vất vả nhất của lính công binh. Không phải chờ thời tiết khô hẳn, chỉ cần ngớt mưa là phải tác nghiệp, thông đường để xe chạy lấn mùa. Thông đường ở thời điểm này chủ yếu phải dùng sức người, xe máy chưa phát huy được tác dụng. Đất, đá với nước trộn lẫn thành một thứ hỗn hợp xúc cũng khó, đào bới cũng khó, dùng bộc phá lại càng làm khối lượng đất sạt lở thêm. Để có thể khai thông được một mét đường có thể phải làm đi làm lại nhiều lần. Đất từ trên cao đổ xuống lại xúc, hôm sau lại đổ xuống, lại xúc. Phải luôn xem chừng, cảnh giác, hàng trăm mét khối đất đá đổ ập xuống bất kì lúc nào. Đấy cũng là thời điểm máy bay Mỹ tăng cường đánh bom tọa độ.
          Đi thông đường chẳng khác gì tắm bùn, quần áo đầu tóc vương đầy bùn đất. Vất vả, cực nhọc, nguy hiểm là thế nhưng không gì có thể cản được tinh thần chiến đấu hy sinh của mỗi chúng tôi những người lính công binh trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.
           Thông đường, thông xe đã là mệnh lệnh từ trong trái tim của mỗi người lính chúng tôi.

(Còn nữa)
         
 
 
tin tức liên quan