"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (8)

Ngày đăng: 06:29 28/02/2024 Lượt xem: 70
 
 
(Tiếp theo)
   Chương VIII:
SỰ TÍCH CON GIAO TÔNG KHẮC CHỮ C3TP
 
      Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ con dao tông bằng thép, có khắc chữ: C3TP.  Đấy là một hiện vật quý gắn liền với tên tuổi của nữ AHLLVT Nguyễn Thị Vân Liệu tại trọng điểm cua chữ A, trên đường 20 - Quyết thắng.
     Cua chữ A là một trọng điểm trong dẫy trọng điểm liên hoàn A.T.P (Cua chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích). Nằm trên đỉnh Trường-sơn, nơi đây địa hình hiểm trở: dốc cao, vực sâu, đường hẹp, những khúc cua gấp hình chữ A tạo thành những A me, A con nối nhau chạy dài cả cây số.
     Ngày nào máy bay Mĩ cũng nhòm ngó. Ít thì một vài loạt bom, nhiều thì chúng thay nhau đánh phá liên tục hàng giờ liền. Khác với ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích, ở cua chữ A do đặc điểm của địa hình nên thủ đoạn đánh phá của chúng chủ yếu là lượn vòng quan sát mục tiêu rồi bổ nhào cắt bom. Có 2 loại bom thường được sử dụng là bom phá và bom nổ chậm, còn các loại bom khác hầu như không hiệu quả. Thông thường chúng đánh kết hợp cả 2 loại bom này. Những quả bom nổ chậm bị đất đá từ những quả bom phá vùi lấp trở thành “ kẻ sát nhân” giấu mặt.
      Ở cua chữ A, hố bom chồng lên hố bom, có những mỏm đồi bị bom đào sới hạ thấp bình độ cả chục mét. Cả trọng diểm hàng cây số chỉ còn một màu đất đỏ quạch. Đất tơi xốp chỉ cần gió thổi mạnh hoặc bị chấn động do bom nổ cách xa hàng chục mét cũng có thể gây sạt lở cả chục khối.
     Bom nổ chậm có loại chui sâu xuống đất 2-3m. Loại này không đáng ngại, nếu nằm trong phạm vi nguy hiểm thì bộ đội ta thả xuống một lượng TNT, chủ động kích cho bom nổ. Có loại chui một phần hoặc  nằm chềnh ềnh ngay trên mặt đường. Loại này là nguy hiểm nhất. Khi phát nổ không những chỉ để lại hố bom mà còn gây sạt lở một khối lượng lớn đất, tung ra hàng trăm mảnh bom to nhỏ sắc như lưỡi dao gây sát thương xung quanh. Trong phạm vi bán kính 10m mảnh bom to bằng bàn tay có thể tiện đứt một gốc cây có đường kính tới 10cm. Sức ép của bom có thể thổi bay cả một chiếc xe tải chất đầy hàng xuống vực sâu.
        Thời kì đầu cách sử lí bom nổ chậm nằm trên mặt đất là dùng sức  với số đông 5-6 người hò nhau vần xuống vực. Nhưng do tính chất nguy hiểm, có lần bom vừa lăn xuống vực được vài mét đã nổ nên ta rút kinh nghiệm thay đổi cách khác. Một tổ 3 người khẩn trương tiếp cận mục tiêu, áp bộc phá lên thân bom cho nổ. Cách đánh này có ưu điểm là nhanh, chủ động và an toàn hơn. Nhưng sau khi bom nổ bao giờ cũng để lại một hố sâu hoắm, phá hỏng mặt đường.
        Hàng ngày Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Vân Liệu trực tiếp cùng anh em không quản hiểm nguy, vất vả san lấp hố bom để kịp thời  thông đường. Nhiều lần thấy chị bần thần, lo lắng  tôi hỏi:
       -Chị có tâm tư gì mà đăm chiêu thế ?
       -Cách phá bom kiểu này không ổn - Chị bảo - Phải tìm một phương án khác hiệu quả hơn vừa nhanh, an toàn, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến mặt  đường.
        Sau nhiều lần trực tiếp phá bom, quan sát từ thực địa, chị nêu sáng kiến thay đổi cách đánh.  Thay vì áp bộc phá lên thân bom, ta đặt bộc phá ở phía dưới nơi  quả bom tiếp giáp với mặt đất. Khi bộc phá nổ vừa hất quả bom lên cao, vừa đồng thời kích thích cho bom nổ.       
         Tuy nhiên cũng có nhiều câu hỏi đặt ra: thông thường quả bom nổ chậm nặng khoảng trên 200 -250 kg, chiều dài khoảng 1,5 m, đường kính 0,35m, vậy phải đặt bộc phá ở điểm nào để có thể hất được quả bom lên cao? Cần một lượng nổ bao nhiêu cho vừa đủ? So với cách đánh trước thì cách đánh này có an toàn hơn không?
          Chị lại phải mày mò ý tưởng của mình trên thực địa. Và rút ra kết luận:
          -Với loại bom nằm trên mặt đất, nếu thao tác nhanh thì thời gian đặt song lượng nổ, quay lại nơi trú ẩn tương đương với cách đánh cũ.
          -Điểm đặt bộc phá để có hiệu quả cao nhất ở vị trí 2/3 thân, tính từ đầu quả bom.
          -Cần một lượng nổ 4 bánh TNT. Nếu ít hơn sẽ không đủ lực để hất quả bom lên cao. Còn nhiều hơn thì lãng phí,  không cần thiết.
          -Công tác chuẩn bị như  dây cháy chậm,kíp nổ, thuốc nổ, dây để buộc ( trường hợp cần thiết), mồi lửa và dụng cụ để đào bới phải được chuẩn bị từ trước và luôn trong trạng thái sẵn sang. Với loại đất xốp như ở cua chữ A, không cần phải mang theo nhiều dụng cụ, chỉ một con dao tông là đủ.
          - Chỉ 1 chiến sỹ nhanh nhẹn là có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, thay vì 2-3 người như trước.
          Khi mang sáng kiến này áp dụng vào thực tế, kết quả thật mĩ mãn.
          Cũng có lần phải đối diện với quả bom nằm ở tư thế oái oăm, toàn thân  chui xuống đất, phần đuôi nằm sát mặt đường.  Bình thường chỉ cần đặt một lượng thuốc nổ vào đuôi quả bom là phá hủy được, nhưng  khi bom nổ sẽ phá hỏng toàn bộ mặt đường.  Chị phải hì hục đào một cái hố áp vào thân quả bom rồi nhoài người, chui đầu xuống, đặt thuốc nổ, dùng đất chèn chắc, lấp lại. Xong mới đốt dây cháy chậm. Trường hợp này bom nổ chủ yếu làm sạt phần taluy âm, còn phần đường ở phía taluy dương vẫn giữ được.
          Sáng kiến phá bom nổ chậm của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Vân Liệu đã thực sự có hiệu quả, vừa an toàn, lại hạn chế thấp nhất phá hủy mặt đường, giúp thông đường nhanh,  được phổ biến rộng rãi và lan truyền trên toàn tuyến vận tải.
          Với chị, con dao tông có khắc chữ: C3TP như một báu vật, nó là kỉ vật của một lần chị cùng với đồng đội lao vào lửa cứu thương binh, cứu xe hàng bị máy bay Mĩ đánh cháy.
          Một ngày mùa Đông cuối năm 1967.Trời rét căm căm. Tầm 8h tối, những chiếc xe tải nặng nề cõng đầy hàng đang ì ạch vượt cua chữ A. Bỗng từ đâu máy bay phản lực gầm rú lao đến tung pháo sang trắng trời, thi nhau dội bom. Đất lở, đường tắc, 2 chiếc xe đi cuối bắt lửa cháy ngùn ngụt. Một trong hai chiếc nằm xệ hẳn ra phía ta luy ấm, có nguy cơ lăn xuống vực bất kì lúc nào.  Cả Tiểu đội trực chiến lao ra, người thì dùng xẻng hất đất dập lửa, người thì cứu hàng. Có tiếng rên, biết chắc chắn chiến sỹ lái xe bị thương,  kẹt trong buồng lái.  Chị lao đến. Trong ánh lửa chập chờn chị  nhìn thấy trên cánh tay áo anh đầm đìa máu.  Phải loay hoay mãi chị mới nhoài được vào trong.
          Vết thương quá nặng.
          Trước 2 tình huống: thứ  nhất phải đưa ngay thương binh ra ngoài rồi mới cấp cứu, nếu chậm có thể cả người và xe đều lăn xuống vực. Thứ hai phải cấp cứu cầm máu ngay nếu không nhanh máu chảy nhiều chỉ ít phút nữa có thể nguy hiểm đến tính mạng.
         Chị quyết định phải cấp cứu ngay để giữ tính mạng cho anh lái xe. Với những kiến thức đã được tập huấn chị biết:  máu ra nhiều như thế là bị đứt động mạch. Phải ga-rô phía trên vết thương, giữ không cho máu chảy. Băng bông không có, quay lại hầm thì muôn, sẽ không kịp. Phải chạy đua với thời gian.
         Cởi chiếc áo mặc ngoài, chị dùng tay, dùng răng xé ra lấy vải làm băng.
         Chiếc áo còn mới, loay hoay mãi không xe được. Không nhanh chỉ một loạt bom nữa là cả xe và người lăn xuống vực sâu, lúc ấy thì…
         Tiếng máy bay gầm rít, lửa cháy ngùn ngụt.
         Bỗng anh lái xe thều thào trong hơi thở yếu ớt:
         -Ở dưới đệm ghế có con dao. Rồi anh lịm đi.
         Phải gồng mình lên mới lấy được con dao ra. Chị cắt lấy miếng vải áo quấn chặt phía trên vết thương, cầm máu lại. Một mảnh vải khác băng lại vết thương cho anh.
         Trong khi chờ đồng đội đến chi viện, chị  tiếp tục loay hoay dùng con dao đập vỡ nốt tấm kính xe, một mình  lựa tư thế đưa anh thương binh đang bất tỉnh ra khỏi buồng lái đã bị méo mó, biến dạng. Đúng lúc ấy lại một loạt bom nữa, chiếc xe rung lên rồi từ từ lăn xuống vực. Rất nhanh chị đã kịp nhoài người giữ chặt lấy vai, dùng toàn thân  làm lá chắn che lên người anh.
         Đất, đá rơi rào rào, khói bụi tung lên mù mịt.
         Khi cáng thương đến chuyển thương binh  đi cấp cứu, chị đưa con dao cho đồng đội và dặn: Mang theo con dao, trên đường có chuyện gì còn sử lí. Nhớ bàn giao cẩn thận cả con dao nữa, nó là vật đã cứu sống anh ấy đấy.
         Đến lúc tình huông đã được giải quyết xong, chị mới thấy toàn thân đau ê ẩm, nhiều chỗ bị đất đá ném thâm tím, cái mũ sắt bị móp xuống bắng nửa quả trứng, một vết thương ở đùi trái máu đã khô bết lại.
         Trên tuyến vận tải chiến lược, nhất là ở các trọng điểm việc cứu người, cứu hàng, cứu xe là nhiệm vụ của lực lượng công binh nên câu chuyện hôm ấy cũng nhanh chóng bị quên lãng.
          Khoảng hơn tháng sau, trong một lần đang trực, bỗng nghe đông đội  gọi:
         -Chị Liệu ơi, có anh lái xe hỏi chị.
          Chui ra khỏi cửa hầm, chị bắt gặp anh lái xe người tầm thước, đầu đội mũ sắt mặc áo chống đạn, tay cầm con dao. Một thoáng bối rối, anh nở nụ cười rồi hỏi tên chị, biết được ân nhân người đã trực tiếp cứu mình, anh nói lời cảm ơn và đặt con dao vào tay chị:
          -Em và con dao này đã cứu sống anh, anh biết ơn em. Em giữ lấy làm kỉ niệm.
           Phía sau tiếng còi xe thúc giục.
           Chị còn chưa kịp hỏi tên, anh đã vội nhảy lên buồng lái cho xe chạy.
           Mấy hôm sau, trong  lúc ngồi nghỉ, cầm con dao trên tay nhớ lại cái khoảng khắc cứu thương binh,  loay hoay băng bó vết thương cho anh, chị chợt phát hiên ra bên sống dao có khắc chữ: C3TP. Con dao tuy đã cũ, nhưng nét khắc còn mới. Và cũng từ đấy con dao tông ấy đã gắn liền với mỗi lần chị đi phá bom.
         Không còn dịp nào được gặp lại anh lái xe nên kí hiệu: C3TP khắc trên con dao mãi mãi là một bí mật, nhưng nó đã là một phần làm nên chiến công của người nữ Anh hùng.
         Nguyễn Thị vân Liệu hơn tôi 4 tuổi. Gương chiến đấu dũng cảm cửa chị đã vang vọng cả tuyến đường 20 từ khi tôi còn là Thanh  niên xung phong ở đội 325. Lúc tôi được điều động, bổ xung về làm lính C5 thì Liệu đã là cán bộ Tiểu đội. Dưới con mắt của tôi chị là một thần tượng. Giỏi giang, mẫu mực, can trường. Chi rất đẹp, người dỏng cao, da trắng hồng, mũi cao, mái tóc dầy và đen óng. Đặc biệt đôi mắt chị đẹp lắm, chỉ nhìn vào đấy đã thấy ánh lên sự bao dung và lòng nhân từ. Hồi ấy C5 có đội văn nghệ khá nổi tiếng được mời đi biểu diễn liên tục, chị là nòng cốt đàn giỏi, hát hay đã từng đi biểu diễn cả ở Quảng Bình, Hà tĩnh. Nhưng trên hết chị là một người lính vô cùng dũng cảm, thông minh, hết lòng thương yêu đông đội. Nhiều lần trong những tình huống hiểm nghèo chị đã tình nguyện giành lấy phần nguy hiểm nhất cho riêng mình. Chả thế mà mùa khô 1966-1967 chị được đi dự và báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn Đoàn tổ chức ở Hương Đô, huyện Hương Khê – Hà Tĩnh. Chị vinh dự được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người. Chị là một tấm gương sáng được nêu gương cho toàn tuyến học tập.  Sau này chị được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
       Tôi với chị cùng một Tiểu đội. Nhiều lần đi trinh sát, đi đánh bom chị hay gọi tôi đi cùng, có chuyện gì vui buồn chị hay tâm sự với tôi. Xét trên tất cả mọi khía cạnh chị đều hơn tôi, khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.
       Một buổi tối cùng trực chiến trong một căn hầm trên cua chữ A, tôi thây tâm trạng chị không được vui, nét mặt đượm buồn, ít nói hẳn đi. Linh cảm cho thấy có chuyện không hay, tôi liều hỏi:
    -Chị có chuyện gì à, sao hôm nay trông mặt mũi ỉu như bánh đa nướng nhúng nước vậy. Chị lấy tay dụi lên 2 khóe mắt:
    - Hôm nay Chi bộ họp xét kết nạp đảng viên mới, Liệu bị loại ra khỏi danh sách rồi.
    -Tại sao thế? Chị mà không được thì còn ai xứng đáng hơn nữa.
    - Chuyện này dài lắm, hôm nào Liệu kể cho anh nghe. Thôi nghỉ đi, lỡ đêm nó đánh còn có sức mà chống trả.
      Tầm 9h sáng hôm sau Liệu cùng cả Tiểu đội phải mở rộng một đoạn đường mấy hôm trước bị trúng bom . Trong lúc đang thi công thì bị một loạt bom tọa độ. Đất từ ta luy dương đổ xuống. Cả Tiểu đội an toàn, chỉ thiếu mỗi chị. Chúng tôi tá hỏa đào bới tìm được chị bị đất vùi người mềm oặt, mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt, máu từ 2 bên mũi gỉ ra. May mà chỉ bị sức ép của bom, trên người không có vết thương nào. Tôi xung phong cùng 2 chiến sỹ nữa thay nhau đưa chị về đội phẫu Tiểu đoàn leo núi, vượt rừng xa đến 7-8 cây số.
       Đường cáng thương đi luồn trong rừng vừa hẹp, vừa dốc. Chúng tôi chạy một lèo không nghỉ. Tôi cầm chiếc khăn xoa thi thoảng lại phải lau máu tươi từ trong mũi, miệng chị gỉ ra. Thương chị quá, mảnh mai, yếu ớt, nhiều lúc tôi muốn ôm chặt lấy chị mong truyền sang một chút hơi ấm, tăng thêm nghị lực để chị vượt qua thời khắc này. Những lúc tỉnh lại, chị đòi xuống đi bộ, có lúc phải dừng lại thuyết phục chị cứ nằm yên trên cáng. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian.
        Để lại chị ở trạm phẫu, trước khi chia tay, chị mở mắt, nắm chặt lấy tay tôi như muốn kéo lại, miệng như muốn nói điều gì nhưng không ra tiếng, mắt đẫm nước. Một tay chị giữ chặt chiếc khăn xoa còn dính đầy máu.
         15 ngày sau Liệu được xuất viện, nhưng Chính trị viên bắt chị phải nghỉ tại bản doanh của đơn vị thêm một tuần nữa để hồi phục sức khỏe.
         Hồi ấy đang là cuối mùa mưa nên nắng mưa  thất thường. chúng tôi được thay phiên về đơn vị tắm giặt, mỗi Tiểu đội một lần chỉ môt người. Chẳng hiểu sao Liệu lại biết hôm ấy tôi về nên chị ra đón từ cổng. “ Tay bắt, mặt mừng”, chị khoe đã khỏe hẳn, thủ trưởng đã đồng ý hết tuần tới chị sẽ ra mặt đường. Tối hôm ấy tôi sang chơi bên lán của chị. Và chị đã kể cho tôi nghe cái lí do tại sao chị không được kết nạp vào Đảng.
         Hóa ra chỉ vì cái bản lý lich chị có bố di cư vào Nam không rõ tung tích  ( cái tì vết ấy còn đeo đuổi chị đến mãi sau nay) mà năm lần, bẩy lượt  mỗi khi mang ra xem xét người ta đều kết luận chị không đủ tiêu chuẩn vì có ông bố  phản động theo giặc. ( Sự thực bố chị vào Nam năm 1955 lúc đó chị mới 10 tuổi. Ông ra đi bởi lo sợ sắp tới có cải cách ruộng đất, nếu bị liệt vào diện cường hào thì ông sẽ bị đấu tố vì trước đây có thời kì làm trưởng bạ ghi chép sổ sách cho xóm làng nhưng không độc ác với dân làng. Vào Sài gòn ông đi làm hộ lí cho viện Dưỡng thiện Phú Mĩ do một bà sơ quản lí. Ông ốm mất trước ngày Sài Gòn được giải phóng). Sự thật này bản thân Liệu cũng không biết, chị chỉ nghe người ta nói bố là kẻ phản động. Còn tôi mãi sau này mới biết.
      Chị nói chuyện với tôi trong nước mắt và tiếng nấc sụt sùi. Chị kể nhiều về những kỉ niệm với gia đình, với người cha mà chị hết lòng yêu quý. Tuyệt nhiên tôi không thấy chị than vãn, thở dài hay trách móc gì người cha thân sinh ra mình. Tôi cảm nhận được trong sâu thẳm con tim của chị những gì yêu thương nhất chị giành cả cho cha. Chị cũng không hề phàn nàn chuyện  không được kết nạp vào Đảng. Chị bảo: đấy là việc của tổ chức và coi đó như một thử thách phải luôn phấn đấu để vươn lên.
      Rồi ôm lấy tôi chị khóc nấc lên, thương chị quá tôi cũng khóc theo.    
      Ôi cái lí lịch. Có một thời với người này nó là bệ phóng, là bà đỡ, còn với người kia nó là vật cản, đầy đọa vùi dập ước mơ và hoài bão của biết bao nhiêu con người ưu tú.
       Tôi định nói mấy câu an ủi, nhưng nghĩ lại mọi lời động viên với chị đều là thừa. Có lẽ không gì có thể cản bước đi và vùi dập được chị.
       Chị cầm chiếc khăn xoa mà hôm nào tôi lau máu cho chị đã ướt đẫm nước mắt. Chị bảo: Liệu giữ chiếc khăn này của anh để làm kỉ niệm.
        Tình cảm giữa tôi với chị cứ thế nhân lên theo thời gian. Có cơ hội là chúng lại gặp nhau chia sẻ mọi chuyện vui, buồn, động viên nhau cùng phấn đấu.
       Chuẩn bị bước vào mùa khô năm 1967 chị nhận được quyết định điều động lên Bộ tư lệnh 559. Chiều hôm trước khi đi đơn vị có tổ chức bữa ăn tươi chia tay chị. Chính trị viên Đại đội thay mặt đơn vị chúc chị thượng lộ bình an, giữ vững truyền thống C5, về đơn vị mới phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến lần mình chị hứa sẽ không phụ lòng tin của đơn vị…
      Chúng tôi hẹn nhau ở một con suối nhỏ, kín đáo. Có nhiều chuyện muốn tâm sự với chị, nhưng đến lúc chỉ có 2 người thì chẳng nói được gì.  Ngồi xuống cạnh mép nước, tôi vòng tay qua vai kéo chị lại sát mình rồi thơm lên má chị…Chị thủ thỉ:
      -Anh đừng buồn,  Liệu chẳng muốn đi đâu cả chỉ muốn ở lại đơn vị, được ở gần anh. Nhưng đang là chiến tranh việc đi thì cứ phải đi. Chẳng biết sau này chúng mình sẽ thế nào nên anh đồng ý với Liệu nhé, mình không hẹn hò, cũng đừng thề thốt với nhau gì cả. Điều nên làm là luôn luôn nhớ về nhau, cầu mong cho nhau mạnh khỏe, sống sót sau chiến tranh và phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Số phận dù có nghiệt ngã đến mấy thì cũng phải sống và không ai được đầu hàng, gục ngã. ( Nói điều ấy bởi chị biết tôi cũng có một hoàn cảnh và bản lí lịch “ không được trong sạch lắm”, tuy nhiên cái “ tì vết” của tôi không oan nghiệt đến mưc như của chị, nhưng mỗi lần phải đặt lên bàn cân thì bao giờ cũng bị trừ điểm, thậm chi có lần bị trừ rất nhiều điểm).
      Chúng tôi ngồi với nhau cho đến lúc chiều muộn.
      Không ngờ đấy là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Trong thời gian công tác ở Bộ tư lệnh chị gửi cho tôi 2 lá thư tay rồi tôi không còn nhận được tin tức gì về chị. Mãi năm sau tôi mới được tin chị đã anh dũng hy sinh trong một trận bom B52 rải thảm. Và cũng từ đấy cho đến tận bây giờ trong trái tim tôi luôn thắp một nén tâm nhang thành kính tưởng nhớ chị.


(Còn nữa)
tin tức liên quan