Người anh hùng nơi “Dòng sông mang lửa” - TG: Phạm Xưởng

Ngày đăng: 08:43 04/03/2024 Lượt xem: 141
       Ngày 17 tháng 10 năm 2023, đồng chí Nguyễn Lương Định, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 4, Trung đoàn Đường ống 592 – Bộ đội Đường ống Xăng dầu Trường Sơn được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
       Nhân sự kiện ngày 03 tháng 3 năm 2024 Hội Đường ống Xăng dầu Trường Sơn tổ chức Kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống Xăng – Đường ống vượt Trường Sơn. Trang Thông tin Điện tử Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc bài viết “Người Anh hùng nơi DÒNG SÔNG MANG LỬA” của tác giả Phạm Xưởng – Bài đã được đăng trên cuốn “Sự kiện và nhân chứng” – Nguyệt san của Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, số 359, tháng 11 năm 2023.
       Xin trân trọng!

 
NGƯỜI ANH HÙNG NƠI “DÒNG SÔNG MANG LỬA”
       
         Ba năm về trước, tại Lễ kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn (1959-2019), Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu-Nguyên Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật Trung đoàn 592, Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế BQP, Chủ tịch Hội Xăng dầu đường ống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (Hội XDĐÔTS) đã kể với chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc của anh về đồng đội Nguyễn Lương Định.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu (bên phải) kể chuyện anh hùng Nguyễn Lương Định
tại buổi kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn.

 
         Cứu xăng trong lửa đạn, lũ dữ
         “Ngày 15-8-1969, dòng xăng được bộ đội đưa vượt Trường Sơn sang đất Savannakhet (Lào), đến kho K3 bên bờ suối Ra Mai. Anh Định (lúc đó tròn 20 tuổi) được Đại đội giao phụ trách bộ phận nhận các phuy xăng từ K3 rồi tổ chức thả trôi qua suối Ra Mai, Ra Vơ xuôi sông Sê Băng Hiêng đến kho Vinh (một địa danh ở Lào) giao cho Đại đội 32, Binh trạm 9, Đoàn 559 để phục vụ các đoàn xe vận chuyển tiếp viện tiền phương.
         Địch điên cuồng ngăn chặn việc này. Chúng ném bom dọc dòng Sê Băng Hiêng, bắn đạn 20mm vào các phuy xăng. Xăng bốc lửa loang mặt sông. Anh Định (lúc đó tròn 20 tuổi) cùng đồng đội vật lộn trong lũ dữ, điều chỉnh những phuy xăng chưa trúng đạn để không bị vướng chướng ngại vật, trôi thông theo dòng nước. Các anh đã hạn chế tối đa thiệt hại do địch gây ra, đưa hàng ngàn phuy xăng tới đích kịp thời.
         Giành nhận cái chết, cứu đại đội
         “Đầu tháng 9-1969, B52 ném bom hủy diệt kho K3, quyết chặn tuyến ống ngay từ biên giới Việt - Lào. Sau cuộc đấu trí đấu lực với địch, ngày 22-12-1969, ta đã đưa được xăng qua K4 (ở bản Quần) đến K5 (Bản Cọ) thuộc trọng điểm Pha Băng Nưa (Một thung lũng hẹp nằm giữa hai dãy núi đá, có sông Sê Băng Hiêng chảy qua, là lối duy nhất để vận tải vào phía trong bằng ô tô, đường ống và đường sông. Bởi vậy, nó là “cái túi chứa bom địch”). Bên bờ Bắc sông Sê Băng Hiêng, ta đặt tuyến ống chạy song song đường ô tô. Tiểu đội của anh Định chốt trong hang đá ở trung tâm trọng điểm, liên tục cứu tuyến, cứu người giữa bom đạn để vận hành máy, đưa xăng theo ống ra phía trước.
       Do địch đánh quá ác liệt, tuyến ống vỡ lung tung, xăng ồ ạt đầy các hố bom nên BTL 559 quyết định chuyển tuyến ống sang bờ Nam cách ly với đường ô tô. Đối phương đã lường trước điều này. Chúng rải bom từ trường và bom nổ chậm dày đặc bên phía bờ Nam, ngăn chặn tuyến ống đi qua.
       Trước khi di chuyển tuyến, công binh ta đã dò tìm, phá 27 quả bom các loại và nhận định không còn bom nữa, Đại đội 4 có thể rải ống lắp tuyến… Tuy nhiên, anh Định gặp ngay Đại đội trưởng Phạm Ngọc Thiều, nêu ý kiến rằng, đoạn tuyến này bom chồng lên bom. Nếu dưới đất còn bom từ trường mà cả đại đội vác ống đi qua thì rất nguy. Anh đề nghị Đại đội trưởng cho anh vác ống đi kiểm tra lần cuối. Nếu còn bom thì chỉ một người bị.
       Trước đó, không ai nghĩ gì về khả năng hậu quả xấu. Nhưng từ lúc anh Định nêu vấn đề rồi vác ống xăm xăm tiến lên phía trước thì mỗi bước đi của anh làm cho cả đại đội căng thẳng dõi theo, lo lắng đến nghẹt thở… Vừa lúc anh khuất sau mỏm đá cuối đoạn tuyến, thì quả bom còn sót phát nổ long trời, tung khói đen ngòm hỗn độn đất đá lên không trung. Đồng đội bới tìm, thấy anh Định như bị vo viên lại, thân hình đầy máu, cạnh cái ống gãy gập quăn queo. Mọi người thay nhau đưa anh thật nhanh đến trạm phẫu thuật. Trung đoàn cấp tốc đề nghị trên tặng anh Huân chương Chiến công Giải phóng; mong muốn có sớm trước khi anh qua đời. Từ sau đấy, đơn vị hoàn toàn mất liên lạc với anh Định”.
        Tàn nhưng không phế
        Qua phút xúc động nghẹn ngào, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu kể tiếp:
      “Một ngày hè năm 1986, tôi tình cờ nhận ra anh Định ngồi xe lăn bán vé số ở trước cửa Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Gặp nhau, anh ấy nức nở, rằng từ đây mọi người sẽ hiểu anh ấy!...
        Hóa ra là, sau khi qua hàng chục cuộc phẫu thuật, anh Định thoát chết nhưng liệt hai chân, mất hẳn thiên chức làm bố. Năm 1981, chị Trần Thị Dung, người huyện Thanh Trì, Hà Nội thường hay đến thăm cơ sở điều dưỡng thương binh nặng, đã đem lòng yêu thương anh và hai người kết hôn. Sau đó chị xin chuyển anh cùng với chế độ chăm sóc về nhà bố mẹ anh: Số 192, tổ 15, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội), trong sự đùm bọc của chị và người thân.
       Dạo ấy khó khăn khủng khiếp, anh Định xin việc bán vé xổ số để nhận thù lao trợ giúp gia đình. Một lần đi xe lăn mua rau xanh ở cửa hàng thương nghiệp, anh đưa thẻ thương binh, được mọi người nhường mua trước. Nhưng cô bán rau đã nói, ý tứ rằng thương binh cũng có ba bảy đường, có những người vô kỷ luật, nghịch bom đạn, bị thương rồi “xoay” được thẻ thương binh... Anh phẫn nộ nhưng cố kiềm chế. Một người hàng xóm mới dọn đến kể lại chuyện này với xung quanh rồi buông lời úp mở: “Biết đâu cô mậu dịch nói cũng có lý!”…
       Sau những trớ trêu như thế, anh tự nhủ: “Phải bình tĩnh lại! Dù thế nào cũng phải sống xứng đáng với đồng đội, với những ngày hào hùng ở Pha Băng Nưa, xứng đáng là người lính Cụ Hồ”. Bởi vậy, khi một số thương binh đi xe lăn rủ anh tham gia các hoạt động tự phát có tính chất công thần chủ nghĩa, anh kiên quyết chối từ!  
      Hiểu hết sự tình của Nguyễn Lương Định, chúng tôi đã đề nghị Cục Chính sách BQP tra cứu và đã tìm lại tấm Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì của anh ở cơ quan lưu trữ. Lễ trao huân chương được tổ chức tại khối phố nơi anh ở. Cán bộ và Nhân dân dự chật hội trường. Nghe chúng tôi kể lại chiến công của anh, người người nước mắt lưng tròng; trong đó có những giọt lệ xót xa, ân hận vì đã từng xúc phạm nhân cách của anh”.
       Mùa Đông năm 2002, người anh hùng chưa được vinh danh ấy tròn 53 tuổi đã trở thành liệt sỹ tại gia khi tất cả vết thương trên cơ thể anh đồng loạt phát tác làm quả tim ngừng đập…


Chị Nguyễn Thị Hiếu (thường phục), em gái Anh hùng Nguyễn Lương Định tại buổi kỷ niệm.
                     
Bài, ảnh: Phạm Xưởng
 

tin tức liên quan