"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (12)

Ngày đăng: 04:45 09/03/2024 Lượt xem: 127
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XII:
BẠN TÔI ĐÃ HY SINH NHƯ THẾ
 
          Trước sự đánh phá vô cùng ác liệt của máy bay đich, chủ yếu chúng tập trung vào dẫy trọng điểm liên hoàn ATP hòng cắt đứt sự chi viện từ Miền Bắc vào chiến trường Miền Nam. Trên chủ trương phải mở đường vòng tránh để thoát thế độc đạo của các trọng điểm, phân tán đội hình xe vận chuyển.
        Yêu cầu rất khắt khe: đường phải được giữ bí mật tuyệt đối, phải dấu mình luồn lách dưới các tán lá cây, quá trình thi công phải hạn chế tối đa việc dùng bộc phá, cùng bất đắc dĩ mới phải cưa cây, qua chỗ nào trống vắng phải ngụy trang không để cho địch phát hiện. Cũng bởi vậy mà nó được gọi là “ đường kín”, kí hiệu đường 20B. Đường thì hẹp, phải lượn ngoằn ngoèo qua các gốc cây nên tốc độ chậm, cánh lái xe không khoái lắm.
       Đường đi dưới tán cây xăng lẻ. Những gốc cây to vài  người ôm. Dưới mặt đất sạch sẽ, bằng phẳng đẹp như một bài thơ. Giá như không có chiến tranh, nơi này có thể trở thành khu du lịch sinh thái, chắc đông khách lắm. Tuy nhiên cũng có đoạn phải đi men trên đỉnh núi nên trước sau chỗ ấy cũng bị lộ. Trung đội tôi được điều động lên trấn giữ đoạn đèo ấy. Chúng tôi chia đôi lực lương đóng quân hai bên đèo, vừa để bảo đảm giao thông vừa để nắm quy luật hoạt động của máy bay, hướng dẫn cho xe đi.
        Là đường kín, xe có thể chạy cả ban ngày, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về tốc độ, về khoảng cách giữa hai xe để tránh bụi bay lên cao. Phải tập kết đúng nơi quy định chờ vắng bóng máy bay mới được qua chỗ trống theo hướng dẫn của công binh (con đường này cũng chỉ sau một mùa vận chuyển là bị lộ).
          Tại con đèo này, tôi đã bị mất một đồng đội, một chiến sĩ vô cùng dũng cảm. Anh tên là Trang, người dân tộc Mường, quê Bá Thước Thanh Hóa. Tôi quý Trang bởi anh là mẫu chiến sĩ mà tôi tin rằng thủ trưởng nào cũng thích. Sức khỏe tốt, có nếp sống kỉ luật không nề hà bất kì nhiệm vụ gì, mọi việc to, nhỏ, dù khó khăn đến mấy bao giờ anh cũng xung phong  và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
          Chập tối hôm ấy đoàn xe chất đầy hàng, trong đó chiếc chở đạn,   xăng được lệnh vượt đèo. Mới vài chiếc đi qua trót lọt thì bỗng dưng máy bay địch ùa đến đánh phá. Chúng treo pháo sáng trắng trời, dội bom, bắn rốc két. Trên đỉnh đèo một chiếc Zin175 chở đạn nằm quay ngang, phía sau bị dệ nghiêng xuống taluy âm, chơi vơi như sắp lăn xuống vực, chiến sĩ lái xe bị thương nặng, hơn 20 chiếc dồn ứ lại phía sau.
        Cả trung đội người thì cứu thương binh, phần lớn thì hướng dẫn cho xe tạm lánh vào những vị trí an toàn. Riêng chiếc xe bị nạn trên đỉnh đèo thì chưa biết sử lí thế nào. Không thể dùng xe để kéo vì địa hình không cho phép, cũng không thể dùng sức người để kéo. Chỉ còn mỗi cách dùng bộc phá đánh hất xe xuống vực vừa để giải phóng nhanh mặt đường, vừa đề phòng xe trúng đạn, đạn trên xe phát nổ thì rất nguy hiểm. Đường tắc, số xe còn lại ngày hôm sau sẽ bị chúng săn lung diệt bằng hết.
         Chờ ý kiến của trên, không khí căng như dây đàn. Đúng lúc ấy, Trang gặp tôi đề xuất ý kiến: Xin được lên đỉnh đèo lái  xe ra khỏi tình huống nguy hiểm. Đề xuất của Trang quá bất ngờ. Tôi chưa kịp có phản ứng gì Trang nói luôn; Em biết lái xe, tuy chưa có bằng, hồi còn ở nhà,  anh con ông bác có chiếc xe chuyên chở đá cho công trường, anh đã dậy em lái và nhiều lần em đã được cầm lái…tuy không phải tay lái lụa nhưng em sẽ làm được. Vả lại em không lái xe chạy trên đường mà chỉ đưa xe ra khỏi tình huống nguy hiểm.
       Như hiểu được sự phân vân, lo lắng của tôi Trang giục: Nguy cấp lắm rồi anh ạ. Thời gian bây giờ là vàng, anh quyết ngay đi chứ chờ ý kiến của trên thì muộn mất, biết đến bao giờ đường dây thông tin mới thông.
       Quả thực đây là vấn đề rất lớn, cả cuộc đời quân ngũ của tôi đến mãi sau này chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống cam go đến thế. Liên quan dến sinh mạng của chiến sĩ, liên quan đến cả một xe hàng, chỉ có Thủ trưởng Binh trạm mới có quyền quyết định. Từ Đại đội lên trên bị mất liên lạc, chúng tôi không thể nhận được chỉ đạo. Tôi điện báo cáo lên Đại đội và xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình. Mục tiêu là phải giải phóng cả đoàn xe trước lúc trời sáng, còn trước mắt là cứu xe hàng và giải phóng đường.
    Tôi hoàn toàn ý thức được việc chấp thuận đề xuất của Trang. Nếu chỉ an phận ngồi chờ, đợi và làm theo sự chỉ đạo của trên,  hậu quả có  thế nào thì cũng chả ai trách cứ gì được. Còn thuận theo đề xuất của Trang thì trách nhiệm chính trị sẽ vô cùng lớn lao, nếu không thành cả người và xe lăn xuống vực, trách nhiệm  sẽ thuộc về tôi.
         11h đêm vẫn không ngớt tiếng máy bay gầm rú. Để đưa ra quyết định như chúng tôi đề xuất, chắc Thủ trưởng Đại đội cũng phải bàn bạc, suy nghĩ nhiều và sẵn sang chịu trách nhiệm trước cấp trên. Tôi nhận được điện đồng ý, nhưng đại đội trưởng dặn rất kĩ: khẩn trương, an toàn và phải tranh thủ thời cơ lúc máy bay địch tạm yên. Cùng bất đắc dĩ thì bỏ xe, giữ mgười.
          Tôi, Trang và cậu Thiện cùng lên hiện trường. Sau khi xem xét, Trang trình bầy với tôi phương án giải cứu. Thú thực về khoản này tôi không rành lắm nên cứ tin vào Trang. Trang bảo: ở đây thêm người cũng không giải quyết được gì. Anh với Thiện cứ về hầm trú ẩn, cần gì em gọi. Tôi dặn đi dặn lại: Có chắc thì hãy làm, không chắc thì thôi. Quá trình sử lí nếu có hiện tượng xe nghiêng xuống vực thì phải nhanh chóng thoát ra ngoài, an toàn tính mạng là trên hết. Hai chúng tôi về hầm ẩn nấp cách chỗ Trang tác nghiệp chừng 30m. Hồi hộp quan sát. Tôi thấy Trang chui xuống gầm xe, xem xét kĩ chỗ 2 bánh bị dệ, lấy xẻng đào đào, bới bới một lúc lâu. Sốt ruột quá  tối với Thiện chạy lại xem có cần hỗ trợ gì không. Trang xua tay đuổi chúng tôi về hầm, nó bảo: một mình lo được. Tôi quan sát thấy nó xẻ một vệt thoai thoải từ bánh xe lên mặt đường. Đúng như phương án đã bàn với tôi, tạo đà thuận lợi nhất để khi cài số, nhấn ga là xe vọt lên ngay. Nếu phải dập dình lấy đà thì chiếc xe với trọng tải chừng 5 tấn trên lưng sẽ càng bị dệ thêm, không chừng lăn luôn xuống vực.
        Chúng tôi quay lại hầm trú ẩn. Nghe thấy tiếng máy xe nổ, tôi căng mắt ra nhìn, bỗng tiếng máy rú lên, chiếc xe rung mình rồi chồm lên mặt đường. Thiện reo lên thành công rồi. Tôi thấy Trang điều khiển xe từ từ tấp áp sát vào vách taluy dương. Chiếc xe vừa dừng lại thì một loạt bom dội xuống. Đất đá rơi ào ào. Khi chúng tôi chạy lên thì thấy Trang gục đầu xuống, hai tay vần giữ chặt vô lăng, trên thai dương một dòng máu tươi chảy xuống mặt.
         Trên tuyến vận tải chiến lược, ngầm bao giờ cũng lầ điểm yếu nhất, là tử huyệt của con đường. Ngầm Ta-lê trên đường 20 Quyết-Thắng là trọng điểm trong hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP. Do địch tập trung đánh phá liên tục, việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn nên thủ trưởng Tiểu đoàn chủ trương làm thêm một con ngầm dự phòng gọi là ngầm B. Có 2 ngầm việc giải tỏa ách tắc, thông xe, thông tuyến thuận lợi hơn nhiều.
        Ngầm B nằm cách ngầm A khoảng 200m về phía thượng lưu. Con đường dẫn xuống  ngầm dài khoảng 500m, men theo đồi đất đã bị bom đào xới, không còn một ngọn cỏ. Ở thời điểm đó cả ngầm A và ngầm B đều thuộc Trung đội 1,  Đại đội 5 đảm nhiệm.
         Một ngày cuối tháng 11 năm 1968, trời nặng trĩu, mây dăng xám xịt. Mới khoảng 8h sáng 2 tốp máy bay Mỹ đã lao đến cắt bom tọa độ. Tiếng nổ rền vang mịt mù khói bụi. Anh em trinh sát về báo cáo có 2 quả bom trúng giữ tim đường với khoảng 500m3 đất sạt lở.
        Cả Trung đội lao ra mặt đường, mỗi người một việc, hối hả, người thì san lấp hố bom, người thì  đánh bộc phá…khẩn trương thông tuyến để đón đoàn xe chạy ngày vào lúc 11h trưa. Bỗng trên trời có tiếng máy bay. Tọa độ rồi. Tôi chỉ kịp kéo Trương, 2 anh em cùng lao xuống đáy một hố bom cạnh đó. Tôi quát to: Nằm co người lại, nín thở, 2 tay ôm chặt lấy đầu. Một loạt tiếng nổ lụp bụp, khói bụi mù mịt, khét lẹt xộc vào mồm, vào mũi,  đất đá rào rào trùm lên người.
         Sau đấy, không khí trở lại im lặng, yên tĩnh khác thường. Tôi cố gượng dậy, chui ra khỏi lớp đất dầy đến cổ, toàn thân ê ẩm, máu từ trên đầu chảy xuống ướt mặt, khuỷu tay bên trái trúng mảnh bom. Mũi, miệng cũng ứa máu vì sức ép bom. Trương vẫn im lặng dưới lớp đất vùi, tôi lay gọi trong tiếng thở thều thào rồi cố hết sức kéo em lên. Toàn thân mềm oặt, một mảnh bom oan nghiệt cắm vào đầu, máu chảy đầm đìa. Tôi ôm em vào lòng rồi gục xuống.
         Đồng đội nhanh chóng đưa tôi đi cấp cứu. Lúc tỉnh dạy, anh em cho biết Trương đã hy sinh. Trong lúc đang cấp cứu thì lại nghe tiếng ầm ỳ của máy bay, tất cả lao vội vào chỗ ẩn nấp, một loạt bom tọa độ nữa lại trút xuống đúng điểm chúng đã đánh trước đó, cũng may tất cả đều an toàn. Cái hố bom nơi tôi và Trương nằm rộng ra, sâu thêm nhưng chẳng thấy Trương đâu. Những ngày sau đơn vị vẫn tổ chức tìm kiếm những mãi mãi em không về.
         15 ngày sau vét thương đã tạm ổn, tôi được về đơn vị. Như người mộng du, những lúc không bận gì  lại lang thang trên mép những hố bom, dọc sông Ta-lê để tìm em. Tôi thấy mình có lỗi.
         Trương mới được bổ xung về Trung đội do tôi làm Trung đội trưởng từ chiều muộn hôm trước. Ấn tượng đập vào mắt tôi là một chàng trai khỏe, trẻ , nom dáng vẻ thư sinh với nước da trắng và một nụ cười rất có duyên. Mới chỉ gặp gỡ, làm quen được thế thôi, chưa kịp chuyện trò, chưa kịp ghi trích ngang. Sau này Tiểu đội trưởng cho biết: sớm hôm ấy cho Trương nghỉ, nhưng em không chịu, nhất quyết đòi bằng được đi lấp hố bom và em đã ra đi mãi mãi.
         Mỗi lần nhớ lại cái buổi sáng định mệnh ấy, tôi lại thấy có phần tội lỗi của mình. Giá như tôi biết được đầy đủ cả họ và tên của em, giá như tôi biết được quê quán của em, giá như buổi sáng định mệnh ấy em không khăng khăng đòi đi giữ đường, giá như…
        Đã từng  chứng kiến nhiều sự hy sinh thương tâm, nhưng cái chết của đồng đội bị bom đạn sát hại ngay trong vòng tay của mình đã mãi mãi để lại trong tôi sự dây dứt,  nỗi đau và niềm thương tiệc không nguôi.
         Những người lính quả cảm, bạn tôi đã hy sinh như thế.

(Còn nữa)
         
 
tin tức liên quan