"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (18)

Ngày đăng: 10:27 17/03/2024 Lượt xem: 55
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XVIII:
ANH HÙNG LLVTND VŨ TIẾN ĐỀ
VÀ CHIẾC MÁY ỦI C100
 
      Vũ Tiến Đề sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Phương Đài, xã Cát Hộ nay là xóm 3, xã Đông Dương, Đông Hưng, Thái Bình. Năm 14 tuổi anh tham gia du kích ở địa phương, thuộc diện ưu tiên là con liệt sỹ nên sau 2 lần viết đơn tình nguyện đi bộ đội không được chấp nhận, đến lần thứ 3 anh tình nguyện đi thanh niên xung phong. Tháng 3/1959 Vũ Tiến Đề cùng 400 thanh niên Thái Bình tham gia lưc lượng TNXP mở đường 12 Hòa Bình. Sau hơn một năm phấn đấu anh được chọn  đi học lớp lái xe máy.
       Tốt nghiệp, Vũ Tiến Đề là một trong 6 người được điều động lên Thái Nguyên tiếp nhận 4 chiếc máy ủi do Liên Xô chế tạo. Cả bốn chiếc được tháo rời  xếp lên 16 ôtô chở vào Trường Sơn. Dọc đường bị máy bay đánh phá, vào đến Khăm Muộn ( Lào) lắp dồn lại còn được 3 chiếc. Một trong 3 chiếc ấy được giao cho Vũ Tiến Đề điều khiển. Đấy là chiếc máy ủi đầu tiên tham gia mở đường 20 Quyết-Thắng. Anh được mệnh danh là người đầu tiên mang máy ủi lên đỉnh Trường Sơn. 
        Trên đường 20-Quyết thắng nói riêng và cả tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn nói chung, cua chũ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la- nhích ( A.T.P ) là dẫy trọng điểm liên hoàn bị máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá dữ dội nhất nhưng chỉ duy nhất có một chiếc máy ủi C.100 do Vũ Tiến Đề điều khiển. Trên dẫy trọng điểm này không có mét  đường nào  không in hằn dấu bánh xích của chiếc máy ủi C.100. Như một công cụ đa năng, ngoài việc mở đường, san lấp hố bom, san gạt đất đá sạt lở do địch đánh phá, chiếc C.100 còn kéo xe hàng, rà phá các loại mìn, đẩy ủi các loại bom xuống vực…
           Cuối mùa mưa năm 1968, do yêu cầu của chiến trường, việc khai thông đường phải đẩy sớm lên trước khi mùa khô đến. Trung đội 3, thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 33 được tăng cường chiếc máy  ủi C.100 do Vũ Tiến Đề điều khiển là lực lượng chủ công để thực hiện mệnh lệnh của thủ trưởng Binh trạm 14: Chậm nhất trong vòng một tuần  phải hoàn thành chiến dịch khai thông đoạn đường này.
          Toàn bộ gần 3 km đường từ nam ngầm Ta-lê lên đỉnh đèo Phu-la-nhích bị bùn đất sạt lở phủ kín, có 19 quả bom trúng giữa tim đường, lẫn vào đấy là hàng chục quả bom nổ chậm. Nhiệm vụ được giao cụ thể:  Công binh đi trước rà phá bom nổ chậm, bom từ trường, làm nhiệm vụ cảnh giới còn việc san lấp hố bom, san gạt đất mở đường do máy ủi đảm nhiệm.
       Do lái phụ bị sốt ác tính phải nằm điều trị nên chỉ còn mình Vũ Tiến Đề bám trụ trong buồng máy. Tôi tình nguyện ngồi ghế phụ để vừa quan sát, vừa cảnh giới.  Anh nhắc: Cái chết không được báo trước, nó ập đến bất kì lúc nào, cậu có sẵn sàng không. Tôi trả lời : Anh làm được thì em cũng làm được.
         Sang đêm thứ hai, lúc đang dồn ủi đất xuống taluy âm, bỗng chiếc máy ủi khựng lại. Hai anh em nhẩy xuống  bới đất thì phát hiện  2 quả bom nằm ngáng trước lưỡi ben. Nguy hiểm quá, nếu nó nổ thì bay luôn cả người và xe.
     Hội ý chớp nhoáng. Tôi bảo anh cho xe lùi lại, tôi sẽ cho người lên xử lí. Anh không nghe :
      -Không thể dùng bộc phá kích nổ hoặc dùng sức người vần từng quả, 2 quả này nặng phải trên nửa tấn nếu  nổ sẽ đào một cái hố rất sâu và cắt đứt cả một đoạn đường dài, việc san lấp trong địa hình phức tạp, đất chưa khô sẽ rất khó khăn, mất cả đêm chưa chắc đã xong. Nó đang ngủ,  cứ để tớ lựa ủi xuống cho nổ dưới vực. Rồi anh “ ra lệnh ” bảo tôi lùi về sau tìm chỗ ẩn nấp.
    Anh vỗ nhẹ vào vai tôi: Cứ yên tâm, việc này mình đã xử lí nhiều,  quen rồi. Đẩy tôi về phía sau, anh quay người leo phắt lên xe - Tôi hồi hộp nhìn theo. Chiếc máy ủi tiến, lùi  nhẹ nhàng lựa tư thế từ từ dồn đất thành một đống lấp kín 2 quả bom. Bỗng tiếng máy rú to, chiếc máy ủi chồm lên trong khoảnh khắc đẩy cả khối đất cùng 2 quả bom xuống vực. Sau 2 tiếng nổ xé tai nối tiếp nhau, tôi chạy lên thấy anh đang từ dưới gầm xe chui ra, quần áo bê bết bùn đất. Anh hỏi xem có ai việc gì không, rồi nói: Nhiều lần phải xử lí tình huống trong hoàn cảnh này đã cho mình kinh nghiệm: đấy là những quả bom nổ chậm đang ngủ, ta phải thật nhẹ nhàng, khéo léo, không được để lưỡi ben chạm vào thân bom tạo ma xát và khi đã đẩy phải dứt khoát với tốc độ nhanh nhất như vậy sẽ bảo đảm an toàn. Tiếng bom nổ gần quá làm anh bị ù cả hai tai nhưng anh nhất quyết không chịu nghỉ.
          Hôm nào trời nhiều mây việc thi công phải tranh thủ cả ngày.  Mặc dù đã lái suốt nhiều đêm nhưng anh vẫn không chịu nghỉ. Da đen sạm, hai má hóp lại, đôi mắt trắng dã thâm quầng, râu ria lởm chởm. Tôi biết anh mệt lắm, nhưng anh thì vẫn tỏ ra mình là người mạnh mẽ, không bị khuất phục. Tầm 8h sáng ngày thứ tư, trời yên ắng, chiếc máy ủi đang tiến lùi cần mẫn làm việc, bỗng nghe 3 phát súng cảnh giới báo hiệu có máy bay. Hai anh em vừa kịp lao xuống gầm xe thì nghe tiếng bom bi nổ ran, sau đó là  những tiếng ùng oàng của bom bi nổ chậm. Chúng tôi lọt giữa bãi bom. Những viên bi bắn vào xe chát chúa, tóe lửa.  Cùng lúc hai anh em  nhìn thấy một quả bom bi nổ chậm nằm ngay trước mặt. Tôi chưa kịp phản ứng thì anh đã trườn người  ra, nhanh tay tóm lấy quả bom ném mạnh về phía taluy âm, theo sau là  tiếng nổ chát chúa.
         Con người anh là thế, nhanh nhẹn, quả cảm lúc nào cũng nhận lấy sự nguy hiểm cho riêng mình. Anh bảo: Minh không nhanh và quyết đoán, nó  mà nổ thì anh em  mình sẽ bị dính bi. Đấy là một bài học quý vì quá trình tác nghiệp cũng đã có chiến sỹ bị hy sinh khi bom bi nổ chậm lọt vào cửa hầm mà không kịp phản ứng.
     Chỉ còn đêm cuối cùng là thông tuyến, mọi người đều dốc hết sức lực thì bỗng cái máy ủi dở chứng trật xích. Việc khắc phục không khó nhưng mất nhiều thời gian và phải huy động thêm lực lượng. Lúc anh đang lúi húi xử lí thì quả bom nổ chậm ở taluy dương ngay phía trên xe phát nổ. Đất đá đổ ập xuống, anh bị vùi lấp, lúc đào bới được người anh đã mềm oặt, tiếng thở yếu ớt, anh em xúm vào nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Cả đêm chúng tôi lo lắng nếu mai trời quang mây tạnh thì chiếc máy ủi đang nằm tềnh ềnh ra đấy chắc chắn sẽ là miếng mồi ngon cho máy bay đến đánh phá lúc ấy không những chỉ mất “ cục vàng mười” ấy mà bao nhiêu công lao mở đường trong những ngày qua cũng tan thành mây khói. Nhưng mới tờ mờ sáng đã thấy anh lọ mọ về và dứt khoát đòi ra mặt đường mặc cho mọi người can ngăn. Anh bảo: Phải chạy đua với thời gian, trời đang nhiều mây là cơ hội tốt để ta tranh thủ, nắng lên OV.10 lượn lờ thấy cái máy ủi nằm đấy là mất hết. Thế là anh cùng tất cả chúng tôi lao vào cứu chiếc máy ủi trước khi trơi quang mây.
       Bước vào mùa khô 1971, địch áp dụng chiến thuật mới, cứ khoảng chập choạng tối 2 chiếc F.4 lại bay thấp thả hàng loạt hốn hợp các loại  mìn lá, mìn cóc, mìn bướm, mìn dây… dọc theo đoạn đường trên đình đèo Phu-la-nhích mỗi loại hàng trăm quả. Mặc dù súc công phá không lớn nhưng ngoài gây sát thương cho người nó còn có thể gây hư hại lốp và một số bộ phận khác của xe ô tô. Những ngày đầu phải dùng sức người xử lí gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian, nhặt không hết   những quả còn sót lại như cái bẫy chực chờ rất nguy hiểm. Trước tình hình đó, Vũ Tiến Đề đề xuất phương án dùng máy ủi để phá mìn. Anh nêu phương án: để bảo đảm an toàn ta sẽ biến buồng lái thành chiếc lô cốt di động, ken dầy 20cm nứa bao quanh buồng lái, chỉ mở một cửa sổ nhỏ phía trước vừa đủ tầm quan sát. Các loại mìn lá, mìn bướm, mìn cóc dùng xích xe nghiền, với mìn dây dùng mấy cây tre bưộc phía trước để chọc cho vướng nổ, bược phía sau để rà những quả còn sót. Cứ lượn vài vòng, chà đi chà lại chắc chắn sẽ không sót quả nào, vừa nhanh lại an toàn tuyệt đối.
     Trong suốt thời gian chống Mĩ ở A-T-P,  anh đã thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 5 năm liền được bầu là chiến sỹ thi đua toàn quốc, được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công. Ngày 22/12/1969 Vũ Tiến Đề được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.
  
(Còn nữa)
tin tức liên quan