"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (9)

Ngày đăng: 07:37 01/03/2024 Lượt xem: 132
 
 
(Tiếp theo)
   Chương IX:
CHUYỆN TÔI BỊ KIỂM ĐIỂM
 
         Chẳng biết ở các đơn vị khác như thế nào chứ ở Tiểu đoàn 33 chúng tôi có một quy định bất thành văn: không được phổ biến, ca hát, đọc thơ, lưu truyền những câu chuyện ủy mị làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của bộ đội. Không cần biết tác giả là ai, tác phẩm được sáng tác ở thời điểm nào nếu giai điệu, ca từ, câu văn mà thướt tha, ước át mùi mẫn một chút là  bị nghiêm cấm. Tất cả được gom vào trong một cái túi mang khái niệm: vàng. Chuyện vàng, nhạc vàng. Bọn tôi đùa: nói chuyện với chị em vừa cười, mắt lại liếc ngang, liếc dọc thì cũng là cái nhìn vàng, điệu cười vang. Cũng chẳng ai giải thích hoặc đưa ra một cái định nghĩa cụ thể thế nào là vàng và thế nào không phải là vàng.
        Khi đi bộ đội, bên trong chiếc ba lô căng phồng ngoài 2 bộ quần áo, cái chăn chiên và chiếc màn đơn,  còn lại tôi nhét đầy truyện. Những quyển truyện khi khăn gói đi sơ tán các gia đình thu dọn vứt ra các bãi rác, tôi nhặt nhạnh nhét vào đáy ba lô. Vài tập “ Hồng lâu mộng”,  mấy tập “Sông đông êm đềm”… Ngoài ra trong kho tàng văn học nghệ thuật ấy còn có những bài hát tiền chiến như: Làng tôi , Thiên Thai của Văn Cao, Dư âm của Nguyễn Văn Tý…Tập thơ tình: Đồi thông hai mộ của Chế Quang Tuyển.
        Đường hành quân, đêm đi ngày nghỉ. Cứ tầm hai, ba giờ chiều tôi lại mở “ tủ sách” cho mọi người đọc. Có bằng ấy quyển đọc mãi thành thuộc, lúc hành quân mang ra đàm luận vừa vui vừa quên đi cái nhọc nhằn. Nhiều hôm cả vợ chồng, con cái ông bà chủ nơi chúng tôi tạm dừng chân cũng xúm vào đọc, bình phẩm thế là lại được nhâm nhi chén trà, đĩa lạc, củ khoai củ sắn.
        Khi vào chiến trường tôi vẫn giữ thói quen ấy. Một hôm trợ lí chính trị Tiểu đoàn Trần Trung Tín xuống kiểm tra đơn vị, anh hỏi:
        -Trên Tiểu đoàn nghe nói trong ba lô của ông có nhiều sách cấm. Có đúng không?.
         -Sách thì có, em mang theo từ ở nhà vào. Còn cấm hay không thì em không biết – Thế nào là cấm hở anh?
         -Cấm là không được dùng, không được đọc, không được hát chứ còn thế nào nữa – Anh giải thích.
           Tôi bầy cả “ tủ sách” ra cho anh kiểm tra.
         -Ông ơi, đây toàn của cấm. Đang ở trên đỉnh Trường Sơn, ngày đêm bom rơi đạn nổ, từng giờ, từng phút đối đầu với những gian khổ,  hy sinh mà lúc nào ông cũng sướt mướt với câu chuyện tình bi thương của chàng Đinh Lăng với nàng Quách Mỵ Dung “ Trời vừa tối gặp cơ hội tốt/ Sẵn tiên đan nàng nuốt một liều/ Giờ sau phách lạc hồn siêu/ Tiệc hoa tan vỡ người kêu gọi rầm.” hoặc: “ Ôi mộng đẹp gối kề chăn ấm/ Sao lại riêng ngăn cấm duyên ta/ Thế rồi sau chín thu qua/ Vẫn không yên sống để mà nhớ thương” thì còn đánh đấm gì. Cứ dần dà mỗi ngày một tý, nay một câu, mai một câu nó ngấm vào từng tế bào thì buông súng đầu hàng, rụt cổ vào là cái chắc. Thủ trưởng Tiểu đoàn yêu cầu ông viết bản kiểm điểm đấy. Mà hình như ông còn hát cả nhạc vàng nữa.
         -Sao lại là vàng. Giọt mưa thu, Dư âm, Làng tôi…toàn những bài hay, hồi ở nhà em vẫn hát mà.
          -“ Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi/ Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi/ Nghe gió thoảng mơ hồ/ Trong mưa thu ai khóc ai than rằng…” .Ở nhà khi chưa có chiến tranh thì nó là hay nhưng vào đây thì nó là vàng, là phản động. Nghe ủy mị, não nề, rên rỉ, sướt mướt…còn gì dũng khí để đánh giặc. Mà ông phải nhớ chỉ bọn phản động mới hát loại nhạc ấy, mà nó cũng đang muốn ta hát thật nhiều loại nhạc này để lung lạc ý chí chiến đấu của quân ta đấy. Tại sao không hát   “ Giải phóng Miền Nam”, “ Hành quân xa”, “ Dậy mà đi”, “ Tiếng đàn ta-lư”… “ Tây tiến”, “Núi đôi”, “Tiểu đội xe không kính”  toàn những bài thơ, ca khúc  hay, hừng hục khí thế, động viên tinh thần bộ đội
        Tôi gãi đầu thanh minh:Thì cũng phải có cái nọ, cái kia, lúc này lúc khác chứ anh.
        -Không được dao động, ông là Trung đội trưởng mà như thế thì  làm sao chỉ huy được đơn vị.
          Một tuần sau Chính trị viên Tiểu đoàn gọi tôi lên. Ông trả lại bản tự kiểm điểm và nói: Tủ sách của cậu toàn những tác phẩm văn học nổi tiếng nhưng không nên dùng và không được lưu truyền trong hoàn cảnh đang có chiến tranh, nó ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chiến đấu của đơn vị, bỏ đi. Nghiêm cấm hát nhạc vàng, chỉ nên hát những bài ca cách mạng, động viên tinh thần và khí thế chiến đấu của đơn vị…
             Tôi dạ, vâng cầm lại bản tự kiểm điểm nhưng chưa thật tâm phục, khẩu phục.
           Chiến tranh ngày càng ác liệt, sự sống và cái chết luôn cận kề. Khi tôi được bổ nhiệm Chính trị viên Đại đội thì trong đơn vị có chiến sỹ không chịu được gian khổ, sợ hy sinh, nhớ nhà, cả tự thương phải trả về hậu phương, lúc ấy tôi mới thật sự thấm thía lời tâm tình của Chính trị viên Tiểu đoàn.

(Còn nữa)           
 
                               
         
       
 
 
tin tức liên quan