"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (11)
(Tiếp theo)
Chương XI:
TỔ TIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI
Để giảm bớt áp lực, nhanh chóng giải tỏa cho 2 trọng điểm là ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích, ta mở một con đường vòng tránh còn gọi là đường kín đi dưới cánh rừng già. Ở đây chưa có dấu vết bom đạn nên còn nhiều muông thú. Có cả cầy, sóc, nhím, don, tê tê…và các loại chim. Lính ta cứ xách súng đi là thể nào cũng có bữa ăn tươi, cũng bởi vậy mà suốt 3 tháng ở đây, bữa ăn của bộ đội thường xuyên được cải thiện, anh em khỏe hẳn ra.
Một hôm tiểu đội 3 chốt bên kia trọng điểm điện khoe với tôi mới bắn được con vượn tầm 5-6 cân, rồi mời tôi sang thưởng thức món cháo vượn.
Anh em kể: Đây là con vượn cái đang nuôi con, khi nó trúng đạn rơi xuống đất, cả bầy chạy hoảng loạn, riêng con con lao theo và cứ ôm chặt lấy con mẹ . Nó nhe răng, miệng rít lên không cho ai đến gần. Thương lắm nhưng đã chót bắn rồi thì phải xử lí, không thể bỏ đi một nguồn thực phẩm bổ dưỡng như thế.
Mãi đến 7h tối mới nấu xong, cháo nóng hổi, cả Tiểu đội ngồi quây quần lại mỗi người một bát tô, riêng tôi được ưu ái tô đầy hơn.
Món cháo vượn nếu có đủ gia vị: hành, tiêu, ớt, lại thêm chén rượu đưa đẩy thì rất ngon. Nhưng ở đây đào đâu ra các thứ ấy, chỉ có muối nên rất gây. Động viên nhau vì nó bổ nên mọi người đều cố nuốt.
Vừa xì xoạp húp cháo, chúng nó vừa kháo nhau: Cháo vượn hay cháo khỉ đã thuộc nhóm linh chưởng thì bổ nhất là cái đầu và ngon nhất là bàn chân và bàn tay con vật. Thịt cũng được khen là bổ bởi vậy người ta có thể nấu được cao toàn tính cơ mà, nên những khúc xương to, nhỏ cũng được chúng nó gặm sạch phần thịt. Có đứa còn đập cả ống chân, ống tay mut cái tủy. Vừa thưởng thức vừa nhăn mặt lắc đầu: Gây, gây lên tận óc.
Ăn được một phần bát, tưởng ở dưới là cục xương tôi lấy tay nhấc lên thì tá hỏa, hóa ra là cái sọ con vượn. Hai hốc mắt sâu hoắm, hai hốc mũi hếch ngược lên, hàm răng trắng xóa nhìn tôi như sự đùa giỡn của quỷ thần. Anh em bảo: Cái óc nó bổ lắm, ưu tiên cho sếp. Trông chẳng khác gì cái sọ trong logo “Nguy hiểm chết người” hay treo ở các bốt điện. Chỉ khác, sọ vượn thì bé hơn chỉ bằng quả cam. Thấy ghê ghê nên tôi bỏ dở bát cháo, chạy vội ra ngoài nôn thốc, nôn tháo.
Chúng nó cứ động viên tôi cố ăn cho hết, nhưng tôi đành lắc đầu. Thằng Toàn bảo: Để em, phí của giời. Thế là nó cầm cái lô-gô lên vừa gặm, vừa mút chùn chụt.
Đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được, thi thoảng lại nghe tiếng vượn con kêu. Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh con vượn con ôm lấy xác con vượn mẹ. Đang lơ mơ ngủ thì thấy cái sọ con vượn mẹ nhe răng lởn vởn trước mặt.
Sáng hôm sau tôi mang chuyện ấy nói ra, anh em bàn tán, cũng có đứa mơ như tôi. Tiểu đội trưởng nói: Thôi để em gom tất cả xương lại đem chôn. Từ lần sau nếu có gặp thì đừng ai bắn nữa, tội lắm.
Năm ngày sau tôi đi kiểm tra đơn vị, nghe Tiểu đội trưởng kể : Suốt ba đêm liền, đêm nào con vượn con cũng khóc, chắc nó khát sữa và nhớ mẹ. Đến đêm thứ tư tiếng khóc nhỏ hẳn đi. Sáng sớm dậy em ra chỗ chôn con vượn mẹ thấy con vượn con đã chết. Nó nằm sấp bụng trên mộ, hai tay dang ra như ôm lấy mẹ nó, nom thương lắm anh ạ. Nghe chuyện tôi cũng thấy mủi lòng.
Tôi nhớ có lần đã được đọc ở đâu đấy một tài liệu khoa học cho rằng: Vượn là tổ tiên của loài người. Từ đấy về sau, mặc dù nhiều lần anh em gặp khỉ, vượn, voọc… nhưng chỉ đứng nhìn xem chúng nhảy múa, hò hét, không ai dám đụng vào tổ tiên cảu loài người.
Con đường kín đoạn qua con đèo nơi Trung đội tôi trấn giữ rồi cũng sớm bị lộ, trở thành trọng điểm đánh phá của địch. Các loại muông thú không còn nơi trú ngụ an toàn nên di tản hết vào trong sâu. Tiếng kêu: “ Bắt cô trói cột ” ra rả thâu đêm thêu dệt bao nhiêu giai thoại của lính cũng im bặt. Nơi gian khổ, ác liêt cuộc sống vắng đi tiếng chim ca hát bỗng thấy nao nao nỗi nhớ. Một buổi chiều muộn trong lúc cả Tiểu đội đang ăn cơm bỗng thấy xuất hiện một con vượn con lê lết trước cửa hang. Người nó gầy đét, một bên cánh tay bị thương buông thõng, nó yếu lắm miệng không thể kêu, lết đi từng tí một. Thằng Toàn nhìn thấy đầu tiên, vội bỏ bát cơm chạy ra nâng con vượn đói lả đặt vào lòng bàn tay. Chắc mẹ nó đã bị chết sau trận bom cách đây vài hôm. Mấy đứa truyền tay nhau nhai cơm bón vào miệng, nhưng con vượn không ăn được, cuối cùng phải hòa sữa bột bành miệng nó ra bón từng thìa.
Mặc dù là giống vượn nhưng nó được đặt tên là Tinh Tinh, mục đích chỉ để cho dễ nhớ, dễ gọi, tuy khác họ nhưng đều là loài linh trưởng cả. Được chăm bẵm cẩn thận, nên Tinh Tinh mau hồi sức, lớn nhanh như thổi, vết thương trên cánh tay cũng mau liền sẹo. Là con vượn đực nên nó chạy nhảy, leo trèo, nghịch ngợm như một đứa trẻ hiếu động. Được giao chăm sóc, nó quấn riết thằng Toàn, lúc nào cũng tọa trên vai, trên cổ, ôm lấy cánh tay, bắp đùi. Nó rất sợ tối nên khi thằng Toàn đi ngủ nó cũng chui luôn vào trong màn.
Nó với thằng Toàn như hình với bóng.
Có nó nhiều lúc cũng phiền hà, bực bội nhưng được cái vui, Tinh Tinh hay pha trò nên ai cũng quý mên. Chỉ cần giơ cái roi ra dọa là nó chạy bán sống bán chết, nhảy lên vách đá dạng háng ra gãi gãi “ khoe của”, rồi nhe bộ răng trắng xóa ra cười, miệng kêu khẹt khẹt. Mặc dù vậy nhưng nó là con vượn rất ngoan, sống sạch sẽ không bao giờ bậy bạ ra chăn màn, không lục lọi ăn vụng và rất “ biết điều”. Nó hay tủi thân ra góc hang ngồi co ro, lúc ấy phải có người chạy lại vuốt ve, cưng nựng.
Nuôi nó được hơn 6 tháng, đến cuối mùa khô năm 1968 trong lúc bám vai thằng Toàn đi trinh sát thì bị bom tọa độ, hai đứa cùng nhảy xuống hầm. Thàng Toàn nhanh tay ném nó vào trước, nhưng nó lại nhẩy ra, trèo phắt lên ôm lấy đầu thằng Toàn. Bom nổ, thằng Toàn vô can còn Tinh Tinh bị mảnh bom vào bụng lòi ruột ra. Hai tay nó ôm lấy chỗ vết thương, thằng Toàn đành đặt nó nằm trong hầm rồi lao đi trinh sát sau trận bom. Lúc quay về ôm Tinh Tinh vào lòng, con vượn túm chặt lấy áo, giương to đôi mắt như muốn nói điều gì rồi từ từ tắt thở.
Nghe thằng Toàn kể, cả Tiểu đội lặng đi, nhiều đứa rơm rớm nước mắt. Hành động dũng cảm và cái chết của nó như một người lính thực thụ.
(Còn nữa)