"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (7)

Ngày đăng: 10:01 26/02/2024 Lượt xem: 58
 
(Tiếp theo)
   Chương VII:
KẺ CHỈ ĐIỂM GIẤU MẶT
 
             Từ km 72 đến km 76 ( chân phía Bắc cua chữ A, trong dẫy trọng điểm lien hoàn ATP) là một cung đường tương đối thẳng trên đường 20 - Quyết thắng. Đường chạy trên một thung lũng bằng phẳng, được bao quanh bởi những dẫy núi đa vôi gần hai bên đường.
            Hồi chưa có chiến tranh, nơi đây là một thung lũng đẹp, nơi định cư của bản người dân tộc Cà-roòng, tên là bản Noọng-ma. Chiến tranh xẩy ra, con đường chạy qua bị máy bay Mĩ đánh phá dữ dội, bà con bỏ bản sơ tán vào núi. Cứ vào mùa là những cây ăn quả còn sót lại: bưởi, ổi…chín vàng rực, ngào ngạt hương thơm, lính tráng chúng tôi hay tranh tụt tạt vào đấy kiếm ăn.
           Đầu mùa khô năm 1968, bỗng xẩy ra một hiện tượng lạ. Liên tục trong 10 ngày đầu tháng 11 hễ cứ có xe qua đoạn đường này, dù chỉ là 1 chiếc cũng lập tức bị máy bay ập đến tung pháo sáng đánh phá ác liệt, kể cả lúc xe vào đầy ắp hàng và khi xe ra trên thùng rỗng không.
           Mục đích của sự đánh phá kiểu này không phải nhằm phá hủy, gây tắc đường bằng những loại bom tấn, bom tạ ( vì địa hình bằng phẳng, nếu có đánh trúng đường thì xe ta vẫn có thể vòng tránh qua hố bom để đi ) mà chủ yếu ngăn chặn bằng bom bi, bom phát quang, bom phốt pho… gây hoang mang, tổn thất cho các chiến sỹ lái xe, lực lượng công binh giữ đường. Thời kì đầu thủ đoạn đánh phá này đã gây cho ta không ít khó khăn, lúng túng.
          Theo quy luật, sau khi rời địa điểm tập kết, nếu vào mùa đông trời u ám, nhiều mây thì khoảng 19h30 - 20h xe bắt đầu qua đoạn đường này. Còn nếu là mùa hè thì khoảng 20h30– 21h. Lúc đầu ta nhận định: địch đánh theo quy luật giờ xe chạy nên chủ động thay đổi,  cho xe qua đoạn đường này chậm hơn 30 phút, rồi 1 tiếng; đi dãn đội hình, tạo khoảng cách xa giữa xe trước với xe sau…song tất cả đều không linh nghiệm. Cứ như là có kẻ địch đang rình rập đâu đây, thấy rõ mọi hoạt động của ta.
          Rõ ràng không phải địch đánh theo quy luật thời gian xe chạy. Vậy chỉ còn 2 khả năng, thứ nhất: Hoặc là chúng đã thả biệt kích xuống khu vực này, ẩn nấp đâu đó, chỉ điểm chính xác cho máy bay đến đánh phá (Lực lượng bộ binh của trên sẽ đảm nhiệm ra soát khả năng này). Hoặc là: Chúng đã sử dụng phương tiện điện tử để phát hiện tiếng động. Cùng thời điểm đó, trên thông báo địch đã sử dụng cây nhiệt đới để phát hiện tiếng động trên toàn tuyến. Chỉ biết thế thôi chứ đã ai nhìn thấy cây nhiệt đới như thế nào đâu.
          Ngoài đài quan sát của Tiểu đoàn, Đại đội cũng lập thêm đài quan sát gần trọng điểm. Từ đó phát hiện:  cứ khoảng tầm 3 giờ chiều, cách ngày hoặc 2-3 ngày bỗng dưng có tốp máy bay lao dọc theo tuyến đường với tầm cao rất thấp rồi vút lên biến mất như kẻ chạy trốn. Không cắt bom, không có tiếng nổ.Từ hiện tượng bất thường ấy chúng ta rút ra kết luận: chắc chắn địch đã thả một thiết bị gì đó xuống đường.
        Hôm ấy, sau khi 2 chiếc F4 xà thấp xuống rồi mau chóng lao vút đi, cậu Thắng và Công được phân công đi đi trinh sát. Trên đường về, chúng nó tụt tạt vào tìm quả. Lúc ra vội vàng  chẳng chịu quan sát, Công vấp phải cành củi khô ngã dúi dụi. Lúc đứng dậy nó nhìn thấy cành cúi lạ. Quan sát kĩ, rồi lấy tay sờ mó thì phát hiện vật lạ giống cây nhiệt đới đã được mô tả, thông báo từ trước. 
        Nghe báo cáo xong, chỉ huy đơn vị Lập tức điều cả Trung đội  “đi  càn” dọc 2 bên đường và “ kẻ chỉ điểm giấu mặt”  bị lật tẩy.
       Đây là vũ khí trinh sát điện tử rất hiện đại của Mĩ, nó có tên khoa học là  Tranggen Radio. Ta gọi nôm na là “cây nhiệt đới”. Thiết bị chính nằm trong một ống nhựa cứng có thể chống va đập. Bên trong chia 3 tầng điện tử gồm các linh kiện bán dẫn, tụ, kháng…một khối pin lớn và một micro nối với cần ăngten phía trên dài khoảng 60-70 cm. Trên thân ăngten có 4 cái râu, một râu chọc thẳng lên trời, 3 râu còn lại hướng ra 3 phía, đấy là bộ phận thu nhận và phát tín hiệu về trung tâm sử lí. Khi được thả xuống, phần thân của cây nhiệt đới cắm xuống đất và được giữ lại bởi 4 cánh bằng hợp kim, chỉ mấy cái râu chìa lên trên. Nó được thiết kế và có màu sắc ngụy trang rất giống một cành cây khô, rất khó phát hiện. Ở càng gần mặt đường thì hiệu quả phát hiện tiếng động càng cao. Đấy cũng là một thành phần trong hàng rào điện tử Macnamara của Mĩ. Cây nhiệt đới sau khi thả xuông có thể hoạt đông thu phát tín hiệu liên tục 65-70 ngày.
         Quy trình hoạt động của Cây nhiệt đới là thu tín hiệu từ các chấn động trên mặt đất. Sau đó phát tín hiệu lên không trung cho máy bay ở độ cao 15-20km. Nhận được tín hiệu, nó lập tức truyền thông tin về trung tâm xử lý ở đảo Guam. Trung tâm này  xác định tọa độ khu vực có tiếng động, rồi  truyền tín hiệu về sở chỉ huy để điều động máy bay ở khu vực gần nhất đến oanh tạc. Quy trình xử lý phát  tín hiệu thông tin từ cây nhiệt đới đến các bộ phận chỉ diễn ra trong ít phút.
        Cây nhiệt đới có độ nhậy phát hiện tiếng động rất cao. Nó đúng là kẻ chỉ điểm giấu mặt. Địch sử dụng nó để phát hiện các chấn động như có xe chạy qua hoặc trong các kho tàng, doanh trại bộ đổi. Cứ xe qua mặt nó là bị phát hiện, lạp tức máy bay từ đâu ập đến đánh phá. Cây nhiệt đới chỉ phát huy hiệu quả khi được thả ở những khu vực bằng phẳng. Dù đã được ngụy trang rất kĩ, nhưng chỉ vài chiến sỹ trinh sát tinh mắt là có thể phát hiện được. Khi đã phát hiện được thì chỉ cần nhẹ nhàng bước tới buộc chập cả 4 râu ăngten lại là nó bị “chết”, không còn tác dụng gì. Thường thì khi phát hiện được, thao tác đầu tiên của các chiến sĩ ta là cắt đứt cần ăngten rồi sau đó mới đào mang về,  tháo lấy linh kiện. Nghe nói linh kiện này lắp đài tốt lắm nên trong balô chiến sỹ nào  cũng có vài vỉ. Mỗi lần chúng thả như vậy ít nhất là 8 cây. Lần nọ gối lần kia, nếu không bị phát hiện thì những kẻ “ chỉ điểm” giấu mặt ấy sẽ nằm dầy đặc 2 bên đường. Có ngày quân ta khuân về cả chục cây vất lăn lóc cạnh hang.
         Nhớ mãi một lần chúng tội bị Tiểu đoàn trưởng gọi điện phê bình khá gay gắt. Ông nghiêm cấm không được để tái diễn hiện tượng ấy lần thứ hai.
         Chẳng là, có một buổi chiều sau khi đã xác định đúng máy bay địch vừa thả cây nhiệt đới từ đài quan sát báo về. Một tổ trinh sát 4 người được cử đi bắt. Khoảng 2 tiếng sau, bỗng từng tốp máy bay thi nhau lao xuống đánh phá một sườn núi đá cách mặt đường chừng 300m. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom nổ chát chúa trên vách đá, cũng chẳng hiểu sao chúng cứ nhè vào đấy mà đánh. Các chiến sỹ trinh sát thì chưa về, ở nhà chỉ huy chúng tôi sốt ruột, đứng ngội không yên.
        Đến chiều muộn mới thấy 4 đứa về, mỗi đứa vác theo 2 cây nhiệt đới, vẻ mặt hớn hở, nói cười vui vẻ. Chúng nó khoe: ngay trước khi đi đã bàn với nhau : phen này phải cho bọn Mĩ tẽn tò một trận. Sau khi đã càn quét nhiều lần, xác định đã bắt được hết “ tù binh”, tốp trinh sát đưa chiến lợi phẩm vào trong một cái hang kiên cố, chôn 4 cây xuống rồi  tạo  chấn động giả. Lập tức 2 phút sau từng tốp phản lực thi nhau lao xuống đánh phá. Còn lính ta thì tránh sang hang khác để thưởng thức thành quả.
         Sở dĩ cuộc đánh phá kéo dài cả tiễng đồng hồ vì khi những tốp máy bay trút hết bom quay đi, lính ta lại tiếp tục tạo chấn động và tốp khác lại  bay đến đánh tiếp.
         Quả này không quân Mĩ tha hồ báo cáo thành tích và rất có thể trong  ngay tối hôm đó đài BBC, RFI, CNN… đã đưa tin :  chúng  đã triệt phá được một kho hàng, một căn cứ hoặc một đoàn quân Việt cộng đang “xâm nhập trái phép” vào Miền Nam. 
         Ở thời điểm đó, cây nhiệt đới, bom từ trường, bom Laser là những thứ vũ khí hiện đại của Mĩ được sử dụng để đánh phá, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Nhưng dù có hiện đại đến mấy chỉ sau một thời gian ngăn,  bằng chí thông minh và lòng quả cảm cán bộ, chiến sỹ chúng ta vô hiệu và làm chúng phá sản hoàn toàn.
            
(Còn nữa) 
 
 
tin tức liên quan