=======================================
TRÒN NỬA THẾ KỶ - GẶP LẠI KÝ ỨC KHÓ QUÊN
(1974 – 2024)
Nhân dịp sang tham quan nước Lào - Thăm chiến trường xưa, kết thúc chương trình chung, Trưởng đoàn (tôi - Hoàng Kiền) ở lại nhờ cán bộ trẻ Noi Seng Chăn dùng xe con đưa đi thăm lại chiến trường xưa. Đi suốt từ thượng Lào qua Trung Lào xuống Hạ Lào. Tìm đến Bản Phồn thăm Chiến sĩ Trường Sơn "tuột xích" năm xưa.
CHUYỆN " THẢ" CHIẾN SĨ ĐẢO NGŨ Ở BẢN PHỒN
Chủ trương cải tạo đường Tây Trường Sơn đang được triển khai tích cực, do tình hình thay đổi, tháng 8 năm 1974, Sư đoàn 472 được lệnh chuyển sang làm đường cơ bản bên Đông Trường Sơn. Cơ quan Sư đoàn về nước để lại 9 người thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây. Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng ban, Trung tá Nguyễn Văn Hiểu - Phó Chính uỷ Sư đoàn làm "chính uỷ" Ban và các trợ lý. Đơn vị có Trung đoàn Công binh 34 và 4 tiểu đoàn độc lập, đảm nhiệm cải tạo toàn bộ tuyến đường Tây Trường Sơn tiếp theo và bảo đảm giao thông. Tôi là trợ lý Phòng Công binh ở lại làm trợ lý của Ban chỉ đạo kiêm trợ lý kế hoạch của Trung đoàn 34.
Hôm ấy giữa tháng 10 năm 1974, sau ảnh hưởng của cơn bão từ biển Đông vào đi qua Tây Nguyên chuyển thành áp thấp nhiệt đới tràn sang bên Lào, gây mưa rất lớn. Ban chỉ đạo tổ chức đoàn đi kiểm tra đường, Trung tá Nguyễn Đức Lợi trưởng đoàn, Thượng sĩ Hoàng Kiền và Thượng sỹ - Kỹ sư Nguyễn Văn Tuý là hai trợ lý, công vụ Văn Hồng cùng đi. Qua Bản Phồn trên đường vào A Tô Pơ gặp chiếc cầu gỗ đang thi công bị nước lũ xô nghiêng, đoàn dừng xe xuống kiểm tra. Đang lội dưới suối, bỗng nhìn thấy đôi trai gái dắt tay nhau đi trên đường trước mặt quay lưng về phía chúng tôi, mỗi người có một con dao quắm giắt sau lưng, chắc là đang đi đào củ măng mùa mưa. Cô gái mặc áo hoa, váy hoa; chàng trai mặc quần bộ đội cũ, áo phông, nhận ra chiến sỹ đảo ngũ của Tiểu đoàn 29.
Tôi quát to: Long!
Đôi bạn trẻ giật mình quay lại
Đến đây ngay.
Long mặt tái xanh bước lại, trong xe không có dây, tôi lấy dao găm cắt dây rừng trói hai tay Long lại ngay và hô: Chuẩn bị lên xe về nhà giam của đơn vị.
Cô gái run rẩy đứng nhìn ngơ ngác.
Trung tá Nguyễn Đức Lợi chưa hiểu gì, hỏi sao vậy?
Thưa thủ trưởng, đây là chiến sĩ Long ở Tiểu đoàn 29, đảo ngũ ba lần, bắt về vẫn cứ trốn ra. Đêm hôm bắt được Long về lần thứ hai, tôi xuống công tác chứng kiến, giam Long trong một gian nhà ở, vì không có nhà giam giữ quân nhân vi phạm kỷ luật. Đêm chiến sỹ gác ngủ gật thế là Long lại trốn lần thứ ba, rồi mất hút, hôm nay bắt gặp cách đơn vị rất xa đến ba bốn chục cây số.
Tôi hỏi Long! Thế hiện nay cậu làm gì, ở đâu?
Long thưa: Báo cáo với thủ trưởng và các anh, em quê ở miền Tây Nghệ An huyện Kỳ Sơn, người dân tộc Thái, em đi bộ đội vào Trường Sơn năm năm rồi, bố mẹ em ở quê mới mất cả, sau này em không về quê nữa.
Thế cô gái kia là ai?
Thưa anh! đấy là vợ em ạ.
Là người ở khu vực nào?
Thưa anh, vợ em là con gái của Bí thư huyện uỷ La Mam, nhà ở bản Phồn ạ, vợ em đã có thai ba tháng ạ.
Nghe Long nói thế chúng tôi cũng thương hoàn cảnh của cậu ta.
Vợ là con gái đồng chí bí thư huyện uỷ của Bạn, lại đang có thai, bắt về thì sẽ ra sao ???. Lúc này Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam đã ký rồi.
Cân nhắc một lát!
Ở đây cũng là chiến trường Nam Lào!
Tôi thưa với Trung tá Nguyễn Đức Lợi, cho Long ở lại đây thủ trưởng ạ.
Thủ trưởng Lợi gật đầu, cho cậu ấy đi.
Tôi cởi trói cho Long và dặn, về sống với gia đình, tham gia dân quân, du kích, bộ đội Pa thét Lào để chiến đấu giải phóng nước Lào, làm công dân nước Lào cho tốt nhé.
Long lễ phép đáp vâng ạ!
Tôi dẫn Long đến chỗ cô gái Lào giao cho cô ta.
Cô ta chắp tay nói:
Khộp chay lai lai pà hán Việt Nam
Khộp chay lai lai pha la ngan Việt Nam
Khộp chay lai lai cốp nhầy Việt Nam
(Cám ơn rất nhiều bộ đội Việt Nam, cám ơn rất nhiều cán bộ Việt, cám ơn rất nhiều cấp cao Việt Nam).
Tôi nói: Pha xa xôn Lào - Việt Nam xăm ma khi
Xam bai đi.
( Nhân dân Lào - Việt vui đoàn kết, chào tạm biệt ).
Hai vợ chồng Long chắp tay cúi đầu nói: Xam bai đi (chào tạm biệt)
Chúng tôi chờ cho đôi vợ chồng trẻ Việt - Lào đi khuất theo con đường rẽ tay phải vào bản trong rừng sâu rồi tiếp tục hành quân.
Đã gần nửa thế kỷ qua, chắc Long cũng thành cán bộ của nước Lào, ít nhất cũng là Trưởng bản, chưa gặp lại, nhưng vẫn nhớ đến hai vợ chồng Việt - Lào tại Mường Phồn - huyện La Mam - tỉnh Sê Koong (Tà Ven Ọoc cũ) nước Lào năm xưa.
Vẫn nhớ mãi chuyến ô tô kiểm tra đường bên Tây Trường Sơn Nam Lào tháng 10 năm 1974. Đại tá Nguyễn Đức Lợi đã đi xa, Thiếu tướng Hoàng Kiền và Trung tá Nguyễn Văn Tuý cùng Ban liên lạc Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 thi thoảng gặp nhau vẫn nhắc lại câu chuyện chiến sĩ Long năm xưa, mong cho gia đình Việt - Lào hạnh phúc. Tôi đã sang tham quan nước Lào, thăm chiến trường xưa nhiều lần, có một lần đi qua bản Phồn nhưng đoàn đông trên xe ca nên không có điều kiện tìm thăm gia đình Lào - Việt Quang Long. Tôi có ý định đi một chuyến tham quan bằng ô tô con, sẽ đến bản Phồn tìm gặp lại đôi trai gái nửa thế kỷ trước, nay đã là hai cụ ngoài bảy mươi xuân dân Lào, ôn lại kỷ niệm xưa đáng nhớ.
ĐẾN BẢN PHỒN:
Chiều hôm nay 6/3/2024 chúng tôi đến Bản Phồn. Vào Bản Phồn nhỏ mới ven đường hỏi, dân bản chỉ vào Bản Phồn lớn. Tìm vào đúng nhà cụ Văn nguyên bí thư huyện uỷ huyện La Mam. Cụ 103 tuổi , mắt mờ nhưng nghe nói vẫn tốt. Hỏi anh bộ đội Việt Nam tên là Long lấy con gái cụ năm xưa!
Cụ nói đúng rồi, không phải lấy con gái mà là cháu gái. Con anh Long đây. Con trai đầu anh Long tiếp chuyện, năm nay 54 tuổi, như vậy anh ấy đã lấy vợ trước khi chúng tôi gặp năm 1974.
Hỏi thêm được biết anh ấy có 4 người con, chết 1 còn 3, anh mất năm 2023, cỡ 75 tuổi, chị đang ốm đi viện.
Cụ Văn nói anh ấy không có chế độ gì mà được hưởng trợ cấp một lần thôi.
Con gái anh Long nói: Mấy năm trước bố đã đưa cả gia đình đã sang Việt Nam về Nghệ An thăm quê.
Cụ Văn nói: Long về nghỉ sớm không có chế độ hưu mà được trợ cấp một lần nên hoàn cảnh cũng khó khăn.
Tiếc quá, không gặp lại Quang Long để chia sẻ đôi điều.
Tôi xin chia buồn với gia đình, tặng cụ Văn nậm rượu nếp đặc sản của Bảo tàng Đồng Quê, gửi con trai anh chút quà thăm chị.
Cũng thương hoàn cảnh của anh. Một thời cùng Sư đoàn 472 - Tây Trường Sơn.
Xe đang chạy bình thường, khi chia tay gia đình ra nổ máy mãi không được, con trai và cháu nội anh Long ra hỗ trợ mãi mới khởi đông được để tiếp tục hành trình.
Gặp và bắt tay, tặng quà Cụ Văn, nguyên bí thư huyện uỷ huyện La Mam (2 ảnh trên)
Con trai anh Long nhận phần quà Thiếu tướng Hoàng Kiền tặng mẹ mình
Bản Phồn chiều 6/3/2024
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội TSVN